Viện kiểm sát nhân dân có những nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ án mua bán người cũng như trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự mua bán người.
Mục lục bài viết
1. Thực hành quyền công tố trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ án mua bán người:
Giải quyết nguồn tin về tội mua bán người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Đây là hoạt động mở đầu của quá trình giải quyết vụ án hình sự nhằm phát hiện hành vi phạm tội. Trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác này là thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, bảo đảm việc giải quyết của cơ quan điều tra đúng pháp luật, đầy đủ; bảo đảm mọi tội phạm đều được phát hiện, khởi tố, điều tra và xử lý. Điều 145, 146, 147, 148, 150, 159 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định rõ nội dung của thực hành quyền công tố trong giai đoạn này. Theo đó, trong giai đoạn này, Viện kiểm sát thực hiện các hoạt động sau đây:
– Viện kiểm sát phê chuẩn, không phê chuẩn việc bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ và các biện pháp khác
Viện kiểm sát có quyền quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ nhằm thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm, bảo đảm người bị tình nghi không bỏ trốn, cản trở quá trình xác minh tin báo hoặc tiêu hủy chứng cứ (Điều 110, Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Quy định này nhằm phù hợp với Điều 20 Hiến pháp 2013 “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang”. Theo quy định tại khoản 4 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai và ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn trong thời hạn 12 giờ.
– Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ, các quyết định tố tụng khác nếu có trái pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Điều 12, Điều 22 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định: trong quá trình thực hiện chức năng thực hành quyền công tố các tố giác, tin báo về tội mua bán người, khi xét thấy quyết định tạm giữ không có căn cứ hoặc trái pháp luật, Viện kiểm sát có quyền hủy bỏ quyết định tạm giữ và quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Đây là quyền năng quan trọng của Viện kiểm sát nhằm bảo vệ quyền công dân, quyền con người theo Hiến pháp 2013. Ngoài ra Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm một số quyền năng thuộc chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn này như: Đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thực hiện; Hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ trong trường hợp quyết định tạm đình chỉ giải quyết tin báo không có căn cứ; Trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát nhân dân đã yêu cầu nhưng không được khắc phục. Thực hiện tốt những quy định này ngay từ đầu sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm trong tố tụng hình sự
Trong hoạt động tố tụng hình sự, vấn đề áp dụng biện pháp bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, áp dụng các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân là một việc cần thiết. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp trên ảnh hưởng trực tiếp các quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp ghi nhận như: quyền bất khả xâm phạm, quyền tự do đi lại và cư trú... Do đó, việc áp dụng các biện pháp này đòi hỏi phải chặt chẽ, cân nhắc, hạn chế sự lạm quyền từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng.
2. Thực hành quyền công tố trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự mua bán người:
Một là, Hoạt động thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, phê chuẩn, không phê chuẩn các quyết định của cơ quan điều tra , áp dụng biện pháp ngăn chặn, hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật
– Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Viện kiểm sát có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án mua bán người trong những trường hợp: a) Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; b) Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; c) Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử. Như vậy, so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì thẩm quyền khởi tố của Viện kiểm sát đã có thêm 02 trường hợp gồm Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm.
– Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố VAHS:
Theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án mua bán người khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra; ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án mua bán người khi có căn cứ xác định còn tội phạm khác chưa bị khởi tố. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra , cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi quyết định kèm theo các tài liệu liên quan đến việc thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát việc khởi tố.
– Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố VAHS:
Quyền hủy quyết định khởi tố vụ án hình sự của Viện kiểm sát được quy định tại Điều 159 và điểm b khoản 1 Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, khi thực hành quyền công tố trong việc khởi tố vụ án mua bán người, Viện kiểm sát có quyền hủy bỏ quyết định khởi tố không có căn cứ và trái pháp luật. Đây là hoạt động pháp lý thuộc chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhằm hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ và trái pháp luật.
– Viện kiểm sát ra quyết định phê chuẩn, hủy bỏ quyết định khởi tố bị can, yêu cầu thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can hoặc trực tiếp ra các quyết định trên:
thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát đối với hoạt động khởi tố bị can được quy định tại Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Khi đã xác định chính xác quyết định khởi tố là có căn cứ thì Viện kiểm sát ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và chuyển cho cơ quan điều tra để tiến hành việc điều tra. Đặc biệt, theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ đề nghị phê chuẩn khởi tố bị can, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu bổ sung chứng cứ. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu bổ sung, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can. Trường hợp xác định quyết định khởi tố bị can không có căn cứ và trái pháp luật thì theo quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Viện kiểm sát | ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can. Cũng theo quy định tại Điều 179
Bộ luật Tố tụng hình sựnăm 2015, trong quá trình điều tra vụ án hình sự, khi phát hiện có người thực hiện hành vi phạm tội chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát yêu cầu khởi tố bị can. Nếu đã có yêu cầu mà cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát căn cứ khoản 4 Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự trực tiếp ra quyết định khởi tố bị can, không phải chờ đến khi kết thúc điều tra mới tiến hành khởi tố và trả hồ sơ cho cơ quan điều tra như Bộ luật Tố tụng hình sự 2003.
– Viện kiểm sát trực tiếp áp dụng biện pháp ngăn chặn; quyền quyết định phê chuẩn, không phê chuẩn các quyết định của cơ quan điều tra , hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật:
Trong hoạt động TTHS, vấn đề áp dụng các biện pháp ngăn chặn là một việc cần thiết để bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự được thuận lợi, hoạt động chứng minh vụ án đạt kết quả tốt, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Mặt khác, biện pháp ngăn chặn cũng góp phần bảo đảm cho việc thực hiện dân chủ, tôn trọng các quyền cơ bản của công dân. Theo giáo trình Luật Tố tụng hình sự, biện pháp ngăn chặn được hiểu như sau:
Biện pháp ngăn chặn là những biện pháp cưỡng chế được quy định trong pháp luật TTHS và được áp dụng đối với bị can, bị cáo hoặc người chưa bị khởi tố hình sự nhằm kịp thời ngăn chặn những hành vi nguy hiểm đối với xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, hoặc có những hành động gây khó khăn, cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Các biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự2015 gồm có các biện pháp: giữ người trong trường hợp khẩn cấp (Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự), bắt người (Điều 110, 111, 112, 113, 503 Bộ luật Tố tụng hình sự), tạm giữ (Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự), tạm giam (Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự), bảo lĩnh (Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự), đặt tiền để bảo đảm (Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự), cấm đi khỏi nơi cư trú (Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự), tạm hoãn xuất cảnh (Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự). Trong các biện pháp ngăn chặn nêu trên thì Viện kiểm sát được quyền áp dụng trực tiếp đối với các biện pháp, trừ biện pháp tạm giữ. Tuy nhiên, đối với biện pháp tạm giữ, nếu cơ quan điều tra có gia hạn tạm giữ thì phải được Viện kiểm sát phê chuẩn trước. Ngoài trực tiếp áp dụng, Viện kiểm sát còn được giao thẩm quyền xét phê chuẩn lệnh, quyết định áp dụng một số biện pháp ngăn chặn của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra như: bắt bị can, bị cáo để tạm giam (Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự), bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự–phê chuẩn sau khi bắt), tạm giam (Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự), đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm (Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự). Tại Khoản 2, Điều 125 Bộ luật Tố tụng hình sự còn quy định: “Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn thì việc huỷ bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác phải do Viện kiểm sát quyết định”.
Qua các điều luật trên cho thấy, Viện kiểm sát cũng được luật quy định có quyền công tố trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bằng việc trực tiếp ra quyết định áp dụng hay phê chuẩn các quyết định áp dụng, hủy bỏ, hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn của cơ quan điều tra .
Hai là, Hoạt động thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong việc đề ra yêu cầu điều tra, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra
– Viện kiểm sát trực tiếp đề ra yêu cầu điều tra:
Một trong những nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra VAHS là đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra được quy định tại khoản 6 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Để bảo đảm hoạt động điều tra các vụ án mua bán người có hiệu quả thì Viện kiểm sát với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố phải đề ra yêu cầu điều tra ngay từ khi có quyết định khởi tố vụ án và trong từng giai đoạn của quá trình điều tra, KSV được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra phải bám sát việc điều tra vụ án của cơ quan điều tra để kịp thời đề ra các yêu cầu điều tra một cách cụ thể, toàn diện nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việc đề ra yêu cầu điều tra có thể được thực hiện ngay từ khi kiểm sát khám nghiệm hiện trường, ngay sau khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình điều tra. Yêu cầu điều tra có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản.
– Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra:
Tuy có thẩm quyền đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra nhưng cũng có những trường hợp cơ quan điều tra chưa đáp ứng những yêu cầu cần thiết để bảo đảm cho việc truy tố bị can phạm tội mua bán người ra trước Tòa án hoặc hoạt động điều tra có tính chất đơn giản, Viện kiểm sát có thể trực tiếp làm được thì Viện kiểm sát có quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015:
Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn lệnh, quyết định của cơ quan điều tra , cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục hoặc trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định việc truy tố.
Với quy định như trên đã khắc phục những điểm hạn chế của khoản 2 Điều 112 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 là chỉ quy định Viện kiểm sát chỉ thực hiện một số hoạt động điều tra mang tính chất bổ khuyết cho kết quả điều tra của cơ quan điều tra , chứ không có thẩm quyền trực tiếp điều tra trong một số trường hợp cần thiết. Điều này trong thực tế nếu gặp những trường hợp cơ quan điều tra không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu của Viện kiểm sát , có vi phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra vụ án có thể làm sai lệch hồ sơ vụ án... thì Viện kiểm sát sẽ rất khó khăn trong quá trình thực hành quyền công tố sau này.
Ba là, Viện kiểm sát hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cơ quan điều tra , yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị can
Viện kiểm sát có quyền hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cơ quan điều tra khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các vụ án mua bán người. Quyết định không có căn cứ là các quyết định tố tụng không đáp ứng hoặc đáp ứng không đủ các căn cứ được quy định theo pháp luật hình sự để ra quyết định đó; Quyết định trái pháp luật là các quyết định sai về mặt hình thức ban hành, chủ thể ban hành, thẩm quyền nội dung hoặc không đúng về thời hạn. Tuy nhiên, không phải cứ quyết định nào của cơ quan điều tra có sai phạm là Viện kiểm sát sẽ hủy bỏ quyết định đó ngay mà tùy vào mức độ sai phạm và khả năng khắc phục sai phạm đó mà Viện kiểm sát sẽ yêu cầu khắc phục hoặc hủy bỏ. Ngoài ra, Viện kiểm sát còn có quyền yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị can”. Trường hợp này xảy ra sau khi có quyết định khởi tố bị can thì bị can bỏ trốn và cơ quan điều tra không ra quyết định truy nã bị can thì Viện kiểm sát có quyền yêu cầu cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can.
Bốn là, Viện kiểm sát trong việc quyết định tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra, phục hồi điều tra.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án; khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thầm hoặc bệnh hiểm nghèo; khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp những chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra. Khi thực hành quyền công tố các vụ án mua bán người, nếu quyết định tạm đình chỉ điều tra của cơ quan điều tra không có căn cứ, Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ điều tra của cơ quan điều tra và yêu cầu cơ quan điều tra phục hồi điều tra. Khi thấy lý do tạm đình chỉ điều tra không còn, Viện kiểm sát phải yêu cầu cơ quan điều tra phục hồi điều tra.
cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, hoặc khi xác định rõ một trong các căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại điều 158 Bộ luật Tố tụng hình sựnăm 2015 hoặc khi có một trong các căn cứ quy định tại điều 16, Điều 29, Điều 63 BLHS năm 2015. Khi nhận được quyết định đình chỉ điều tra vụ án mua bán người của cơ quan điều tra , nếu thấy việc đình chỉ điều tra có căn cứ, Viện kiểm sát trả lại hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu xét thấy lý do việc đình chỉ điều tra không có căn cứ, Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra của cơ quan điều tra , yêu cầu cơ quan điều tra phục hồi điều tra; hoặc ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra của cơ quan điều tra và ra quyết định truy tố nếu đủ căn cứ để truy tố theo quy định tại Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Tố tụng hình sự, khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra, cơ quan điều tra có thẩm quyền ra quyết định phục hồi điều tra, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi nhận được quyết định phục hồi điều tra của cơ quan điều tra , nếu thấy lý do việc phục hồi điều tra không có căn cứ và không đúng quy định tại điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định phục hồi điều tra của cơ quan điều tra .
Nếu việc điều tra bị đình chỉ do đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc tội phạm đã được đặc xá mà bị can không đồng ý và yêu cầu điều tra lại thì cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát ra quyết định phục hồi điều tra.