Đất hương hoả là loại đất do tổ tiên, ông bà để lại cho con cháu thường được dùng vào việc thờ cúng, giỗ chạp. Theo quy định của pháp luật hiện nay, đất hương hoả được quy định như thế nào? Có được chuyển nhượng như các loại đất khác hay không?
Mục lục bài viết
1. Khái niệm đất hương hoả:
Đất hương hoả là đất do tổ tiên để lại cho con cháu thường được dùng vào việc thờ cúng, giỗ chạp. Khái niệm hương hoả hiện nay được hiểu là khái niệm “di sản dùng vào việc thờ cúng” được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, người lập di chúc có quyền để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng và chỉ định người quản lí phần di sản đó, trừ trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó. Đất hương hoả thường không được phân chia di sản thừa kế như các loại đất khác mà sẽ được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lí để thực hiện việc thờ cúng.
Theo cách phân chia loại đất tại Điều 10 Luật Đất đai 2013 thì không có loại đất hương hoả. Loại đất hương hoả này có thể là đất ở hoặc đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng và được cơ quan chức năng địa phương công nhận sử dụng vào mục đích hương hoả.
2. Điều kiện trở thành đất hương hoả:
Thông qua một hình thức định đoạt một cách hợp pháp của của chủ sử dụng đất thông qua việc lập Chứng thư hương hỏa, di chúc… có quy định nội dung là: Để lại nhà đất đó làm nơi thờ cúng, lưu truyền các đời, không được phép bán, chuyển nhượng…Thông qua việc định đoạt này thì đất của hộ gia đình, cá nhân sẽ trở thành đất hương hỏa.
Căn cứ vào Điều 645 của Bộ luật dân sự 2015 thì pháp luật chỉ công nhận ý chí của người để lại di sản quyền sử dụng đất trong trường hợp người đó để lại di chúc và nêu rõ trong di chúc việc để lại một phần di sản quyền sử dụng đất của mình làm đất hương hỏa.
3. Mua bán, chuyển nhượng đất hương hoả có được không?
3.1. Trường hợp có di chúc để lại đất hương hoả:
Đối với di sản quy định tại Điều 645 Bộ Luật Dân sự 2015 mà người để lại di sản có lập di chúc với mục đích để lại một phần di sản đó dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế mà phải được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc thực hiện việc quản lý và thờ cúng. Trong trường hợp, nếu người được chỉ định không thể thực hiện theo các yêu cầu trong di chúc thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Như vậy, nếu trong di chúc của người để lại di sản có nêu rõ thửa đất đó sẽ được dùng vào việc thờ cúng thì các thừa kế của người để lại di sản không được chia thừa kế đối với di sản đó cũng như không được quyền mua bán, chuyển nhượng thửa đất đó. Trong trường hợp mà tất cả các đồng thừa kế có sự đồng ý về việc chuyển nhượng một phần thửa đất thì cũng không được thực hiện.
3.2. Trường hợp không có di chúc để lại đất hương hoả:
Trong trường hợp mà di sản quy định tại Điều 645 Bộ Luật Dân sự 2015 của người để lại di sản có lập di chúc nhưng không nêu rõ sẽ sử dụng thửa đất đó vào việc thờ cúng mà chỉ có nguyện vọng của người để lại di sản sẽ giữ lại mảnh đất của gia đình, không chuyển nhượng cho người khác. Nếu đúng theo nguyện vọng của người để lại di sản thì những người thừa kế không được quyền chuyển nhượng thửa đất đó.
Tuy nhiên, trên thực tế thì pháp luật không có cơ chế nào để kiểm soát việc thực hiện theo đúng ý nguyện của người lập di chúc của những người thừa kế. Bởi vì sau khi phân chia di sản thừa kế, các đồng thừa kế tiến hành làm các thủ tục để đăng ký sang tên quyền sử dụng đối với phần thửa đất được nhận theo di chúc. Sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người thừa kế theo quy định của pháp luật có toàn quyền của chủ sử dụng đất, trong đó có quyền chuyển nhượng thửa đất.
Như vậy, đất hương hỏa là loại đất không được phép mua bán, chuyển nhượng đất nếu có quy định hợp pháp trong di chúc của người để lại di sản. Trường hợp đất hương hỏa được chuyển nhượng nếu thông qua việc trao quyền quản lý đối với đất hương hoả cho con cháu hoặc chuyển cho người thừa kế khác quản lý tốt hơn thông qua hình thức lập di chúc hoặc theo thoả thuận.
4. Quy định sử dụng đất hương hoả:
Trong quy định tại Điều 645 Bộ luật dân sự 2015 về Di sản dùng vào việc thờ cúng có nêu rõ:
– Không được chia thừa kế đối với phần di sản mà người để lại di sản có quy định di sản đó phải được sử dụng và mức đích thờ cúng. Người được chỉ định quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng để thực hiện nghĩa vụ thờ cúng theo sự định đoạt của người lập di chúc thì phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, nếu người được chỉ định quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng và thực hiện việc thờ cúng nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ đó thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Cách thức chuyển giao di sản cho người khác quản lý dùng vào việc thờ cúng theo thoả thuận của những người thừa kế thì người được chỉ định có nghĩa vụ quản lý di sản đó để dùng vào việc thờ cúng theo thoả thuận. Căn cứ theo quy định trên, người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng được xác định dựa trên một trong hai căn cứ: Theo sự chỉ định của người lập di chúc để lại di sản đó và theo thoả thuận của những người thừa kế của người để lại di sản.
Mặc dù người để lại di sản có viết di chúc, tuy nhiên tất cả những người thừa kế theo di chúc vì một lý do gì đó đều đã chết. Trách nhiệm nhận và quản lý đối với phần di sản dùng để thờ cúng sẽ thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó. Tuy nhiên, người đang quản lý hợp pháp di sản đó phải là một trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
– Tuy nhiên, trường hợp phần di sản để lại của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì phần di sản được quy định theo di chúc dùng cho việc thờ cũng không được dành ra một phần mà phải ưu tiên cho việc thanh toán nghĩa vụ tài sản.
5. Giải quyết tranh chấp đất hương hoả như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013 về Hòa giải tranh chấp đất đai:
Trong trường hợp có tranh chấp về đất đai, Căn cứ theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013 về Hòa giải tranh chấp đất đai. Đầu tiên, các bên phải tiến hành tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp các bên không thể tự hòa giải được thì có thể gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để yêu cầu hòa giải.
Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đơn yêu cầu hoà giải, chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình.
Trong quá trình tổ chức hoà giải tại UBND xã, chủ tịch UBND cấp xã thực hiện hoà giải phải phối hợp và có sự tham gia của các tổ chức như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác.
Kết thúc buổi hoà giải tại UBND xã, việc hoà giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Sau khi tiến hành hoà giải đối với tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà kết quả không hoà giải thành thì căn cứ Điều 203 Luật Đất đai 2013 tranh chấp được giải quyết như sau:
– Tòa án nhân dân giải quyết đối với trường hợp tranh chấp về tài sản gắn liền với đất mà các bên có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013;
– Trường hợp tranh chấp đất đai mà các bên không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì các bên chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
+ Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013.
+ Tiến hành khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự 2015