Quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện là một trong những công tác quan trọng và cần thiết. Dưới đây là quy định về mức phạt vi phạm về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện:
Mục lục bài viết
1. Thế nào là đập, hồ chứa thủy điện?
Căn cứ khoản 5 Điều 2 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP quy định đập, hồ chứa thủy diện được hiểu là đập, hồ chứa nước được xây dựng lên nhằm mục đích để phát điện.
2. Mức phạt vi phạm về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện:
Mức xử phạt vi phạm hành chính về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện được quy định tại Điều 13 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP, theo đó:
– Xử phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng:
+ Hành vi không bàn giao mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hồ chứa theo quy định.
– Xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng:
+ Sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí không được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận bằng văn bản.
+ Không tiến hành chế độ thông báo, báo cáo liên quan đến vận hành công trình.
– Xử phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng:
+ Thực hiện hành vi vi phạm đối với hồ chứa có dung tích từ 1.000.000 m3 đến dưới 10.000.000 m3 như:
Sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí không được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận bằng văn bản.
Không tiến hành chế độ thông báo, báo cáo liên quan đến vận hành công trình.
+ Trong trường hợp chưa thực hiện việc cắm mốc giới mà không xây dựng các phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa.
– Xử phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng:
+ Thực hiện hành vi vi phạm đối với hồ chứa có dung tích từ 10.000.000 m3 đến dưới 50.000.000 m3 như:
Sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí không được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận bằng văn bản.
Không tiến hành chế độ thông báo, báo cáo liên quan đến vận hành công trình.
+ Theo quy định không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc quan trắc, giám sát dòng chảy tối thiểu.
+ Không thực hiện việc cắm mốc giới.
+ Hoặc thực hiện cắm mốc giới nhưng không đúng với phương án cắm mốc giới đã được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền.
– Xử phạt từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng:
Thực hiện hành vi vi phạm với hồ chứa có dung tích từ 50.000.000 m3 đến dưới 100.000.000 m3 như sau:
Sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí không được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận bằng văn bản.
Không tiến hành chế độ thông báo, báo cáo liên quan đến vận hành công trình.
– Xử phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng:
Thực hiện hành vi vi phạm với hồ chứa có dung tích từ 100.000.000 m3 trở lên, cụ thể là:
Sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí không được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận bằng văn bản.
Không tiến hành chế độ thông báo, báo cáo liên quan đến vận hành công trình.
– Xử phạt từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng:
+ Đối với hồ chứa và đập dâng không bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định.
+ Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng kế hoạch điều tiết nước hàng năm của hồ chứa.
+ Không thực hiện quan trắc khí tượng, thủy văn và tính toán, dự báo lượng nước đến hồ, đập phục vụ vận hành hồ chứa, đập dâng.
+ Không lắp đặt hệ thống cảnh báo, thông báo việc xả lũ của công trình.
+ Không xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt, hạn hán thiếu nước cho vùng hạ du.
+ Không đảm bảo duy trì mực nước theo quy định trong mùa lũ của quy trình vận hành hồ chứa theo cơ chế đã được phê duyệt.
+ Trong điều kiện thời tiết bình thường, vận hành xả nước với lưu lượng không đúng quy định.
– Xử phạt từ 200 triệu đồng đến 220 triệu đồng:
+ Không tiến hành xây dựng kế hoạch điều tiết nước hằng năm của hồ chứa.
+ Với những tình huống vỡ đập, các tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân ở hạ lưu hồ chứa, đập dâng, không thực hiện xây dựng các phương án để đối phó.
+ Trong điều kiện xuất hiện lũ, vận hành xả nước với lưu lượng không đúng quy định của quy trình.
– Xử phạt từ 220 triệu đồng đến 250 triệu đồng:
+ Không tuân thủ trình tự, phương thức đóng, mở cửa van các công trình xả nước.
+ Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng kế hoạch, phương án điều hòa, phân phối nguồn nước trên lưu vực sông của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Trong trường hợp lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước và các trường hợp khẩn cấp khác, không tuân thủ theo lệnh điều hành vận hành hồ chứa, đập dâng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Ngoài bị phạt tiền như trên, đối tượng vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như sau:
+ Bị tước giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong thời gian từ 01 tháng đến 03 tháng khi thực hiện những hành vi vi phạm tương ứng gây đến hậu quả là gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở hạ du hồ chứa.
+ Đình chỉ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong thời gian từ 3 đến 6 tháng.
– Bên cạnh đó sẽ phải thực hiện những biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa đối với hành vi vi phạm tương ứng nếu như gây ra lũ nhân tạo đột ngột, bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở hạ du hồ chứa.
3. Nguyên tắc trong hoạt động quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện:
– Phải bảo đảm được an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Đây là ưu tiên cao nhất trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước.
– Những công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện.
– Những cá nhân, tổ chức khai thác đập, hồ chứa thủy điện phải có nghĩa vụ trong việc quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn, phát huy hiệu quả của công trình.
– Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện phải chịu trách nhiệm về an toàn đập, hồ chứa nước do mình sở hữu.
4. Quy định về thiết kế, thi công xây dựng đập, hồ chứa thủy điện:
Căn cứ Điều 5 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP quy định về yêu cầu thiết kế, thi công đối với xây dựng đập, hồ chứa như sau:
– Việc đầu tư xây dựng đập, hồ chứa phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
+ Phù hợp với quy hoạch thủy lợi.
+ Phải tính đến yếu tố kết nối giữa các công trình thủy lợi, giữa công trình thủy lợi với công trình hạ tầng kỹ thuật khác có liên quan.
+ Phải thực hiện đồng bộ từ công trình đầu mối đến công trình thủy lợi nội đồng, khép kín trong hệ thống công trình thủy lợi.
+ Để nhằm giảm thiểu tổn thất nước và giảm diện tích đất phải sử dụng khi xây dựng công trình phải đề ra được những giải pháp.
+ Phải có sự kết hợp hài hòa giải pháp công trình và phi công trình.
+ Bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.
+ Phải có sự bố trí đủ nguồn lực để thi công công trình trong giai đoạn vượt lũ, chống lũ an toàn.
– Bố trí tổng thể và thiết kế kết cấu đập phải có sự hài hòa để tạo sự thuận lợi trong công tác quản lý an toàn đập.
– Phải có ít nhất hai nguồn điện đối với cửa van của tràn xả lũ vận hành bằng điện.
– Bố trí thiết bị quan trắc công trình đập, hồ chứa nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành.
– Phải lắp đặt hệ thống giám sát vận hành đối với đập, hồ chứa nước có cửa van điều tiết lũ.
– Thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đập, hồ chứa nước.
– Đối với quy trình vận hành cửa van, quy trình bảo trì cho từng hạng mục công trình: tiến hành lập, phê duyệt cùng với hồ sơ thiết kế và bàn giao cho chủ quản lý đập, hồ chứa nước khi bàn giao đưa công trình vào khai thác.
Lưu ý với những đập, hồ chứa lớn ngoài những yêu cầu trên còn phải đảm bảo:
– Những công trình lấy nước, công trình tháo nước có đáy đặt sâu dưới đỉnh đập đảm bảo có đủ chiều cao, chiều rộng phù hợp.
– Trong tình huống khẩn cấp phải có đường quản lý để ứng cứu đập kịp thời.
– Thực hiện xây dựng nhà điều hành phục vụ công tác quản lý, khai thác và trực ban phòng, chống thiên tai tại công trình.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Nghị định 114/2018/NĐ-CP quy định quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.