Khu dân cư là nơi tập chung nhiều người sinh sống. Vậy nên, khi sống tại các khu chung cư, người dân cần phải đảm bảo tuân thủ theo các quy định mà cơ quan Nhà nước đặt ra. Một trong số đó là vấn đề nuôi chó mèo gây mất vệ sinh khu dân cư.
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về quản lý sử dụng nhà chung cư, khu dân cư:
Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân.
Nhà chung cư được hiểu là hệ thống bất động sản, nhằm mục đích phục vụ nhu cầu sinh sống của con người. Do đó, trong quá trình sử dụng nhà chung cư, người dân cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc nhất định của Cơ quan Nhà nước (Bộ xây dựng) về quản lý sử dụng nhà chung cư. Cụ thể như sau:
– Nhà chung cư phải được sử dụng đúng công năng, mục đích thiết kế cũng như nội dung dự án đã được phê duyệt trước đó.
– Việc quản lý, sử dụng nhà chung cư phải tuân thủ theo đúng nội dung quản lý sử dụng nhà chung cư cùng với các quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật có liên quan.
– Việc đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện dựa trên thỏa thuận giữa chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư với phía đơn vị quản lý vận hành trên cơ sở các quy định của pháp luật về nhà ở.
– Việc sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư phải bảo đảm đúng mục đích, có sự công khai, minh bạch. Việc đóng góp các khoản chi phí trong quá trình sử dụng nhà chung cư phải dựa trên các quy định của pháp luật.
– Chủ sở hữu hoặc người sử dụng nhà chung cư phải đóng đầy đủ các khoản phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành, hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư cũng như các khoản phí khác trong quá trình sử dụng nhà chung cư theo đúng quy định của Quy chế này.
Ngoài ra, nguyên tắc quản lý sử dụng nhà chung cư cũng yêu cầu phải tuân thủ nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư, quy định của pháp luật về nhà ở và các quy định pháp luật có liên quan trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư.
– Ban quản trị tòa nhà có trách nhiệm thay mặt cho các chủ sở hữu hoặc người đang sử dụng nhà chung cư để tiến hành các công việc có liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở. Trong trường hợp nhà chung cư không bắt buộc phải thành lập Ban quản trị theo quy định trong Luật Nhà ở năm 2014 thì các chủ sở hữu hoặc người sử dụng chung cư sẽ tự thỏa thuận phương án quản lý tòa nhà.
– Các vấn đề tranh chấp, khiếu nại có liên quan tới việc quản lý, sử dụng nhà chung cư sẽ được giải quyết theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và các quy định pháp luật có liên quan.
– Mọi hành vi vi phạm các nguyên tắc quản lý sử dụng nhà chung cư sẽ được xử lý kịp thời, nghiêm minh, khách quan theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi sống trong khu dân cư, các cá nhân phải đảm bảo tuân thủ đúng theo các quy định mà pháp luật và khu dân cư đề ra. Đây là điều kiện để đảm bảo duy trì trật tự dân cư, giữ gìn vệ sinh chung và bảo vệ an ninh công cộng.
Có thể thấy, pháp luật đã đưa ra những quy định rõ ràng và cụ thể về việc quản lý sử dụng nhà chung cư. Các quy định này mang tính áp dụng chung, buộc tất cả các chủ thể sinh sống, sử dụng nhà chung cư phải tuân thủ thực hiện. Các nội quy, nguyên tắc mà cơ quan Nhà nước đưa ra là nhằm mục đích giúp người dân tuân thủ và đảm bảo việc sử dụng chung cư diễn ra một cách chuẩn chỉnh, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đây cũng được xem là cơ sở để hạn chế đến mức tối đa những sai phạm phát sinh xảy ra, ảnh hướng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan, cũng như công tác quản lý Nhà nước của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
2. Mức phạt hành vi nuôi chó, mèo gây mất vệ sinh khu dân cư:
Khi sử dụng chung cư, các cá nhân, tổ chức phải đảm bảo tuân thủ đúng theo các quy định mà Nhà nước đặt ra. Mục đích của việc tuân thủ theo các nguyên tắc, nội quy theo quy định của pháp luật là giúp hoạt động sử dụng và quản lý chung cư đạt hiệu quả cao nhất.
– Hiện nay, nhu cầu nuôi chó mèo của người dân ngày càng lớn. Thực tế, việc nuôi chó mèo xuất phát từ sở thích, tình yêu động vật của mỗi cá nhân, và pháp luật tôn trọng quyền cá nhân này của mỗi chủ thể. Tuy nhiên, xét trong thực tế, có rất nhiều đối tượng nuôi chó, mèo nhưng gây mất vệ sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư.
Một số hành vi nuôi chó, mèo gây ảnh hưởng đến vệ sinh, an ninh chung của khu dân cư là:
+ Thả rông chó mèo, không đeo rọ mõm cho chó, làm ảnh hưởng đến sự an toàn của các cá nhân khác.
+ Để chó mèo chạy nhảy tự do tại khu dân cư, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, làm ăn, buôn bán của người dân.
+ Một số chủ thể không kiểm soát chó mèo của mình, để chó mèo vệ sinh tự do, gây mất vệ sinh chung của khu dân cư.
Các hành vi nuôi chó, mèo như trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến vệ sinh, an ninh chung của khu chung cư, tác động đến cuộc sống của người dân.
– Hành vi nuôi chó, mèo gây mất vệ sinh khu chung cư sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, theo quy định của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, chủ thể vi phạm quy định về việc nuôi chó, mèo thì sẽ bị xử lý xử phạt như sau:
+ Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 7, hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, cá nhân, tổ chức sẽ bị xử phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
+ Mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng được áp dụng đối với hành vi để vật nuôi, cây trồng hoặc các vật khác xâm lấn lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi, đô thị, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị.
+ Chủ thể nào để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với các chủ thể nuôi chó, mèo mà để chó mèo của mình ảnh hưởng đến đời sống, an ninh chung của dân cư xung quanh, thì sẽ bị áp dụng xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Đối với từng hành vi cụ thể, mà việc áp dụng mức xử phạt mà Nhà nước đưa ra cũng là khác nhau. Cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ xem xét, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để đưa ra mức áp dụng xử phạt đối với hành vi nuôi chó, mèo gây mất vệ sinh khu chung cư.
Quy định mà Nhà nước đưa ra mang tính răn đe cao, nhằm xử lý các chủ thể vi phạm, giúp duy trì, bảo vệ trật tự công cộng.
3. Mẫu đơn khiếu nại hành vi nuôi chó, mèo gây mất vệ sinh khu dân cư:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
__________________
…, ngày… tháng … năm…
ĐƠN KHIẾU NẠI
Kính gửi: ….(1)
Họ và tên người khiếu nại:……. ;
Địa chỉ:……. (2);
Số CMND/Hộ chiếu/Thẻ căn cước công dân……. , ngày cấp….. , nơi cấp: (3).
Tên của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại:……. ;
Địa chỉ:……. (4);
Khiếu nại về việc:…… (5);
Nội dung khiếu nại:…….. (6).
(Tài liệu, chứng cứ kèm theo – nếu có).
| NGƯỜI KHIẾU NẠI (Chữ ký hoặc điểm chỉ) |
Hướng dẫn:
(1) Tên cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
(2) Họ, tên và địa chỉ của người khiếu nại:
– Nếu là người đại diện của cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại thì ghi rõ chức danh, tên cơ quan, tổ chức mà mình được đại diện;
– Nếu là người được ủy quyền khiếu nại thì ghi rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền.
(3) Nếu người khiếu nại không có CMND/Hộ chiếu/Thẻ căn cước công dân thì ghi các thông tin theo giấy tờ tùy thân.
(4) Tên và địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại.
(5) Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về việc gì (ghi rõ khiếu nại lần đầu hoặc lần hai).
(6) Ghi tóm tắt nội dung khiếu nại; ghi rõ cơ sở của việc khiếu nại; yêu cầu giải quyết khiếu nại.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Nghị định 144/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình