Tội xâm phạm trật tự công cộng là những hành vi cố ý trực tiếp, xâm phạm vào các quy định của Nhà nước về trật tự công cộng, xâm phạm đến hoạt động bình thường, ổn định xã hội ở những nơi công cộng gây thiệt hại về tài sản Nhà nước, về tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm các tội xâm phạm trật tự công cộng:
Trật tự công cộng là trạng thái ổn định, không có những hành vi vượt quá tiêu chuẩn đạo đức xã hội, vượt quá khuôn khổ cho phép của Nhà nước tại những nơi phục vụ, đảm bảo lợi ích xã hội chung của con người như trường học, bệnh viện, công viên, khu dân cư ... . Trật tự công cộng là một trong những đối tượng được luật hình sự bảo vệ. Theo quy định tại Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây xin phép gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 2015) các đối tượng đó là: “độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội...”.
Dưới góc độ khoa học, khái niệm các tội xâm phạm trật tự công cộng được đề cập dưới nhiều quan điểm nhưng chủ yếu các quan điểm đó thường gộp chung khái niệm của các tội xâm phạm trật tự công cộng với các tội xâm phạm an toàn công cộng mà không định nghĩa riêng về các tội xâm phạm trật tự công cộng.
Theo GS.TS Võ Khánh Vinh:
Các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến an toàn công cộng, trật tự công cộng gây ra những thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của nhân dân, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước và của cá nhân. Theo GS.TS Trần Minh Hưởng:
Các tội phạm xâm phạm an toàn, trật tự công cộng là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, do người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm vào những quy định của Nhà nước về an toàn công cộng, trật tự công cộng gây ra những thiệt hại về tài sản Nhà nước, của tổ chức, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân, xâm phạm đến hoạt động bình thường ở những nơi công cộng.
Với các quan điểm này, các tác giả thống nhất các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng có đầy đủ những đặc điểm chung của tội phạm đó là tính nguy hiểm cho xã hội, tính lỗi và trái với luật hình sự. Tuy nhiên, để đưa ra khái niệm riêng về các tội xâm phạm trật tự công cộng thì cần đi sâu hơn nữa về “độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự” bởi tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp và tội mua dâm người dưới 18 tuổi được quy định ở các Điều 325, 327 Bộ luật hình sự 2015 đều có chủ thể thực hiện tội phạm phải là người trên 18 tuổi. Cùng quan điểm như vậy, tác giả Triệu Văn Nam phát biểu như sau:
Các tội xâm phạm trật tự công cộng là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, do những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm vào các quy định của Nhà nước về trật tự công cộng , gây ra những thiệt hại về tài sản của Nhà nước, của tổ chức, thiệt hại về tính mạng sức khỏe, tài sản của công dân đồng thời còn xâm phạm đến hoạt động bình thường, ổn định xã hội ở những nơi công cộng.
Quan điểm này cũng giống như quan điểm của GS.TS Trần Minh Hưởng khi đã đều đề cập đến khách thể được BLHS bảo vệ mà các tội xâm phạm trật tự công cộng xâm phạm đó là “hoạt động bình thường, ổn định xã hội ở những nơi công cộng”, nhưng học viên cho rằng khách thể chính bị các tội xâm phạm trật tự công cộng xâm phạm phải là “hoạt động bình thường, ổn định xã hội ở những nơi công cộng”, những thiệt hại về tài sản của Nhà nước, tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân chỉ là những khách thể phụ nhằm phân biệt giữa các tội trong nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng .
Đồng thời, qua nghiên cứu tính lỗi của các tội xâm phạm trật tự công cộng , học viên thấy lỗi của các tội này phải là lỗi cố ý bởi lẽ người thực hiện hành vi phạm tội có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đủ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình, bản thân người phạm tội cũng nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình gây ra là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả nhưng mong muốn hậu quả xảy ra hoặc không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng có thái độ để mặc cho hậu quả xảy ra.
Tổng hợp lại, theo quan điểm của học viên, khái niệm của các tội xâm phạm trật tự công cộng như sau:
Các tội xâm phạm trật tự công cộng là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý trực tiếp, xâm phạm vào các quy định của Nhà nước về trật tự công cộng, xâm phạm đến hoạt động bình thường, ổn định xã hội ở những nơi công cộng gây thiệt hại về tài sản Nhà nước, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân.
Các tội xâm phạm trật tự công cộng gồm 12 tội danh được quy định từ Điều 318 đến Điều 329 Bộ luật Hình sự 2015. Dựa theo tiêu chí khách thể trực tiếp bị xâm hại, có thể phân chia các tội xâm phạm trật tự công cộng thành hai nhóm, đó là:
Thứ nhất, nhóm các tội xâm phạm trật tự công cộng liên quan đến tệ nạn xã hội:
– Tội hành nghề mê tín, dị đoan (Điều 320);
– Tội đánh bạc (Điều 321);
– Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (Điều 322);
– Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 326);
– Tội chứa mại dâm (Điều 327);
– Tội môi giới mại dâm (Điều 328);
– Tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329).
Thứ hai, nhóm các tội xâm phạm trật tự công cộng liên quan đến trật tự xã hội:
– Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318);
– Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (Điều 319);
– Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323);
– Tội rửa tiền (Điều 324);
– Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp (Điều 325).
Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định cấu thành của các tội phạm này và các hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của từng trường hợp cụ thể trên cơ sở phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa hình phạt.
Những quy định này của BLHS năm 2015 là các quy phạm về luật nội dung mà hoạt động công tố trong giai đoạn điều tra phải chứng minh làm rõ, trên cơ sở đó xác định tính có căn cứ để truy tố người phạm tội ra trước tòa án.
2. Đặc điểm thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các tội xâm phạm trật tự công cộng:
Ở nước ta, Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố nhằm đảm bảo:
– Mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội; – Không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật.
Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can (xét phê chuẩn, hủy bỏ quyết định khởi tố không, các quyết định này có căn cứ và phù hợp pháp luật của CQĐT), việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với người phạm tội. Khi VKSND không chấp nhận việc khởi tố thì yêu cầu CQĐT hủy bỏ và ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; nếu đã khởi tố, điều tra và xác định không có tội phạm hoặc không có căn cứ truy cứu trách nhiệm đối với bị can thì vụ án phải đình chỉ và chấm dứt mọi hoạt động tố tụng.
Thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra các tội xâm phạm trật tự công cộng có những đặc điểm chung của thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn điều tra đó là:
Một là, trong khi hoạt động điều tra có nhiệm vụ chứng minh toàn bộ việc phạm tội một cách khách quan, toàn diện, cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội thì hoạt động công tố nhằm thực thi quyền truy cứu trách nhiệm | hình sự, quyết định việc buộc tội, việc gỡ tội; quyết định việc hạn chế các quyền công dân như bắt, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác; quyết định việc đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật.
Hai là, thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra bao gồm hành vị và các quyết định tố tụng mang tính công khai theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền tố tụng do pháp luật quy định. Các quyết định công tố thể hiện dưới dạng văn bản của người có thẩm quyền như quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can. Các quyết định tố tụng của VKSND đều được gửi cho những người có liên quan theo quy định của pháp luật.
Ba là, các hoạt động thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra đều nhân danh nhà nước, chịu sự lãnh đạo tập trung của Viện trưởng VKSND mỗi cấp và chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSNDTC. VKSND cấp trên có quyền rút, hủy bỏ các quyết định công tố không có căn cứ và trái pháp luật của VKSND cấp dưới và yêu cầu ra quyết định đúng pháp luật. Điều này khác với tổ chức hoạt động điều tra, CQĐT cấp trên không có quyền rút hoặc hủy bỏ các quyết định tố tụng của CQĐT cấp dưới.
Bốn là, thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra có đặc điểm khác với hoạt động kiểm sát điều tra. Tuy cùng một chủ thể tiến hành là VKS nhưng đối tượng của thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra là sự việc phạm tội, hành vi phạm tội và người phạm tội, còn đối tượng của hoạt động kiểm sát điều tra là các chủ thể tiến hành hoạt động điều tra (Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra), nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, VKS có quyền kiến nghị, yêu cầu các chủ thể chấm dứt vi phạm, khôi phục lại trật tự pháp luật bị vi phạm.
Năm là, khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, song song với việc xem xét đánh giá những tài liệu, chứng cứ để buộc tội, VKS cũng phải xem xét, đề ra các yêu cầu điều tra để tìm kiếm, xem xét, đánh giá những tình tiết gỡ tội, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Đây là đặc trưng của hoạt động thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra với hoạt động thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử bởi trong giai đoạn xét xử, khi thực hành quyền công tố, VKS chỉ thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ bản cáo trạng và đề nghị mức hình phạt đối với người phạm tội.
Ngoài những đặc điểm trên, thực hành quyền công tố ở giai đoạn điều tra các các tội xâm phạm trật tự công cộng còn có những đặc điểm riêng như sau:
Một là, các tội xâm phạm trật tự công cộng thường phức tạp, khó phân loại hành vi phạm tội của những người thực hiện hành vi phạm tội bởi các vụ án thường có nhiều đối tượng, cùng thực hiện một hoặc nhiều hành vi vi phạm pháp luật (tội gây rối trật tự công cộng, tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, tội môi giới mại dâm, tội chứa mại dâm, tội rửa tiền), trong quá trình điều tra, các đối tượng tìm mọi cách để đổ lỗi cho nhau hoặc che giấu hành vi phạm tội của người khác. Do đó, khi thực hành quyền công tố, Kiểm sát viên được phân công trước hết phải phối hợp với cán bộ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam đảm bảo các đối tượng bị tạm giữ, tạm giam riêng rẽ, tránh việc các đối tượng thông cung, cản trở hoạt động điều tra. Đồng thời, Kiểm sát viên phải phối hợp với Điều tra viên hỏi cung các bị can để đánh giá tính trung thực trong lời khai của các đối tượng, qua đó phân loại mức độ nguy hiểm, tính chất đồng phạm của các đối tượng. Điều 50 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ–VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về kỹ năng tiến hành hỏi cung của Kiểm sát viên như sau:
Khi nhận được thông báo của Điều tra viên, cán bộ điều tra về việc tiến hành hỏi cung bị can, nếu xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên trực tiếp tham gia việc hỏi cung bị can. Trong trường hợp này, Kiểm sát viên phải nghiên cứu, nắm chắc hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan đến hành vi phạm tội của bị can, xác định nội dung cần làm rõ để yêu cầu Điều tra viên, Cán bộ điều tra hỏi; phối hợp với Điều tra viên, Cán bộ điều tra nghiên cứu, phát hiện mâu thuẫn giữa lời khai của bị can với lời khai của người tham gia tố tụng khác, với chứng cứ khác nhằm làm rõ những vấn đề cần phải chứng minh. Kiểm sát viên chú ý cách đặt câu hỏi của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, bảo đảm không để xảy ra việc bức cung, mớm cung, dụ cung; chú ý câu trả lời của bị can để phát hiện tình tiết mới, những điểm chưa rõ và yêu cầu Điều tra viên, Cán bộ điều tra hỏi làm rõ. Nếu thấy việc hỏi cung chưa đạt yêu cầu, Kiểm sát viên trực tiếp hỏi để làm rõ. Khi tham gia hỏi cung bị can cùng Điều tra viên, Cán bộ điều tra, kiểm sát viên ký vào biên bản hỏi cung. Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ biên bản hỏi cung do Điều tra viên, Cán bộ điều tra thực hiện. Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên, Cán bộ điều tra cung cấp đầy đủ biên bản hỏi cung, các tài liệu khác đã thu thập được liên quan đến việc hỏi cung bị can; tiến hành phân tích, đối chiếu, so sánh với các tài liệu khác trong hồ sơ để xác định tính có căn cứ, hợp pháp và sự phù hợp của lời khai, bảo đảm mọi tình tiết trong lời khai của bị can đều phải được kiểm tra, xác minh làm rõ.
Hai là, nhóm các tội xâm phạm trật tự công cộng xảy ra trên địa bàn quận, huyện đa số thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng do đó, khi thực hành quyền công tố, Kiểm sát viên phải phối hợp cùng với Cơ quan Cảnh sát điều tra trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các bị can để vừa đảm bảo việc các bị can khai báo đúng sự thật, không bỏ trốn trong suốt quá trình giải quyết vụ án, vừa đảm bảo quyền con người của các bị can bởi lẽ, đối với các bị can phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng thì việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với bị can phải thỏa mãn những quy định tại khoản 2 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như:
a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;
b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch bị can;
c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;
d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;
đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Thông qua những đặc điểm đã phân tích trên: “Thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các tội xâm phạm trật tự công cộng là việc sử dụng quyền năng pháp lý mang tính quyền lực Nhà nước trong tố tụng hình sự. Trong đó, Viện kiểm sát nhân dân ban hành các văn bản cá biệt có tác dụng làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quan hệ pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án, bảo đảm cho việc truy cứu trách nhiệm đúng pháp luật hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm đến trật tự công cộng”.