Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là một trong những loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. Vậy mức phạt khi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Quy định về đất thuộc di tích văn hóa, lịch sử:
- 2 2. Mức phạt khi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử:
- 3 3. Trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử:
- 3.1 3.1. Lập biên bản vi phạm hành chính hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử:
- 3.2 3.2. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử:
- 3.3 3.3. Thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử:
1. Quy định về đất thuộc di tích văn hóa, lịch sử:
Căn cứ điểm e khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013 quy định đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh là một trong những loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. Điều 158 Luật Đất đai 2013 quy định về Đất có di tích lịch sử – văn hóa, Điều này quy định Đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bảo vệ thì phải được quản lý nghiêm ngặt theo quy định sau đây:
– Đối với đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang trực tiếp quản lý theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đó phải chịu trách nhiệm chính trong việc sử dụng đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;
– Đối với đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh không thuộc quy định trên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh phải chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý diện tích đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;
– Đối với đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh bị lấn, bị chiếm, sử dụng không đúng với mục đích, sử dụng trái pháp luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mà có đất có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Theo đó, đất có di tích lịch sử – văn hóa chỉ được phép sử dụng vào mục đích có di tích lịch sử – văn hóa. Trong trường hợp đặc biệt cần thiết phải sử dụng đất có di tích lịch sử – văn hóa vào các mục đích khác thì việc chuyển mục đích phải phù hợp với quy hoạch, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và buộc phải có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định xếp hạng đối với di tích lịch sử – văn hóa đó. Cá nhân, tổ chức không được phép lấn, chiếm đất có di tích lịch sử – văn hóa, nếu người nào có hành vi lấn, chiếm đất có di tích lịch sử – văn hóa sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Mức phạt khi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử:
Căn cứ khoản 7 Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, quảng cáo quy định phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
– Hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, trừ các trường hợp vi phạm các quy định về di sản thiên nhiên được quy định tại Luật bảo vệ môi trường;
– Lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, trừ các trường hợp vi phạm các quy định về di sản thiên nhiên được quy định tại Luật bảo vệ môi trường;
– Sử dụng trái phép di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;
– Làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mà không có giấy phép theo quy định;
– Mua, bán, trao đổi, vận chuyển trái phép trên lãnh thổ Việt Nam những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc về di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp;
– Làm hư hại nghiêm trọng hiện vật trong bảo tàng, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh mà đã được xếp hạng hoặc được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích của địa phương.
Theo quy định trên thì người nào có hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử – văn hóa thì sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Thêm nữa, khoản 1, 2, 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 128/2022/NĐ-CP quy định:
– Mức phạt tiền quy định tại Chương II và Chương III Nghị định 38/2021/NĐ-CP này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân.
– Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
– Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và tối đa 100.000.000 đồng đối với tổ chức.
Như vậy, qua các quy định trên thì mức phạt khi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử được quy định như sau:
– Đối với cá nhân có hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử: phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
– Đối với tổ chức có hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử: phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Đồng thời với mức phạt tiền nêu trên thì cá nhân, tổ chức có hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử còn phải khắc phục hậu quả là buộc trả lại đất đã bị lấn chiếm (trừ trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất mà pháp luật quy định).
3. Trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử:
Trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử được thực hiện như sau:
3.1. Lập biên bản vi phạm hành chính hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử:
Những người sau đây có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử khi phát hiện ra hành vi vi phạm:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp;
– Công an nhân dân;
– Thanh tra chuyên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
– Thanh tra Tài nguyên và Môi trường;
– Những người sau đây đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo:
+ Công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân;
+ Chiến sĩ Bộ đội biên phòng;
+ Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sĩ Bộ đội biên phòng;
+ Đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm;
+ Công chức hải quan;
+ Đội trưởng, Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan;
+ Tổ trưởng thuộc Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
+ Đội trưởng thuộc Chi cục Kiểm tra sau thông quan.
3.2. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử:
Những người sau đây có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Công an nhân dân (bao gồm Chiến sỹ Công an nhân dân đang thi hành công vụ; Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng thuộc Công an cấp tỉnh,…);
– Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang thi hành công vụ;
– Chánh Thanh tra sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp sở;
– Trưởng Đoàn thanh tra chuyên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bộ;
– Thanh tra Tài nguyên và Môi trường.
– Lưu ý về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử:
+ 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử;
+ 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử nếu vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt;
+ 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử nếu vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan;
+ 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử nếu vụ việc thuộc trường hợp:
++ Có yêu cầu giải trình;
++ Có yêu cầu phải xác minh.
3.3. Thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử:
Người bị xử phạt hành chính hành vi lấn chiếm đất đai thuộc di tích văn hóa, lịch sử thực hiện đúng các quy định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 38/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, quảng cáo;
– Luật Đất đai 2013.