Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. Điều kiện và thủ tục thành lập Công ty bán hàng Đa cấp như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hiểu thế nào là Công ty bán hàng đa cấp?
Kinh doanh đa cấp là cụm khái niệm quen thuộc mà ta thường được nghe nhiều trong thực tiễn đời sống. Theo quy định của pháp luật, kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. Hay hiểu một cách đơn giản, kinh doanh đa cấp là loại hình kinh doanh đa cấp độ. Tại đó, người kinh doanh tham gia ở nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau.
Từ khái niệm trên, ta có thể hiểu, doanh nghiệp (công ty) bán hàng đa cấp là doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để bán hàng hóa.
Hiện nay, số lượng các công ty bán hàng đa cấp xuất hiện ở nước ta ngày càng nhiều. Nhà nước cho phép loại hình doanh nghiệp kinh doanh này được hoạt động. Do đó, các cá nhân, tổ chức ngày càng đẩy mạnh hình thức kinh doanh này. Một điểm cần lưu ý rằng, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Hay nói cách khác, mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4
2. Điều kiện thành lập Công ty bán hàng đa cấp:
Theo quy định tại Điều 7
– Công ty bán hàng đa cấp phải là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Tức Công ty bán hàng đa cấp phải được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
– Điều kiện về vốn điều lệ: Để thành lập Công ty bán hàng đa cấp, thì điều kiện về vốn điều lệ là từ 10 tỷ đồng trở lên.
– Người đứng đầu Công ty bán hàng đa cấp phải là các chủ thể sau đây:
+ Thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.
+ Chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
+ Thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần
Một điểm cần lưu ý rằng, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
– Công ty bán hàng đa cấp phải có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch. Quy định về điều kiện thành lập công ty đa cấp này giúp đảm bảo tính khách quan, trung thực trong quan hệ lao động phát sinh giữa công ty với người lao động, tránh xảy ra tình trạng lừa đảo, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và trật tự an toàn xã hội.
– Công ty bán hàng đa cấp phải có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp; Có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp. Điều kiện về hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng này giúp chủ doanh nghiệp kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động bán hàng của người lao động một cách toàn diện nhất. Bởi lẽ, loại hình kinh doanh này là đặc biệt rộng, nếu không có sự kiểm soát, thì sẽ rất dễ xảy ra sai phạm, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của công ty, cũng như ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa.
Trên đây là những điều kiện mà các cá nhân, tổ chức cần phải đảm bảo khi muốn thành lập công ty đa cấp.
3. Thủ tục thành lập Công ty bán hàng đa cấp:
3.1. Hồ sơ thành lập Công ty bán hàng đa cấp:
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 40/2018 / NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bao gồm các tài liệu sau đây:
– Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
– Bản sao có công chứng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương.
– Văn bản chứng thực cá nhân của chủ doanh nghiệp: Căn cước công dân (hoặc chứng minh nhân dân, hộ chiếu).
– Các tài liệu liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp, bao gồm: Mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; Kế hoạch trả thưởng; Chương trình đào tạo cơ bản; Quy tắc hoạt động của doanh nghiệp.
– Bản kê khai danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp của doanh nghiệp, bao gồm các thông tin: Tên, chủng loại, xuất xứ, quy cách đóng gói, chế độ bảo hành (nếu có), giá bán và số điểm thưởng quy đổi tương ứng với giá bán, thời điểm áp dụng.
– Văn bản xác nhận ký quỹ.
– Tài liệu giải trình kỹ thuật về hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp.
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh doanh nghiệp có trang thông tin điện tử.
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh doanh nghiệp có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.
Đây là những giấy tờ, tài liệu mang tính chất bắt buộc mà các cá nhân, tổ chức phải chuẩn bị khi muốn đăng ký thành lập Công ty bán hàng đa cấp. Những giấy tờ, tài liệu này chính là cơ sở để cơ quan chức năng có thẩm quyền dựa vào, xác định xem doanh nghiệp đó có đủ điều kiện để được đăng ký xin Giấy chứng nhận kinh doanh bán hàng đa cấp hay không. Đây được xem là nền tảng cốt lõi trên nhất, giúp các hoạt động kinh doanh sau này diễn ra một cách chuẩn chỉnh, đúng theo quy định của pháp luật; hạn chế đến mức tối đa những sai phạm có thể xảy ra.
3.2. Trình tự thành lập Công ty bán hàng đa cấp:
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Doanh nghiệp muốn đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thì phải chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ, tài liệu như đã phân tích ở mục 3.1.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đó sẽ thực hiện nộp hồ sơ lên Sở công thương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
– Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ.
+ Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Bộ Công Thương thông báo bằng văn bản để doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
+ Nếu hồ sơ hợp lệ, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ.
– Bước 3: Thẩm định hồ sơ.
Sau khi nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ Công Thương thông báo cho doanh nghiệp nộp phí thẩm định.
+ Nếu doanh nghiệp không nộp phí thẩm định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo, Bộ Công Thương sẽ trả lại hồ sơ.
+ Nếu doanh nghiệp nộp phí thẩm định, Bộ Công Thương thẩm định hồ sơ trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phí thẩm định. Nội dung thẩm định mà Bộ công thương thực hiện bao gồm: Xác nhận bằng văn bản với ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ về tính xác thực của văn bản xác nhận ký quỹ; Thẩm định nội dung các tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, đảm bảo phù hợp với các quy định của Nghị định này.
– Bước 4: Trả kết quả- Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện, Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương, thông báo cho ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ và cung cấp bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Nghị định số 40/2018/ NĐ-CP Về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp