Lập biên bản là hoạt động mang tính bắt buộc mà cán bộ chức năng phải tiến hành thực hiện trong hoạt động tố tụng hình sự. Vậy lập biên bản khi tiến hành hoạt động tố tụng hình sự thế nào? Dưới đây là bài phân tích làm rõ vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Thế nào là lập biên bản khi tiến hành hoạt động tố tụng hình sự?
Biên bản là khái niệm quen thuộc trong hoạt động tố tụng hình sự. Về cơ bản, có thể hiểu biên bản tố tụng hình sự được là các biên bản được lập bằng văn bản theo mẫu thống nhất trong cả nước, là căn cứ pháp lý ghi lại diễn biến cụ thể cũng như kết quả của các hoạt động tố tụng hình sự.
Biên bản hình sự có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quá trình giải quyết vụ án của cơ quan điều tra. Biên bản giúp ghi lại quá trình diễn ra các hoạt động tố tụng hình sự và kết quả của nó.
Đối với mỗi hoạt động tố tụng hình sự, cán bộ chức năng luôn phải thực hiện lập biên bản ghi lại hoạt động đó. Biên bản này là cơ sở, căn cứ xác minh tính khách quan của hoạt động tố tụng. Trong các trường hợp cụ thể nhất định, khi cần chứng cứ, biên bản này sẽ làm căn cứ đưa ra, xác minh tính khách quan, cụ thể, rõ ràng của của công tác tố tụng.
Theo quy định tại Điều 38 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, ghi biên bản lấy lời khai, ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác khi Điều tra viên tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự là nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra. Đồng thời, cán bộ điều tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên về hành vi của mình. Quy định này của Nhà nước giúp xác định người có quyền và nghĩa vụ hợp pháp liên quan đến việc ghi biên bản. Trong trường hợp xảy ra sai phạm trong việc lập biên bản, đây sẽ được xem là cơ sở, căn cứ đã xác định trách nhiệm của chủ thể liên quan. Thực tế, đây cũng là một trong những cơ sở đảm bảo tính toàn diện, cụ thể, rõ ràng của hoạt động tố tụng hình sự.
Biên bản giúp hoạt động tố tụng hình sự diễn ra một cách trung thực, khách quan. Bởi mọi thông tin của hoạt động tố tụng hình sự đã được ghi lại một cách chi tiết và trung thực nhất.
Về hình thức, biên bản trong tố tụng hình sự sẽ đảm bảo những nguyên tắc chung về hình thức với các phần mục như sau:
– Quốc hiệu và tiêu ngữ.
– Tên văn bản và trích yếu nội dung.
– Ngày… tháng… năm… giờ… (ghi rất cụ thể thời gian giờ phút lập biên bản).
– Thành phần tham dự (kiểm tra, xác nhận sự kiện thực tế dự hội họp…).
– Diễn biến sự kiện thực tế (phần nội dung).
– Phần kết thức (ghi thời gian và lý do).
– Thủ tục ký xác nhận.
Đây là những thông tin, bố cục mang tính chất bắt buộc mà mỗi biên bản cần phải đảm bảo có. Việc tuân thủ quy định chung này không chỉ đảm bảo tính chuẩn mực chung về mặt hình thức, mà còn giúp các thông tin của hoạt động tố tụng được ghi lại một cách logic, khách quan nhất.
2. Lập biên bản khi tiến hành hoạt động tố tụng hình sự thế nào?
Theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự 2015, khi tiến hành lập biên bản, người lập biên bản phải tuân thủ theo những quy định cụ thể sau đây:
– Khi tiến hành hoạt động tố tụng, cán bộ điều tra phải lập biên bản theo mẫu thống nhất.
Mẫu biên bản bao gồm các thông tin rõ ràng như: địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc người liên quan đến hoạt động tố tụng, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ.
Lập biên bản theo mẫu được xem là yêu cầu tiên quyết nhất khi tiến hành lập biên bản. Nếu không tuân thủ theo nguyên tắc lập biên bản theo mẫu thống nhất, biên bản đó sẽ không đảm bảo giá trị về mặt hình thức. Lúc này, tính pháp lý của biên bản không được bảo đảm.
– Biên bản phải có chữ ký của những người mà Bộ luật này quy định: người tham gia tố tụng, cán bộ điều tra, người làm chứng… Quy định về chữ ký của người tham gia tố tụng nhằm xác nhận hoạt động tố tụng được ghi trong biên bản là khách quan, trung thực, đúng sự thật. Hay nói cách khác, đây là sự thừa nhận rằng nội dung, thông tin ghi trong biên bản là hoàn toàn đúng sự thật.
Những điểm sửa chữa, thêm, bớt, tẩy xóa trong biên bản phải được xác nhận bằng chữ ký của những người phải ký biên bản theo quy định của pháp luật. Quy định này cũng giúp đảm bảo tính xác thực của nội dung thông tin được thể hiện trong văn bản. Tức khi ký xác nhận, người có quyền và nghĩa vụ liên quan theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự 2015 sẽ thừa nhận những thông tin sửa chữa đó là sự thật; giúp hạn chế đến mức tối đa những nội dung không đúng sự thật được ghi trong biên bản.
Trường hợp người tham gia tố tụng không ký vào biên bản thì người lập biên bản ghi rõ lý do và mời người chứng kiến ký vào biên bản.
Trường hợp người tham gia tố tụng không biết chữ thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến. Biên bản phải có điểm chỉ của người tham gia tố tụng và chữ ký của người chứng kiến.
Trường hợp người tham gia tố tụng có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc vì lý do khác mà không thể ký vào biên bản thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến và những người tham gia tố tụng khác. Biên bản phải có chữ ký của người chứng kiến.
Các quy định về chữ ký của người tham gia tố tụng, cá nhân liên quan khác trong hoạt động tố tụng giúp hoạt động tố tụng diễn ra một cách công khai, trung thực. Nếu có sai phạm phát sinh xảy ra, đây cũng là cơ sở bảo đảm tính pháp lý của nội dung biên bản. Hơn tất cả, quy định này giúp bảo đảm tính hợp lý, hợp pháp của hoạt động tố tụng hình sự; bảo vệ quyền và lợi ích tối đa của các chủ thể có liên quan trong hoạt tộ tố tụng.
Như vậy, theo quy định tại điều luật này, việc lập biên bản trong hoạt động tố tụng hình sự phải tuân thủ đầy đủ theo các quy định nêu trên. Các quy định mà Nhà nước đưa ra giúp hoạt động tố tụng diễn ra một cách cụ thể, khách quan, đảm bảo tính pháp lý. Đây là cơ sở quan trọng giúp biên bản tố tụng hình sự đảm bảo tính pháp lý của nó trong vai trò là một “minh chứng” cho quá trình diễn ra xuyên suốt của hoạt động tố tụng hình sự. Nếu phát sinh sai phạm, biên bản này giúp bảo đảm chứng minh tính đúng sai, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các chủ thể liên quan.
3. Quy định về biên bản điều tra trong tố tụng hình sự:
Biên bản điều tra trong tố tụng hình sự là một trong những hình thức biên bản quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự. Nó là căn cứ, cơ sở ghi lại quá trình điều tra của cơ quan chức năng có thẩm quyền đối với người tham gia tố tụng hình sự.
Theo quy định tại điều 178 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, việc lập biên bản điều tra phải tuân thủ đúng theo các quy định cụ thể sau đây:
– Khi tiến hành hoạt động điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản theo quy định của pháp luật. Theo đó, biên bản điều tra phải có đầy đủ thông tin rõ ràng như: địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc người liên quan đến hoạt động tố tụng, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ. Đồng thời, biên bản này phải có đầy đủ các chữ ký của các chủ thể có liên quan theo quy định chung của pháp luật.
– Khi tiến hành lập biên bản điều tra, điều tra viên, Cán bộ điều tra lập biên bản phải đọc biên bản cho người tham gia tố tụng nghe, giải thích cho họ quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản. Ý kiến bổ sung, nhận xét được ghi vào biên bản; trường hợp không chấp nhận bổ sung thì ghi rõ lý do vào biên bản. Người tham gia tố tụng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra cùng ký tên vào biên bản.
– Trong trường hợp Kiểm sát viên, Kiểm tra viên lập biên bản thì biên bản được thực hiện theo quy định tại Điều này. Biên bản phải được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.
Như vậy, khi tiến hành lập biên bản điều tra trong tố tụng hình sự, cán bộ điều tra phải tuân thủ đúng và đủ theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 như đã phân tích ở trên.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: Bộ luật tố tụng hình sự 2015.