Môi trường di sản thiên nhiên có vai trò quan trọng trong mọi mặt về văn hóa, kinh tế, du lịch,... của đất nước. Do đó việc quy định các biện pháp bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên là điều rất cần thiết.
Mục lục bài viết
1. Di sản thiên nhiên gồm những gì?
Theo quy định tại Điều 20 Văn bản hợp nhất số 21/VBHN-VPQH Luật bảo vệ môi trường, di sản thiên nhiên bao gồm:
– Di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận.
– Vườn quốc gia.
– Khu dự trữ thiên nhiên.
– Khu bảo tồn loài – sinh cảnh.
– Khu bảo vệ cảnh quan được xác lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản.
– Các danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa được xác lập theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa
– Các loại di sản thiên nhiên khác được xác lập, công nhận theo quy định của Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường 2020.
Để được xác lập, công nhận là di sản thiên nhiên thì cũng cần đáp ứng các điều kiện như sau:
+ Mang giá trị thẩm mỹ: có một vẻ đẹp nổi bật, độc đáo hoặc phải có tính hiếm, tính độc lạ của thiên nhiên.
+ Có giá trị giá trị điển hình về quá trình tiến hóa sinh thái, sinh học hoặc nơi cư trú tự nhiên của loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu.
Hoặc bên cạnh đó có chứa đựng các hệ sinh thái đặc thù, đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên hoặc có giá trị đa dạng sinh học đặc biệt khác cần bảo tồn.
+ Mang vẻ đẹp đặc điểm nổi bật, độc đáo về địa chất, địa mạo. Hoặc có thể chứa đựng dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của Trái Đất.
+ Mang giá trị giúp điều hòa khí hậu, bảo vệ nguồn nước, giữ cân bằng sinh thái, cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.
Ngoài, ra di sản thiên nhiên còn được phân cấp dựa trên các tiêu chí, bao gồm:
– Di sản thiên nhiên cấp tỉnh: có thể kế đến như danh lam thắng cảnh là di tích cấp tỉnh; khu bảo tồn thiên nhiên cấp tỉnh; vùng đất ngập nước quan trọng cấp tỉnh; di sản thiên nhiên mang giá trị, tầm quan trọng đối với bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của địa phương quy định tại Điều 19 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
– Di sản thiên nhiên cấp quốc gia: danh lam thắng cảnh là di tích cấp quốc gia; khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia; vùng đất ngập nước quan trọng cấp quốc gia; di sản thiên nhiên mang ảnh hưởng tích cực, có ý nghĩa, giá trị và tầm quan trọng đối với bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của quốc gia được quy định tại Điều 19 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
– Di sản thiên nhiên cấp quốc gia đặc biệt: danh lam thắng cảnh là di tích cấp quốc gia đặc biệt được công nhận bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO); vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được công nhận bởi Ban thư ký Công ước về các vùng đất ngập nước (Công ước Ramsar); vườn di sản ASEAN do Ban thư ký ASEAN công nhận.
2. Quy định về biện pháp bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên:
Theo quy định tại Điều 21 Văn bản hợp nhất số 21/VBHN-VPQH Luật bảo vệ môi trường, được hướng dẫn bởi Điều 21 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, nội dung biện pháp bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên bao gồm việc điều tra, đánh giá, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, cụ thể như sau:
– Kỳ thực hiện điều tra, đánh giá là 05 năm một lần.
– Nội dung việc điều tra, đánh giá định kỳ bao gồm:
+ Hoạt động phát triển kinh tế – xã hội có tác động xấu đến môi trường di sản thiên nhiên.
+ Các hoạt động khai thác, sử dụng các giá trị tài nguyên, dịch vụ hệ sinh thái của di sản thiên nhiên.
+ Dựa trên các tiêu chí xác lập, công nhận di sản thiên nhiên để điều tra, đánh giá diễn biến môi trường và các giá trị thiên nhiên cần bảo vệ, bảo tồn.
+ Các hoạt động phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ, bảo tồn các giá trị của thiên nhiên và đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên.
+ Thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định.
+ Điều tra, đánh giá các nội dung khác trên cơ sở quy định của pháp luật liên quan.
– Trách nhiệm thực hiện việc điều tra, đánh giá thuộc về Ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên.
– Sau đó gửi báo cáo theo mẫu đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có di sản thiên nhiên và cập nhật kết quả điều tra, đánh giá theo nội dung trên vào cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật có liên quan.
– Đối với di sản thiên nhiên, việc bảo vệ môi trường thực hiện như sau:
+ Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong vùng lõi của di sản thiên nhiên: phải được kiểm soát như đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định về phân vùng môi trường của pháp luật về bảo vệ môi trường.
+ Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong vùng đệm của di sản thiên nhiên: phải được kiểm soát như đối với vùng hạn chế phát thải theo quy định về phân vùng môi trường của pháp luật về bảo vệ môi trường.
+ Đối với các hệ sinh thái tự nhiên trong di sản thiên nhiên: được ưu tiên bảo tồn và phục hồi nguyên trạng tự nhiên.
+ Môi trường đất, môi trường nước trong di sản thiên nhiên bị ô nhiễm, suy thoái: phải được cải tạo, phục hồi.
+ Đối với các giá trị cốt lõi của thiên nhiên và đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên: phải được bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn.
+ Đối với dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên của di sản thiên nhiên: đảm bảo duy trì, phát triển và sử dụng bền vững.
+ Đối với các chỉ số đặc trưng về địa chất, cảnh quan, sinh thái, đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên: đảm bảo được điều tra, đánh giá, theo dõi, giám sát, kiểm kê, báo cáo theo quy định.
+ Ngoài ra, phải thực hiện các yêu cầu khác về bảo vệ môi trường, ngăn ngừa, kiểm soát các tác động tới môi trường, đa dạng sinh học di sản thiên nhiên.
+ Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp, tạm thời nhằm giới hạn tổng lượng xả thải vào môi trường di sản thiên nhiên khi có nguy cơ khẩn cấp có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường di sản thiên nhiên.
+ Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ phối hợp thực hiện xây dựng, phê duyệt dự án phục hồi môi trường của di sản thiên nhiên bị ô nhiễm, suy thoái môi trường.
– Theo quy định, đối với việc quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên sẽ được ưu tiên sử dụng nguồn lực và thực hiện theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc các quy định có liên quan hoặc trên cơ sở các quy định sau:
+ Căn cứ vào quy chế, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng và phê duyệt.
+ Khi đó, đối với Ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên phải tuân thủ đầy đủ các tiêu chí về năng lực quản lý.
+ Đồng thời, Nhà nước cũng khuyến khích các đơn vị doanh nghiệp, tổ chức thành lập, quản lý, sử dụng và phát triển bền vững các di sản thiên nhiên.
3. Trách nhiệm quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên:
Việc bảo vệ môi trường thiên nhiên là điều cần thiết, do đó pháp luật đặt ra các trách nhiệm trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên như sau:
– Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường:
+ Giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.
+ Thực hiện xây dựng, ban hành, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.
+ Tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.
– Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
+ Thống nhất quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên đối với địa bàn được giao quản lý.
+ Thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo nội dung đã hướng dẫn tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP.
– Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
+ Trong các hoạt động lâm nghiệp, ngư nghiệp, nông nghiệp theo quy định, tiến hành tổ chức thực hiện các yêu cầu bảo vệ di sản thiên nhiên.
– Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
+ Trong các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, tổ chức thực hiện các yêu cầu về bảo vệ di sản thiên nhiên.
– Ngoài ra, các bộ, cơ quan ngang bộ khác cũng phải tổ chức thực hiện bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Văn bản hợp nhất số 21/VBHN-VPQH Luật bảo vệ môi trường.
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường.