Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh. Mỗi Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có một chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Vậy mức lương Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là bao nhiêu? Dưới đây là bài phân tích làm rõ.
Mục lục bài viết
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
Theo quy định tại Điều 22 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh. Mỗi Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có một chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Cũng trong điều luật này, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định cụ thể sau đây:
– Là người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh, nên chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có quyền lãnh đạo, điều hành công việc của Ủy ban nhân dân. Tại đó, các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh cũng nằm dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Sự lãnh đạo này mang tính bao quát và chung chất, đảm bảo mọi hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh đều nằm trong tầm quản lý, giám sát của chức danh này.
– Với các kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có quyền phê chuẩn kết quả. Ngoài ra, người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh có quyền điều động, đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp khuyết Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp huyện; yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đình chỉ, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc vi phạm pháp luật.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh.
– Các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng cũng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng là chủ thể chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp quản lý dân cư trên địa bàn tỉnh; thực hiện tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân.
– Bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính; chỉ đạo công tác cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước ở địa phương là nhiệm vụ mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phải đảm bảo thực hiện.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có nhiệm vụ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản trái pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là người đứng ra tổ chức việc phối hợp với cơ quan nhà nước cấp trên đóng tại địa bàn tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, chủ thể này còn có quyền hạn chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
– Người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh có nhiệm vụ và quyền hạn quản lý, tổ chức sử dụng có hiệu quả công sở, tài sản, các phương tiện làm việc và ngân sách nhà nước được giao trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chỉ đạo các hoạt động sau đây: Chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
– Tổ chức việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cá nhân đảm nhận chức danh này còn có quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước ở trung ương phân cấp, ủy quyền.
Trên đây là các nhiệm vụ, quyền hạn mà Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh phải tuân thủ và đảm bảo thực hiện. Các quy định về quyền hạn và nhiệm vụ này là do Nhà nước đề ra, buộc chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh và các chủ thể liên quan khác phải tuân thủ thực hiện theo.
2. Các tiêu chuẩn để trở thành Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
Theo Quy định 214-QĐ/TW, để trở thành Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cá nhân cần phải đảm bảo những tiêu chuẩn cụ thể sau đây:
– Muốn trở thành Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các cá nhân phải bảo đảm đầy đủ khung tiêu chuẩn chung hoặc tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương. Những khung tiêu chuẩn này mang tính nền tảng cơ sở, là căn cứ để soi xét, đối chiếu, đưa ra quyết định xem cá nhân có đảm bảo tiêu chuẩn để ứng tuyển hay không.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cần có những tiêu chuẩn về trình độ kiến thức, năng lực làm việc chuyên môn như sau:
+ Để trở thành Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các cá nhân phải có nền tảng kiến thức về pháp luật và quản lý hành chính nhà nước; am hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của địa phương và đất nước.
+ Ngoài ra, họ còn phải có năng lực cụ thể hoá, thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp uỷ, Hội đồng nhân dân thành chương trình, kế hoạch của Uỷ ban nhân dân và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả.
+ Các cá nhân phải có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành các cơ quan chuyên môn thuộc quyền và Uỷ ban nhân dân cấp dưới.
+ Muốn trở thành Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các cá nhân phải quyết đoán, quyết liệt, kịp thời để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến quản lý nhà nước ở địa phương.
+ Tiêu chuẩn về năng lực mà các cá nhân phải đảm bảo là có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thực tiễn, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các thể chế, cơ chế, chính sách phát triển địa phương. Đã kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp huyện và kinh qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ phó chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc uỷ viên ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc tương đương.
Như vậy, chỉ khi đáp ứng đúng và đủ theo các tiêu chuẩn nêu trên, công dân Việt Nam đủ điều kiện mới được xét duyệt và trở thành Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Mức lương Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là bao nhiêu?
– Mức lương của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nằm trong khung quy định chung về hệ số lương, mức lương cơ sở theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ở hai thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, mức lương mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được hưởng có phần khác biệt so với các tỉnh thành khác. Cụ thể:
+ Theo quy định của Thông tư liên tịch 01/2005/TTLT-BNV-BTC, hệ số lương của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có hệ số lương là 9,70 – 10,30.
+ Theo quy định tại Nghị quyết 68/2022/QH15, mức lương cơ sở được áp dụng từ ngày 01/7/2023 cho cán bộ, công chức, viên chức là 1.800.000 đồng/ tháng. Trước ngày 01/7/2023, mức lương cơ sở được áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại
Do đó, lương của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trước ngày 01/7/2023 là: 14.453.000 – 15.347.000 đồng/tháng. Sau ngày 1/7/2-2023, mức lương của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh của hai thành phố này là: 17.460.00 đồng/tháng- 18.540.000 đồng/tháng.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh các địa phương còn lại có hệ số lương là 7,64. Vậy mức lương mà họ được hưởng như sau:
+ Trước ngày 01/7/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được hưởng mức lương là: 11.383.600 đồng/ tháng.
+ Sau ngày 01/7/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được hưởng mức lương là: 13.752.000 đồng/ tháng.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015;
Quy định 214-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện ban chấp hành trung ương, bộ chính trị, ban bí thư quản lý.
Thông tư liên tịch 01/2005/TTLT-BNV-BTC.