Hiện nay, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định về mức xử phạt trong lĩnh vực xây dựng. Cụ thể mức xử phạt vi phạm về nghiệm thu, thanh toán, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là nghiệm thu, thanh toán, bảo hành, bảo trì công trình?
- 2 2. Mức xử phạt vi phạm về nghiệm thu, thanh toán, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng?
1. Thế nào là nghiệm thu, thanh toán, bảo hành, bảo trì công trình?
Nghiệm thu công trình được hiểu là quá trình tiến hành các bước kiểm tra, thu nhận, kiểm định thi công công trình sau khi hoàn tất việc xây dựng.
Thanh toán là điều bắt buộc trong hợp đồng xây dựng của chủ đầu tư cho nhà thầu thi công công trình. Quá trình thanh toán sẽ do các bên tự thỏa thuận trong hợp đồng với nhau.
Còn bảo hành, bảo trì công trình được hiểu là sự cam kết của nhà thầu về trách nhiệm sẽ thực hiện khắc phục, sửa chữa nếu công trình trong quá trình khai thác, sử dụng xảy ra hư hỏng, khiếm khuyết. Việc bảo hành sẽ được áp dụng trong một thời gian nhất định.
2. Mức xử phạt vi phạm về nghiệm thu, thanh toán, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng?
2.1. Đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình:
2.1.1. Vi phạm quy định về nghiệm thu công trình xây dựng:
* Đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình:
Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, hành vi vi phạm về nghiệm thu công trình xây dựng sẽ có mức xử phạt như sau:
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng:
+ Thực hiện nghiệm thu công trình không đúng trình tự, thủ tục quy định.
+ Không gửi văn bản đến cơ quan chuyên môn về xây dựng để đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định.
– Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng: đối với hành vi khi chưa tổ chức nghiệm thu theo quy định mà đã đưa bộ phận công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng.
– Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng:
+ Đối với công trình sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP mà nghiệm thu khi khối lượng công việc chưa thực hiện hoặc khối lượng nghiệm thu lớn hơn khối lượng thực tế đã thực hiện.
+ Công trình đã nghiệm thu nhưng không đảm bảo về chất lượng công trình.
– Ngoài phạt tiền còn áp dụng hình thức khắc phục hậu quả bao gồm:
+ Chủ đầu tư phải có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định trong thời gian 10 ngày, tính từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
+ Chủ đầu tư phải tổ chức nghiệm thu bộ phận công trình, hạng mục công trình đã đưa vào sử dụng trong thời gian từ 01 tháng đến 03 tháng.
+ Phải tổ chức nghiệm thu lại theo thực tế thi công và buộc thu hồi số tiền đã nghiệm thu, thanh toán sai về tài khoản chủ đầu tư.
+ Khắc phục chất lượng công trình theo đúng quy định.
2.1.2. Vi phạm quy định về bảo hành, bảo trì, khai thác, sử dụng công trình xây dựng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, hành vi vi phạm về bảo hành, bảo trì, khai thác, sử dụng công trình xây dựng sẽ có mức xử phạt như sau:
– Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng:
+ Xác định thời gian bảo hành công trình không đủ theo thời gian quy định của pháp luật.
+ Không tiến hành phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng.
+ Không tổ chức giám sát, nghiệm thu việc khắc phục, sửa chữa của nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu cung ứng thiết bị công trình xây dựng.
– Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng:
+ Khi nhà thầu hoàn thành trách nhiệm bảo hành mà không tiến hành xác nhận.
+ Không tổ chức lập quy trình bảo trì công trình xây dựng hoặc không thực hiện bảo trì công trình theo đúng quy trình được duyệt.
+ Không lập kế hoạch bảo trì công trình xây dựng hằng năm theo quy định.
+ Không lập hồ sơ sửa chữa công trình theo quy định.
+ Không bàn giao, bàn giao chậm hoặc bàn giao không đầy đủ quy trình bảo trì công trình xây dựng được duyệt cho chủ sở hữu, đơn vị quản lý sử dụng công trình.
+ Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP: không tiến hành lập dự toán chi phí bảo trì trong kế hoạch bảo trì được duyệt theo quy định.
– Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng:
+ Đối với công trình đã hết tuổi thọ theo thiết kế quy định: không thực hiện kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng hiện trạng, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận việc kéo dài thời hạn sử dụng công trình.
+ Không thực hiện quan trắc công trình theo quy định.
+ Sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật đã hết hiệu lực để thực hiện bảo trì.
+ Không tổ chức đánh giá định kỳ về an toàn chịu lực, an toàn vận hành công trình hoặc không gửi kết quả đánh giá đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
+ Khi phát hiện công trình, hạng mục công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng mà không tiến hành kiểm tra, sửa chữa, áp dụng biện pháp khẩn cấp hoặc báo cáo.
+ Trước khi xem xét, quyết định việc tiếp tục sử dụng công trình mà không gia cố, cải tạo, sửa chữa hư hỏng; đối với công trình hết thời hạn sử dụng không báo cáo kết quả kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng công trình, kết quả sửa chữa công trình với cơ quan có thẩm quyền.
+ Khi đưa công trình chính của dự án đầu tư xây dựng vào khai thác sử dụng hoặc khi hết thời gian tồn tại của công trình mà không tổ chức phá dỡ công trình.
– Ngoài việc áp dụng hình phạt chính phạt tiền như trên, cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
+ Thực hiện phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng.
+ Bắt buộc thực hiện giám sát, nghiệm thu việc khắc phục, sửa chữa của nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu cung ứng thiết bị công trình xây dựng.
+ Thực hiện xác nhận đã hoàn thành trách nhiệm bảo hành của nhà thầu.
+ Tiến hành lập quy trình bảo trì hoặc thực hiện bảo trì công trình xây dựng.
+ Thực hiện lập kế hoạch bảo trì xây dựng công trình hằng năm theo quy định.
+ Thực hiện lập hồ sơ sửa chữa công trình theo quy định.
+ Chủ đầu tư bắt buộc phải bàn giao đầy đủ quy trình bảo trì công trình xây dựng.
+ Chủ sở hữu, đơn vị quản lý và sử dụng công trình buộc phải thực hiện lập dự toán chi phí bảo trì trong kế hoạch bảo trì được duyệt theo quy định.
+ Phải thực hiện đánh giá an toàn chịu lực, an toàn vận hành công trình hoặc buộc gửi kết quả đánh giá đến cơ quan có thẩm quyền.
+ Phải thực hiện việc kiểm tra, sửa chữa, áp dụng biện pháp khẩn cấp hoặc buộc báo cáo theo quy định khi phát hiện công trình, hạng mục công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng.
+ Tiến hành thực hiện gia cố, cải tạo, sửa chữa hư hỏng trước khi xem xét, quyết định việc tiếp tục sử dụng công trình, báo cáo kết quả kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng công trình, kết quả sửa chữa công trình với cơ quan có thẩm quyền.
+ Chủ đầu tư phải phá dỡ công trình tạm theo quy định.
2.2. Đối với nhà thầu, chủ đầu tư trong trường hợp tự thực hiện; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng:
2.2.1. Vi phạm quy định về nghiệm thu, thanh toán khối lượng công trình xây dựng:
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng:
+ Kéo dài thời gian hoàn thiện hồ sơ, tài liệu phục vụ cho công tác nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình.
– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng:
+ Đối với khối lượng, công việc chưa thực hiện đã nghiệm thu hoặc nghiệm thu khối lượng, công việc nhiều hơn công việc thực tế thi công.
+ Tiến hành nghiệm thu không đáp ứng về chất lượng, không phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc không theo yêu cầu của thiết kế công trình.
+ Khi chưa có văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật khác có liên quan đã thực hiện nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng.
– Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng:
+ Khi chưa tổ chức nghiệm thu đã thực hiện bàn giao công trình cho chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng.
– Ngoài ra áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
+ Hủy bỏ kết quả nghiệm thu.
+ Phải có văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
2.2.2. Vi phạm quy định về bảo hành, bảo trì công trình xây dựng:
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng:
Khi không lập báo cáo hoàn thành công tác bảo hành công trình gửi chủ đầu tư.
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng:
Không lập quy trình bảo trì hoặc lập quy trình bảo trì không đảm bảo đầy đủ các nội dung.
– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng: hành vi không thực hiện trách nhiệm bảo hành theo quy định.
– Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Tiến hành lập báo cáo hoàn thành công tác bảo hành công trình gửi chủ đầu tư.
+ Thực hiện lập quy trình bảo trì.
+ Thực hiện trách nhiệm bảo hành theo đúng quy định.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT: