Theo quy định của pháp luật, có nhiều chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Như vậy, thời hạn nộp tờ khai và thời hạn nộp thuế đất phi nông nghiệp hiện nay được pháp luật quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định về thời hạn nộp tờ khai thuế đất phi nông nghiệp:
1.1. Thuế đất phi nông nghiệp được hiểu như thế nào?
Đất là một dạng tài nguyên của con người, giá trị tài nguyên đất được đo bằng số lượng diện tích (ha, km2) và độ phì nhiêu (tức là độ màu mỡ của đất), do vậy đất được coi là một tài sản của con người. Căn cứ vào mục đích sử dụng đất thì người ta chia đất thành hai loại chính: đất phi nông nghiệp (đất để trồng cây lương thực, thực phẩm, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản) và đất phi nông nghiệp (đất thổ cư, đất sản xuất kinh doanh, đất xây dựng cơ sở hạ tầng …).
Thuế sử dụng đất nông nghiệp được hiểu là một loại thuế tính trên giá trị của đất và đánh vào đối tượng sử dụng đất phi nông nghiệp.
1.2. Thời hạn nộp tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp:
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện nay, thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp sẽ được áp dụng theo Điều 10 của nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, cụ thể như sau:
Thứ nhất, thời hạn nộp tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với tổ chức:
– Trong trường hợp kê khai thuế lần đầu, thì các chủ thể là tổ chức sẽ phải tiến hành nộp tờ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn do pháp luật quy định chậm nhất là 30 ngày, thời hạn này được tính kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ nộp thuế của các chủ thể. Đồng thời thì các chủ thể là tổ chức cũng không cần phải tiến hành kê khai lại thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nếu như vẫn có sự ổn định và không có sự thay đổi về người nộp thuế hay các yếu tố khác dẫn đến việc thay đổi số thuế cần phải nộp đối với nhà nước;
– Nếu trong trường hợp kê khai khi có phát sinh thay đổi những yếu tố làm ảnh hưởng đến căn cứ tính thuế, dẫn đến số thuế phải nộp tăng hoặc giảm, kê khai bổ sung khi phát hiện ra hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan nhà nước trước đó có sai sót nghiêm trọng ảnh hưởng đến số thuế cần phải nộp, thì khi đó các chủ thể cần phải bổ sung hoặc nộp lại hồ sơ khai thuế chậm nhất trong khoảng thời gian là 30 ngày theo quy định của pháp luật, được tính kể từ ngày phát sinh những thay đổi.
Thứ hai, thời hạn nộp tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với hộ gia đình và cá nhân:
– Đối với trường hợp kê khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp lần đầu, thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là 30 ngày theo quy định của pháp luật được tính kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của các chủ thể là hộ gia đình hoặc cá nhân. Đồng thời thì các chủ thể là hộ gia đình và cá nhân sẽ không phải tiến hành kê khai lại thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nếu không có sự thay đổi về người nộp thuế cũng như là không có các yếu tố dẫn đến việc thay đổi số thuế cần phải nộp đối với nhà nước;
– Sẽ cần phải bổ sung hoặc thay đổi hồ sơ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp trong trường hợp phát sinh những yếu tố làm thay đổi cơ bản căn cứ tính thuế dẫn đến tăng hoặc giảm số thuế phải nộp đối với nhà nước, thì thôi hạn nộp hồ sơ trong trường hợp này. Nhất là 30 ngày theo quy định của pháp luật được tính kể từ ngày phát sinh những thay đổi đó;
– Khai bổ sung khi có những phát hiện về hồ sơ khai thuế đã nộp trước đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền có sai sót nghiêm trọng ảnh hưởng đến số thuế phải nộp đối với nhà nước sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
– Ngoài ra các chủ thể có thể tiến hành hoạt động khai tổng hợp, và thời hạn nộp hồ sơ khai tổng hợp theo quy định của pháp luật chậm nhất là ngày 31/3 của năm dương lịch tiếp theo năm tính thuế.
2. Quy định về thời hạn nộp tiền thuế đất phi nông nghiệp:
2.1. Đối tượng nào phải nộp tiền thuế đất phi nông nghiệp?
Theo quy định của pháp luật thì các chủ thể có nghĩa vụ phải nộp tiền thuế đất phi nông nghiệp cụ thể như sau:
Thứ nhất, các chủ thể là tổ chức, hộ gia đình hoặc cá nhân có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật:
– Đất ở tại nông thôn hoặc đất ở tại đô thị;
– Đất phi nông nghiệp với mục đích sản xuất kinh doanh, bao gồm: Đất xây dựng khu công nghiệp; đất sản xuất vật liệu xây dựng; đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh, đất để khai thác khoáng sản hoặc đất làm mặt bằng chế biến khoáng sản, đất phi nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế như đất sử dụng vào mục đích công cộng, đất làm nghĩa trang, nghĩa địa … được các chủ thể dụng vào mục đích kinh doanh.
Thứ hai, các chủ thể là tổ chức, hộ gia đình hoặc cá nhân chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, thì người đang sử dụng đất thực tế sẽ được xác định là người nộp thuế.
Thứ ba, người nộp thuế đất phi nông nghiệp trong một số trường hợp cụ thể do pháp luật quy định như sau:
– Trường hợp được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, thì người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất là người nộp thuế;
– Người có quyền sử dụng đất cho thuê đất theo hợp đồng, thì chủ thể nộp thuế được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng, trong trường hợp không có thỏa thuận thì người có quyền sử dụng đất sẽ được xác định là người nộp thuế;
– Trường hợp đất đã được cấp giấy chứng nhận nhưng đang có tranh chấp thì trước khi tranh chấp được giải quyết, chủ thể đang sử dụng đất sẽ được xác định là người nộp thuế;
– Nếu nhiều chủ thể cùng có quyền sử dụng một bất động sản, thì chủ thể nộp thuế được xác định là người đại diện hợp pháp của những người cùng có quyền sử dụng thửa đất đó;
– Trường hợp chủ thể có quyền sử dụng đất góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất mà hình thành pháp nhân mới có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì pháp nhân mới là chủ thể nộp thuế;
– Trường hợp nhà thuộc sở hữu nhà nước, thì chủ thể nộp thuế được xác định là người cho thuê nhà;
– Trường hợp được nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án xây nhà ở để bán hoặc cho thuê, thì chủ thể nộp thuế được xác định là người được nhà nước giao đất, cho thuê đất.
2.2. Thời hạn nộp tiền thuế đất phi nông nghiệp:
Thời hạn nộp tiền thuế đất phi nông nghiệp hiện nay được ghi nhận tại Điều 18 nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, được ghi nhận như sau:
– Thời hạn nộp tiền thuế đất phi nông nghiệp lần đầu, theo quy định của pháp luật được xác định là chậm nhất là 30 ngày, được tính kể từ ngày ban hành thông báo nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Từ năm thứ 02 trở đi, thì các chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế sẽ phải tiến hành nộp tiền thuế đất phi nông nghiệp 01 lần trong năm chậm nhất là ngày 31 tháng 10 năm dương lịch.
– Thời hạn nộp tiền thuế chênh lệch khi có căn cứ thấy rằng có sự chênh lệch trong quá trình thực hiện nghĩa vụ tài chính, thì theo xác định của các chủ thể nộp thuế tại tờ khai tổng hợp chậm nhất là ngày 31/3 năm dương lịch tiếp theo năm tính thuế.
– Thời hạn nộp thuế đối với hồ sơ khai điều chỉnh chậm nhất là 30 ngày theo quy định của pháp luật, được tính kể từ ngày ban hành thông báo nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
3. Mức xử phạt đối với hành vi không tuân thủ thời gian nộp hồ sơ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp:
Hành vi không tuân thủ thời gian nộp hồ sơ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được coi là hành vi vi phạm pháp luật, vì thế sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 13 của nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn, cụ thể như sau:
Thứ nhất, phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn do pháp luật quy định, cụ thể là từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
Thứ hai, phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn do pháp luật quy định, cụ thể là từ 01 ngày đến 30 ngày.
Thứ ba, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn do pháp luật quy định, cụ thể là từ 31 ngày đến 60 ngày.
Thứ tư, phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
– Nộp hồ sơ khai thuế quá thời do pháp luật quy định, cụ thể là từ 61 ngày đến 90 ngày;
– Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn do pháp luật quy định, cụ thể là từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
– Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
– Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ năm, phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn do pháp luật quy định, cụ thể là trên 90 ngày, được tính kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật về quản lí thuế.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;
– Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.