Xuất phát từ tư tưởng nể bạn, nên nhiều chủ thể hiện nay thỉnh thoảng vẫn tạo điều kiện cho bạn mình vào nhà để sử dụng trái phép chất ma túy. Vậy thì câu hỏi đặt ra: Phạm tội gì trong trường hợp cho bạn vào nhà dùng ma tuý?
Mục lục bài viết
- 1 1. Phạm tội gì trong trường hợp cho bạn vào nhà dùng ma tuý?
- 2 2. Phân biệt tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 255 với tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015:
- 3 3. Một số giải pháp giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng sử dụng dẫn đến sự phát triển của các loại tội phạm về ma túy:
1. Phạm tội gì trong trường hợp cho bạn vào nhà dùng ma tuý?
1.1. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 trong trường hợp cho bạn vào nhà dùng ma tuý:
Hiện nay diễn ra rất nhiều trường hợp, mặc dù không trực tiếp sử dụng ma túy nhưng vẫn cho bạn vào nhà để họ sử dụng ma túy trong chính ngôi nhà của mình. Nhiều người cho rằng khi thực hiện hoạt động này thì sẽ không vi phạm quy định của pháp luật, mà chỉ dừng lại ở việc cho bạn dùng nhờ địa điểm. Tuy nhiên đây là một quan điểm sai lầm. Vậy nếu cho bạn vào nhà sử dụng ma túy thì sẽ phạm tội gì? Hành vi cho bạn vào nhà dùng ma túy (bao gồm cả trường hợp chủ nhà có dùng hoặc không dùng) nếu thỏa mãn cũng thành tội phạm theo quy định tại Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Hành vi khách quan của tội phạm này được quy định là hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý. Biểu hiện thực tế của hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý có thể là hành động, như cho mượn, cho thuê địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lí để người khác trực tiếp sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc cũng có thể là không hành động như không ngăn cản người khác sử dụng chỗ ở, chỗ làm việc của mình làm chỗ tiêm chích, hút, hít chất ma tuý … Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Người phạm tội biết hành vi mà mình thực hiện là tạo điều kiện về địa điểm cho việc sử dụng trái phép chất ma tuý.
Như vậy, mặc dù, bạn không sử dụng ma túy, nhưng bạn biết rõ việc các bạn của mình sử dụng trái phép chất ma túy tại nơi ở của mình và không hề có bất cứ hành động nào ngăn chặn, cũng như thông báo cho chính quyền địa phương. Do đó, bạn hoàn toàn có thể bị truy tố về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của pháp luật tại Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
1.2. Quy định về hình phạt tù trong trường hợp cho bạn vào nhà dùng ma tuý:
Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định 2 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung, cụ thể là:
– Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm;
– Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 02 lần trở lên; đối với người dưới 16 tuổi; đối với 02 người trở lên; hoặc tái phạm nguy hiểm …
Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, đối với trường hợp cho bạn vào nhà dùng ma tuý, khung hình phạt sẽ có thể giao động từ 02 năm đến 15 năm tùy theo từng trường hợp khác nhau dựa trên kết luận điều tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Phân biệt tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 255 với tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015:
Theo quy định của Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là hành vi của người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý, biết người khác là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, nhưng vẫn cho họ mượn hoặc thuê địa điểm đó để họ trực tiếp sử dụng trái phép chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng ma túy hoặc biết người khác (không phải là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng mình) là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, tuy không cho họ thuê, mượn địa điểm, nhưng lại để mặc cho họ hai lần sử dụng trái phép chất ma túy trở lên hoặc để mặc cho nhiều người sử dụng trái phép chất ma túy. So sánh với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cho thấy, bên cạnh những điểm giống nhau nói trên của các tội phạm về ma túy, giữa hai tội phạm này còn một số điểm khác nhau như sau:
Thứ nhất, về hành vi khách quan, hành vi chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị địa điểm để sử dụng trái phép chất ma túy luôn là hành động cố ý của người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy còn hành vi cấu thành tội chứa chấp người khác sử dụng trái phép chất ma túy thì có thể là hành động hoặc không hành động. Vì vậy, về yếu tố lỗi, tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy luôn là lỗi cố ý trực tiếp, còn đối với tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Mặt khác, người có hành vi phạm tội chứa chấp người khác sử dụng trái phép chất ma túy không chủ động đứng ra tổ chức sử dụng mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng ma túy.
Thứ hai, mục đích phạm tội là yếu tố khác nhau cơ bản nhất của hai loại tội phạm này. Người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nhằm mục đích chính là đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác, còn người phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy nhằm cho người sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng trái phép chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy.
Thứ ba, người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chị trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy. Nhưng nếu các chủ thể đó mà ngoài việc cho thuê, cho mượn địa điểm, người phạm tội, còn tiếp tục có những hành vi khác như dẫn dắt, lôi kéo con nghiện, cung cấp ma túy, phương tiện, dụng cụ, canh gác cho người sử dụng ma túy để tránh cơ quan chức năng … thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Trong trường hợp người có địa điểm, cho người khác mượn hoặc thuê địa điểm mà biết là họ dùng địa điểm đó không phải để họ sử dụng chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy, mà dùng địa điểm đó để đưa chất ma túy trái phép vào cơ thể người khác, thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 255 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ví dụ: A cho B thuê nhà để B sử dụng nhà làm nơi tiêm chích thuốc phiện cho C thì cả A và B đều phạm tội thuộc Điều 255 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, trong trường hợp người biết người khác đang sử dụng ma túy trái phép lại chủ động đưa con nghiện về địa điểm nào đó để tiếp tục sử dụng … nếu sự bắt gặp này hoàn toàn do ngẫu nhiên, không có sự chuẩn bị địa điểm trước, thì sẽ chỉ coi đây là hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.
3. Một số giải pháp giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng sử dụng dẫn đến sự phát triển của các loại tội phạm về ma túy:
Thứ nhất, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng chống tội phạm ma túy nổi chung và tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nói riêng thông qua các câu lạc bộ pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật ở tất cả các cấp thôn, xóm, xã, huyện, tỉnh, trung ương, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như loa đài phát thanh của phường, xã, thôn, xóm, truyền hình địa phương và trung ương, báo chí, tờ rơi … Đồng thời cần tăng cường xét xử lửa động, xét xử công khai các vụ án về ma túy để nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Thứ hai, phát động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người phạm tội tại cộng đồng dân cư, vận động người phạm tội ra tự thú, khai báo thành khẩn, truy bắt đối tượng phạm tội có lệnh truy nã; thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ khen thưởng, biểu dương kịp thời, hỗ trợ để khuyến khích, động viên tất cả quần chúng, nhân dân tham gia phong trào toàn dân đấu tranh phòng chống tội phạm.
Thứ ba, đưa nội dung cơ bản về giáo dục phòng chống ma túy vào chương trình giáo dục bắt buộc trong hệ thống nhà trường các cấp, phổ biến, giáo dục cho các em học sinh, sinh viên biết được tác hại và cách phòng tránh ma túy học đường.
Thứ tư, phát động các phong trào toàn dân xây dựng thôn xóm mới, đường phố, cơ quan, đơn vị an toàn, xây dựng gia đình văn hóa, bài trừ tệ nạn ma túy. Tổ chức vận động toàn dân tham gia quản lý giáo dục người phạm tội tại cộng đồng dân cư, tổ chức hướng nghiệp, tạo việc làm, lôi cuốn họ cải tạo họ thành người lương thiện, tái hòa nhập cộng đồng, cai nghiện được ma túy, không tái nghiện và tái phạm tội.
Thứ năm, mở rộng các trung tâm cai nghiện ma túy, trung tâm dạy nghề sau cai nghiện … để giảm tỷ lệ tái nghiện. Ngoài ra cần chú ý đến việc giải quyết và đầu tư, xây dựng mới các khu vui chơi, giải trí lành mạnh cho thanh thiếu niên, quản lý chặt chẽ các nhà hàng, nhà nghỉ, vũ trường, quán nhậu, quán internet …
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).