Nhập vụ án hình sự là gì?Thời hạn điều tra một vụ án hình sự được quy định như thế nào? Thời hạn tạm giam để điều tra một vụ án hình sự được quy định như thế nào?Cách tính thời hạn tố tụng trong trường hợp nhập vụ án hình sự? Để trả lời những câu hỏi trên mời bạn theo dõi bài viết dưới đây
Mục lục bài viết
- 1 1. Nhập vụ án hình sự là gì?
- 2 2. Thời hạn điều tra một vụ án hình sự được quy định như thế nào? (Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự 2015):
- 3 3. Thời hạn tạm giam để điều tra một vụ án hình sự được quy định như thế nào? (Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự 2015):
- 4 4. Cách tính thời hạn tố tụng trong trường hợp nhập vụ án hình sự:
1. Nhập vụ án hình sự là gì?
– Vụ án hình sự là vụ việc vi phạm pháp luật có dấu hiệu là tội phạm đã được quy định trong Bộ luật hình sự và đã được cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra, truy tố, xét xử theo các trình tự, thủ tục đã được pháp luật quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
– Tại điều 170 Bộ luật hình sự 2015 có quy định,cơ quan điều tra có thể nhập vụ án để tiến hành điều tra nếu thuộc các trường hợp sau:
+ Bị can phạm nhiều tội
Ví dụ: Bị can C đã có quyết định khởi tố và đang bị điều tra trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên, trong quá trình điều tra, điều tra viên đã phát hiện ra bị can C cũng đã bị khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản”.Với trường hợp này, cơ quan điều tra có thể nhập hai vụ án thành một vụ án để tiến hành điều tra.
+ Bị can phạm tội nhiều lần
Ví dụ: Ngày 13/4 năm 2022 Anh L đã dùng dao đi cướp tài sản với mục đích tiêu sài. Ngày 30/7/2022 anh L lại dùng dao đi cướp xe máy và các tài sản khác. Ngày 1/8/2022 anh A dùng dao cướp một chiếc điện thoại. Ngày 3/8/2022 anh A bị công an bắt vì hành vi cướp tài sản. Trong quá trình điều tra anh A thừa nhận toàn bộ hành vi cướp tài sản của mình. Cơ quan công an đã ra quyết định nhập những vụ án trước đó mà anh A gây ra thành một vụ án và khởi tố anh A về tội “Cướp tài sản”.
+ Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác phạm tội hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị cáo phạm tội mà có. Với trường hợp này, sau khi cơ quan điều tra đã làm rõ được bị can và tội danh của họ thì sẽ khởi tố họ với những tội danh như “Che dấu tội phạm” (Điều 289 BLHS 2015) hoặc tội “Không tố giác tội phạm” (Điều 390 BLHS 2015) hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323 BLHS 2015)
Mục đích của việc nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án là để tập trung chỉ đạo điều tra và xử lý thống nhất.
Lưu ý: Quyết định nhập vụ án phải gửi cho viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định. Viện kiểm sát sẽ xem xét và quyết định nhất trí hoặc không nhất chí nhập vụ án của Cơ quan điều tra, nếu không đồng ý thì phải nêu rõ lý do
2. Thời hạn điều tra một vụ án hình sự được quy định như thế nào? (Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự 2015):
- Thời hạn điều tra vụ án hình sự:
+ Tội phạm ít nghiêm trọng: không quá 02 tháng
+ Tội phạm nghiêm trọng: không quá 03 tháng
+ Tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: không quá 04 tháng
- Gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án
+ Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;
+ Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;
+ Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;
+ Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng. Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm một lần nữa nếu thấy tính chất rất phức tạp của vụ án, thời gian gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng
+ Đặc biệt, đối với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng
3. Thời hạn tạm giam để điều tra một vụ án hình sự được quy định như thế nào? (Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự 2015):
- Thời hạn tạm giam bị can:
+ Đối với tội phạm ít nghiêm trọng: không quá 02 tháng
+ Tội phạm nghiêm trọng: không quá 03 tháng
+ Tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: không quá 04 tháng
- Thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp
+ Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng;
+ Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;
+ Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng;
+ Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
+ Trường hợp cần thiết đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thời hạn tạm giam thêm một lần không quá 04 tháng.
- Thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp
+ Tội phạm nghiêm trọng: không quá 01 tháng
+ Tội phạm rất nghiêm trọng: không quá 02 tháng
+ Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: không quá 04 tháng
+ Trường hợp đặc biệt đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia mà không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc việc điều tra.
+ Trường hợp cần thiết đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng không phải là tội xâm phạm an ninh quốc gia và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nhưng không quá 04 tháng
+ Trường hợp đặc biệt không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc việc điều tra.
Lưu ý: Trong thời hạn tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét thấy cần thiết thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
4. Cách tính thời hạn tố tụng trong trường hợp nhập vụ án hình sự:
– Trong trường hợp nhập vụ án hình sự để điều tra thì thời hạn điều tra của vụ án và thời hạn tạm giam bị can được tính theo tội nặng nhất đã khởi tố đối với bị can (thời hạn điuè tra được tính từ ngày khởi tố vụ án đầu tiên)
– Nếu điều tra vụ án mà xác định hành vi của bị can phạm vào khoản có khung hình phạt nặng hơn trong cùng một điều luật và trường hợp quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can sang tội nặng hơn ở một điều luật khác, thì khi đó thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam sẽ được tính theo tội nặng hơn, tuy nhiên phải trừ đi thời hạn đã điều tra, tạm giam trước đó
Ví dụ: Ngày 25/02/2022, Cơ quan điều tra khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tạm giam đối với Đoàn Ánh D về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác theo Khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự (loại tội phạm nghiêm trọng). Đến ngày 25/03/2022, căn cứ kết quả điều tra xác định hành vi cố ý gây thương tích của bị can phạm vào khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự (loại tội phạm rất nghiêm trọng). do đó, từ ngày 25/03/2022, thời hạn điều tra, tạm giam đối với bị can Đoàn Ánh D được tính theo tội phạm rất nghiêm trọng và phải trừ thời gian đã điều tra, đã tạm giam bị can Đoàn Ánh D trước đó (01 tháng).
– Trường hợp đang điều tra vụ án mà quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về một tội phạm khác thì thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam được tính theo tội nặng nhất
+ Tổng thời hạn Điều tra không được vượt quá thời hạn đã được quy định tại Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự 2015
+ Tổng thời hạn tạm giam không được vượt quá thời hạn tạm giam theo quy định tại Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự nhưng không được vượt quá thời hạn điều tra
– Nếu thay đổi quyết định khởi tố bị can từ tội nặng hơn sang tội nhẹ hơn hoặc xác định được hành vi vi phạm của bị can phạm vào khoản có khung hình phạt nhẹ hơn trong cùng một danh thì thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam sẽ được tính theo tội nhẹ hơn
+ Cơ quan điều tra phải trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát để xem xét, quyết định về việc áp dụng hoặc hủy bỏ thay, thay thế biện pháp ngăn chặn đối với bị can phù hợp với tội nhẹ hơn ngay từ sau khi có quyết định khởi tố bị can
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
+ Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
+ Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP quy định về phối hợp giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của bộ luật tô stungj hình sự