Bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường nước nói riêng là vấn đề luôn được xã hội và nhà nước quan tâm. Vậy mức xử phạt hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường nước được pháp luật quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức xử phạt hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường nước:
1.1. Mức xử phạt chính:
Căn cứ Điều 24 Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức xử phạt chính của hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường nước như sau:
– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường nước trái quy định về bảo vệ môi trường.
– Đối với hành vi thải các nguồn gây dịch bệnh vào môi trường nước bị áp dụng hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
– Đối với hành vi gây ô nhiễm nước (nước ngầm, nước mặt bên trong và ngoài khuôn viên của cơ sở) vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường nước bị xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trường hợp hàm lượng của chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong nước vượt quy chuẩn kỹ thuật:
++ Dưới 03 lần đối với thông số môi trường nguy hại;
++ Dưới 05 lần đối với thông số môi trường thông thường.
+ Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp hàm lượng của chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong nước vượt quy chuẩn kỹ thuật:
++ Từ 03 lần đến dưới 05 lần đối với thông số môi trường nguy hại;
++ Từ 05 lần đến dưới 10 lần đối với thông số môi trường thông thường;
+ Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với trường hợp hàm lượng của chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong nước vượt quy chuẩn kỹ thuật:
++ Từ 05 lần trở lên đối với thông số môi trường nguy hại;
++ Từ 10 lần trở lên đối với thông số môi trường thông thường.
– Đối với những hành vi:
+ Vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường;
+ Vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường nước hoặc là xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải có độ pH nằm ngoài ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật;
+ Hành vi không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình vận chuyển những vật liệu, hàng hóa làm rò rỉ, phát tán ra môi trường nước;
+ Hành vi đổ các loại hóa chất độc hại, chất thải rắn; nước thải mà không được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật xuống vùng biển thuộc trong khu bảo tồn thiên nhiên, di sản tự nhiên, vùng mà có hệ sinh thái tự nhiên mới, khu vực sinh sản thường xuyên hoặc là theo mùa của các loài thủy, hải sản, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường;
+ Hành vi đổ chất thải nguy hại, chất thải có chứa các chất phóng xạ xuống vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ những trường hợp hành vi tội phạm về môi trường;
+ Vi phạm trong phân khu phục hồi sinh thái, khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn.
Bị xử phạt như sau:
+ Phạt tăng thêm từ 20% đến 30% của mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm trên mà làm hàm lượng chất gây ô nhiễm trong nước vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường nước đến dưới 03 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc là dưới 05 lần đối với thông số môi trường thông thường.
+ Phạt tăng thêm từ 30% đến 40% của mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm trên mà làm hàm lượng chất gây ô nhiễm trong nước vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường nước từ 03 lần đến dưới 05 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc là từ 05 lần đến dưới 10 lần đối với thông số môi trường thông thường.
+ Phạt tăng thêm từ 40% đến 50% của mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm trên mà làm hàm lượng chất gây ô nhiễm trong nước vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường nước từ 05 lần trở lên đối với thông số môi trường nguy hại hoặc là từ 10 lần trở lên đối với thông số môi trường thông thường.
– Phạt tiền tăng thêm từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường nước trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc là đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi sau mà vẫn tiếp tục tái phạm và hết thời hạn khắc phục hậu quả vi phạm mà chưa khắc phục được:
+ Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 03 lần trở lên với thông số môi trường thông thường
+ Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ từ 02 lần trở lên đối với thông số môi trường nguy hại.
1.2. Hình thức xử phạt bổ sung:
– Tước quyền sử dụng giấy phép môi trường của cơ sở đối với các cơ sở đã được cấp giấy phép môi trường từ 03 tháng đến 06 tháng với các trường hợp có hành vi gây ô nhiễm nước (nước ngầm, nước mặt bên trong và ngoài khuôn viên của cơ sở) vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường nước mà hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong nước vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 03 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc là dưới 05 lần đối với thông số môi trường thông thường. Còn đối với các cơ sở khác sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng
– Tước quyền sử dụng giấy phép môi trường của cơ sở đối với các cơ sở đã được cấp giấy phép môi trường từ 06 tháng đến 09 tháng với những trường hợp có hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm c khoản 3, khoản 5, khoản 7 Điều 24 Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Còn đối với các cơ sở khác sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 09 tháng.
1.3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
– Buộc phải khôi phục lại tình trạng môi trường nước ban đầu hoặc phục hồi môi trường nước theo quy định, thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định ở trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm ở mục trên;
– Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường nước trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường nước hoặc gây ô nhiễm môi trường nước theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm ở mục trên.
2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường nước:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường nước bao gồm các hành vi sau:
– Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải có nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nước.
– Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường nước.
– Phát tán, thải ra môi trường nước các chất độc hại, vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật mà chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và những tác nhân độc hại khác đối với sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.
– Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nước.
– Nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh các chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.
– Nhập khẩu trái phép những phương tiện, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để phá dỡ, tái chế.
– Không thực hiện công trình, biện pháp, các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Che giấu, hành vi gây ô nhiễm môi trường nước, cản trở, làm sai lệch, thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường nước dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường nước.
– Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên;
– Sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường nước.
– Sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế về những chất làm suy giảm tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên.
– Phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường nước.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nước.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.