Nhằm nâng cao chất lượng, tiến độ, kiểm soát nguồn vốn đạt hiệu quả cao cho các công trình xây dựng, pháp luật đã trao trách nhiệm này cho những cơ quan nhà nước nhất định đảm nhiệm. Dưới đây là quy định của pháp luật hiện nay về: Trách nhiệm của nhà nước về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Mục lục bài viết
1. Trách nhiệm Nhà nước về quản lý chi phí đầu tư xây dựng:
1.1. Khái quát về chi phí đầu tư xây dựng:
Nhìn chung thì chi phí đầu tư xây dựng chính là khái niệm để chỉ một khoản chi phí cần thiết với mục đích thực hiện cho các công việc tư vấn trong hoạt động đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị dự án cho đến giai đoạn thực hiện dự án, thậm chí là đến giai đoạn kết thúc xây dựng và đưa công trình vào khai thác sử dụng. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được xác định dựa trên cơ sở theo quy định của pháp luật, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng chủ yếu dựa trên định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ Xây dựng ban hành hoặc xác định bằng dự toán dựa trên cơ sở phạm vi công việc tư vấn và khối lượng công việc cần phải tiến hành và thực hiện trên thực tế, cũng có thể dựa trên kế hoạch thực hiện của các gói thầu và các quy định về chính sách cũng như chế độ do nhà nước ban hành.
Chi phí đầu tư trong xây dựng nhìn chung thì bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, có thể là yếu tố khách quan hoặc yếu tố chủ quan, chi phí này được cấu thành từ nhiều chi phí thành phần khác nhau. Tuy nhiên có thể kể đến các yếu tố chính như sau, đó là yếu tố về thiết kế của dự án, tiến độ của công trình thi công, yếu tố vật liệu xây dựng và yếu tố nhà thầu thi công. Khi xác định được các yếu tố chính ảnh hưởng tới chi phí đầu tư xây dựng thì chúng ta có thể xem xét được các biện pháp cụ thể nhằm giảm chi phí đầu tư thông qua việc điều chỉnh các yếu tố ảnh hưởng tới chi phí đầu tư xây dựng như đã nêu ở trên.
1.2. Trách nhiệm nhà nước về quản lý chi phí đầu tư xây dựng:
Nhìn chung, theo pháp luật hiện nay thì Bộ Xây dựng, Bộ Tài Chính và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là những cơ quan chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng. Thông tư 11/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, có ghi nhận chi tiết về trách nhiệm của những cơ quan này như sau:
Thứ nhất, Bộ Xây dựng sẽ có trách nhiệm trong việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng như sau:
– Bộ Xây dựng có trách nhiệm trong việc hướng dẫn chi tiết về nội dung và hướng dẫn các phương pháp, quản lý chi phí đầu tư xây dựng bao gồm nhiều khâu khác nhau, quản lý sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng và dự toán xây dựng, quản lý chi tiết trong việc định mức xây dựng và giá xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, chi phí quản lý dự án và quá trình tư vấn đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật, chỉ số giá xây dựng cũng như hoạt động đo bóc khối lượng xây dựng công trình, quản lý đối với hoạt động giá cả và thiết bị công trình, tiến hành việc điều chỉnh tổng mức đầu tư và điều chỉnh dự toán đầu tư xây dựng sao cho phù hợp với quy định của pháp luật, xác định đơn giá công nhân trong quá trình xây dựng và quy đổi vốn đầu tư xây dựng, cũng như kiểm soát chi phí trong hoạt động đầu tư xây dựng nói chung;
– Bộ Xây dựng có trách nhiệm trong việc công bố định mức xây dựng và định mức hao phí thiết bị thi công công trình xây dựng phù hợp với quy định pháp luật, công bố định mức chi phí trong quá trình quản lý dự án và chi phí trong quá trình tư vấn đầu tư xây dựng, công bố đối với giá cả xây dựng và suất vốn đầu tư xây dựng công trình theo đúng kế hoạch, và chỉ số giá xây dựng quốc gia cũng như các chỉ tiêu khác liên quan đến lĩnh vực kinh tế – kĩ thuật;
– Bộ Xây dựng có trách nhiệm trong việc thanh tra và kiểm tra quá trình thực hiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng như đã phân tích ở trên.
Thứ hai, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng được ghi nhận như sau:
– Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn việc thanh toán và hướng dẫn việc quyết toán vốn đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng theo đúng quy định của pháp luật, có trách nhiệm quy định về quá trình sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, và có trách nhiệm trong việc quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước;
– Ngoài ra thì Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc quy định mức thu phí và hướng dẫn việc sử dụng phí thẩm định dự án đầu tư, hướng dẫn sử dụng các thiết kế và dự toán xây dựng cũng như quy định về các mức thu khác nếu xét thấy cần thiết;
– Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc tiến hành các hoạt động kiểm tra và thanh tra việc quyết toán vốn đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các dự án sử dụng vốn ngân sách ngoài nhà nước.
Thứ ba, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trong việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng cụ thể như sau:
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ tiến hành căn cứ vào phương pháp lập định mức dự toán xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ xây dựng hướng dẫn, từ đó tổ chức xây dựng và công bố các định mức dự toán xây dựng cho các công trình chuyên ngành và đặc thù của địa phương sau khi đã thống nhất với cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ Xây dựng;
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trong việc hướng dẫn lập và quản lý các chi phí đầu tư xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật, công bố giá vật liệu xây dựng cũng như đơn giá công nhân trong quá trình xây dựng và các thiết bị thi công công trình, công bố chỉ số giá xây dựng và các loại đơn giá xây dựng công trình phù hợp với giá cả thị trường tại địa phương, và tiến hành hoạt động kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đó quản lý.
2. Quy định về nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng:
Theo quy định của Luật Xây dựng năm 2020 hiện nay có ghi nhận về các nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng, cụ thể như sau:
– Quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải phù hợp với pháp luật về xây dựng, phù hợp với từng nguồn vốn để tiến hành hoạt động đầu tư xây dựng, phù hợp với các hình thức đầu tư theo quy định của pháp luật và phương thức thực hiện, cũng như các kế hoạch thực hiện dự án của các văn bản hướng dẫn có liên quan;
– Quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải được thực hiện đúng thẩm quyền và đúng trách nhiệm của các cơ quan quản lý do pháp luật quy định, phải được quản lý dựa trên các kinh nghiệm và chuyên môn, phù hợp với trình tự và thủ tục do pháp luật xây dựng ghi nhận;
– Đối với các công trình và các dự án đặc thù áp dụng cho quá trình phục vụ quốc phòng an ninh thì cần phải tiến hành theo đúng thẩm quyền và trình tự do pháp luật quy định, báo cáo kinh tế kĩ thuật đầu tư xây dựng và phê duyệt dự toán xây dựng trong thiết kế xây dựng phải được triển khai sau khi thiết kế cơ sở đã thực hiện xong dưới sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ trưởng Bộ quốc phòng và Bộ trưởng Bộ công an;
– Đối với các dự án và công trình xây dựng của các công trình phát triển mục tiêu quốc gia thì phải áp dụng các nguyên tắc và phương pháp xác định chi phí đầu tư xây dựng theo các nghị định và pháp luật có liên quan phù hợp với đặc thù về tính chất và các điều kiện thực hiện các công trình này;
– Đối với các dự án và các công trình đầu tư xây dựng tại nước ngoài thực hiện quản lý đầu tư xây dựng phải tuân thủ các nguyên tắc theo các văn bản hướng dẫn có liên quan về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
– Nhà nước ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; quy định các công cụ cần thiết để chủ đầu tư và các chủ thể có liên quan áp dụng, tham khảo trong công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, gồm: định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng, chỉ số giá xây dựng; giá vật liệu xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, đơn giá nhân công xây dựng; thông tin, dữ liệu về chi phí đầu tư xây dựng các dự án, công trình xây dựng; các phương pháp xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đo bóc khối lượng, kiểm soát chi phí, định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng, chỉ số giá xây dựng.
3. Quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng được áp dụng với các đối tượng nào?
Hiện nay, căn cứ theo Nghị định 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định lĩnh vực quản lý nhà nước Bộ Xây dựng, thì có thể hiểu việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng được áp dụng đối với:
Thứ nhất, các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là dự án PPP). Đối với các dự án này, thì hoạt động quản lý chi phí đầu tư xây dựng bao gồm việc thực hiện sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng; hoạt động định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng; hoạt động thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng; việc thực hiện quyền và trách nhiệm của người quyết định đầu tư, quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Thứ hai, các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế; thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã được ký kết.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xây dựng năm 2020;
– Thông tư 11/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
– Nghị định 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định lĩnh vực quản lý nhà nước Bộ Xây dựng.