Có thể nói, xử lý và kiểm soát các hành vi gây ô nhiễm môi trường hiện nay đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần làm đẹp mỹ quan đô thị cũng như bảo vệ sức khỏe của mỗi người dân. Xoay quanh vấn đề này, nhiều người dân thắc mắc: Đổ, xả nước thải sinh hoạt ra đường có bị xử phạt hay không?
Mục lục bài viết
1. Đổ, xả nước thải sinh hoạt ra đường có bị xử phạt không?
1.1. Nước thải sinh hoạt được hiểu như thế nào?
Để hiểu thêm về nước thải sinh hoạt, trước tiên cần hiểu nước là gì? Nước được coi là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá của con người. Nước trong tự nhiên bao gồm toàn bộ các đại dương, biển, sông, hồ, ao, suối, nước ngầm, hơi nước ẩm trong lòng đất và trong khí quyển. Trên trái đất nước biển và đại dương chiếm 97%, nước băng đá ở hai cực chiếm 2%. Nước ngọt dạng lỏng chiếm khoảng 1% tổng lượng nước. Như vậy thì chỉ có khoảng 0.03% lượng nước trên hành tinh là có thể sử dụng được. Nhìn chung thì nước cần cho mọi sự sống và phát triển. Nước giúp cho các tế bào sinh vật trao đổi chất và tham gia vào các phản ứng hóa học tạo nên các tế bào mới. Vì vậy có thể nói rằng ở đâu có nước nào ở đó có sự sống.
Nước dùng cho sản xuất đời sống và sản xuất nông nghiệp cũng như công nghiệp và dịch vụ. Vì thế nước vô cùng gắn bó với đời sống của con người, trải qua các thời kỳ của lịch sử thì đến nay nước vẫn là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Sau khi sử dụng nước, thì nước trở thành nước thải. Nước bị ô nhiễm với nhiều mức độ khác nhau. Ngày nay cùng với sự bùng nổ về dân số và tốc độ phát triển cao của công nghệ đã để lại nhiều hậu quả phức tạp đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường nước, trong đó có nước thải sinh hoạt cũng là một loại nước đã bị ô nhiễm. Vấn đề này đang được nhiều người quan tâm trong phạm vi quốc gia và trên thế giới.
Nhìn chung thì có thể hiểu nước thải sinh hoạt là một dạng chất lỏng được thải ra sau quá trình sử dụng của con người như cung ứng dịch vụ, chế biến công nghiệp hoặc chăn nuôi … và loại nước này đã bị thay đổi tính chất ban đầu của chúng. Nước thải sinh hoạt là một khái niệm được nhìn nhận theo nguồn gốc phát sinh. Đây là một loại nước phát sinh từ hoạt động sinh hoạt của cộng đồng dân cư như khu vực đô thị, trung tâm thương mại hoặc trung tâm vui chơi giải trí, thậm chí là các cơ quan công sở … Đối với các hộ gia đình và cá nhân, thì nước thải sinh hoạt của hộ gia đình được chia làm hai loại chính đó là nước đen và nước xám.
+ Nước đen là loại nước thải từ nhà vệ sinh, đây là loại nước thải sinh hoạt chưa phần lớn các chất ô nhiễm chủ yếu là chất hữu cơ, đặc biệt là các vi sinh vật gây bệnh và các loại cặn bã.
+ Nước xám là loại nước phát sinh từ quá trình tắm rửa và giặt giũ cũng như các hoạt động khác của con người với các thành phần ô nhiễm không đáng kể. Nhìn chung thì các thành phần ô nhiễm đặc trưng của nước xám thường thấy trong nước thải sinh hoạt đó là BOD, COD, ni-tơ và phốt-pho.
Trong nước thải sinh hoạt thì hàm lượng nito và photpho là rất lớn, nếu như không được loại bỏ thì chúng sẽ làm cho nguồn tiếp nhận nước thải bị phú dưỡng – một hiện tượng thường xảy ra ở nguồn nước có hàm lượng nito và photpho cao. Trong đó các loại thực vật thủy sinh phát triển mạnh rồi chết đi, thối rữa làm cho nguồn nước trở nên bị ô nhiễm trầm trọng.
1.2. Hành vi xả nước thải sinh hoạt ra đường có vi phạm pháp luật không?
Có thể nhìn nhận rằng, pháp luật Việt Nam đặt ra những chuẩn mực nhất định mà người dân phải tuân thủ theo nhằm hướng đến lợi ích chung của toàn thể cộng đồng và xã hội. Do đó hành vi xả thải nước sinh hoạt trực tiếp ra môi trường mà chưa qua xử lý có thể dẫn đến hậu quả ô nhiễm môi trường, thời gian kéo dài có thể gây ra hậu quả ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe của người dân xung quanh khu vực này. Nước thải sinh hoạt là một loại nước thải không đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường vì thế, hành vi xả nước thải sinh hoạt ra ngoài môi trường khi không đáp ứng được yêu cầu của pháp luật Việt Nam là hành vi vi phạm điều cấm. Cụ thể là theo quy định tại Điều 6 của văn bản hợp nhất Luật Bảo vệ môi trường năm 2022 có quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như sau:
– Hành vi vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
– Hành vi xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật do pháp luật quy định;
– Hành vi phát tán các chất độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên;
– Hành vi gây tiếng ồn vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật, và hành vi xả thải làm ô nhiễm nguồn không khí;
– Hành vi thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
– Hành vi xuất nhập khẩu, tái nhập khẩu hoặc hành vi quá cảnh chất thải từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam dưới bất kì hình thức nào;
– Hành vi nhập khẩu trái phép các vật dụng phế thải đã qua sử dụng để phá dỡ, tái chế;
– Hành vi không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hành vi xả nước thải sinh hoạt ra đường là hành vi gây mất mĩ quan đô thị, hành vi này làm ảnh hưởng đến mọi người, và được xác định là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Vì thế tùy vào tính chất và mức độ khác nhau sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
1.3. Mức xử phạt đối với hành vi xả nước thải sinh hoạt ra đường:
Như đã phân tích ở trên, hành vi xả thải phải đáp ứng được các điều kiện theo đúng tiêu chuẩn kĩ thuật, xả thải phải được diễn ra đúng nơi quy định, nếu xả thải tùy tiện sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay, theo quy định tại nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung sẽ bị xử phạt với mức như sau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với chủ thể thực hiện một trong những hành vi sau đây:
– Không thực hiện các quy định về quét dọn dẹp môi trường, rác thải, khai thông cống rãnh theo đúng quy định pháp luật và xung quanh môi trường sinh sống gây hậu quả là mất vệ sinh chung;
– Hành vi đổ nước hoặc để nước thải gia đình chảy ra khu tập thể hoặc lòng lề đường hoặc ở những nơi khác làm mất vệ sinh chung và mất mĩ quan đô thị;
– Tiểu tiện hoặc đại tiện tại các khu vực công cộng hoặc khu dân cư;
– Để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế bừa bãi ở nơi công cộng gây ảnh hưởng đến cuộc sống chung;
– Lấy hoặc vận chuyển rác, chất thải bằng phương tiện thô sơ trong khu vực thành phố, thị xã, các khu đông dân cư để rơi vãi hoặc không đảm bảo vệ sinh;
Như vậy, theo nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, thì hành vi xả nước sinh hoạt ra đường sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
2. Một số biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi xả nước thải sinh hoạt ra đường:
Ngoài hình thức xử phạt vi phạm hành chính, được coi là hình phạt chính đã phân tích ở trên, thì hành vi tùy tiện xả nước thải sinh hoạt ra đường còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung, khắc phục hậu quả, nhằm ổn định lại trật tự và an ninh khu phố cũng như đời sống sinh hoạt của người dân, cụ thể như sau:
– Buộc chấm dứt hành vi xả thải khối lượng chất thải sinh hoạt ra ngoài môi trường trái quy định pháp luật;
– Buộc xin lỗi công khai khi người bị ảnh hưởng bởi hành vi xả thải bừa bãi có yêu cầu;
– Buộc dọn dẹp lại khu phố và phôi phục lại hiện trạng ban đầu trước khi thực hiện hành vi xả thải;
– Và các biện pháp khắc phục hậu quả khác quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
3. Một số hậu quả của hành vi xả nước thải sinh hoạt ra đường:
Nước thải sinh hoạt khi không được thông qua hệ thống xử lý mà xả trực tiếp ra bên ngoài môi trường sẽ gây ra những tác hại vô cùng nguy hiểm đến môi trường và con người.
– Ảnh hưởng tới môi trường đất: Nước thải sinh hoạt khi ngấm vào đất sẽ làm thay đổi các thành phần trong đất, gây hại cho các loài cây trồng trên vùng đất ô nhiễm, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng cũng như hàm lượng dinh dưỡng của các loài cây. Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt ô nhiễm khi ngấm vào trong lòng đất cũng sẽ ngấm vào mạch nước ngầm. Những người sử dụng nguồn nước ngầm cũng sẽ dễ mắc các bệnh liên quan tới đường ruột, đường tiêu hóa …;
– Ảnh hưởng tới môi trường không khí: Biểu hiện của ảnh hưởng này là qua những mùi hôi bất thường. Mùi hôi càng nồng nặc sẽ khiến cho thời tiết càng trở nên nóng bức, điều này sẽ khiến cho sức khỏe của con người bị hao mòn, tăng nguy cơ mắc bệnh phổi, đường hô hấp;
– Ảnh hưởng đến sức khỏe con người: Khi con người sử dụng nguồn nước thải sinh hoạt bị ô nhiễm về lâu về dài sẽ dẫn tới một số bệnh về đường ruột, viêm da, viêm hô hấp, ung thư, ngộ độc, kiết lị, biến đổi gen …
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất Luật Bảo vệ môi trường năm 2022;
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.