Quy định về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được quy định và phát triển theo quá trình hình thành và phát triển của các quy định pháp luật hình sự Việt Nam qua từng giai đoạn lập pháp hình sự.
Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người hiện nay được quy định thuộc nhóm các tội phạm về môi trường; do đó, để hiểu rõ quá trình hình thành và phát triển của các quy định pháp luật hình sự Việt Nam về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì trước tiên cần xem xét, làm rõ bước khởi đầu, diễn biến cũng như kết quả của quá trình lập pháp hình sự Việt Nam nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các tội phạm về môi trường, cụ thể bao gồm các đặc điểm lịch sử của từng giai đoạn lập pháp hình sự và sự liên hệ với các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Mục lục bài viết
1. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người trước BLHS 1999:
Trong thời kỳ phong kiến, Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều Hình luật) năm 1483 được cho là bước đi đầu tiên xác định và xử lý các hành vi xâm phạm tới môi trường sống tự nhiên, cụ thể trong chương Tạp Luật (Điều 83) có quy định tội phạm về môi trường đó là hành vi xâm hại đến lúa mạ, hoa quả của quan hay dân để mưu đồ lợi ích cá nhân. Mặc dù bị hạn chế bởi quan niệm giai cấp, nhưng Bộ luật này cũng đã đưa ra nhiều quy định bảo vệ con người, trong đó có cả việc bảo vệ những tầng lớp thấp trong xã hội (như bảo vệ quyền dân chủ, tự do của dân định; hình phạt chống lại sự nô tỳ hóa đối với dân đinh...) và bảo vệ môi trường sống tự nhiên. Tuy nhiên, việc xác định các hành vi xâm phạm đến môi trường sống tự nhiên chỉ được ghi nhận một cách đơn giản về việc tác động, làm thay đổi kết cấu môi trường cũ và tập trung vào đối tượng gây thiệt hại là quan chức, quân dân sở tại với hình phạt là tội biếm hay đồ và bồi thường thiệt hại.
Đến thế kỷ XX, khi nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, pháp luật dần dần bị thay thế bởi các bộ hình luật riêng do thực dân Pháp ban bố, thi hành, trong đó có Hoàng Việt Hình luật (Bộ luật Gia Long) – BLHS thi hành ở Trung Kỳ năm Bảo Đại thứ 8 (1933). Trong đó, hành vi xâm phạm đến môi trường sống xung quanh (xâm chiếm, làm ô uế, làm hỏng các phố, ngõ, đường, lộ) cũng được quy định tại Quyển XXI, Công luật, Chương II, Điều 3 Bộ luật này. Những quy định này có giá trị cho hệ thống pháp luật đương đại trong việc yêu cầu các chủ thể có thẩm quyền phải xét xử nghiêm minh, tạo sự công bằng cho người dân, tránh bỏ lọt tội phạm và tránh oan sai.
Trước khi có sự ra đời của BLHS năm 1985, Nhà nước ta hầu như chưa có quy định chính thức nào về các tội phạm về môi trường, trừ một vài văn bản pháp luật quy định về việc bảo vệ tài nguyên rừng (như Thông tư liên Bộ số 1303_BCNVVN ngày 28/6/1946 của Liên Bộ Nội vụ – Canh nông về việc bảo vệ rừng; Nghị định số 596/TTg ngày 3/10/1995 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ tạm thời về khai thác gỗ, củi). Như vậy, mặc dù pháp luật nước ta lúc bấy giờ đã có sự nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ một trong những nguồn tài nguyên quý giá của đất nước bằng pháp luật hình sự, tuy nhiên những vấn đề khác về môi trường như dịch bệnh truyền nhiễm chưa được ghi nhận và điều chỉnh. Hơn nữa, vào thời điểm này những vấn đề về môi trường chưa đáng lo ngại như hiện nay.
Vào những năm 1980, Nhà nước ta đã quan tâm hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường. Đây chính là kết quả của việc thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống của con người. Mở đầu cho những hoạt động lập pháp có ý nghĩa đối với việc bảo vệ môi trường là việc tạo ra một cơ sở pháp lý quan trọng tại Điều 13 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980: “Các cơ quan Nhà nước, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân đều có nghĩa vụ thực hiện chính sách bảo vệ cải tạo và tái sinh các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải tạo môi trường sống”. Bước đầu nhận thức được chủ trương mang tính Hiến định này, các nhà làm luật khi xây dựng BLHS năm 1985 đã đưa vào đó một số điều luật quy định các tội phạm về môi trường, trong đó có các hành vi liên quan đến dịch bệnh, cụ thể tại Điều 195 về Tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng quy định như sau:
“1. Người nào vi phạm các quy định về giữ gìn vệ sinh công cộng, về phòng ngừa và chống dịch bệnh, về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.”
Việc quy định một số tội phạm có liên quan đến môi trường nêu trên đã cho thấy một bước phát triển mới trong nhận thức cũng như trong hành động của Nhà nước Việt Nam đối với vấn đề bảo vệ môi trường bằng pháp luật hình sự. Tuy nhiên, quy định trên vẫn còn còn mang tính chất chung chung, cả về tội danh lẫn sự mô tả các dấu hiệu của cấu thành tội phạm và chưa làm nổi bật mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đối với sức khỏe, tính mạng của con người. Vào thời điểm đó, BLHS năm 1985 chưa tiên liệu hết sự đa dạng cũng như tính chất nguy hiểm cho xã hội của một số hành vi xâm hại môi trường. Theo một nghiên cứu đánh giá: “BLHS năm 1985 chưa thể hiện được tính cấp bách và tầm quan trọng đặc biệt của việc đấu tranh với các hành vi xâm hại môi trường. Điều này không chỉ thể hiện qua việc BLHS năm 1985 chưa dành riêng một chương cho các tội phạm về môi trường, mà còn dễ dàng nhận thấy qua việc một số tội phạm về môi trường được gặp lại với những tội phạm khác và được hiểu không phải với tư cách là những tội phạm về môi trường”. Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, với tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhanh như hiện nay, sự suy thoái nhanh của các thành tố môi trường cùng với các tác hại của nó đối với đời sống xã hội đang đặt ra một yêu cầu bức xúc cho việc bảo vệ môi trường sinh thái.
2. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người từ BLHS 1999 đến nay:
Vào những năm tiếp theo, nhận thức của Việt Nam về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Hiến pháp nước ta năm 1992 đã bổ sung quy định: “Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, mọi cá nhân phải thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nghiêm cấm mọi hành động làm suy kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường”. Bên cạnh đó, ngày 25/6/1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36/CTTW về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại”, đồng thời đưa ra một số giải pháp cơ bản trong đó có giải pháp hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong Tờ trình Quốc hội về dự án BLHS (sửa đổi) của Chính phủ số 1218/CP–PC ngày 19/10/1998, một trong những quan điểm được quán triệt trong quá trình soạn thảo Bộ luật là “bảo vệ môi trường sinh thái”. Những quan điểm chỉ đạo nêu trên của Đảng và Nhà nước ta đã trở thành định hướng quan trọng cho việc xây dựng quy định về các tội phạm về môi trường trong BLHS năm 1999. Liên quan đến hành vi làm lây lan dịch bệnh, lần đầu tiên tại Điều 186 BLHS năm 1999 quy định điều luật riêng về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người, cụ thể:
“1. Người nào có một trong các hành vi sau đây làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Điều luật trên đã cho thấy nhận thức về tầm nguy hiểm của dịch bệnh và các phương án an toàn vệ sinh dịch tễ ngày càng được nâng cao, sức khỏe và tính mạng cộng đồng cũng được chú trọng hơn, bởi lẽ, trong giai đoạn này, ngày càng nhiều những dịch bệnh nguy hiểm trên thế giới có tốc độ lây lan chóng mặt xuất hiện không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới (như cúm gia cầm H5N1, dịch SARS, dịch sốt xuất huyết...) và đến nay có thể kể đến đại dịch toàn cầu COVID–19.
Đến nay, sự nguy hiểm của những dịch bệnh truyền nhiễm đang thể hiện rất rõ bởi những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra, thậm chí chưa có dấu hiệu chấm dứt như sự xuất hiện của dịch COVID–19. Việc hoàn thiện khung pháp luật, nhất là pháp luật hình sự, nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm theo đó trở nên ngày càng quan trọng, góp phần đáng kể vào việc phòng ngừa, ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh cũng như bảo vệ sức khỏe, tính mạng cộng đồng. Chính vì vậy, BLHS năm 2015 của nước ta ra đời tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người trong BLHS năm 1999 và chính thức ghi nhận tại Điều 240 với nội dung gồm bốn điều khoản mà cụ thể sẽ được phân tích trong các phần tiếp theo.