Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2015/NĐ-CP quy định về việc cấp ý kiến pháp lý. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ nội dung ý kiến pháp lý là gì? Đối tượng, quy trình cấp ý kiến pháp lý?
Mục lục bài viết
1. Ý kiến pháp lý là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định số 51/2015/NĐ-CP quy định ý kiến pháp lý được hiểu là văn bản do Bộ Tư pháp cấp về tính hợp pháp của văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý. Ý kiến pháp lý được cấp trên cơ sở và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam tại thời điểm cấp.
2. Đối tượng cấp ý kiến pháp lý:
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 51/2015/NĐ-CP, Bộ Tư pháp xem xét cấp ý kiến pháp lý đối với các văn bản mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan Nhà nước là một bên khi thuộc các trường hợp sau đây:
– Thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước, Chính phủ hoặc Bộ Tài chính.
– Điều ước quốc tế về vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi.
– Văn bản liên quan khác mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan Nhà nước là một bên (nếu có).
– Văn bản bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh hoặc văn bản phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ bảo lãnh.
– Thỏa thuận phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ.
– Các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), cụ thể gồm:
+ Hợp đồng dự án.
+ Văn bản bảo lãnh Chính phủ (nếu có).
+ Hợp đồng thuê đất và các văn bản khác liên quan đến dự án mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước là một bên.
– Các trường hợp đặc biệt khác trên cơ sở phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
3. Quy trình cấp ý kiến pháp lý:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý được quy định như sau:
Thứ nhất, đối với các điều ước quốc tế về vay ODA và vay ưu đãi hồ sơ gồm:
– Bản chính công văn đề nghị Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý.
– Bản chính hoặc bản sao Điều ước quốc tế đã được ký.
– Bản chính hoặc bản sao văn bản phê duyệt chủ trương đàm phán, ký điều ước quốc tế về vay ODA, vay ưu đãi.
– Bản chính hoặc bản sao văn bản ủy quyền đàm phán, ký điều ước quốc tế.
– Bản chính hoặc bản sao phê duyệt của Chính phủ đối với điều ước quốc tế cấp Chính phủ hoặc phê chuẩn của Chủ tịch nước hoặc Quốc hội đối với điều ước quốc tế cấp Nhà nước, cấp Chính phủ.
– Bản chính ý kiến đánh giá của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý về tính hợp pháp của các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý.
– Các tài liệu khác cần thiết cho việc cấp ý kiến pháp lý.
– Trường hợp các tài liệu này được làm bằng tiếng nước ngoài thì cần bản dịch tiếng Việt.
Thứ hai, đối với các thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước, Chính phủ hoặc Bộ Tài chính hồ sơ gồm:
– Bản chính công văn đề nghị Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý.
– Bản chính hoặc bản sao thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước, Chính phủ hoặc Bộ Tài chính.
– Bản chính hoặc bản sao văn bản ủy quyền đàm phán, ký thỏa thuận vay (nếu có).
– Bản chính hoặc bản sao phê duyệt của Chủ tịch nước hoặc Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận vay.
– Bản chính ý kiến đánh giá của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý về tính hợp pháp của các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý.
– Các tài liệu khác cần thiết cho việc cấp ý kiến pháp lý.
– Trường hợp các tài liệu này được làm bằng tiếng nước ngoài thì cần bản dịch tiếng Việt.
Thứ ba, đối với văn bản bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh hoặc văn bản phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ bảo lãnh hồ sơ gồm:
– Bản chính công văn đề nghị Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý.
– Bản chính ý kiến đánh giá của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý về tính hợp pháp của các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý.
– Bản chính hoặc bản sao văn bản bảo lãnh Chính phủ.
– Bản chính hoặc bản sao văn bản phê duyệt của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về chủ trương bảo lãnh của Chính phủ.
– Bản chính hoặc bản sao các văn bản ủy quyền hoặc chứng minh thẩm quyền của người ký Văn bản bảo lãnh.
– Các tài liệu khác cần thiết cho việc cấp ý kiến pháp lý.
– Trường hợp các tài liệu này được làm bằng tiếng nước ngoài thì cần bản dịch tiếng Việt.
Thứ tư, đối với thỏa thuận phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ hồ sơ gồm:
– Bản chính công văn đề nghị Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý.
– Bản chính hoặc bản sao thỏa thuận phát hành trái phiếu.
– Bản chính hoặc bản sao văn bản của Chính phủ phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu quốc tế.
– Bản chính hoặc bản sao các văn bản ủy quyền hoặc chứng minh thẩm quyền của người ký thỏa thuận phát hành trái phiếu.
– Bản chính ý kiến đánh giá của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý về tính hợp pháp của các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý.
– Các tài liệu khác cần thiết cho việc cấp ý kiến pháp lý.
– Trường hợp các tài liệu này được làm bằng tiếng nước ngoài thì cần bản dịch tiếng Việt.
Thứ năm, đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP hồ sơ gồm:
– Bản chính công văn đề nghị Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý.
– Bản chính hoặc bản sao hợp đồng dự án.
– Bản chính hoặc bản sao bảo lãnh và cam kết của Chính phủ (nếu có).
– Phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền về hợp đồng dự án (nếu có).
– Bản chính hoặc bản sao chủ trương bảo lãnh.
– Bản chính hoặc bản sao văn bản ủy quyền ký bảo lãnh và cam kết của Chính phủ.
– Các văn bản khác mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước là một bên.
– Bản chính ý kiến đánh giá của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý về tính hợp pháp của các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý.
– Các tài liệu khác cần thiết cho việc cấp ý kiến pháp lý.
– Trường hợp các tài liệu này được làm bằng tiếng nước ngoài thì cần bản dịch tiếng Việt.
Thứ sáu, đối với các văn bản khác theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hồ sơ gồm:
– Bản chính công văn đề nghị Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý.
– Bản chính hoặc bản sao văn bản được phân công xem xét cấp ý kiến pháp lý.
– Bản chính văn bản phân công của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ.
– Bản chính hoặc bản sao tài liệu chứng minh quá trình đàm phán, ký văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý đúng theo quy định của pháp luật.
– Bản chính hoặc bản sao văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật.
– Bản chính ý kiến đánh giá của cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý về tính hợp pháp của các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý.
– Các tài liệu khác cần thiết cho việc cấp ý kiến pháp lý.
– Trường hợp các tài liệu này được làm bằng tiếng nước ngoài thì cần bản dịch tiếng Việt.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Nơi nộp hồ sơ: Bộ tư pháp.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Sau khi nhận được hồ sơ, Bộ tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ.
– Trường hợp hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý chưa đáp ứng yêu cầu: Bộ Tư pháp yêu cầu cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý bổ sung hồ sơ trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
– Sau khi nhận được thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ, cơ quan, tổ chức đề nghị cấp ý kiến pháp lý có trách nhiệm bổ sung hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý trong thời hạn 5 ngày làm việc.
Lưu ý:
Thời gian cấp ý kiến pháp lý như sau:
– Đối với điều ước quốc tế về vay ODA và vay ưu đãi: thời gian cấp ý kiến pháp lý là 15 ngày.
– Đối với các trường hợp khác: thời gian cấp ý kiến pháp lý là 30 ngày.
– Đối với trường hợp ý kiến pháp lý có nội dung phức tạp, thời hạn cấp ý kiến pháp lý có thể kéo dài hơn tuy nhiên sẽ không quá 60 ngày làm việc, tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
4. Từ chối cấp ý kiến pháp lý trong trường hợp nào?
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 51/2015/NĐ-CP, các trường hợp từ chối cấp ý kiến pháp lý bao gồm:
– Cá nhân, tổ chức yêu cầu cấp ý kiến pháp lý không đáp ứng điều kiện.
– Hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý không đáp ứng điều kiện cấp theo quy định.
– Khi có yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý mà tổ chức, cá nhân không thực hiện bổ sung, chỉnh lý, làm rõ theo quy định.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Nghị định số 51/2015/NĐ-CP quy định về cấp ý kiến pháp lý.