Khi đi du lịch ở nước ngoài, công dân Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định. Vậy trẻ em dưới 14 tuổi có tự đi du lịch nước ngoài được không?
Mục lục bài viết
- 1 1. Trẻ em dưới 14 tuổi có tự đi du lịch nước ngoài được không?
- 2 2. Quy định về người đại diện hợp pháp của trẻ em dưới 14 tuổi:
- 2.1 2.1. Trẻ em dưới 14 tuổi có cha, mẹ và cha, mẹ không bị mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự, không bị khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi:
- 2.2 2.2. Trẻ em dưới 14 tuổi không còn/không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ bị mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi:
- 3 3. Quy định về làm hộ chiếu cho trẻ em dưới 14 tuổi để đi du lịch nước ngoài:
- 4 4. Quy định về thời hạn hộ chiếu đối với trẻ em dưới 14 tuổi:
1. Trẻ em dưới 14 tuổi có tự đi du lịch nước ngoài được không?
Điều 33 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 có quy định về điều kiện xuất cảnh, điều này quy định Công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng; đối với hộ chiếu thì phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên;
– Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực;
– Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.
Công dân Việt Nam muốn xuất cảnh ra nước ngoài, ngoài những điều kiện trên thì những đối tượng sau phải đáp ứng thêm điều kiện đó chính là phải có người đại diện hợp pháp đi cùng:
– Người mất năng lực hành vi dân sự;
– Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
– Người chưa đủ 14 tuổi.
Như vậy, trẻ em dưới 14 tuổi không được tự đi du lịch nước ngoài mà phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.
2. Quy định về người đại diện hợp pháp của trẻ em dưới 14 tuổi:
Tại Điều 136 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về đại diện theo pháp luật của cá nhân, điều này quy định cụ thể về người đại diện theo pháp luật của cá nhân như sau:
– Cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật đối với con chưa thành niên;
– Người giám hộ là người đại diện theo pháp luật đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người mà có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định;
– Người do Tòa án chỉ định trong các trường hợp không xác định được người đại diện cho con chưa thành niên, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
– Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Như vậy, sẽ tùy từng trường hợp mà người đại diện hợp pháp của trẻ em dưới 14 tuổi sẽ khác nhau, cụ thể như sau:
2.1. Trẻ em dưới 14 tuổi có cha, mẹ và cha, mẹ không bị mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự, không bị khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi:
Trong trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi có cha, mẹ và cha, mẹ không bị mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự, không bị khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì cha, mẹ chính là người đại diện theo pháp luật đối với con của mình.
2.2. Trẻ em dưới 14 tuổi không còn/không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ bị mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi:
Trong trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi không còn/không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ bị mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người giám hộ chính là người đại diện theo pháp luật đối với trẻ em dưới 14 tuổi trong trường hợp này. Người giám hộ cho trẻ em dưới 14 tuổi trong trường hợp này được quy định như sau:
– Người giám hộ đương nhiên: người giám hộ đương nhiên của trẻ em dưới 14 tuổi được xác định theo thứ tự sau:
+ Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu như anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo sẽ là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ;
+ Trường hợp không có người giám hộ trên thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này sẽ thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ;
+ Trường hợp không có những người giám hộ trên thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
– Không có người giám hộ đương nhiên: trong trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi không có người giám hộ đương nhiên đã nêu trên thì thực hiện thủ tục cử, chỉ định người giám hộ. Cử, chỉ định người giám hộ cho trẻ em dưới 14 tuổi được pháp luật quy định như sau:
+ Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.
+ Trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ đương nhiên của trẻ em dưới 14 tuổi về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ.
Lưu ý rằng:
– Cử, chỉ định người giám hộ cho người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người này.
– Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ.
– Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ những lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng về tài sản của người được giám hộ.
3. Quy định về làm hộ chiếu cho trẻ em dưới 14 tuổi để đi du lịch nước ngoài:
Như đã nói ở mục trên, một trong các điều kiện để trẻ em dưới 14 tuổi đi du lịch nước ngoài đó chính là phải có hộ chiếu còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên. Chính vì thế, trẻ em dưới 14 tuổi muốn đi du lịch nước ngoài phải làm hộ chiếu. Quy trình làm hộ chiếu cho trẻ em dưới 14 tuổi được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Căn cứ Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, hồ sơ cấp hộ chiếu cho trẻ em gồm có:
– 01 tờ khai Mẫu TK01. Trường hợp trẻ dưới 14 tuổi thì tờ khai sẽ do cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ khai, ký thay và phải được Trưởng Công an phường, xã, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận, đóng dấu giáp lai ảnh, kèm theo:
+ Hộ chiếu của cha hoặc mẹ còn thời hạn ít nhất 01 năm nếu đề nghị bổ sung trẻ em dưới 09 tuổi vào hộ chiếu của cha hoặc mẹ thì nộp kèm theo;
+ Hộ chiếu của trẻ em còn thời hạn ít nhất 01 năm và các giấy tờ pháp lý chứng minh sự điều chỉnh nếu điều chỉnh các thông tin về họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; giới tính; số của chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
+ Hộ chiếu của trẻ em đó nếu đề nghị cấp lại hộ chiếu;
+ Đơn trình báo theo Mẫu X08 hoặc giấy xác nhận của cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh về việc đã thực hiện trình báo mất hộ chiếu nếu đề nghị cấp lại hộ chiếu do bị mất;
+ Bản sao hoặc bản chụp có chứng thực giấy tờ chứng minh về quyền giám hộ trẻ em dưới 14 tuổi đó, nếu không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu trong trường hợp người giám hộ khai và ký thay;
– 02 ảnh mới chụp, cỡ 4 x 6, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu, phông nền màu trắng. Trẻ em dưới 09 tuổi mà cấp chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ thì nộp 02 ảnh cỡ 3 x 4;
– Trẻ em dưới 14 tuổi nộp 01 bản sao hoặc bản chụp có chứng thực của Giấy khai sinh, nếu như không có chứng thực thì phải xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ tại các cơ quan chức năng sau:
– Trẻ em dưới 14 tuổi đã có Căn cước công dân: Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh công an cấp tỉnh bất kỳ tỉnh, thành nào thuận tiện.
– Trẻ em dưới 14 tuổi chưa có Căn cước công dân: Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh công an cấp tỉnh nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú).
Bước 3: Nộp lệ phí
Căn cứ Thông tư số 25/2021/TT-BTC thì lệ phí làm hộ chiếu trẻ em dưới 14 tuổi là 200.000 đồng
Bước 4: Nhận hộ chiếu
Nhận hộ chiếu trực tiếp tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an cấp tỉnh
Hiện tại một số địa phương đã áp dụng hình thức trả hộ chiếu thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh đến địa chỉ của người xin cấp hộ chiếu.
Theo Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh quy định thời gian làm hộ chiếu trẻ em dưới 14 tuổi là 08 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
4. Quy định về thời hạn hộ chiếu đối với trẻ em dưới 14 tuổi:
Điều 7 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định về thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh, Điều này quy định thời hạn của hộ chiếu phổ thông như sau:
– Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn;
– Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 05 năm và không được gia hạn;
– Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
Như vậy, đối với hộ chiếu của trẻ em dưới 14 tuổi sẽ chỉ có thời hạn 05 năm và không được gia hạn.Vì thế, trước khi đi du lịch nước ngoài, cha/mẹ hoặc người đại diện nên kiểm tra về thời hạn hộ chiếu của con em mình, tránh trường hợp đã chuẩn bị xong thì mới biết hộ chiếu không hợp quy định để đi du lịch nước ngoài.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019.