Để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá thì các thương nhận phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của pháp luật. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ các cách chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá theo quy định pháp luật.
Mục lục bài viết
1. Cách chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa thế nào?
1.1. Xuất xứ hàng hóa là gì?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định về xuất xứ hàng hóa thì ta có thể hiểu xuất xứ hàng hóa là nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.
1.2. Cách chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa:
Để chứng minh nguồn gốc xuất xử của hàng hóa thì cần phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Theo đó, để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì cần thực hiện theo các cách như sau:
Một là, để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa thì thương nhân cần thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Sau đó, khai báo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo biểu mẫu điện tử sẵn có trên hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn
Khi thương nhân đính kèm hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn thì quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Thương nhân đính kèm các chứng từ của hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng điện tử.
Theo đó thì các chứng từ này phải được thương nhân xác thực bằng chữ ký số do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Bản giấy của các chứng từ này không cần phải nộp lại cho cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền thông báo trên hệ thống kết quả xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho thương nhân;
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trong thời hạn 6 giờ làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ dưới dạng điện tử, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thông báo trên hệ thống kết quả xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho thương nhân;
Bước 3: Trả kết quả
Theo đó trong thời hạn 2 giờ làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã được khai hoàn chỉnh và hợp lệ dưới dạng bản giấy cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trả kết quả cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng bản giấy.
Hai là, thương nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trực tiếp tại trụ sở của cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Theo đó, quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Theo đó, thương nhân nộp các chứng từ của hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng bản giấy trực tiếp tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền.
Bước 2: Nhận kết quả
Trong thời hạn 8 giờ làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đầy đủ và hợp lệ cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trả kết quả cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Ba là, thương nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa qua bưu điện
Với cách này thì thời gian trả kết quả cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là 24 giờ làm việc kể từ khi cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đầy đủ và hợp lệ theo ngày ghi trên bì thư.
Tóm lại để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá thì các thương nhận phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của pháp luật.
2. Nguyên tắc xác định xuất xứ hàng hóa:
Nguyên tắc chung để xác định xuất xứ hàng hóa được quy định cụ thể tại Điều 4 Thông tư 05/2018/TT-BCT. Theo quy định này thì ta có thể xác định như sau: Hàng hóa được xác định xuất xứ theo quy định tại Thông tư này có xuất xứ tại chính nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện quy trình sản xuất cuối cùng làm thay đổi cơ bản hàng hóa đó
Tóm lại, với quy định này thì hàng hóa có xuất xứ tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện quy trình sản xuất cuối cùng làm thay đổi cơ bản hàng hóa đó. Đó chính là nguyên tắc chung để xác định xuất xứ hàng hóa mà các thương nhân cần phải tuân thủ.
3. Không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa có bị phạt không?
Việc xác định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là một quy định bắt buộc phải thực hiện. Do đó, tại thời điểm kiểm tra nếu các thương nhân không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa được xem là hàng nhập lậu sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo quy định này thì ta xác định được mức phạt đối với hành vi không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa như sau:
– Trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng;
– Trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
– Trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng;
-Trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng;
– Trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
– Trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
– Trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
– Trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng;
– Trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
– Trong trường hợp người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Hoặc hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; Hoặc hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu nêu trên.
Ngoài các hình phạt chính như trên thì người vi phạm đối với hành vi không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như là buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định về xuất xứ hàng hóa;
– Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.