Dấu hiệu quan trọng nhất để phân biệt tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản khi người phạm tội thực hiện hành vi đe dọa dùng vũ lực là người bị đe dọa có lâm vào tình trạng không thể chống cự được hay không.
Mục lục bài viết
- 1 1. Một số nội dung cần lưu ý, phân biệt, làm rõ khi định tội danh giữa tội cướp tài sản với tội cưỡng đoạt tài sản:
- 2 2. Một số nội dung cần phân biệt, làm rõ khi định tội danh giữa tội cướp tài sản với một số tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt khác:
- 3 3. Một số nội dung cần phân biệt, làm rõ khi định tội danh giữa tội cưỡng đoạt tài sản với một số tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt khác:
1. Một số nội dung cần lưu ý, phân biệt, làm rõ khi định tội danh giữa tội cướp tài sản với tội cưỡng đoạt tài sản:
Tội cướp tài sản với tội cưỡng đoạt tài sản có những đặc điểm chung là được thực hiện do hình thức lỗi cố ý trực tiếp, mục đích của tội phạm đều nhằm chiếm đoạt tài sản. Chủ thể của hai tội cướp và cưỡng đoạt tài sản đều do bất kỳ người nào thực hiện, khi họ có đủ năng lực TNHS và đủ độ tuổi theo quy định.
Thực tiễn quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có tính chất chiếm đoạt tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng thường nhầm lẫn trong việc định tội danh do dấu hiệu pháp lý đặc trưng của những tội phạm này có điểm tương đồng.
Theo tác giả Đinh Văn Quế (nguyên Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao), việc phân biệt loại tội phạm này cần căn cứ vào chủ thể tội phạm; động cơ, mục đích của người phạm tội và điều kiện thực tế để đánh giá, cụ thể:
Tội cướp tài sản thường chỉ bị nhầm lẫn với tội cưỡng đoạt tài sản trong trường hợp người phạm tội có hành vi “đe dọa dùng vũ lực”. .
Trước hết, cần khẳng định cả hai tội này đều có giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, đối với tội cướp tài sản, phạm tội chưa đạt chỉ xảy ra trong trường hợp người phạm tội đã có hành vi khác làm cho người bị hại lâm vào tình trạng không thể tấn công được nhằm chiếm đoạt tài sản. Còn “dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc” thì không có trường hợp phạm tội chưa đạt mà đều là tội phạm đã hoàn thành.
Trước đây về lý luận, đều khẳng định tội cướp tài sản là tội có cấu thành hình thức, tức là chỉ cần người phạm tội có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc là tội phạm đã hoàn thành, không có trường hợp phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, sau khi Điều 133 BLHS năm 1999 được sửa đổi, bổ sung và nay BLHS năm 2015 cũng quy định dấu hiệu “hoặc có hành vi khác”, thì tội cướp tài sản vừa là tội cấu thành hình thức, vừa là tội cấu thành vật chất, tức là có trường hợp tội phạm chưa đạt.
Mặc dù trường hợp dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc không có giai đoạn phạm tội chưa đạt nhưng vẫn có giai đoạn chuẩn bị phạm tội như: Trường hợp người phạm tội “đỉnh” dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, nhưng vì khách quan trở ngại nên không thực hiện được hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực. Ví dụ: A, B, C, D bàn bạc chuẩn bị súng, dao để ra đường chặn người đi xe máy cướp tài sản. Nhưng trước khi đi thì D sợ nên đã báo với Công an đến “bắt nóng” A, B, C. Tuy A, B, C chưa thực hiện hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nhưng A, B, C đều phải bị truy cứu TNHS về tội cướp tài sản ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.
Đối với tội cưỡng đoạt tài sản, người phạm tội chỉ có hành vi đe dọa dùng vũ lực chứ không có ý định nếu người bị hại không giao tài sản thì dùng vũ lực. Đây là vấn đề khó xác định, vì khi đã đe dọa dùng vũ lực nhưng người bị đe dọa không giao tài sản mà vụ việc bị phát hiện, thì hầu hết người phạm tội đều khai là chỉ dọa cho sợ để lấy tài sản, nếu người bị hại không giao tài sản thì cũng không dùng bạo lực.
Cần lưu ý là tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản tuy đều có hành vi đe dọa dùng vũ lực nhưng hai hành vi này khác nhau về bản chất. Ở tội cướp tài sản, tính chất của sự đe dọa là “đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc“, còn ở tội cưỡng đoạt tài sản, tính chất của sự đe dọa là “đe dọa sẽ dùng vũ lực“.
Để phân biệt trường hợp đe dọa dùng bạo lực ngay tức khắc với chỉ dọa mà không đe dọa dùng bạo lực ngay tức khắc, phải căn cứ vào không gian, thời gian xảy ra vụ án. Theo PGS.TS Dương Tuyết Miên, việc phân biệt các dấu hiệu này cần căn cứ những điểm sau:
Đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thể hiện sự nhanh chóng về thời gian (xảy ra ngay lập tức) và chỉ sự mãnh liệt của hành vi đe dọa, khi hành vi này xảy ra, người bị đe dọa hiểu rằng, nếu không trao ngay tài sản cho người đe dọa thì ngay lập tức, tính mạng sức khỏe của họ có thể bị xâm hại ở thời điểm xảy ra hành vi đe dọa. Sự đe dọa này có khả năng làm tê liệt ý chí của người bị đe dọa. Dấu hiệu ngay tức khắc chỉ đòi hỏi người phạm tội đã có hành vi, cử chỉ, thái độ thể hiện ra bên ngoài là dùng vũ lực ngay tức khắc mà không đòi hỏi họ phải có ý định thực sự..
Ở tội cưỡng đoạt tài sản, hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực thực chất là đe dọa dùng vũ lực trong tương lai chứ không phải là ngay tức khắc, hay nói cách khác, giữa hành vi đe dọa và việc dùng vũ lực có khoảng cách về thời gian, sức mãnh liệt của sự đe dọa chưa đến mức có thể làm tê liệt sự phản kháng của người bị đe dọa mà chỉ có khả năng khống chế ý chí của họ, người bị đe dọa vẫn còn khả năng, điều kiện cân nhắc, lựa chọn biện pháp xử sự cho mình.
Như vậy, dấu hiệu quan trọng nhất để phân biệt hai tội này khi người phạm tội thực hiện hành vi đe dọa dùng vũ lực là người bị đe dọa có lâm vào tình trạng không thể chống cự được hay không. Dấu hiệu này hoàn toàn tùy thuộc vào tình hình thực tế để đánh giá.
Hai tội cướp và cưỡng đoạt tài sản có hình phạt khác nhau vì tội cướp tài sản có mức độ nguy hiểm hơn so với tội cưỡng đoạt tài sản. Khoản 1 Điều 168 BLHS về tội cướp tài sản quy định phạt tù từ 3 năm đến 10 năm, khoản 1 Điều 170 BLHS về tội cưỡng đoạt tài sản quy định phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Khoản 2 Điều 168 BLHS về tội cướp tài sản quy định phạt tù từ 7 năm đến 15 năm; khoản 2 Điều 170 BLHS về tội cưỡng đoạt tài sản quy định phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Hình phạt tù cao nhất của tội cướp tài sản quy định tại khoản 3 Điều 168 là tù đến 20 năm; Hình phạt tù cao nhất của tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại khoản 3 Điều 170 là tù đến 15 năm. Hình phạt cao nhất của tội cướp tài sản là từ chung thân hoặc tử hình; hình phạt phạt cao nhất của tội cưỡng đoạt tài sản là tù đến 20 năm.
2. Một số nội dung cần phân biệt, làm rõ khi định tội danh giữa tội cướp tài sản với một số tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt khác:
2.1. Phân biệt tội cướp tài sản và tội cướp giật tài sản:
Tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS) và tội cướp giật tài sản (Điều 171 BLHS) đều giống nhau về chủ thể của tội phạm (bất kỳ người nào có năng lực TNHS) và mục đích của tội phạm là chiếm đoạt tài sản (định lượng tài sản chiếm đoạt không phải là yếu tố định tội mà chỉ là yếu tố định khung hình phạt.
Tuy nhiên, về hành vi phạm tội: Tội “Cướp tài sản” sử dụng hành vi “dùng vũ lực, đe dọa vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được”, còn tội cướp giật tài sản người phạm tội không sử dụng vũ lực (tuy một số trường hợp có sử dụng sức mạnh như đạp, xô cho bị hại ngã để cướp), đe dọa vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được như trong tội “Cướp tài sản” mà chỉ dựa vào sự nhanh nhẹn của bản thân và sự sơ hở của người bị hại, hay trường hợp người bị hại không đủ khả năng bảo vệ tài sản.
Như vậy, tính công khai của tội phạm là yếu tố cơ bản để phân biệt hai tội danh này trên thực tế.
Chuyển hóa tội phạm: Trường hợp người phạm tội sau khi đã cướp giật được tài sản nhưng sau đó bị hại hoặc người khác giành, giật lại được tài sản và người phạm tội dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được để giành lại tài sản thì có sự chuyển hóa từ tội “Cướp giật tài sản” sang tội “Cướp tài sản“. Trường hợp này, người phạm tội bị phát hiện tại thời điểm thực hiện hành vi chứ không phải một khoản thời gian sau và người phạm tội đã dùng vũ lực tấn công nạn nhân có thể cả người khác) nhằm mục đích lấy, giữ, chiếm đoạt bằng được tài sản.
Ví dụ: A đi xe máy trên đường với ý đồ xem có ai sở hở thì giật điện thoại và túi xách, thấy chị N đang đi xe máy một mình có đeo túi xách, A liền tiếp cận sau đó giật túi xách của chị N và bỏ chạy thì bị chị Ng giằng co giữ lại. A lập tức có hành vi dùng vũ lực “đạp ngã” chị B xuống đường và giật lại tài sản. Như vậy, ở đây đã có sự chuyển hóa tội phạm từ tội cướp giật tài sản sang tội cướp tài sản.
2.2. Phân biệt tội cướp tài sản và tội trộm cắp tài sản:
Tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS) và tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS) Điều 173 BLHS quy định về tội Trộm cắp tài sản: “1.Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm“.
Điểm khác nhau cơ bản của hai tội phạm này đó là chính là mức độ công khai của hành vi:
Trong tội “Cướp tài sản” người phạm tội dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Trong tội “Trộm cắp tài sản” thì người phạm tội thực hiện một cách lén lút. Như vậy, trong tội “Cướp tài sản” tính công khai của người phạm tội rõ ràng hơn so với tội “Trộm cắp tài sản“.
Ngoài ra trong tội “Trộm cắp tài sản” định lượng giá trị tài sản chiếm đoạt được quy định trong cấu thành cơ bản còn đối với tội “Cướp tài sản” thì không quy định.
Chuyển hóa tội phạm: Cũng giống như hành vi chuyển hóa trong tội “Cướp giật tài sản“, trường hợp người phạm tội sau khi đã trộm cắp được tài sản nhưng sau đó bị hại hoặc người khác giành, giật lại được tài sản và người phạm tội dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được để giành lại tài sản thì có sự chuyển hóa từ tội “Trộm cắp tài sản” sang tội “Cướp tài sản“.
Ví dụ: A lợi dụng sơ hở đã lẻn vào nhà của B để trộm cắp tài sản, trong quá trình lẻn vào nhà B, A quan sát thấy B đang ngủ và có túi xách để ở đầu giường. A liền đi đến lấy tiền và điện thoại trong túi rồi tẩu thoát nhưng va vào quạt gây tiếng động. B nghe tiếng động nên tỉnh dậy hô hoán A liền đấm, đạp vào mặt B làm B ngã lăn ra đất bất tỉnh. Sau đó, A dắt chiếc xe máy đi ra khỏi cổng và tẩu thoát. Trường hợp này, hành vi của A đã chuyển hóa từ tội trộm cắp tài sản sang tội Cướp tài sản.
2.3. Phân biệt tội cướp tài sản và tội công nhiên chiếm đoạt tài sản:
BLHS năm 2015 quy định về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản:
1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
(a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
(b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
(c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; (d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Điểm khác nhau cơ bản giữa hai hành vi phạm tội này đó là tính công khai trong hành vi phạm tội: Nếu trong tội “Cướp tài sản” người phạm tội dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được mới chiếm đoạt được thì trong tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” người phạm tội không cần dùng thủ đoạn nào cũng vẫn chiếm đoạt được tài sản.
Chủ thể tội phạm này là người từ đủ 16 tuổi trở lên còn đối với tội “Cướp tài sản” thì chủ thể người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Cũng giống như tội “Trộm cắp tài sản” thì tội này tài sản chiếm đoạt có giá trị để định khung hình phạt.
3. Một số nội dung cần phân biệt, làm rõ khi định tội danh giữa tội cưỡng đoạt tài sản với một số tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt khác:
3.1. Phân biệt tội cưỡng đoạt tài sản với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản:
BLHS năm 2015 quy định về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản: “Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”..
Có thể thấy, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được thực hiện dưới dạng hành vi là bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội thể hiện thông qua hành vi đe dọa người có tài sản.
Giữa tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có nhiều điểm tương đồng như cùng xâm phạm đến hai khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ là quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân; mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc để định tội; cùng có hành vi đe dọa dùng vũ lực ...
Tuy nhiên, mức độ xâm hại đến quan hệ nhân thân của hai hành vi cưỡng đoạt tài sản và hành vi bắt cóc người khác làm con tin là khác nhau. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu đã tác động đến quyền tự do thân thể của người bị bắt cóc, sau đó tác động đến tính mạng, sức khỏe của họ. Tội cưỡng đoạt tài sản tác động rất ít đến nhân thân, nó chỉ gây ra lo lắng, sợ hãi cho người chủ sở hữu tài sản.
Người phạm tội cưỡng đoạt tài sản có thể dùng bất cứ phương thức, thủ đoạn nào để uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng họ không thực hiện hành vi bắt cóc người khác làm con tin để uy hiếp tinh thần người khác. Nếu người phạm tội có hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản thì không kể thời gian giam, giữ con tin là bao lâu thì vẫn phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, ngay cả trong trường hợp đối tượng chưa bắt cóc được người khác làm con tin nhưng đủ căn cứ chứng minh đối tượng có ý định bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản.
3.2. Tội cưỡng đoạt tài sản với tội cướp giật tài sản:
Mục đích của người phạm tội cướp giật tài sản cũng là chiếm đoạt tài sản nhưng khác với các tội cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản hay bắt cóc chiếm đoạt tài sản, mục đích chiếm đoạt tài sản không phải là dấu hiệu định tội cướp giật tài sản. Người phạm tội phải thực hiện hành vi cướp giật và chiếm đoạt được tài sản trên thực tế thì mới bị xử lý theo tội danh này.
Dấu hiệu đặc trưng của tội cướp giật tài sản so với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt khác là công khai và nhanh chóng. Dấu hiệu công khai thể hiện ở chỗ người phạm tội cướp giật tài sản của mình có tính chất công khai và hoàn toàn không che giấu hành vi đó. Dấu hiệu nhanh chóng phản ánh thủ đoạn thực hiện hành vi chiếm đoạt của người cướp giật tài sản; bằng việc lợi dụng sơ hở của chủ sở hữu tài sản nhanh chóng tiếp cận, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng lẩn trốn.
Khác với tội cưỡng đoạt tài sản, người phạm tội cướp giật tài sản không có mục đích khống chế ý chí kháng cự của chủ sở hữu và không nhằm đe dọa gây nguy hại về tính mạng và sức khỏe cho chủ sở hữu mà chỉ có mục đích công khai và nhanh chóng chiếm đoạt tài sản. Thông thường, người chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không kịp phản ứng để ngăn cản hành vi chiếm đoạt của người phạm tội. Nếu khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội có hành vi đe dọa dùng vũ lực để uy hiếp tinh thần người khác nhằm công khai nhanh chóng chiếm đoạt tài sản thì người đó phạm tội cưỡng đoạt tài sản chứ không phải cướp giật tài sản. Hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực trong tội cướp giật tài sản nếu có thì chỉ nhằm giảm quyết tâm bắt giữ của người đang đuổi bắt, tạo điều kiện cho người phạm tội chạy thoát chứ không liên quan đến việc chiếm đoạt tài sản.
3.3. Phân biệt tội cưỡng đoạt tài sản với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản:
Đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, người phạm tội không có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa sẽ dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản mà lợi dụng tình trạng chủ sở hữu tài sản ở vào điều kiện, hoàn cảnh không thể ngăn cản được để thực hiện hành vi công khai chiếm đoạt tài sản, người thực hiện hành vi phạm tội không làm cho chủ sở hữu tài sản lo sợ mà phải giao tài sản.
Về hậu quả: tội cưỡng đoạt tài sản không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra, hành vi khách quan đã phản ánh đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội còn tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, hậu quả là yếu tố bắt buộc cấu thành tội phạm.
Về khách thể: tội cưỡng đoạt tài sản xâm hại cùng một lúc hai khách thể là quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân nhưng chủ yếu là quan hệ sở hữu, nếu có xâm phạm đến quan hệ nhân thân thì không phải là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe mà chỉ có thể là những thiệt hại về tinh thần (sợ hãi, lo âu), tuy có ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không gây ra thương tích cho người bị hại, trong khi đó, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản chỉ xâm hại đến một khách thể là quan hệ sở hữu, không xâm hại đến khách thể là quan hệ nhân thân thân.
Về mặt chủ quan: Đối với tội cưỡng đoạt tài sản, mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội có thể có trước khi thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người chủ sở hữu hoặc có trách nhiệm quản lý tài sản nhưng cũng có thể xuất hiện trong hoặc sau khi đã thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người người chủ sở hữu hoặc có trách nhiệm quản lý tài sản. Trong tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, mục đích chiếm đoạt tài sản bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt. Nói cách khác thì hành vi chiếm đoạt tài sản bao hàm mục đích của người phạm tội.