Đất rừng, đất lâm nghiệp có vai trò to lớn đối với cuộc sống của con người cũng như môi trường. Vậy, đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm thì nhà nước có quy định thu hồi như thế nào? Ai có thẩm quyền thu hồi? Việc lấn chiếm đất rừng, lâm nghiệp sẽ bị xử phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Hành vi nào được coi là lấn chiếm đất đất rừng, đất lâm nghiệp?
- 2 2. Quy định về thu hồi đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm:
- 3 3. Hành vi lấn chiếm đất rừng, đất lâm nghiệp bị xử phạt như thế nào?
- 4 4. Ai có thẩm quyền xử phạt lấn chiếm đất rừng, đất lâm nghiệp?
- 5 5. Trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp:
1. Hành vi nào được coi là lấn chiếm đất đất rừng, đất lâm nghiệp?
Ngày nay, có rất nhiều hành vi lấn chiếm đất rừng, đất lâm nghiệp có diễn biến phức tạp. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng lớn đến khí hậu, môi trường và chính đối với cuộc sống con người. Để hiểu đúng và bao quát nhất thì Nhà nước ta cũng đã có quy định về khái niệm hành vi lấn, chiếm đất đai. Cụ thể, khái niệm này được ghi nhận trong Khoản 1,2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung tại Nghị định 04/2022/NĐ-CP) như sau:
– Lấn đất là việc người sử dụng đất tác động đến mốc giới hoặc ranh giới thửa đất làm chuyển dịch diện tích đất một cách trái phép, không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.
– Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Người chiếm đất tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;
+ Trường hợp đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà tự ý sử dụng không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;
+ Đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng đất và đã có quyết định thu hồi đất được công bố, tổ chức thực hiện nhưng người lấn chiếm đất không chấp hành (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);
+ Người sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật thì cũng bị coi là hành vi chiếm đất.
2. Quy định về thu hồi đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm:
2.1. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai :
Trên thực tế, nhận thấy quá trình sử dụng đất của người dân không đảm bảo nguyên tắc sử dụng đất, vi phạm nghiêm trọng đến nghĩa vụ của người được giao đất thì Cơ quan Nhà nước hoàn toàn có thẩm quyền thu hồi đất. Theo Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 đã có quy định về trường hợp bị thu hồi như sau:
– Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;
– Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;
– Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;
– Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;
– Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm;
– Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;
– Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;
– Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;
– Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
Như vậy, hành vi lấn chiếm đất rừng, đất lâm nghiệp là một trong những trường hợp sẽ bị Nhà nước thu hồi.
2.2. Nhà nước thu hồi đất lấn chiếm người dân có được bồi thường không?
Quá trình thu hồi đất diễn ra dù vì lợi ích xã hội hay vì sai phạm trong quá trình sử dụng đất thì người được nhà nước giao đất vẫn phải chịu những thiệt hại lớn ảnh hưởng đến quá trình sản xuất cũng như ổn định đời sống của họ. Tuy nhiên, hành vi lấn chiếm đất rừng, đất lâm nghiệp về bản chất là vi phạm quy định nên không đủ điều kiện hưởng bồi thường. Vì vậy, khi Nhà nước thu hồi sẽ không được bồi thường về đất (Điều này được quy định tại Điều 82 Luật Đất đai năm 2013.) Ngoài ra, Người sử dụng đất cũng không được bồi thường tài sản gắn liền với đất quy định tại Điều 92 Luật Đất đai năm 2013
3. Hành vi lấn chiếm đất rừng, đất lâm nghiệp bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo khoản 3, khoản 7 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất có thể bị xử phạt với hình thức như sau:
3.1. Xử lý vi phạm hành chính:
STT | Diện tích | Mức phạt tiền | Biện pháp khắc phục hậu quả | |
Nông thôn | Thành thị | |||
1 | Dưới 0,02 ha | Phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng. | Bằng 02 lần mức phạt ở nông thôn nhưng không vượt quá: + Cá nhân: 500 triệu đồng; + Tổ chức: 1 tỷ đồng.
| – Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm – Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm – Buộc thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định đối với trường hợp sử dụng đất khi chưa thực hiện xong thủ tục giao đất, thuê đất |
2 | 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta | Phạt tiền từ 05 – 07 triệu đồng | ||
3 | 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta | Phạt tiền từ 07 – 15 triệu đồng | ||
4 | từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta | Phạt tiền từ 15 – 40 triệu đồng | ||
5 | từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta | Phạt tiền từ 40 – 60 triệu đồng | ||
6 | 01 héc ta trở lên | Phạt tiền từ 60 – 150 triệu đồng |
3.2. Trách nhiệm hình sự:
Điều 228 Bộ luật hình sự 2015 quy định hình phạt hành vi lấn chiếm đất như sau:
Người vi phạm lần đầu hoặc tái phạm vi phạm mà đã xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trong trường hợp có nhiều tình tiết gây nguy hiểm hơn cho xã hội như hành vi lấn chiếm có tổ chức, tái phạm nguy hiểm, phạm tội 2 lần trở lên thì bị Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Ngoài ra, còn áp dụng hình phạt bổ sung từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
4. Ai có thẩm quyền xử phạt lấn chiếm đất rừng, đất lâm nghiệp?
Theo khoản 2 Điều 40 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến đất đai, cụ thể như sau:
– Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định tại các Điều 38 và Điều 39 Nghị định 91/2019/NĐ-CP bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đất đai đang thi hành công vụ; Chánh Thanh tra Sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành đất đai do Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra; Trưởng đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường; Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai.
– Công chức được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra; kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và hoạt động dịch vụ về đất đai.
– Công chức kiểm lâm được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý; sử dụng lâm nghiệp được lập biên bản- vi phạm hành chính đối với hành vi lấn; chiếm, sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất vào mục đích khác.
5. Trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp:
Bước 1. Lập biên bản vi phạm hành chính:
Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo Khoản 2 Điều 40 Nghị định 91/2019/NĐ-CP phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính.
Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai được lập theo quy định tại Điều 1 của Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 97/2017/NĐ-CP, cụ thể: Biên bản phải có đầy đủ các thông tin theo mẫu biên bản 01 của Nghị định 97/2017/NĐ-CP. Biên bản gồm nhiều tờ thì phải ký từng tờ, nếu người vi phạm không ký thì phải có 2 người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền địa phương ký. Nếu thuộc trường hợp được giải trình thì phải ghi cụ thể thời gian giải trình cũng như người có thẩm quyền giải quyết giải trình. Biên bản phải được giao cho người vi phạm 01 bản.
Bước 2. Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính:
Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính nếu thuộc thẩm quyền thì người lập biên bản vi phạm hành chính ban hành quyết định xử phạt, nếu vượt thẩm quyền thì phải chuyển hồ sơ tới người có thẩm quyền để xử phạt.
Việc xác định thẩm quyền xử phạt căn cứ vào mức độ vi phạm để áp dụng khung tiền phạt và biện pháp phạt bổ sung, biện pháp buộc khắc phục hậu quả để xác định.
Thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai là 07 ngày, đối với trường hợp phức tạp thì 30 ngày, đối với trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì tối đa 60 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
Lưu ý: Với mức xử phạt từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân và 30 triệu đồng trở lên đối với tổ chức thì khi lập biên bản xử phạt vi phạm, người vi phạm có khoảng thời gian để giải trình (2 ngày đối với giải trình trực tiếp, 5 ngày đối với giải trình bằng văn bản). Hết thời hạn này thì mới được ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Đối với những trường hợp đã hết thời hiệu xử phạt (hết 2 năm) hoặc quá thời hạn xử phạt (tùy từng trường hợp) thì sẽ ban hành quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả.
Bước 3. Thi hành quyết định xử phạt:
Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành quyết định phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc để cá nhân, tổ chức chấp hành việc nộp tiền phạt cũng như biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định. Trường hợp người sử dụng đất không chấp hành có hành vi chống đối khi đủ điều kiện để thực hiện nghĩa vụ thì cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án có phương án cưỡng chế thi hành.
Trường hợp nếu chưa có điều kiện thi hành cưỡng chế thu tiền phạt thì cần tham mưu cưỡng chế thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trước, còn tiền phạt sẽ tiếp tục xác minh để cưỡng chế sau nhằm kịp thời chấm dứt, khắc phục hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai.
Bước 4. Tổ chức cưỡng chế:
Sau khi ban hành quyết định cưỡng chế thu tiền phạt, cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả thì phải gửi NGAY cho cá nhân, tổ chức vi phạm để thi hành. Nếu quá thời hạn tự nguyện thi hành theo quyết định cưỡng chế mà họ không thi hành thì tổ chức cưỡng chế thu tiền phạt, cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả theo
Lưu ý: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đảm bảo quá trình giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Cũng như phải dự đoán trước tình huống có thể xảy ra để đưa ra phương án xử lý kịp thời, hợp lý.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 ;
– Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
–
– Nghị định số 97/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.