“Đất lưu không” không phải là khái niệm được quy định trong văn bản pháp luật nhưng được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày, đây là loại đất cũng có nhiều quy định pháp lý cần được làm rõ. Nhiều người sử dụng đất có thắc mắc đất lưu không khi bị thu hồi có được bồi thường hay không?
Mục lục bài viết
1. Đất lưu không có được đền bù khi bị Nhà nước thu hồi?
1.1. Đất lưu không là gì?
Hiện nay, pháp luật Đất đai chưa quy định cụ thể thế nào là Đất lưu không. Nhưng thông qua những quy định của pháp luật và thực tế áp dụng, có thể hiểu đất lưu không là phần đất quy hoạch phục vụ cho công trình công cộng, giao thông, thủy lợi, điện… mà Nhà nước chưa sử dụng đến, phần đất này trong quy hoạch nằm trong phần hành lang giao thông, công trình công cộng.
Hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài đất của đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ (Luật giao thông đường bộ 2008).
Như vậy, đất lưu không là loại đất công cộng, thuộc sở hữu nhà nước, bất kỳ cá nhân nào cũng không có quyền sở hữu đất lưu không, người dân có thể xin phép sử dụng tạm thời phần đất này cho đến khi nhà nước sử dụng đến. Tuy nhiên, phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thì việc sử dụng phần đất lưu không của người sử dụng mới là hợp pháp.
Hiện nay, không có văn bản pháp luật nào quy định về diện tích của đất lưu không, diện tích loại đất này ở từng khu vực cũng không giống nhau tùy vào quy định của chính quyền địa phương nơi có đất.
1.2. Đất lưu không có được cấp sổ đỏ không?
Vì đất lưu không trong quy hoạch nằm trong phần hành lang giao thông, công trình công cộng, do đó, trong khi Nhà nước chưa sử dụng đến phần đất này thì người dân được phép tạm thời sử dụng, nhưng không được cấp giấy chứng nhận cho phần đất này. Người dân nếu có nhu cầu thì có thể sử dụng vùng đất lưu không nhưng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép, chấp thuận. Nếu không tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật thì chủ tịch UBND tại các khu vực có nghĩa vụ phát hiện ngăn chặn các trường hợp xâm chiếm sử dụng đất lưu không trái phép và trong nhiều trường hợp có thể phải chịu chế tài xử phạt hành chính.
1.3. Đất lưu không có được đền bù khi bị Nhà nước thu hồi?
Vì đất lưu không là đất công cộng, thuộc sở hữu của Nhà nước nên về bản chất loại đất này là người dân chỉ được tạm thời sử dụng, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi Nhà nước thu hồi sẽ không phải đền bù gì. Phần đất này chỉ tạm thời Nhà nước chưa sử dụng đến, khi Nhà nước có quy hoạch xây dựng công trình công cộng thì có thể hoàn toàn thu hồi để thực hiện việc xây dựng, người dân phải chấp hành việc trả lại phần đất này cho Nhà nước.
2. Xử phạt hành vi chiếm đoạt đất lưu không:
Việc tự ý chiếm đoạt đất lưu không mà không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền là hành vi vi phạm pháp luật, và sẽ phải chịu những chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai thì: đối với khu vực nông thôn căn cứ vào diện tích, loại đất mà hành vi lấn, chiếm đất mà sẽ phải chịu mức xử phạt tương ứng từ 2 triệu đến 500 triệu đồng. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp ở khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng, đối với tổ chức mức phạt sẽ là gấp đôi mức phạt cá nhân.
Ngoài ra, hành vi vi phạm này còn có thể phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất hoặc buộc giao nộp lại số tiền, lợi ích bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
3. Trách nhiệm bảo vệ đất lưu không của người sử dụng đất, cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước:
* Đối với người sử dụng đất:
Thực tế, hiện nay đất lưu không là phần diện tích đất thuộc hành lang an toàn giao thông. Người đang sử dụng đất nằm trong hành lang bảo vệ an toàn công trình một cách hợp pháp thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã xác định, không gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ. Nếu việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật.
* Đối với cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình:
– Cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý đất lưu không phải có trách nhiệm công khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình và thực hiện việc công bố mốc giới đó, phải chịu trách nhiệm chính về việc bảo vệ an toàn công trình. Trong trường hợp hành lang bảo vệ an toàn công trình bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép thì phải kịp thời báo cáo và yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hành lang bảo vệ an toàn bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép để xử lý.
– Tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã và Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình thường xuyên rà soát, kiểm tra hiện trạng sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình, nếu phát sinh các vấn đề thì kịp thời kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.Trường hợp việc sử dụng đất có ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình hoặc trường hợp hoạt động của công trình có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người sử dụng đất thì cơ quan có chức năng quản lý nhà nước đối với công trình tiến hành thẩm định mức độ ảnh hưởng, nếu phải thu hồi đất thì đề nghị Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền để quyết định thu hồi đất đó. Trường hợp chủ công trình trực tiếp quản lý công trình phải có trách nhiệm đưa ra những biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và người có đất thu hồi được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật.
* Đối với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền:
– Ủy ban nhân dân các cấp nơi có công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ an toàn công trình, công bố công khai mốc giới sử dụng đất trong hành lang bảo vệ an toàn công trình, kịp thời xử lý những trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang bảo vệ an toàn công trình.
Như vậy, theo quy định, đây là khoảng đất được các cơ quan, tổ chức quản lý công trình và Nhà nước là cơ quan quy định quản lý và chịu trách nhiệm. Nếu phát hiện hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép đất lưu không thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đất không lưu nằm tại khu vực đó sẽ được toàn quyền quyết định và xử phạt nhằm bảo vệ sự an toàn cho công trình.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm sau:
+ Phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình và ngăn chặn kịp thời các công trình xây dựng trái phép trên đất hành lang bảo vệ an toàn công trình; buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
+ Phối hợp với cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ an toàn công trình và phối hợp với cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình trong việc công bố mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình.
Trong trường hợp để xảy ra hiện tượng lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình tại địa phương thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải liên đới chịu trách nhiệm về những sai phạm này theo quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013;
–
– Nghị định 91/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.