Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm đóng nhiều khoản thuế phí khác nhau theo quy định của pháp luật. Một trong số đó là thuế lợi tức. Bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu về Luật thuế lợi tức năm 1990.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm thuế lợi tức:
Lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản; khoản tiền lãi thu được do cho vay hoặc tiền gửi tại các ngân hàng; số tiền người vay trả cho chủ nợ hoặc ngân hàng trả cho người gửi tiền.
Thuế lợi tức là một loại thuế trực thu đánh vào lợi tức do các cơ sở sản xuất kinh doanh tạo ra. Tức với các khoản lợi nhuận thu được từ việc khai thác, sản xuất, kinh doanh, các cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ phải đóng thuế lợi tức cho cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Đối tượng nộp thuế lợi tức là các tổ chức, cá nhân hạch toán kinh tế độc lập thuộc thành phần kinh tế có lợi tức từ các hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam (ngoại trừ các doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài và hoạt động sản xuất nông nghiệp thuộc diện nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp).
Xét về nguyên tắc chung nhất, tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế có lợi tức từ các hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải, thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ và hoạt động kinh doanh khác trên lãnh thổ Việt Nam (gọi chung là cơ sở kinh doanh) đều phải nộp thuế lợi tức theo quy định của Luật. Hay nói cách khác, ngoại trừ các hoạt động kinh doanh thuộc diện chịu thuế lợi tức theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; các hoạt động sản xuất nông nghiệp thuộc diện chịu thuế nông nghiệp, các tổ chức, cá nhân khác đều phải đóng thuế lợi tức.
2. Tìm hiểu về Luật thuế lợi tức năm 1990?
2.1. Nguyên tắc tính thuế lợi tức:
– Theo quy định tại Điều 6 Luật thuế lợi tức 1990, căn cứ tính thuế là tổng lợi tức chịu thuế cả năm (không phân biệt hoạt động chính, hoạt động phụ, thường xuyên, không thường xuyên) và thuế suất.
– Ngoài ra, theo quy định tại Điều 9 Luật này, các khoản chi phí hợp lệ, hợp lý được trừ để tính lợi tức chịu thuế quy định theo các nguyên tắc sau:
+ Nguyên tắc 1: Tài sản cố định sử dụng cho hoạt động kinh doanh phải trích khấu hao và chi phí kinh doanh. Tỷ lệ khấu hao tài sản cố định phản ánh đúng mức độ hao mòn thực tế tài sản cố định trong điều kiện sản xuất bình thường, được áp dụng thống nhất theo chế độ quy định của Nhà nước;
+ Nguyên tắc 2: Chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng thực tế sử dụng vào sản xuất kinh doanh liên quan đến lợi tức chịu thuế phát sinh, được tính theo mức tiêu hao hợp lý và giá thực tế xuất kho của cơ sở;
+ Nguyên tắc 3: Tiền lương, tiền công, các khoản mang tính chất tiền lương phải trả được căn cứ vào tính chất ngành nghề, định mức tiền lương, tiền công trong đơn vị sản phẩm theo năng suất lao động xã hội, hiệu quả kinh tế và tương quan hợp lý giữa các ngành nghề thuộc mọi thành phần kinh tế;
+ Nguyên tắc 4: Các khoản thuế, lệ phí đã nộp có liên quan đến hoạt động kinh doanh, trừ thuế lợi tức;
+ Nguyên tắc 5: Không được trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh các khoản tiền phạt và các khoản chi không đúng chế độ quy định của Nhà nước.
2.2. Quy định của Luật thuế lợi tức 1990 về việc kê khai, nộp thuế, thu thuế lợi tức:
– Theo quy định tại Điều 13 Luật thuế lợi tức 1990, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm: Chấp hành nghiêm chỉnh chế độ sổ sách kế toán, chứng từ, hoá đơn theo quy định của Nhà nước cho từng loại đối tượng; Kê khai đầy đủ doanh thu, chi phí, lợi tức kinh doanh theo đúng chế độ do Bộ tài chính quy định; Cung cấp tài liệu, sổ sách kế toán, chứng từ, hoá đơn theo yêu cầu của cơ quan thuế; Nộp thuế đầy đủ, đúng thời hạn.
– Theo quy định tại Điều 14 Luật thuế lợi tức 1990, các tổ chức kinh doanh, cá nhân kinh doanh loại lớn, loại vừa được tạm nộp thuế lợi tức hàng tháng, thanh toán khi quyết toán năm, và có nghĩa vụ như sau:
+ Phải nộp tờ khai về thuế lợi tức tháng trước theo mẫu của cơ quan thuế, nộp đủ số tiền thuế theo lệnh của cơ quan thuế trong vòng 10 tháng đầu, chậm nhất không được quá ngày hai mươi tháng sau (không có doanh thu hoặc lỗ cũng phải nộp tờ khai).
+ Cuối năm, hoặc trong trường hợp sáp nhập, phân chia hay ngừng kinh doanh, các tổ chức kinh doanh, cá nhân kinh doanh loại lớn, loại vừa phải quyết toán lỗ, lãi, kê khai thanh toán thuế trong thời hạn bốn mươi lăm ngày kể từ khi kết thúc năm, hoặc kể từ khi ngừng kinh doanh theo mẫu của cơ quan thuế.
+ Các tổ chức kinh doanh, cá nhân kinh doanh loại lớn, loại vừa phải nộp đủ số thuế thanh toán trong thời hạn mười lăm ngày kể từ khi nhận được lệnh thu thuế của cơ quan thuế.
– Trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh khác trong việc kê khai, nộp thuế, thu thuế lợi tức được quy định cụ thể như sau:
+ Hộ kinh doanh nhỏ được tính thuế lợi tức theo chế độ khoán trên doanh thu do cơ quan thuế ấn định từng thời kỳ ba tháng hoặc sáu tháng.
+ Cơ sở kinh doanh buôn chuyến phải nộp thuế lợi tức đồng thời với việc nộp thuế doanh thu trước khi vận chuyển hàng.
+ Tổ chức kinh doanh khai và nộp thuế tại địa phương nơi đặt trụ sở chính của mình. Cá nhân nộp thuế lợi tức tại địa phương nơi đăng ký kinh doanh.
– Trong việc kê khai, nộp thuế, thu thuế lợi tức, cơ quan thuế có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Cơ quan thuế chịu trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ, đôn đốc các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm chỉnh chế độ sổ sách kế toán, chứng từ, hoá đơn và thủ tục kê khai, nộp thuế lợi tức;
+ Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh để tính thuế lợi tức;
+ Trong trường hợp cần thiết, cơ quan thuế có trách nhiệm yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân cung cấp các tài liệu có liên quan đến việc tính thuế, nộp thuế lợi tức;
+ Cơ quan thuế có trách nhiệm tính thuế, lập sổ thuế, duyệt sổ thuế và thông báo số thuế lợi tức phải nộp vào kho bạc Nhà nước. Khi thu thuế, cơ quan thu thuế phải cấp biên lai nộp thuế do Bộ tài chính phát hành;
+ Cơ quan thuế có nghĩa vụ lập biên bản và xử phạt hành chính theo thẩm quyền hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vi phạm Luật thuế lợi tức; xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế lợi tức.
2.3. Quy định về giảm thuế, miễn thuế lợi tức theo quy định của Luật thuế lợi tức 1990:
– Theo quy định của Luật thuế lợi tức 1990, tổ chức, cá nhân ở miền núi, sản xuất sản phẩm phục vụ nhu cầu của địa phương được giảm đến 50% số thuế lợi tức phải nộp. Miễn lợi tức đối với các hoạt động vận tải bằng phương tiện thô sơ ở miền núi. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân kinh doanh di chuyển địa điểm từ miền xuôi lên miền núi được miễn thuế lợi tức từ một năm đến ba năm kể từ khi bắt đầu hoạt động ở miền núi.
– Ngoài ra, pháp luật về thuế lợi tức cũng quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh ở miền núi hoặc trong một số ngành nghề cần khuyến khích đầu tư dùng lợi nhuận thu được để tái đầu tư thì được giảm thuế lợi tức. Tỷ lệ thuế lợi tức được giảm bằng tỷ lệ số tiền đã chi về tái đầu tư so với lợi tức chịu thuế, nhưng mức giảm tối đa không quá 50% số thuế lợi tức phải nộp trong năm.
3. Thủ tục khiếu nại liên quan đến sai phạm trong hoạt động kê khai, nộp thuế lợi tức:
Theo quy định của Luật thuế lợi tức 1990, liên quan đến việc khiếu nại sai phạm trong hoạt động kê khai, nộp thuế lợi tức, tổ chức, cá nhân liên quan phải thực hiện các công việc cụ thể sau đây:
+ Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại việc thi hành Luật thuế lợi tức không đúng với tổ chức, cá nhân mình. Tức với hành vi áp dụng thuế lợi tức không đúng với hoạt động thực tiễn của mình theo quy định của pháp luật, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại.
+ Đơn khiếu nại của tổ chức, cá nhân phải được gửi đến cơ quan thuế phát hành lệnh thu hoặc quyết định xử lý trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được lệnh thu hoặc quyết định xử lý.
+ Người khiếu nại phải nộp đủ và đúng thời hạn số tiền thuế, tiền phạt đã thông báo trong khi chờ giải quyết.
+ Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại, cơ quan nhận đơn khiếu nại phải xem xét giải quyết. Đối với những vụ phức tạp, có thể kéo dài thời gian không quá ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đơn.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật thuế lợi tức 1990.