Sổ hộ khẩu là khái niệm quen thuộc, gắn liền với hoạt động cư trú của người dân, và công tác quản lý dân cư của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Vậy người dân có được phép thế chấp sổ hộ khẩu để vay ngân hàng không?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về sử dụng sổ hộ khẩu:
Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân. Tức khi đăng ký hộ khẩu thường trú tại một địa phương nào đó, người dân phải thực hiện đăng ký hộ khẩu thường trú. Khi người dân tiến hành đăng ký hộ khẩu thường trú, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ cấp sổ hộ khẩu cho người dân.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, đến năm 2022, bộ máy hành chính Việt Nam không còn sử dụng sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, xét về cơ cấu tổ chức, và vận hành, quản lý Nhà nước của cơ quan Nhà nước ở giai đoạn trước đó, có thể thấy, sổ hộ khẩu có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân, cũng như bộ máy quản lý hành chính tại Việt Nam. Cụ thể:
– Sổ hộ khẩu là công cụ để cơ quan Nhà nước quản lý hoạt động cư trú của người dân. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một lãnh thổ thống nhất. Theo đó, mọi công dân đều có quyền di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác. Lúc này, song song với quyền tự do của công dân, Nhà nước phải đưa ra phương hướng quản lý hoạt động sinh sống, làm việc của người dân sao cho đầy đủ tính hợp lý và hợp pháp nhất. Sổ hộ khẩu sẽ phát huy tác dụng của nó khi xác định thường trú tại một địa phương, các cá nhân sẽ phải đăng ký hộ khẩu thường trú (Sổ hộ khẩu có các thông tin về chủ hộ và các thành viên khác như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quan hệ với chủ hộ). Cơ quan Nhà nước sẽ dựa vào hệ thống thông tin đăng ký này để nắm bắt tình hình dân cư và đưa ra phương hướng xử lý tốt nhất với các tình huống, sự kiện hành chính phát sinh xảy đến.
– Hoạt động quản lý dân cư còn gắn chặt với cơ cấu dân số, cùng điều kiện phát triển kinh tế. Thông qua sổ hộ khẩu, cơ quan Nhà nước sẽ nắm bắt được mật độ dân số trên từng địa bàn. Từ đó đưa ra phương án quản lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động, việc làm một cách tốt nhất.
– Thông qua sổ hộ khẩu, việc nắm bắt thông tin cư trú của các cá nhân trên địa bàn sẽ thuận tiện hơn. Khi có các phát sinh liên quan đến vấn đề tội phạm xảy ra, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ đưa ra phương án giải quyết kịp thời và tối ưu nhất.
2. Có được phép thế chấp sổ hộ khẩu để vay ngân hàng không?
Trước năm 2022, sổ hộ khẩu là một chứng thư pháp lý đặc biệt quan trọng, gắn chặt với các hoạt động pháp lý hành chính của người dân. Có thể nói, sổ hộ khẩu chính là “vật bất ly thân” của các cá nhân. Hầu hết các hoạt động hành chính, pháp lý mà người dân phải tuân thủ thực hiện đều liên quan đến sổ hộ khẩu.
Do nhìn nhận được giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng của sổ hộ khẩu, nên có rất nhiều cá nhân sử dụng sổ hộ khẩu như một loại vật chứng đảm bảo cho các giao dịch dân sự của mình.
Ví dụ: Anh Nguyễn Văn B (30 tuổi), thường trú tại Hải Dương. Cuối năm 2019, anh B làm nhà. Do thiếu tiền chi trả cho thợ xây, cũng như mua nguyên vật liệu xây dựng, nên anh đã quyết định đi vay tiền. Anh đến nhà bà Nguyễn Thị H, một người giàu có trong xã để hỏi vay tiền. Bà H đồng ý cho anh B vay với điều kiện anh B phải thế chấp sổ đỏ. Tuy nhiên, sổ đỏ của anh B đã được thế chấp ở phía ngân hàng. Lúc này, sau khi trao đổi, nói chuyện với nhau. hai bên đã quyết định dùng sổ hộ khẩu thế chấp cho khoản vay. Hai bên viết giấy vay nợ, và bà H cầm sổ hộ khẩu của anh B.
Đây là ví dụ thực tiến cho hành vi sử dụng sổ hộ khẩu thế chấp cho khoản vay. Hoạt động này diễn ra do nhận thức, ý chí của các cá nhân. Người dân cho rằng sổ hộ khẩu là chứng thư pháp lý có giá trị, nên việc sử dụng sổ hộ khẩu để thế chấp cho khoản vay là hoàn toàn được (tương đương với sổ đỏ). Thậm chí, có nhiều cá nhân đặt ra câu hỏi, rằng dùng sổ hộ khẩu để thế chấp vay ngân hàng được hay không?
Câu trả lời là không.
Theo quy định của các thông tư, Nghị định cũ liên quan đến sổ hộ khẩu, thì đối với các hành vi liên quan đến tẩy, xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú; thuê, cho thuê sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật; sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật, chủ thể vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính đối với các mức phạt cụ thể.
Như vậy, có thể thấy, trước đây, tại thời điểm sổ hộ khẩu còn được áp dụng sử dụng, thì các hoạt động liên quan đến việc sử dụng sổ hộ khẩu để thực hiện, đảm bảo cho các giao dịch; hay cho thuê, thuê lại sổ hộ khẩu đều là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm thực hiện. Do đó, với nội dung phân tích trong bài viết, thì vướng mắc liên quan đến câu hỏi sử dụng sổ hộ khẩu để thế chấp vay ngân hàng được không, thì câu trả lời là không được.
3. Hệ quả pháp lý của việc cố tình sử dụng sổ hộ khẩu để cầm cố, thế chấp:
Theo nội dung phân tích ở phần mục trên, pháp luật không cho phép hoạt động sử dụng sổ hộ khẩu để đảm bảo giao dịch cho khoản vay. Tuy nhiên, trong thực tế, một số cá nhân vẫn ngầm thỏa thuận với nhau về việc dùng sổ hộ khẩu để cầm cố, thế chấp. Việc cố tình sử dụng sổ hộ khẩu để cầm cố, thế chấp đem đến những hệ quả pháp lý sau đây:
– Cố tình sử dụng sổ hộ khẩu để cầm cố, thế chấp là hành vi sử dụng sổ hộ khẩu sai mục đích, nếu bị phát hiện, chủ thể vi phạm sẽ bị xử lý xử phạt theo quy định của pháp luật.
– Với giao dịch vay nợ, sử dụng sổ hộ khẩu là tài sản thế chấp, thì khi bên vay không đủ khả năng trả nợ, hay không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, thì bên cho vay không có cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thậm chí, trong trường hợp khởi kiện ra Tòa dân sự, giao dịch này sẽ được xét là vô hiệu.
– Việc đưa sổ hộ khẩu cho một cá nhân, tổ chức khác sẽ làm phát sinh ra tình trạng rò rỉ thông tin. Các đối tượng xấu có thể sử dụng thông tin này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (đặc biệt trong bối cảnh nền công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ như ngày nay).
– Cố tình sử dụng sổ hộ khẩu để cầm cố, thế chấp sẽ gây ra tình trạng hư hại, mất mát sổ hộ khẩu. Điều này làm tốn thời gian, công sức trong việc làm lại sổ hộ khẩu. Đồng thời, nó còn làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý dân cư của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
4. Thực tiễn về việc thu hồi sổ hộ khẩu tại nước ta:
Tất cả những nội dung phân tích nêu trên là là những quy phạm, nội dung được áp dụng đối với thời gian trước năm 2022, khi sổ hộ khẩu vẫn còn hiệu lực sử dụng. Đến nay, theo quy định của pháp luật về cư trú mới nhất, kể từ ngày Luật cư trú 2020 có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022. Tức sau ngày 31 tháng 12 năm 2022, sổ hộ khẩu hoàn toàn được thu hồi. Nhà nước không còn cho áp dụng sổ hộ khẩu giấy. Mà công tác quản lý dân cư của cơ quan Nhà nước được thực hiện hoàn toàn trên cổng thông tin điện tử quốc gia.
Theo Luật Cư trú năm 2020, từ ngày 01/7/2021, tất cả thông tin liên quan đến cư trú của công dân đều được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú đồng thời được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vậy nên, khi không sử dụng sổ hộ khẩu, công dân chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân để cơ quan có thẩm quyền tra cứu các thông tin cư trú, nhân thân.
Đối với quy định trong quản lý dân cư hiện nay, sổ hộ khẩu không còn hiệu lực, do đó, vướng mắc về việc sử dụng sổ hộ khẩu để cầm cố thực tế là không còn.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật cư trú 2020.