Quá trình quản lý kinh tế - xã hội, quy hoạch phân khu nhằm xác định chi tiết chức năng của đất đô thị trong bản quy hoạch chung của địa phương và khu vực. Vậy quy hoạch phân khu là gì? Quy định về quy hoạch phân khu được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy hoạch phân khu là gì?
Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị 2009 sửa đổi bổ sung năm 2020 quy hoạch phân khu có thể hiểu là việc phân chia mục đích sử dụng của đất ở đô thị; cụ thể là việc phân chia và xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị của các khu đất, mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội trong một khu vực đô thị nhằm cụ thể hóa nội dung quy hoạch chung.
Quy hoạch được hiểu là việc sắp xếp và phân bố không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ xác định.
Đó là quá trình lập kế hoạch và tổ chức sự phát triển của một khu vực cụ thể trong một thành phố, một khu vực đô thị hoặc một vùng đất. Nó liên quan đến việc xác định cách sử dụng đất, các tiện ích công cộng, mật độ dân cư, hạ tầng và các yếu tố khác để tạo ra một môi trường sống, làm việc và vui chơi hài hòa và bền vững. Quy hoạch phân khu là một công cụ quan trọng để đảm bảo sự phát triển hài hòa và bền vững của một khu vực, đồng thời tạo ra một môi trường sống tốt cho cư dân và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.
Quy hoạch phân khu thường được thực hiện bởi các chính quyền địa phương, cơ quan quy hoạch hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị. Quá trình này bao gồm thu thập thông tin về khu vực cần quy hoạch, phân tích các yếu tố tự nhiên và xã hội, và xác định các mục tiêu phát triển dự kiến.
Như vậy, hiểu một cách đơn giản quy hoạch phân khu là việc phân bổ và xác định mục đích sử dụng đất đô thị.
* Các yếu tố quan trọng trong quy hoạch phân khu có thể bao gồm:
– Sử dụng đất: Xác định mục đích sử dụng đất trong khu vực, chẳng hạn như khu dân cư, khu công nghiệp, khu thương mại, khu vui chơi giải trí, khu công cộng, khuôn viên xanh, và vùng dự trữ đất.
– Mật độ dân cư: Xác định mật độ dân số cho từng khu vực và tạo ra các quy định về số lượng căn hộ, biệt thự, nhà phố hoặc tòa nhà thương mại trong mỗi phân khu.
– Hạ tầng: Định rõ hạ tầng cần thiết, bao gồm đường giao thông, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, điện, viễn thông, công viên, trường học và bệnh viện.
– Kiến trúc và môi trường: Đề xuất quy định về kiến trúc và môi trường để đảm bảo một môi trường sống và làm việc hài hòa và bền vững.
– Phát triển kinh tế: Đưa ra các chiến lược và biện pháp hỗ trợ sự phát triển kinh tế trong khu vực như tạo ra cơ hội việc làm, thu hút đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp phát triển.
2. Quy định về quy hoạch phân khu?
Quy hoạch phân khu thuộc quy hoạch đô thị, đó là việc phân chia và xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị nhằm cụ thể hóa nội dung quy hoạch chung.
* Quy hoạch phân khu bao gồm:
– Quy hoạch chung về xây dựng;
– Quy hoạch phân khu xây dựng;
– Quy hoạch chi tiết xây dựng.
* Các quy định về quy hoạch phân khu:
Trong một phân khu cần có sự đồng nhất các thiết kế về không gian kiến trúc, các thiết kế phải phù hợp với chức năng đặc thù của khu vực trên cơ sở không gian, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Các chính sách quy hoạch phân khu được áp dụng cầm đảm bảo sự hợp lý nhằm thúc đẩy, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Điều đó, cho thấy các kế hoạch được áp dụng để thực hiện quy hoạch trở thành một chính sách được Nhà nước chú trọng phát triển nhằm cải thiện hạ tầng địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Các mô hình phát triển và các chiến lược trong quy hoạch cần đảm bảo sự đồng nhất để đem lại lợi ích phát triển kinh tế cao nhất cho khu vực. Ngoài ra, việc xác định các mục tiêu quy hoạch nhằm mục đích phát triển đô thị bao gồm nhiều yếu tố như: dân số, đất đai, đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội,…
2.1. Quy định về đồ án quy hoạch phân khu:
– Nội dung đồ án quy hoạch phân khu bao gồm:
+ Xác định chức năng sử dụng cho từng khu đất;
+ Nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan cho toàn khu vực lập quy hoạch;
+ Chỉ tiêu về dân số, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật đối với từng ô phố;
+ Bố trí công trình hạ tầng xã hội phù hợp với nhu cầu sử dụng;
+ Bố trí mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật đến các trục đường phố phù hợp với các giai đoạn phát triển của toàn đô thị;
+ Đánh giá môi trường chiến lược.
– Quy định về bản vẽ của đồ án quy hoạch phân khu được thể hiện theo tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/2.000.
– Thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch phân khu được xác định trên cơ sở thời hạn quy hoạch chung và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị.
– Đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt là cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị và lập quy hoạch chi tiết.
2.2. Quy định về đồ án quy hoạch chi tiết:
– Nội dung đồ án quy hoạch chi tiết bao gồm:
+ Xác định chỉ tiêu về dân số, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc cho toàn khu vực quy hoạch;
+ Bố trí công trình hạ tầng xã hội phù hợp với nhu cầu sử dụng;
+ Chỉ tiêu sử dụng đất và yêu cầu về kiến trúc công trình đối với từng lô đất;
+ Bố trí mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật đến ranh giới lô đất;
+ Đánh giá môi trường chiến lược.
– Bản vẽ của đồ án quy hoạch chi tiết quy định phải được thể hiện theo tỷ lệ 1/500.
– Thời hạn quy hoạch đối với các quy hoạch chi tiết được xác định trên cơ sở thời hạn quy hoạch phân khu và theo yêu cầu quản lý, nhu cầu đầu tư.
– Đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư xây dựng.
3. Nhiệm vụ của quy hoạch phân khu:
– Xác định phạm vi ranh giới, diện tích và tính chất của khu vực được quy hoạch;
– Xác định chỉ tiêu dự kiến về việc sử dụng đất, dân số, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội;
– Quy hoạch phân khu phải đảm bảo đúng yêu cầu, nguyên tắc về việc phân chia các khu chức năng. Việc phân khu phải phù hợp với các đầu mối hạ tầng kỹ thuật và không gian kiến trúc với những quy hoạch chung đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
– Đánh giá môi trường chiến lược.
* Các quy hoạch phân khu thường xác định các nội dung sau:
Quy định sử dụng đất: Xác định mục đích sử dụng đất trong từng phân khu, chẳng hạn như khu dân cư, khu thương mại, khu công nghiệp, khu công cộng, khu vui chơi giải trí, khuôn viên xanh, khu đô thị mới, vùng dự trữ đất và các khu vực đặc biệt khác.
Mật độ xây dựng: Đặt ra quy định về mật độ dân số hoặc mật độ xây dựng trong từng phân khu. Các quy định này có thể xác định số tầng, tỷ lệ sàn xây dựng trên diện tích đất, và các quy định liên quan đến chiều cao tòa nhà.
Hạ tầng: Đề ra các yêu cầu về hạ tầng cơ bản cho từng phân khu, bao gồm hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, điện, viễn thông, công viên, trường học, bệnh viện và các tiện ích công cộng khác.
Quy định kiến trúc và môi trường: Thiết lập quy định về kiến trúc, cảnh quan và môi trường để đảm bảo một môi trường sống và làm việc hài hòa, bền vững và thẩm mỹ. Điều này có thể bao gồm các quy định về loại vật liệu xây dựng, màu sắc, thiết kế kiến trúc và cảnh quan, hệ thống xanh và quy định bảo vệ môi trường.
Quy định về phát triển kinh tế: Xác định các chiến lược và biện pháp hỗ trợ sự phát triển kinh tế trong khu vực, bao gồm việc tạo ra cơ hội việc làm, thu hút đầu tư, khuyến khích các hoạt động kinh doanh và quy định về phát triển hạ tầng kinh tế.
Quy định về bảo vệ môi trường và an toàn: Đưa ra các quy định để bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn trong các phân khu, bao gồm quy định về quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm, quy định về an toàn cháy nổ, và các yêu cầu bảo đảm an toàn cho cư dân.
Các văn bản được sử dụng trong bài viết:
– Luật quy hoạch đô thị năm 2009 sửa đổi bổ sung năm 2020;
– Luật quy hoạch năm 2017;
– Nghị định 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn luật quy hoạch 2017.