Trong sự nghiệp đấu tranh của dân tộc trường kỳ và đầy gian khổ, dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng hậu quả mà nó để lại còn rất nặng nề. Dưới đây là giải đáp về câu hỏi: Người có công với cách mạng được ưu đãi gì về đất đai?
Mục lục bài viết
1. Ưu đãi người có công với cách mạng được hiểu như thế nào?
Để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, nhà nước đặt ra pháp luật, quy định những quy tắc xử sự chung nhất cho các mối quan hệ xã hội và đảm bảo quyền thực thu bằng những biện pháp thuyết phục và chưỡng chế của mình. Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, nó thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội và là yếu tố điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm tạo ra trật tự và ổn định xã hội.
Pháp luật ưu đãi xã hội chính là sự thể chế hóa các chính sách ưu đãi của Đảng và nhà nước đối với người có công, các quyền ưu đãi của người có công và những đảm bảo về mặt pháp lí cho việc thực hiện các quyền đó. Pháp luật ưu đãi người có công quy định những nguyên tắc, cách thức và phương pháp thực hiện các chế độ ưu đãi người có công, quy định quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ưu đãi đối với người có công, điều chỉnh tất cả các hoạt động ưu đãi đối với người có công nhằm mục đích đảm bảo thực hiện một cách tốt nhất, hữu hiệu nhất các chế độ, ưu đãi đối với đối tượng đặc biệt này. Đồng thời thì pháp luật ưu đãi xã hội là sự thể hiện rõ nhất tính dân tộc, tính xã hội của pháp luật. Pháp luật ưu đãi xã hội là công cụ quản lí hữu hiệu mọi mặt đời sống tinh thần của người có công, giúp phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đảm bảo công bằng tiến bộ xã hội và góp phần làm cho xã hội phát triển bền vững.
Nhìn chung thì những chính sách ưu đãi nói chung và ưu đãi xã hội về mặt đất đai nói riêng là sự đãi ngộ, là một chính sách “đền ơn đáp nghĩa” thể hiện ra giá trị tinh thần cao đẹp của dân tộc, “uống nước nhớ nguồn” giúp thế hệ trẻ thấy được công lao của thế hệ đi trước, sự tự hào về dân tộc và cố gắng phát huy truyền thống vẻ vang. Thông qua các chính sách người có công, giúp cho gia đình họ yên tâm sản xuất và tin tưởng hơn vào thể chế chính trị, giáo dục trách nhiệm của mọi công dân đối với xã hội và đất nước.
Vì thế nó thể hiểu rằng, pháp luật ưu đãi dành cho người có công là tổng thể các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ hình thành trong việc tổ chức và thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công trên tất cả các lĩnh vực của đời sống.
2. Người có công với cách mạng được ưu đãi gì về đất đai?
Những người có công với cách mạng tùy vào mức độ cống hiến và vào hoàn cảnh gia đình của từng đối tượng mà sẽ được nhà nước, địa phương xem xét cho việc hỗ trợ cải thiện nhà ở miễn, giảm tiền mua, thuê nhà ở, miễn giảm tiền sử dụng đất … tùy thuộc vào từng hoàn cảnh của người có công, vào mức độ cống hiến của họ, vào khả năng của địa phương, sự phát triển của đất nước, vào sự đóng góp của cộng đồng mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương sẽ có những chính sách phù hợp cho các đối tượng là người có công. Trường hợp mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước là nhà ở một tầng hoặc nhà ở nhiều tầng có một hộ ở thì được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ tiền sử dụng đất theo các mức cụ thể như sau:
– Hỗ trợ toàn bộ 100% tiền sử dụng đất đối với trường hợp là bà mẹ Việt Nam anh hùng hoặc là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân hay đó là anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh, có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên; thân nhân của liệt sĩ đang hưởng tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng;
– Hỗ trợ 90% tiền sử dụng đất đối với các đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học hoặc thương binh hay người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh, có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật hoặc bệnh tật;
– Hỗ trợ 80% tiền sử dụng đất đối với các đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh hoặc thương binh loại B hay bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao đông do thương tật, bệnh tật từ 41% đến 60%;
– Hỗ trợ 70% tiền sử dụng đất đối với các đối tượng là thân nhân của liệt sĩ hoặc thương binh, hoặc là người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 21% đến 40%; người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng; người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước”, bao gồm cả người có công giúp đỡ cách mạng trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước”;
– Hỗ trợ 65% tiền sử dụng đất đối với các đối tượng là người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày, hoặc là người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế được tặng Huân chương Kháng chiến hạng I hoặc Huân chương Chiến thắng hạng một.
Ngoài ra, đối với những người có công với cách mạng, mà nhà cửa đang bị hư hỏng nặng hoặc đang ở nhà tạm, không nơi ở kiên cố ổn định lâu dài, ở một mức độ nghiêm trọng, đó là không thể sửa chữa mà phải tháo dỡ để xây nhà mới hoặc sửa những bộ phận quan trọng của công trình như khung, tường, mái nhà… thì sẽ được hưởng mức hỗ trợ là 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp nhà ở hiện có bị hư hỏng nặng phải phá dỡ để xây dựng lại nhà ở mới hoặc 20 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở hiện có.
3. Những đối tượng được hưởng ưu đãi:
Đối tượng điều chỉnh của ưu đãi xã hội là những quan hệ xã hội hình thành trong lĩnh vực ưu đãi đối với người có công. Theo pháp lệnh của Ban thường vụ quốc hội về ưu đãi đối với người có công năm 2020, thì người có công với cách mạng và thân nhân của họ bao gồm những đối tượng sau:
– Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, là người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận đã tham gia tổ chức cách mạng trước ngày 1/1/1945 (hay còn gọi là cán bộ lão thành cách mạng);
– Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, là người được cơ quan tổ chức có thẩm quyền công nhận đứng đầu một tổ chức quần chúng cách mạng cấp xã hoặc thoát li hoạt động cách mạng kể từ ngày 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 (hay còn gọi là cán bộ tiền khởi nghĩa);
– Liệt lĩ là những người đã hi sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của nhà nước, của nhân dân được nhà nước truy tặng bằng “Tổ quốc ghi công”;
– Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những bà mẹ được tặng hoặc truy tặng danh hiệu này là những bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc;
– Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là người được nhà nước tặng hoặc truy tặng danh hiệu này vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu;
– Anh hùng lao động trong thời kì kháng chiến, là người được nhà nước tuyên dương anh hùng lao động vì có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất phục vụ kháng chiến (huyên chương trước ngày 30/4/1975);
– Thương binh hoặc những người được hưởng chính sách như thương binh, suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên được cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật;
– Thứ bảy, bệnh binh là quân nhân, công an nhân dân mắc bệnh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên khi xuất ngũ về gia đình hoặc mắc bệnh làm giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% đã được công nhận trước ngày 31/12/1994;
– Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, là người được công nhận tham gia công tác, chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại các vùng mà quân đội Mĩ sử dụng chất độc hóa học, họ bị mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động, sinh con dị dạng hoặc dị tật hoặc vô sinh;
– Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, là người được cơ quan tổ chức, đơn vị có thẩm quyền công nhận trong thời gian bị tù đày không khai báo có hại cho cách mạng, không làm tay sai cho địch;
– Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, là người tham gia kháng chiến trong khoảng thời gian từ ngày 19/8/1945 đến ngày 30/4/1975 được tặng huân chương kháng chiến;
– Người có công giúp đỡ cách mạng là người được tặng kỉ niệm chương “tổ quốc ghi công” hoặc bằng “có công với nước”, người được tặng huân chương kháng chiến hoặc huy chương kháng chiến, người trong gia đình được tặng kỉ niệm chương trước cách mạng tháng 8 năm 1945.
4. Người có công với cách mạng được hưởng chế độ miễn giảm tiền sử dụng đất bao nhiêu lần?
Căn cứ theo Điều 106 của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, thì chế độ ưu đãi miễn giảm tiền sử dụng đất đối với những đối tượng và chủ thể có công với cách mạng như đã nêu trên chỉ được áp dụng 01 (một) lần đối với một hộ gia đình, và mức hỗ trợ tiền sử dụng đất sẽ được tính theo diện tích đất trên thực tế được giao đất nhưng phải đúng quy định pháp luật, đó là tối đa không được vượt quá định mức đất ở cho một hộ do cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Quy định này là phù hợp bởi đối tượng có công với cách mạng chỉ được miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Pháp lệnh của Ban thường vụ quốc hội về ưu đãi đối với người có công năm 2020;
– Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.