Hiện nay, trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin sao cho phù hợp với sự phát triển của trẻ, được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề mình quan tâm. Bài viết dưới đây đi sâu tìm hiểu hơn về vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến của trẻ em:
1.1. Quy định của pháp luật về các loại quyền của trẻ em:
Căn cứ theo Luật Trẻ em năm 2018 hiện nay thì trẻ em có những quyền cơ bản sau đây:
– Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, bởi theo quy định của pháp luật thì công dân có quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển;
– Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật;
– Trẻ em có quyền được chăm sóc ở mức tốt nhất về sức khỏe, trẻ em là đối tượng được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám chữa bệnh;
– Trẻ em có quyền được chăm sóc, trẻ em được quyền nuôi dưỡng để phát triển toàn diện một cách toàn diện nhất, có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân, quyền vui chơi, giải trí;
– Trẻ em có quyền tự do tín ngưỡng, có quyền tự do tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào và phải được bảo đảm an toàn, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em;
– Trẻ em có quyền sở hữu, có quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam;
– Trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến;
– Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục trái với quy định của pháp luật;
– Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, được bảo vệ dưới mọi hình thức để bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em;
– Trẻ em có quyền được ưu tiên bảo vệ, có quyền được ưu tiên trợ giúp dưới mọi hình thức để thoát khỏi tác động của thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang … và một số quyền khác theo quy định của pháp luật.
1.2. Quy định về quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến của trẻ em:
Căn cứ theo Điều 33 của Luật Trẻ em năm 2018, có quy định về quyền được tiếp cận thông tin và bày tỏ ý kiến của trẻ em, cụ thể như sau: Trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, phù hợp. Không chủ thể nào được quyền ngăn cản hoặc thực hiện các hành vi cản trở trẻ em tiếp cận thông tin và bày tỏ quan điểm, ý kiến. Trẻ em có quyền tìm kiếm, có quyền thu nhận các thông tin cần thiết dưới mọi hình thức và theo mong muốn nhu cầu của trẻ em. theo quy định của pháp luật và được tham gia hoạt động xã hội phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực của trẻ em.
Đồng thời, căn cứ theo Điều 2 Luật Tiếp cận thông tin 2016 có quy định khái niệm thông tin, theo đó thì thông tin được hiểu là tin và dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm … hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạo ra. Các đối tượng là trẻ em có quyền tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, tiếp cận thông tin một cách phù hợp với các vấn đề liên quan đến trẻ em cũng như các vấn đề của xã hội. Ngoài ra, trẻ em được tìm kiếm và có quyền thu thập thông tin theo quy định của pháp luật, quá trình tìm kiếm và thu thập thông tin nàynhằm đảm bảo cơ hội tiếp cận, học tập và phát triển của trẻ em. Ngoài ra, thì bên cạnh quyền tiếp cận về thông tin, trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng.
Hoạt động xã hội là toàn bộ những hành động trên thực tế của các chủ thể là tổ chức và cá nhân, thuộc mọi tầng lớp xã hội nhằm đem lại quyền lợi hợp pháp cho xã hội nói chung, và đem lại quyền lợi cho con người nói riêng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của xã hội, đem lại cho con người cuộc sống ngày càng hạnh phúc, tươi đẹp hơn. Trẻ em có quyền tham gia vào các hoạt động xã hội phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực của trẻ em như tham gia dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng, hưởng ứng phong trào ủng hộ đồng bào thiên tai. Chăm sóc cây hoa tại nơi công cộng, tham gia đội tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội ở trường, lớp, xã, địa phương …
2. Trách nhiệm bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin và bày tỏ ý kiến của trẻ em:
Thứ nhất, cha mẹ và người giám hộ, các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, văn hóa, tổ chức xã hội, cơ sở dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có trách nhiệm tạo mọi điều kiện để trẻ em được tiếp cận các nguồn thông tin phù hợp với lứa tuổi, giới tính và sự phát triển của trẻ em, được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề trẻ em quan tâm, tham gia các hoạt động xã hội phù hợp với năng lực, lứa tuổi và giới tính của trẻ em.
Thứ hai, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, văn hóa, tổ chức xã hội, cơ sở dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có trách nhiệm công khai thông tin về tổ chức, hoạt động của đơn vị mình thông qua các hình thức phù hợp. Các thông tin mà trẻ em được tiếp cận, được cung cấp phải vì lợi ích của trẻ em, không xâm hại, không ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ em.
Thứ ba, cơ quan xây dựng pháp luật, chính sách về trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em phải nghiên cứu, tham khảo ý kiến của trẻ em. Diễn đàn trẻ em là hoạt động để đại diện của trẻ em nói lên ý kiến, nguyện vọng của trẻ em hoặc để các cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em về những vấn đề có liên quan đến trẻ em.
Thứ tư, các ý kiến và các nguyện vọng của trẻ em gửi đến cơ quan, tổ chức, cơ sở có liên quan phải được trả lời, được giải thích, được đáp ứng trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cơ sở đó. Các hoạt động bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của trẻ em phải vì lợi ích của trẻ em và phù hợp với sự phát triển của trẻ em.
Thứ năm, các hoạt động xã hội của trẻ em phải vì lợi ích của trẻ em, của xã hội và không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ em, không được lợi dụng các hoạt động xã hội có sự tham gia của trẻ em vào các mục đích trái pháp luật, tiến hành biểu tình, kinh doanh trái pháp luật, lạm dụng và xâm hại trẻ em.
3. Một số thiết chế bảo đảm quyền của trẻ em trên thực tế:
Nói chung, môi trường bảo vệ trẻ em hiệu quả nhất là môi trường đặt trong sự bảo vệ của pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Bên cạnh đó, sự chung tay của các cơ quan tư pháp, của hệ thống hỗ trợ – bảo vệ trẻ em cũng như những người làm việc trong đó và các yếu tố gia đình, nhà trường, xã hội là những yếu tố then chốt cùng tạo nên một môi trường thực sự an toàn đối với trẻ em.
Thứ nhất, yếu tố gia đình. Không nơi nào có thể bảo vệ quyền lợi của trẻ em tốt bằng chính gia đình các em. Tuy nhiên, đôi khi mối quan hệ giữa một đứa trẻ và gia đình của mình lại có thể bị phá vỡ, bị lệch lạc và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình. Do đó, để phòng ngừa sự xuất hiện các yếu tố nguy cơ biến trẻ em thành nạn nhân cũng như nguy cơ trẻ em vi phạm pháp luật, cần có các biện pháp và chiến lược để ngăn chặn, chống lại bạo lực gia đình. Cha mẹ – bên cạnh việc duy trì nâng cao đời sống kinh tế gia đình, đảm bảo đời sống vật chất cho các con mình, duy trì nếp sống đạo đức của gia đình – phải thể hiện vai trò xã hội của mình một cách tốt nhất, tránh các hành vi vi phạm pháp luật để trẻ noi gương. Cha mẹ cần hướng dẫn cụ thể cho con cái nhận thức về hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời hướng cho các em có thái độ rõ ràng đối với các hành vi đó, từ đó xây dựng cho trẻ khả năng tự nhận biết và tự vệ. Gia đình phải là nơi trẻ cảm nhận được sự an toàn cao nhất. Để đảm bảo điều đó, cha mẹ, các thành viên thành niên khác trong gia đình cần gần gũi trẻ để nắm bắt được sự thay đổi trong tâm lý cũng như phán đoán được những nguy cơ mà trẻ có thể bị xâm hại từ chính gia đình cũng như xã hội, từ đó có biện pháp cần thiết để bảo vệ trẻ. Các chương trình hướng dẫn nuôi dạy con cái cho các bậc phụ huynh nên được tổ chức thường xuyên để tăng cường sự tương tác giữa cha mẹ với con cái và xây dựng các chương trình thanh tra bất thường các ngôi nhà có trẻ em còn rất nhỏ. Đối với những trẻ em đã bị bạo lực gia đình, cần đưa các em đến với các mô hình “Ngôi nhà an toàn” để phòng ngừa khả năng các em tiếp tục bị xâm hại và ngăn chặn việc hình thành các nguy cơ dẫn đến các em trở thành chủ thể vi phạm pháp luật.
Thứ hai, yếu tố nhà trường. Các chương trình phòng ngừa dành riêng cho trẻ em bao gồm chương trình liên quan đến giáo dục và các hoạt động tích cực là một cách phổ biến thực hiện việc ngăn chặn hành vi chống đối xã hội. Hệ thống giáo dục đang là một biện pháp tốt nhất để giúp trẻ em có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xã hội; các chương trình hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em chỉ thực sự tốt khi được thực hiện đồng thời trong gia đình và nhà trường. Trường học trang bị cho các em những kiến thức văn hóa, xã hội, các kỹ năng sống để các em có thể nhận thức được cách hành xử phù hợp với đạo đức và pháp luật. Bên cạnh đó cần trang bị cho các em các kiến thức về quyền và bổn phận của các em cũng như các kỹ năng tự vệ, nhận biết các nguy cơ có thể dẫn đến việc các em bị xâm hại và biết cách xử lý nó. Để làm được điều đó, cần gắn kết học sinh với giáo viên, giáo viên không chỉ là người thầy mà còn là người bạn với các em để các em tin tưởng, chia sẻ suy nghĩ và tình cảm, qua đó giáo viên nắm bắt được tâm lý cũng như có thể cùng các em tìm ra cách giải quyết tốt nhất cho những vướng mắc trong cuộc sống, ổn định tâm lý lứa tuổi cho các em và xử lý những nguy cơ biến các em trở thành nạn nhân cũng như định hướng kịp thời những hành vi, suy nghĩ lệch chuẩn của các em. Ngoài ra, nhà trường cũng cần tạo mối quan hệ gắn kết với gia đình của các em, xây dựng cho các em những mối quan hệ bạn bè tốt trong lớp, trong trường, tránh mọi hành vi kỳ thị, phân biệt và gây áp lực đối với các em, để trẻ em thực sự cảm thấy được an toàn từ trong suy nghĩ của mình.
Thứ ba, yếu tố nhà nước. Với chức năng nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan thi hành án – trong phạm vi quyền hạn của mình – có trách nhiệm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm quyền trẻ em trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật và nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ. Đặc biệt, các cơ quan này cần thực hiện nghiêm các quy định về người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại, đương sự… để đảm bảo các em được hỗ trợ về pháp lý, tâm lý.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Trẻ em năm 2018.