Trong dự án đầu tư xây dựng, nguồn vốn để thực hiện dự án là hết sức quan trọng. Vậy để xác định loại vốn đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng thì pháp luật về xây dựng quy định như thế nào? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Cách xác định loại vốn đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng:
1.1. Dự án đầu tư xây dựng là gì?
Theo quy định, dự án đầu tư xây dựng là tổng hợp các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để tiến hành hoạt động xây dựng bao gồm:
+ Xây dựng mới công trình;
+ Sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng.
Mục đích: dự án đầu tư xây dựng nhằm phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong thời hạn và chi phí xác định.
Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, dự án được thể hiện thông qua:
+ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng;
+ Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng;
+ Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
1.2. Cách xác định loại vốn đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng:
Để xác định các loại vốn trong dự án đầu tư xây dựng, trước hết cần phân loại các loại vốn tương ứng với việc phân loại dự án đầu tư theo loại vốn.
Xét theo nguồn vốn sử dụng, hình thức dự án đầu tư xây dựng được phân loại bao gồm:
+ Dự án sử dụng vốn đầu tư công;
+ Dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công;
+ Dự án PPP;
+ Dự án sử dụng vốn khác.
Ngoài ra sẽ tồn tại dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn hỗn hợp nghĩa là gồm nhiều nguồn vốn nêu trên được phân loại để quản lý như sau:
– Dự án sử dụng vốn hỗn hợp có tham gia của vốn đầu tư công được quản lý theo quy định của dự án sử dụng vốn đầu tư công;
– Dự án PPP có sử dụng vốn đầu tư công được quản lý theo quy định của pháp luật về PPP;
– Dự án sử dụng vốn hỗn hợp bao gồm: vốn nhà nước ngoài đầu tư công và vốn khác.
+ Nếu trường hợp có tỷ lệ vốn nhà nước ngoài đầu tư công lớn hơn 30% hoặc trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư thì được quản lý theo các quy định đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công.
+ Trường hợp còn lại được quản lý theo quy định đối với dự án sử dụng vốn khác.
Như vậy, dựa vào cách phân loại trên có thể xác định được các loại vốn trong các dự án đầu tư xây dựng. Căn cứ khoản 9 Điều 3 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định:
– Dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công là dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về đấu thầu nhưng không bao gồm vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Khoản 44 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013 cũng quy định rõ vốn nhà nước bao gồm:
+ Vốn ngân sách nhà nước;
+ Công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương;
+ Vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp;
+ Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước;
+ Vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh;
+ Vốn vay được bảo đảm bằng tài sản của Nhà nước;
+ Vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước; giá trị quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, theo quy định vốn nhà nước ngoài ngân sách là vốn nhà nước theo quy định của pháp luật nhưng không bao gồm vốn ngân sách nhà nước. Nghĩa là nguồn vốn không nằm trong dự toán ngân sách Nhà nước được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định.
Trường hợp không thuộc vốn Nhà nước (vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách) thì thuộc nguồn “vốn khác.
2. Các loại dự án đầu tư xây dựng:
Việc phân loại dự án đầu tư xây dựng có ý nghĩa là giúp:
+ Phân cấp quản lý của cơ quan có thẩm quyền nhằm giám sát quá trình thi công, quản lý năng lực của tổ chức, cá nhân hành nghề lập dự án và quản lý dự án;
+ Quản lý các chi phí phát trình trong quá trình thực hiện dự án.
Điều 49 Luật xây dựng năm 2014 quy định các loại dự án đầu tư xây dựng được phân loại như sau:
– Dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo quy mô, mức độ quan trọng;
– Công năng phục vụ, tính chất chuyên ngành của công trình và mục đích quản lý; nguồn vốn sử dụng và hình thức đầu tư.
– Căn cứ quy mô, mức độ quan trọng, dự án đầu tư xây dựng được phân loại thành:
+ Dự án quan trọng quốc gia;
+ Dự án nhóm A;
+ Dự án nhóm B;
+ Dự án nhóm C.
Quy định của pháp luật về đầu tư công quy định rõ về các tiêu chí để phân loại các nhóm dự án đầu tư này.
– Căn cứ công năng phục vụ, tính chất chuyên ngành của công trình và mục đích quản lý, dự án đầu tư xây dựng được phân loại thành các dự án sau:
+ Đầu tư xây dựng công trình dân dụng;
+ Đầu tư xây dựng công trình công nghiệp;
+ Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật;
+ Đầu tư xây dựng công trình giao thông;
+ Đầu tư xây dựng công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn;
+ Đầu tư xây dựng công trình quốc phòng, an ninh;
+ Đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp khác.
– Căn cứ nguồn vốn sử dụng và hình thức đầu tư, dự án đầu tư xây dựng được phân loại thành các dự án sau:
+ Dự án sử dụng vốn đầu tư công;
+ Dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công;
+ Dự án PPP;
+ Dự án sử dụng vốn khác.
Như đã phân tích ở trên dự án đầu tư xây dựng được sử dụng một hoặc nhiều nguồn vốn khác nhau; có một hoặc nhiều công trình với loại và cấp khác nhau.
3. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng:
Để hoạt động đầu tư xây dựng đạt hiệu quả trên thực tế, Luật Xây dựng đã quy định các hành vi bị cấm trong lĩnh vực xây dựng để điều chỉnh hoạt động này, cụ thể đó là nghiêm cấm các hành vi sau:
– Quyết định đầu tư xây dựng không đúng với quy định như quyết định đầu tư xây dựng được ban hành trái, không đúng với thẩm quyền.
– Khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công. Theo quy định việc khởi công xây dựng công trình phải bảo đảm các điều kiện sau: Có mặt bằng xây dựng, có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng; có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, có hợp đồng thi công xây dựng, được bố trí đủ vốn theo tiến độ xây dựng công trình; có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng.
+ Đối xây dựng nhà ở riêng lẻ chỉ cần có giấy phép xây dựng đối với công trình quy định bắt buộc phải có giấy phép.
– Một số vi phạm khi xây dựng công trình như: Xây dựng trong khu vực cấm xây dựng, xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, lấn chiếm khu di tích lịch sử – văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác, xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống, trừ công trình xây dựng để khắc phục những hiện tượng này;
– Xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng, trừ trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn;
– Hành vi vi phạm chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng;
– Hành vi xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp;
– Hành vi lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán của công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước trái với quy định;
– Nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng khi không đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện dự án;
– Chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện dự án;
– Xây dựng công trình không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được lựa chọn áp dụng cho công trình;
– Hành vi sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, môi trường;
– Vi phạm quy định về an toàn lao động, tài sản, phòng, chống cháy, nổ, an ninh, trật tự và bảo vệ môi trường trong xây dựng;
– Sử dụng công trình không đúng với mục đích, công năng sử dụng;
– Xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung;
– Đưa, nhận hối lộ trong hoạt động đầu tư xây dựng;
– Lợi dụng pháp nhân khác để tham gia hoạt động xây dựng
– Dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công xây dựng công trình;
– Lạm dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về xây dựng;
– Bao che, chậm xử lý hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng;
– Cản trở hoạt động đầu tư xây dựng đúng pháp luật.
Những hành vi vi phạm nêu trên đều sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020;
– Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng.