Doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh là những loại hình doanh nghiệp phổ biến tại nước ta. Dưới đây là bài viết phân tích, phân biệt giữa doanh nghiệp tư nhân với công ty hợp danh.
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về doanh nghiệp tư nhân:
Điều 188
+ Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
+ Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
+ Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
+ Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
– Vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân được quy định cụ thể như sau:
+ Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.
+ Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
+ Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.
– Quy định của pháp luật về việc quản lý doanh nghiệp tư nhân:
+ Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
+ Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.
+ Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Quy định của pháp luật về công ty hợp danh:
– Điều 177
+ Công ty hợp danh là doanh nghiệp phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
+ Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
+ Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
+ Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
+ Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
– Theo quy định tại Điều 179 Luật doanh nghiệp 2020, tài sản của công ty hợp danh bao gồm:
+ Tài sản góp vốn của các thành viên đã được chuyển quyền sở hữu cho công ty;
+ Tài sản tạo lập được mang tên công ty;
+ Tài sản thu được từ hoạt động kinh doanh do thành viên hợp danh thực hiện nhân danh công ty và từ hoạt động kinh doanh của công ty do thành viên hợp danh nhân danh cá nhân thực hiện;
– Điều 184 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về việc điều hành kinh doanh của công ty hợp danh như sau:
+ Các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Mọi hạn chế đối với thành viên hợp danh trong thực hiện công việc kinh doanh hằng ngày của công ty chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi người đó được biết về hạn chế đó.
+ Trong điều hành hoạt động kinh doanh của công ty, thành viên hợp danh phân công nhau đảm nhiệm các chức danh quản lý và kiểm soát công ty. Khi một số hoặc tất cả thành viên hợp danh cùng thực hiện một số công việc kinh doanh thì quyết định được thông qua theo nguyên tắc đa số chấp thuận. Ngoài ra, hoạt động do thành viên hợp danh thực hiện ngoài phạm vi hoạt động kinh doanh của công ty đều không thuộc trách nhiệm của công ty, trừ trường hợp hoạt động đó đã được các thành viên còn lại chấp thuận.
+ Công ty hợp danh có thể mở một hoặc một số tài khoản tại ngân hàng. Hội đồng thành viên chỉ định thành viên được ủy quyền gửi và rút tiền từ các tài khoản đó.
– Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty hợp danh có các nghĩa vụ sau đây:
+ Quản lý và điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty với tư cách là thành viên hợp danh;
+ Triệu tập và tổ chức họp Hội đồng thành viên; ký nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;
+ Phân công, phối hợp công việc kinh doanh giữa các thành viên hợp danh;
+ Tổ chức sắp xếp, lưu giữ đầy đủ và trung thực sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu khác của công ty theo quy định của pháp luật;
+ Đại diện cho công ty với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án; đại diện cho công ty thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật;
– Theo quy định tại Điều 185 Luật doanh nghiệp 2020, thành viên hợp danh bị chấm dứt tư cách trong trường hợp sau đây:
+ Trường hợp 1: Thành viên hợp danh tự nguyện rút vốn khỏi công ty;
+ Trường hợp 2: Thành viên hợp danh chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
+ Trường hợp 3: Thành viên hợp danh bị khai trừ khỏi công ty;
+ Trường hợp 4: Thành viên hợp danh chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật;
3. Phân biệt giữa doanh nghiệp tư nhân với công ty hợp danh:
Doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh có những điểm khác biệt cơ bản sau đây:
3.1. Về chủ sở hữu:
+ Doanh nghiệp tư nhân: Chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân là một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về hoạt động của doanh nghiệp.
+ Công ty hợp danh: Chủ sở hữu của công ty hợp danh là ít nhất 2 cá nhân là đồng chủ sở hữu công ty và được gọi là thành viên hợp danh, cùng nhau chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về nghĩa vụ của công ty.
3.2. Về tư cách pháp nhân:
+ Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.
+ Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3.3. Về đại diện theo pháp luật:
+ Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp thì vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
+ Các thành viên hợp danh đều là đại diện theo pháp luật của công ty.
3.4. Về cơ cấu tổ chức:
+ Doanh nghiệp tư nhân: Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp tư nhân đơn giản, gồm chủ sở hữu công ty. Chủ sở hữu công ty có thể là Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, hoặc thuê người khác làm Giám đốc, Tổng giám đốc.
+ Công ty hợp danh: Đối với công ty hợp danh, Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể kiêm Giám đốc, Tổng Giám đốc.
Trên đây là những điểm khác nhau cơ bản nhất, dùng để phân biệt doanh nghiệp tư nhân với công ty hợp danh. Đây cũng được xem là căn cứ để xác minh hai loại hình doanh nghiệp này.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật doanh nghiệp 2020.