Xã hội công dân được xem là nền tảng của lý luận về nhà nước pháp quyền và dân chủ chính trị. Vậy đặc trưng, bản chất và vai trò của xã hội công dân như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Được hiểu như thế nào là xã hội công dân:
Xã hội công dân (Civil society) là hình thức liên kết các cá nhân nhìn từ góc độ “tư, cá thể”, tổng thể những mối quan hệ, lợi ích của cá nhân với cá nhân, tổng thể các cấu trúc xã hội, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, gia đình, địa lí… vận hành ở trong một môi trường xã hội nhất định nằm bên ngoài sự can thiệp của nhà nước, là “luật chơi” của các chủ thể khác nhau với những hoạt động vừa có tính cá thể, vừa có tính xã hội.
Xét theo nguồn gốc, khái niệm “xã hội công dân” đã được sử dụng trong tác phẩm “Poliiikê” (chính trị) của Arixtôt, người được C. Mác xác định là một nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời cổ đại. Arixtôt phân biệt những hình thức tập hợp người khác nhau như là gia đình, dòng họ, làng xóm, nhà nước, xã hội. Đồng thời, Arixtôt cũng nhận ra sự cần thiết phải hạn chế về sự can thiệp của nhà nước vào một số các lĩnh vực thuộc đời sống riêng tư của công dân như gia đình hoặc là đời sống tinh thần riêng của công dân như tôn giáo, tín ngưỡng. Trong thời cổ đại thì ý niệm về “xã hội công dân” cùng hình thành và ra đời với các khái niệm “civis” (công dân), “civifu” (xã hội)”.
Xã hội khác với nhà nước, là một hình thái cộng đồng luôn luôn tồn tại, nhưng xã hội công dân sẽ chỉ xuất hiện trong quá trình và từ kết quả của việc tách nhà nước ra từ những cấu trúc xã hội khác và đồng thời, nhờ đó một loạt các quan hệ xã hội đã được “phi nhà nước hóa”. Nhìn từ phương diện đó thì có thể thấy được chính trong quá trình hình thành và phát triển của xã hội công dân, nhà nước và pháp luật cũng càng phát triển, hoàn thiện như trong xã hội hiện đại.
Hêghen, trong tác phẩm “Triết học pháp quyền” nghiên cứu về xã hội công dân đã cho rằng sự ra đời của xã hội công dân muộn hơn nhiều so với Sự ra đời của nhà nước. Xã hội công dân chính là sản phẩm của thời đại mới, nó bảo đảm cho mối quan hệ giữa con người với con người thông qua các chế định pháp luật, thông qua những nhu cầu và quyển lợi khác nhau. Hêghen cũng khẳng định cơ sở pháp luật của xã hội công dân là quyền bình đẳng của con người với tư cách là các chủ thể của pháp luật, là quyền tự do theo pháp luật của họ, là sự bảo vệ của pháp luật khỏi các vi phạm cũng như một hệ thống pháp luật ổn định và một Toà án đủ tin cậy. Theo Hêghen, xã hội công dân chính là một hình thái liên kết thỏa mãn mục đích cá nhân bằng các phương tiện văn minh, nó góp phần biến con người thành chủ thể có văn hóa.
Xã hội công dân đối lập với trạng thái tự nhiên, khi loài người đang hình thành, nơi mà tất cả công dân luôn trong tình trạng đối địch nhau. Ruxô, một nhà tư tưởng người Pháp thế kỉ XVIII, đã thực hiện đánh giá việc chuyển đổi từ trạng thái tự nhiên mông muội sang nhà nước, sang xã hội công dân chính là một bước tiến quan trọng của văn minh nhân loại. Ông coi đó như là niềm hy vọng tốt đẹp của con người.
2. Đặc trưng của xã hội công dân:
Thứ nhất, các tổ chức xã hội của công dân: đây cũng được xem là nét đặc trưng chủ yếu của xã hội công dân. Là những hội đoàn không kiếm lời do công dân tự nguyện tổ chức vì các lợi ích chung của cộng đồng (hoặc của xã hội, của thế giới). Hệ thống của tổ chức công dân tồn tại độc lập với nhà nước (nhưng có thể được nhà nước tài trợ). Nó chính là chủ thể của xã hội công dân, làm nên sức mạnh của xã hội công dân, góp phần cho tăng cơ hội và trình độ tham gia công việc chung của công dân. Có thể dùng số lượng tổ chức công dân để thực hiện đánh giá trình độ xã hội công dân. Tổ chức công dân càng hoàn thiện, số lượng công dân càng nhiều thì mức độ tự quản xã hội càng cao, xã hội phồn vinh, phát triển lành mạnh. Tại Mỹ, những tổ chức công dân được coi là một trong ba cột trụ lớn của toàn xã hội (hai cột trụ kia là chính quyền và khối doanh nghiệp).
Thứ hai, về lĩnh vực tư nhân: chủ yếu là nói về đời sống cá nhân hoặc gia đình; ở trong lĩnh vực này các cá nhân được hưởng quyền tư hữu tài sản, những quyền tự do dân chủ và quyền giữ bí mật riêng tư. Ở đây cần nhấn mạnh việc thừa nhận quyền tư hữu tài sản là điều kiện tất yếu để hình thành lên xã hội công dân cũng như nền kinh tế thị trường. Rõ ràng, khi người dân có tài sản của riêng mình thì mới thực sự có tự do; càng có nhiều tài sản thì sẽ càng được tự do hơn. Người không có hoặc là có ít tài sản thì không thể bình đẳng thực sự với người giàu, và quyền tự do cũng sẽ bị hạn chế. Nói tự do dân chủ mà phủ nhận quyền tư hữu tài sản là tự mâu thuẫn. Người vô sản cũng chính là người khát khao tự do nhất.
Tổ chức công dân có mấy đặc điểm khác với các cơ quan nhà nước hoặc tổ chức kinh tế:
– Là tổ chức dân lập, phi chính phủ;
– Có tính độc lập tương đối với chính quyền nhưng không loại trừ sự tham gia của chính quyền;
– Không kiếm lời (non-profit);
– Có tính tự nguyện.
Thứ ba, cộng đồng công dân: là tên gọi chung của mọi không gian để cho công dân gặp gỡ, trao đổi ý kiến, hình thành các quan điểm chung và dư luận. Truyền thông và mạng Internet, nhất là các trang mạng xã hội (social network) và báo điện tử đang ngày trở thành bộ phận quan trọng của lĩnh vực này và là phương tiện chủ yếu để phát triển xã hội công dân, tác động chẳng kém phong trào xã hội, lại có ưu thế là không ai ngăn chặn được.
Thứ tư, phong trào xã hội: với hình thức chính là mít tinh, biểu tình quần chúng, nhằm thể hiện mạnh mẽ về ý chí nguyện vọng của dân, gây sức ép đòi chính phủ sửa những chính sách sai. Các phong trào này thường nảy sinh khi đông đảo nhân dân bất mãn về thực trạng xã hội hoặc là chủ trương chính sách sai lầm của nhà nước. Chính quyền rất khó đối phó với những phong trào quần chúng, nếu họ không gây mất trật tự trị an thì chính quyền không thể đàn áp.
3. Bản chất của xã hội công dân:
– Xã hội công dân là một hình thức xã hội tự quản, khi toàn dân đều tham gia quản lý xã hội một cách có tổ chức và có trật tự; sự tự quản ấy vận hành song song với sự quản trị xã hội của bộ máy nhà nước.
– Xã hội công dân là một tất yếu lịch sử, bởi lẽ phát triển dân chủ chính là một xu thế tiến tới không thể ngăn cản của loài người. Đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay đã xuất hiện các tổ chức công dân có tính toàn cầu.
– Tiền đề tất yếu để hình thành xã hội công dân là mọi công dân đều được hưởng các quyền của con người cơ bản như tự do ngôn luận, tự do hội họp, mít tinh biểu tình, tự do lập hội, sở hữu các tài sản… khi ấy con người được coi là yếu tố quan trọng nhất; chính quyền chỉ là cơ quan phục vụ dân.
4. Vai trò của xã hội công dân:
– Có thể thấy các tổ chức công dân đã giúp cho người dân có được năng lực chưa từng thấy trong lịch sử để thực thi quyền làm chủ đất nước. Qua tổ chức công dân, tất cả mọi người có dịp thống nhất quan điểm trước những vấn đề chung, liên kết nhau giám sát hoạt động của chính quyền, bảo vệ lợi ích chung. Khi cần, họ sẽ có thể gây sức ép đòi chính phủ thay đổi chính sách hoặc người lãnh đạo và các đòi hỏi đó được thực hiện trong khuôn khổ luật pháp.
– Xã hội công dân phát huy được ý thức làm chủ, tinh thần trách nhiệm đối với toàn xã hội và lòng yêu nước của mỗi người dân, làm cho xã hội trở nên ổn định, trật tự, văn minh, đạo đức.
– Xã hội công dân tạo sức ép buộc chính quyền phải lắng nghe dân, làm việc vì dân, công bằng, liêm chính; qua đó cũng hạn chế được sự tập trung quyền lực và hậu quả kèm theo như lạm quyền, độc đoán và tham nhũng.
– Xã hội công dân với hàng triệu tổ chức công dân tạo ra một nguồn vốn xã hội phong phú rất cần cho chính quyền.
– Xã hội công dân còn giúp tái phân phối của cải cho người nghèo một cách công bằng, làm cho toàn xã hội hòa hợp, đoàn kết, bớt mâu thuẫn nội bộ.
– Xã hội công dân góp phần quyết định khiến người dân cảm thấy mình thực sự là chủ nhân của đất nước, vì thế, họ thực lòng yêu tổ quốc – điều quý giá nhất mà không nhà nước nào không mong muốn.