Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng luôn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc khó giải quyết. Vậy khó khăn, vướng mắc công tác đền bù, giải phóng mặt bằng hiện nay đang diễn ra như thế nào? Làm thế nào để khắc phục khó khăn, vướng mắc đó?
Mục lục bài viết
1. Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về việc đền bù, giải phóng mặt bằng?
1.1. Điều kiện để người sử dụng đất được đền bù khi giải phóng mặt bằng:
Giải phóng mặt bằng được hiểu là việc cơ quan Nhà nước cũng như tổ chức có thẩm quyền thực hiện công tác phá dỡ, di rời công trình xây dựng, mặt bằng dân cư,… để thực hiện sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước.
Do đó, có thể hiểu việc đền bù khi giải phóng mặt bằng là việc đền bù được thực hiện khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất được đền bù khi đáp ứng các điều kiện sau:
– Đất bị thu hồi vì mục đích quốc phòng- an ninh; vì lý do phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
– Đất thuộc quyền sử dụng của cá nhân, hộ gia đình và không phải là đất thuê có trả tiền thuê đất hàng năm;
– Đất bị thu hồi đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đã có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng chưa được cấp (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai năm 2013);
– Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.
Như vậy, khi đất bị thu hồi đáp ứng được các điều kiện trên thì sẽ bị Nhà nước bồi thường về đất khi thu hồi.
1.2. Người sử dụng đất sẽ được đền bù những gì khi cơ quan Nhà nước thu hồi đất để giải phóng mặt bằng?
Khi đáp ứng những điều kiện đã được phân tích tại mục 1.1 của bài viết thì người sử dụng đất sẽ được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Việc bồi thường sẽ thực hiện theo nguyên tắc mà Luật Đất đai năm 2013 và những Nghị định, Thông tư hướng dẫn có liên quan quy định. Cụ thể người sử dụng đất thuộc diện được bồi thường sẽ được Nhà nước hỗ trợ bồi thường, chi trả các khoản chi phí sau:
Bồi thường về đất có cùng mục đích sử dụng đất với loại đất bị thu hồi hoặc bồi thường bằng tiền theo giá đất do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyét định tại thời điểm có quyết định thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Đất đai năm 2013;
– Bồi thường về tài sản gắn liền trên đất, công trình xây dựng trên đất bị thiệt hại khi thu hồi theo quy định tại Điều 89 và Điều 90 Luật Đất đai năm 2013;
– Bồi thường về chi phí di chuyển tài sản khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 Điều 91 Luật Đất đai năm 2013;
– Bồi thường về chi phí đầu tư còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nhưng không được bồi thường về đất đối với đất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật Đất đai năm 2013;
– Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất: Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 83 Luật Đất đai năm 2013 thì Nhà nước sẽ hỗ trợ người sử dụng đất khi thu hòi đất các khoản hỗ trợ sau:
+ Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất;
+ Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở;
+ Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở;
+ Hỗ trợ khác.
2. Khó khăn, vướng mắc công tác đền bù, giải phóng mặt bằng:
Đền bù, giải phóng mặt bằng là hoạt động diễn ra phổ biến hiện nay tại các địa phương. Việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng được Nhà nước phê duyệt nhằm nâng cao chất lượng đời sống, phát triển kinh tế- xã hội đất nước cũng như thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng để phục vụ cho mục đích quốc phòng- an ninh. Công tác giải phóng mặt bằng hiện nay là chìa khoá quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ của dự án, từng bước hoàn thiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội mà Nhà nước đề ra.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực đất đai, công tác đền bù để giải phóng mặt bằng lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập bởi người dân không hợp tác với cơ quan Nhà nước, không đồng ý với các chính sách bồi thường, hỗ trợ khi bị thu hồi đất. Theo nguồn thông tin tin cậy, một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là vấn đề khiếu kiện của người dân (chiếm 70% trong đơn thư khiếu nại). Thông thường, người dân sẽ khiếu kiện về những vấn đề như: giá bồi thường không hợp lý (giá quá thấp), việc thu hồi đất mang tính áp đặt, người dân không được triển khai tốt về vấn đề thu hồi đất để giải phóng mặt bằng,…
Theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất sẽ được Nhà nước bồi thường khi đáp ứng được các điều kiện đã nêu tại mục 1.1 của bài viết. Theo đó, nguyên tắc bồi thường đặt pháp luật quy định là bồi thường bằng đất có cùng mục đích với loại đất bị thu hồi hoặc nếu không có quỹ đất cùng mục đích để giao cho người sử dụng đất thì Nhà nước sẽ đền bù bằng tiền theo giá đất của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tại thời điểm có quyết định thu hồi. Trên thực tế, tại một số địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh còn ban hành mức giá đất quá thấp, thậm chí chỉ 20.000 đồng/1m2 đất nông nghiệp. Do đó, dẫn đến việc người bị thu hồi đất bị thu hồi diện tích đất lớn nhưng tiền bồi thường lại không thoả đáng.
Bên cạnh việc một số địa phương quy định giá đất quá thấp thì vướng mắc, khó khăn lại xuất phát từ việc một số người sử dụng đất không hiểu rõ pháp luật về nguyên tắc bồi thường đất. Họ cho rằng Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền thông báo về giá đất bồi thường dựa vào sự chủ quan, duy ý chí của cơ quan đó, đặt lợi ích của người có thẩm quyền lên trên quyền lợi nhân dân, tự áp đặt giá đền bù không thoả đáng,…
Vướng mắc, khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn xuất phát từ việc một số cán bộ, công chức có thẩm quyền tại một số địa phương không thực hiện giải quyết công khai, minh bạch trong trình tự, thủ tục bồi thường, đền bù cho người sử dụng đất khi giải phóng mặt bằng. Do đó dẫn đến việc người sử dụng đất bức xúc, có những hành vi cản trở quá trình thu hồi đất theo kế hoạch, không chịu bàn giao đất bị thu hồi, không chịu nhận tiền đền bù và không chịu di rời…
3. Làm thế nào để có thể khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng hiện nay tại các địa phương?
Theo Luật Dương Gia, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thì các địa phương nên thực sự nghiêm túc, chấn chỉnh lại hoạt động này. Một số biện pháp khắc phục mà Luật Dương Gia đề xuất như sau:
– Một là, các địa phương có dự án cần thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng một cách công khai, minh bạch. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần phải công khai trong việc cho người dân biết về dự án, tiến độ của dự án và các kế hoạch xoay quanh dự án để người dân không dắn đo về việc cơ quan Nhà nước lợi dụng quyền lợi để ăn chặn của nhân dân;
– Hai là, các địa phương nên tích cực trong việc tuyên truyền, vận động về quy định pháp luật của Nhà nước, các chủ trương- chính sách của Đảng để người dân không khỏi băn khoăn về giá đền bù đất khi thu hồi. Từ đó tăng cường sự đoàn kết, phát huy tính dân chủ, tăng sự đồng thuận của nhân dân trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng;
– Ba là, Uỷ ban nhân dân các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương nên tăng mức giá đất để đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất bị thu hồi. Bên cạnh đó, tại Dự thảo Luật Đất đai hiện nay đang được nhiều người quan tâm thì pháp luật đã bãi bỏ quy định về khung giá đất do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Thay vào đó, các địa phương sẽ quyết định bảng giá đất hằng năm theo giá đất phổ biến trên thị trường, biến động giá đất. Theo đó, giá đất dùng để bồi thường cho người dân bị thu hồi sẽ tăng cao hơn, bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng đất.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Luật Đất đai năm 2013.