Theo quy định của pháp luật hiện hành thì ta có thể hiểu rằng hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật. Vậy những vi phạm về hóa đơn bị xử lý như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức xử phạt hành chính với các vi phạm về hóa đơn mới nhất:
1.1. Mức xử phạt hành vi cho, bán hóa đơn mới nhất:
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 125/2020/NĐ-CP ta xác định được mức xử phạt đối với hành vi cho bán hóa đơn như sau:
– Đối với các hành vi cho, bán hóa đơn đặt in chưa phát hành và cho, bán hóa đơn đặt in của khách hàng đặt in hóa đơn cho tổ chức, cá nhân khác thì sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị buộc hủy hóa đơn, nộp lại số lợi bất hợp pháp có được
– Đối với hành vi cho, bán hóa đơn mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị buộc hủy hóa đơn, nộp lại số lợi bất hợp pháp có được
1.2. Mức xử phạt hành vi vi phạm về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ mới nhất:
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ được xác định như sau:
– Đối với các hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ; hoặc lập hóa đơn liên tục từ số nhỏ đến số lớn nhưng khác quyển và tổ chức, cá nhân sau khi phát hiện ra đã hủy các quyển hóa đơn có số thứ tự nhỏ hơn; hoặc lập sai loại hóa đơn theo quy định đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế, bên bán và bên mua phát hiện việc lập sai loại hóa đơn và lập lại loại hóa đơn đúng theo quy định trước khi cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và không ảnh hưởng đến việc xác định nghĩa vụ thuế thì sẽ bị áp dụng biện pháp phạt cảnh cáo
– Đối với các hành vi không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;hoặc không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động, trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất thì sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng
– Đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng Đối với các hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Hoặc lập hóa đơn không theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo quy định. Hoặc lập hóa đơn ghi ngày trên hóa đơn trước ngày mua hóa đơn của cơ quan thuế. Hoặc lập sai loại hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế. Hoặc lập hóa đơn điện tử khi chưa có thông báo chấp thuận của cơ quan thuế hoặc trước ngày cơ quan thuế chấp nhận việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế. Hoặc lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trừ trường hợp lập hóa đơn giao cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày thông báo tạm ngừng kinh doanh. Hoặc lập hóa đơn điện tử từ máy tính tiền không có kết nối, chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế thì sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng
– Đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
– Đối với hành vi lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Như vậy, có thể thấy rằng, đối với những vi phạm về lập hóa đơn thì tủy theo mức độ vi phạm thì mức xử phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo, cao nhất là phạt tiền đến 20.000.000 đồng.
1.3. Mức xử phạt hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn:
Mức xử phạt hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn được xác định như sau:
– Đối với các hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập. Hoặc làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ; làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế thì sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng
– Đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, đã khai, nộp thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
Lưu ý: Mức phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm thì bị phạt gấp đôi cá nhân
Tóm lại, đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn thì mức xử phạt thấp nhất là phạt tiền 4.000.000 đồng, cao nhất là phạt tiền tới 10.000.000 đồng
2. Các quy định liên quan đến hóa đơn:
2.1. Hình thức và nội dung của hóa đơn:
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì ta có thể hiểu rằng hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật
Theo đó, khi lập hóa đơn phải đảm bảo về hình thức theo quy định và phải có đầy đủ các nội dung như là: tên loại hóa đơn; ký hiệu mẫu số hóa đơn và ký hiệu hóa đơn; tên liên hóa đơn; số thứ tự hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua; tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính; số lượng; đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền ghi bằng số và bằng chữ; người mua, người bán ký và ghi rõ họ tên, dấu người bán và ngày, tháng, năm lập hóa đơn; tên tổ chức nhận in hóa đơn.
2.2. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn:
Từ những căn cứ pháp lý và phân tích ở phần mục trên chúng ta có thể thấy rằng đối với các hành vi vi phạm về hóa đơn sẽ có các hình thức xử phạt chính là:
Một là, hình thức phạt cảnh cáo, Hình thức này áp dụng đối với hành vi vi phạm về hóa đơn không gây hậu quả nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ.
Hai là, hình thức phạt tiền. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm về hóa đơn là 50 triệu đồng
Bên cạnh những hình phạt chính thì còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
2.3. Những điểm mới trong vấn đề xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn:
Từ ngày 1/1/2022 khi mà nghị định 102/2021/NĐ-CP có hiệu lực thì việc xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn sẽ có một số điểm mới so với nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:
Thứ nhất, tăng thời hiệu xử phạt vi phạm về hóa đơn: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 02 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP thay vì 01 năm như quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP).
Thứ hai, bổ sung vi phạm một số hành vi về hoá đơn:
– Nghị định 102/2021/NĐ-CP bổ sung quy định xử phạt với hành vi lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định
– Bổ sung quy định xử phạt về hành vi hành làm mất, cháy, hỏng hóa đơn: Theo quy định mới, từ ngày 01/01/2022 phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, đã khai thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ,.
– Quy định mới đã bỏ quy định xử phạt đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã nộp thuế.
Thứ ba, sửa đổi quy định về miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về hóa đơn: Nghị định 102/2021 quy định các trường hợp miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; thẩm quyền, trình tự, thủ tục miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thực hiện theo quy định tại Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 43 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Các văn bản được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hóa đơn
– Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế