Nạn buôn bán người những năm gần đây diễn ra đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt là buôn bán trẻ em. Vậy trường hợp cha mẹ bán con mình có phạm tội buôn bán trẻ em không?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là hành vi mua bán trẻ em?
Mua bán trẻ em hay còn gọi là mua bán người dưới 16 tuổi khi thực hiện một trong các hành vi sau:
– Hành vi chuyển giao người dưới 16 tuổi để nhằm mục đích nhận tiền hay tài sản, lợi ích vật chất khác.
– Hành vi tiếp nhận người dưới 16 tuổi để nhằm mục đích giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
– Hành vi chuyển giao người dưới 16 tuổi để nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
– Hành vi tiếp nhận người dưới 16 tuổi với mục đích để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
– Có hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi chuyển giao người theo quy định.
2. Cha mẹ bán con mình có phạm tội buôn bán trẻ em không?
Căn cứ Điều 151 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội mua bán người dưới 16 tuổi như sau:
– Khung 1: phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
+ Thực hiện hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
+ Thực hiện hành vi chuyển giao để nhằm mục đích giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo.
+ Có hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi chuyển giao để nhằm mục đích giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo hoặc hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
– Khung 2: phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi phạm tội.
+ Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội.
+ Thực hiện hành vi vi phạm đối với từ 02 người đến 05 người.
+ Thực hiện hành vi vi phạm đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng.
+ Thực hiện hành vi đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là hành vi người phạm tội đã hoặc đang đưa nạn nhân ra khỏi biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trường hợp thực hiện thủ tục xuất cảnh đối với nạn nhân cũng được coi là đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
+ Phạm tội 02 lần trở lên: người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Vì mục đích đê hèn mà thực hiện hành vi phạm tội.
+ Gây hậu quả thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
+ Gây hậu quả làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
+ Lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân: cụ thể là đối tượng thực hiện hành vi vi phạm thực hiện hành vi mua bán người dưới 16 tuổi, sau đó lấy đi bộ phận cơ thể của nạn nhân.
+ Thực hiện hành vi phạm tội đối với 06 người trở lên.
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Ngoài mức phạt như trên, người thực hiện hành vi phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo quy định trên, pháp luật hiện không quy định phân biệt người phạm tội là cha, mẹ trẻ em hay người khác, chỉ cần người nào có những hành vi như trên đủ dấu hiệu sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội buôn bán người dưới 16 tuổi.
3. Các dấu hiệu để cấu thành tội mua bán trẻ em theo quy định:
* Mặt khách quan:
Mặt khách quan của tội mua bán trẻ em được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có các hành vi cụ thể sau:
– Hành vi chuyển giao người dưới 16 tuổi để nhằm mục đích nhận tiền hay tài sản, lợi ích vật chất khác.
– Hành vi tiếp nhận người dưới 16 tuổi để nhằm mục đích giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
– Hành vi chuyển giao người dưới 16 tuổi để nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
– Hành vi tiếp nhận người dưới 16 tuổi với mục đích để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
– Có hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi chuyển giao người theo quy định.
* Mặt khách thể:
Khách thể của tội buôn bán trẻ em là quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em.
* Mặt chủ quan:
– Yếu tố lỗi. Người thực hiện hành vi vi phạm thực hiện với lỗi cố ý>
– Động cơ thực hiện hành vi vi phạm: vì mục đích cá nhân vụ lợi.
Động cơ thực hiện hành vi mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt nêu trên không phải là dấu hiệu cấu thành cơ bản mà chỉ có ý nghĩa trong việc định khung tăng nặng.
* Mặt chủ thể:
Chủ thể của tội mua bán trẻ em là bất cứ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
4. Giải pháp ngăn chặn hành vi mua bán trẻ em:
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, được Chính phủ và Bộ Công an quan tâm tập trung chỉ đạo quyết liệt.
Thực tế hiện nay, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người, nhất là trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, xu hướng tăng, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ, xuyên quốc gia và quốc tế.
Hiện nay, Nhà nước đưa ra một số chính sách nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm trên như sau:
– Tăng cường công tác rà soát để nắm tình hình, chủ động phát hiện và xử lý triệt để các trung tâm môi giới trái pháp luật về hôn nhân có yếu tố nước ngoài, xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi nhằm hoạt động mua bán người.
– Tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, khắc phục những sơ hở trong quản lý người nước ngoài,…
– Thực hiện các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân, cụ thể là chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân, tăng cường cảnh giác phòng ngừa và tự giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
– Triển khai có hiệu quả các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người, trọng tâm là tuyến biên giới Việt Nam- Trung Quốc, Việt Nam- Cam-pu-chia.
– Tập trung đấu tranh và truy bắt đối tượng phạm tội, nhất là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, đảm bảo mọi hành vi phạm tội mua bán người đều được phát hiện và xử lý nghiêm minh.
– Thực hiện các chính sách phát triển và hợp tác quốc tế với các cơ quan thực thi pháp luật, lực lượng cảnh sát các nước trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.
– Cán bộ địa phương tăng cường tổ chức rà soát các trường hợp sang nước ngoài làm việc, các trường hợp vắng mặt lâu ngày tại địa phương không rõ lý do, nghi bị mua bán; nhất là phụ nữ, trẻ em, người kết hôn với người nước ngoài có nghi vấn; đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa… để có các biện pháp hỗ trợ, giải cứu.
– Đối với lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, cửa khẩu, các đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép.
– Thực hiện thông báo rộng rãi số điện thoại đường dây nóng của cán bộ công an để kịp thời tiếp nhận, xử lý các vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của bộ luật hình sự.