Quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt là hoạt động nhận thức và áp dụng pháp luật hình sự, do Tòa án lựa chọn áp dụng biện pháp TNHS cụ thể đối với người phạm tội trên cơ sở các căn cứ do BLHS quy định nhằm đạt được các mục đích của hình phạt.
Mục lục bài viết
- 1 1. Hình phạt là gì:
- 2 2. Quyết định hình phạt là gì:
- 3 3. Khái niệm quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt:
- 4 4. Phân biệt giữa quyết định hình phạt các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt với quyết định hình phạt các tội xâm phạm sở hữu khác có liên quan:
1. Hình phạt là gì:
Khái niệm hình phạt lần đầu tiên được định nghĩa dưới góc độ lập pháp hình sự quy định tại Điều 26 BLHS năm 1999; Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật Hình sự và do Tòa án quyết định áp dụng. Sau 03 lần pháp điển hóa thì tại Điều 30 BLHS năm 2015 về khái niệm hình phạt đã bổ sung thêm chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại.
Tiếp cận dưới góc độ pháp lý có thể hiểu khi một người (hoặc pháp nhân thương mại) thực hiện hành vi mà BLHS quy định là tội phạm thì họ phải chịu TNHS (nếu không thuộc những trường hợp loại trừ TNHS). Khi có trách nhiệm hình sự rồi, mới đặt ra việc áp dụng hình phạt hay không. Như vậy, có thể hiểu hình phạt chính là một hình thức thực hiện TNHS mang tính phổ biến nhất và chỉ được áp dụng đối với người, pháp nhân thương mại nào đã thực hiện tội phạm và phải chịu TNHS trên cơ sở chung.
Tiếp cận dưới góc độ lý luận chung về pháp luật, hình phạt là một trong những yếu tố cấu thành của quy phạm pháp luật hình sự bao gồm: phần giả định, quy định và hình phạt. Trong đó, hình phạt chính là biện pháp tác động mà Nhà nước dự kiến áp dụng đối với chủ thể nào không thực hiện đúng mệnh lệnh, yêu cầu của Nhà nước đã nêu ở phần quy định của quy phạm pháp luật hình sự.
Luật hình sự Việt Nam đưa ra một hệ thống hình phạt được hình thành từ hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Hình phạt chính bao gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình. Hình phạt bổ sung bao gồm: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền và trục xuất (khi không áp dụng là hình phạt chính). Mục đích của hình phạt được quy định cụ thể tại Điều 31 BLHS đó là hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Như vậy, khái niệm hình phạt có thể được định nghĩa như sau:
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước, do Tòa án quyết định trong bản án có hiệu lực pháp luật đối với người hoặc pháp nhân thương mại bị kết án với nội dung tước bỏ hay hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó, qua đó nhằm giáo dục, cải tạo và phòng ngừa tội phạm .
2. Quyết định hình phạt là gì:
Để hình phạt được đưa vào thực tiễn thi hành thì cần hoạt động xét xử của Tòa án và Quyết định hình phạt là một giai đoạn rất quan trọng trong hoạt động xét xử. Bởi tòa án là cơ quan duy nhất được Nhà nước trao quyền, nhân danh Nhà nước tiến hành hoạt động áp dụng pháp luật hình sự (bao gồm cả phần chung và phần các tội phạm). Theo đó, Tòa án căn cứ vào các yếu tố đã được quy định trong BLHS để ra quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Những nội dung của hoạt động Quyết định hình phạt có thể là miễn TNHS, miễn hình phạt hoặc quyết định áp dụng hình phạt. Trường hợp Tòa án quyết định áp dụng hình phạt thì hoạt động Quyết định hình phạt bao gồm: xác định loại hình phạt, khung hình phạt và mức hình phạt cụ thể (hình phạt chính và có thể cả hình phạt bổ sung) hoặc các biện pháp cưỡng chế hình sự khác biện pháp tư pháp), hoặc áp dụng biện pháp chấp hành hình phạt (án treo).
Mặc dù là một khái niệm quan trọng nhưng tới nay, pháp luật hình sự Việt Nam vẫn chưa có một văn bản chính thức để định nghĩa cụ thể về khái niệm Quyết định hình phạt. Trong khoa học luật hình sự đã có nhiều nhà nghiên cứu về luật hình sự đưa ra các khái niệm khác nhau về vấn đề này, ví dụ như: PGS.TS. Dương Tuyết Miên đã đưa ra định nghĩa khoa học về Quyết định hình phạt:
Quyết định hình phạt là hoạt động thực tiễn của Tòa án (Hội đồng xét xử) được thực hiện sau khi đã xác định được tội danh để xác định biện pháp xử lý tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà cá nhân/pháp nhân thương mại đã thực hiện; hoạt động quyết định hình phạt có thể là miễn hình phạt hoặc nếu Tòa án quyết định áp dụng hình phạt thì quyết định hình phạt là việc xác định hình phạt cụ thể trong phạm vi luật định đối với cá nhân/pháp nhân thương mại phạm tội . ThS. Đinh Văn Quế đưa ra định nghĩa về Quyết định hình phạt như sau:
Quyết định hình phạt là việc Tòa án lựa chọn hình phạt buộc người bị kết án phải chấp hành. Tòa án lựa chọn loại hình phạt nào, mức hình phạt bao nhiêu, phải tuân theo những quy định của Bộ luật hình sự .
Có thể thấy, Quyết định hình phạt chỉ được đặt ra với những trường hợp người (pháp nhân thương mại) phạm tội phải chịu TNHS và bị áp dụng hình phạt. Trong luật hình sự Việt Nam đa số hình phạt chính áp dụng cho các loại tội phạm là chế tài lựa chọn. Trong khung hình phạt quy định nhiều loại hình phạt khác nhau thì Quyết định hình phạt là sự lựa chọn một hình phạt cụ thể trong phạm vi pháp luật cho phép để áp dụng đối với người phạm tội. Quyết định hình phạt bổ sung là việc lựa chọn một hay nhiều hình phạt bổ sung mà pháp luật cho phép để áp dụng bổ sung cho hình phạt chính. Tuy nhiên, nội dung quan trọng trong Quyết định hình phạt của Tòa án vẫn là hình phạt chính.
Như vậy, từ góc độ khoa học luật hình sự trên cơ sở nghiên cứu các định nghĩa khoa học pháp lý, tác giả có quan điểm về Quyết định hình phạt như sau: Quyết định hình phạtlà hoạt động nhận thức và áp dụng pháp luật hình sự, do Tòa án (Hội đồng xét xử) nhân danh Nhà nước lựa chọn áp dụng biện pháp TNHS cụ thể đối với người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội trên cơ sở các căn cứ do luật hình sự quy định nhằm đạt được các mục đích của hình phạt.
3. Khái niệm quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt:
Các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt là những tội xâm phạm sở hữu bằng việc chiếm đoạt, do vậy trong cấu thành tội phạm của những tội này có dấu hiệu chiếm đoạt. Dấu hiệu chiếm đoạt có nghĩa là hành vi cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản đang thuộc sự quản lý của chủ tài sản thành tài sản của mình.
Quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt chỉ được đặt ra trong trường hợp người phạm tội phải chịu TNHS và bị áp dụng hình phạt. Trong BLHS hình phạt chính áp dụng cho các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt là chế tài lựa chọn. Nghĩa là trong khung hình phạt quy định nhiều loại hình phạt khác nhau thì Quyết định hình phạt là sự lựa chọn một hình phạt cụ thể trong các hình phạt đó và xác định mức hình phạt cụ thể trong phạm vi cho phép để áp dụng đối với người phạm tội. Quyết định hình phạt bổ sung là việc lựa chọn một hoặc nhiều loại hình phạt bổ sung (nếu luật quy định có thể áp dụng nhiều loại hình phạt bổ sung) và xác định mức hình phạt trong phạm vi cho phép để áp dụng kèm theo hình phạt chính nhằm hỗ trợ cho hình phạt chính. Ví dụ: Tội cướp tài sản quy định tại Điều 168 của BLHS có 04 khung hình phạt chính, 01 khung hình phạt bổ sung và 01 khung hình phạt cho chuẩn bị phạm tội. Khung hình phạt cơ bản có mức phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Khung hình phạt tăng nặng thứ ba có mức hình phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Khung hình phạt cho chuẩn bị phạm tội được quy định có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khung hình phạt bổ sung được quy định có thể được áp dụng là: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Như vậy trong trường hợp này Quyết định hình phạt là hoạt động của Tòa án lựa chọn loại hình phạt và mức hình phạt cụ thể bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung, trong phạm vi quy định tại Điều 168 của BLHS để áp dụng đối với người phạm tội cướp tài sản.
Từ phân tích trên chúng ta có thể thấy giữa hình phạt và Quyết định hình phạt luôn tồn tại mối quan hệ khăng khít. Người phạm các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt chỉ phải chịu biện pháp trừng trị nghiêm khắc nhất của nhà nước bằng các hình phạt chính và hình phạt bổ sung khi Tòa án Quyết định hình phạt đối với họ. Và Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất được Nhà nước trao quyền, nhân danh Nhà nước tiến hành hoạt động áp dụng pháp luật hình sự (bao gồm cả phần chung và phần các tội phạm), theo đó, Tòa án lựa chọn hình phạt cụ thể tương ứng với hành vi phạm tội để đưa ra quyết định cuối cùng áp dụng mức hình phạt và loại hình phạt dành cho người phạm tội. Đây chính là hoạt động Quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt của Tòa án.
Qua việc nghiên cứu các quan điểm khác nhau về định nghĩa khoa học của Quyết định hình phạt, mối quan hệ giữa hình phạt và quyết định hình phạt, đặc điểm của việc Quyết định hình phạt. Tác giả có quan điểm về việc Quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt như sau:
Quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt là hoạt động nhận thức và áp dụng pháp luật hình sự, do Tòa án (Hội đồng xét xử) nhân danh Nhà nước lựa chọn áp dụng biện pháp TNHS cụ thể đối với người phạm tội quy định từ các Điều 168 đến Điều 176 của BLHS năm 2015 trên cơ sở các căn cứ do BLHS quy định nhằm đạt được các mục đích của hình phạt.
Trên cơ sở định nghĩa về Quyết định hình phạt, có thể rút ra một số đặc điểm cơ bản của hoạt động Quyết định hình phạt như sau:
Thứ nhất, tính đặc thù thể hiện ở chủ thể áp dụng là Toà án. Quyết định hình phạt là một hoạt động áp dụng pháp luật của toà án sau khi Toà án đã định tội danh. Điều 128 Hiến pháp hiện hành quy định Toà án là cơ quan xét xử duy nhất ở nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, tức là chỉ Toà án mới có quyền tuyên một người có tội và áp dụng hình phạt với người đó. Quyết định hình phạt là hoạt động tư duy của Tòa án (các thành viên Hội đồng xét xử) cân nhắc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như các yếu tố khác để lựa chọn một hình phạt cụ thể và xác định mức hình phạt cụ thể trong phạm vi cho phép, nhằm đưa ra một quyết định hình phạt phù hợp đối với cá nhân có hành vi phạm các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt, thể hiện sự lên án của nhà nước đối với người phạm tội.
Thứ hai, Quyết định hình phạt được thực hiện trên cơ sở của luật hình sự. Để nhận thức và áp dụng một cách thống nhất, chính xác, có hiệu quả, căn cứ Quyết định hình phạt bắt buộc phải được quy định trong BLHS và trở thành chuẩn mực chung cho việc Quyết định hình phạt đối với mọi trường hợp phạm tội. Đây là một yêu cầu quan trọng nhằm tránh tình trạng áp dụng một cách tuỳ tiện và nhằm đảm bảo giải quyết đúng đắn vấn đề TNHS của người phạm tội.
Thứ ba, căn cứ Quyết định hình phạt có tính bắt buộc Hội đồng xét xử phải tuân thủ để hình phạt được quyết định một cách đúng đắn. Trong mối quan hệ với Quyết định hình phạt, căn cứ Quyết định hình phạt chính là điều kiện tồn tại, là cơ sở pháp lý đảm bảo tính có căn cứ và đúng pháp luật của hoạt động quyết định hình phạt. Vì vậy, khi Quyết định hình phạt, bắt buộc Hội đồng xét xử phải tuân thủ triệt để các căn cứ đã được BLHS quy định nhằm đảm bảo cho hình phạt được quyết định một cách công bằng, đúng pháp luật, phù hợp với đòi hỏi và lợi ích chung của xã hội.
Thứ tư, quyết định hình phạt đúng là cơ sở để đạt được các mục đích của hình phạt. Quyết định hình phạt đảm bảo tính công minh, đúng pháp luật, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội là điều kiện bắt buộc để hình phạt được tuyên đạt được mục đích trừng trị và giáo dục, cải tạo người phạm tội. Qua đó, hình phạt cũng phát huy tác dụng giáo dục, phòng ngừa chung đối với các thành viên khác trong xã hội.
4. Phân biệt giữa quyết định hình phạt các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt với quyết định hình phạt các tội xâm phạm sở hữu khác có liên quan:
Các tội xâm phạm sở hữu được quy định tại chương XVI của BLHS, gồm 13 tội được quy định từ Điều 168 đến Điều 180. Căn cứ vào tính chất của mục đích phạm tội, khoa học luật hình sự chia các tội xâm phạm sở hữu thành nhóm như sau:
Các tội xâm phạm sở hữu có thể được phân thành 2 nhóm là nhóm các tội xâm phạm sở hữu có mục đích tư lợi (10 tội, được quy định tại các điều từ Điều 168 đến Điều 177) và nhóm các tội xâm phạm sở hữu không có mục đích tư lợi (3 tội, được quy định tại các điều từ 178 đến Điều 180). Nhóm các tội xâm phạm sở hữu có mục đích tư lợi gồm 8 tội có tính chất chiếm đoạt và 2 tội không có tính chiếm đoạt.
Như vậy, nhóm các tội có tính chất chiếm đoạt bao gồm từ Điều 168 đến Điều 175 (Tội cướp tài sản; Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Tội cưỡng đoạt tài sản; Tội cướp giật tài sản; Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản; Tội trộm cắp tài sản; Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản).
Về cơ bản điểm phân biệt giữa các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt với các tội xâm phạm sở hữu khác chính là tính chiếm đoạt. Chiếm đoạt là việc cố ý dịch chuyển trái pháp luật tài sản đang được sự quản lý của chủ sở hữu thành tài sản của mình, chúng được biểu hiện dưới dạng hành vi hoặc mục đích phạm tội. Do vậy, cấu thành tội phạm của các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt bắt buộc phải có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản; và hình phạt đối với nhóm tội này chỉ có hình phạt tù hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ. Còn cấu thành tội phạm của các tội xâm phạm sở hữu khác thì không có tính chất chiếm đoạt tài sản mà chỉ sử dụng tài sản trái phép trong một thời gian nhất định hoặc xâm phạm sở hữu do ngẫu nhiên hoặc hủy hoại, làm hư hỏng tài sản đó; và hình phạt đối với những tội này không chỉ có hình phạt tù, hình phạt cải tạo không giam giữ mà còn có hình phạt tiền hoặc phạt cảnh cáo.