Lưu trú và ăn uống là hai loại dịch vụ thuộc ngành du lịch dịch vụ. Để phục vụ nhu cầu của du khách thăm quan, nghỉ dưỡng tại những địa điểm du lịch thì nhiều nhà hàng, khách sạn đã được xây dựng, thành lập và phát triển. Theo đó, những cơ sở này phải được thành lập và đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống?
Căn cứ theo quy định tại Phụ lục II của Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống là ngành kinh doanh hoạt động với mục đích cung cấp cơ sở lưu trú ngắn ngày cho khách du lịch, khách vãng lai khác và cung cấp cho du khách đồ ăn, nước uống hàng ngày để phục vụ cho nhu cầu du khách. Hiện nay, ngoài kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống thì nhiều dịch vụ khác cũng đã được bổ sung để phát triển kinh doanh.
Theo quyết định này của Thủ tướng Chính phủ ban hành thì loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống loại trừ những hoạt động sau:
– Các hoạt động cung cấp cơ sở lưu trú dài hạn có thể được coi là nơi thường trú, tạm trú được cho thuê, được phân loại vào hoạt động bất động sản. Đây được xếp vào ngành L là hoạt động kinh doanh bất động sản;
– Hoạt động chế biến thực phẩm, đồ uống nhưng chưa tiêu dùng được ngay hoặc được bán thông qua các kênh phân phối riêng biệt, cụ thể là qua hoạt động bán buôn và bán lẻ. Đây là hoạt động chế biến thực phẩm nêu trên được phân loại vào ngành sản xuất, chế biến, được xếp vào ngành C là ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo.
2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống:
2.1. Điều kiện chung để kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống:
Để có thể kinh doanh ngành nghề dịch vụ lưu trú và ăn uống thì công ty kinh doanh lĩnh vực này phải đảm bảo một số điều kiện chung như sau:
– Đã được cơ quan đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và có ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống;
– Đối với ngành nghề ăn uống phải có Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm;
– Đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú phải có giấy phép an ninh trật tự do cơ quan công an cấp;
– Cơ sở kinh doanh phải có bếp ăn, phòng nghỉ, chăn ga, gối đệm và có bảo vệ trực 24/7.
Ngoài những điều kiện chung nêu trên thì tùy thuộc vào từng loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú sẽ có những điều kiện khác phù hợp.
2.2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú:
Căn cứ theo Điều 48, Điều 49
– Có giấy phép đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch;
– Đảm bảo tối thiểu về chất lượng kiến trúc xây dựng, cơ sở vật chất, trang thiết bị theo từng cấp độ, hạng của mỗi loại hình lưu trú;
– Có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật đối với cơ sở lưu trú du lịch;
– Đối với các loại hình lưu trú như khách sạn, làng du lịch, biệt thự, căn hộ thì phải cung cấp đầy đủ các dịch vụ theo tiêu chuẩn đăng ký kinh doanh đã đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
– Có đội ngũ lao động phải có kiến thức chuyên môn phù hợp về khách sạn về bảo đảm an ninh, trật tự; có kiến thức về phòng cháy, chữa cháy,…;
– Đối với bãi cắm trại du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, cơ sở lưu trú du lịch khác phải bảo đảm trang thiết bị tối thiểu đạt tiêu chuẩn.
2.3. Điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống:
Căn cứ theo quy định của Luật An toàn vệ sinh thực phẩm năm 2010, ngoài những điều kiện chung về kinh doanh thì cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải bảo đảm các điều kiện riêng về lĩnh vực thực phẩm như sau:
– Có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp;
– Bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nới chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống;
– Bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm…
3. Thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống:
Để có thể kinh doanh và hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống thì cơ sở kinh doanh đó phải đăng ký thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống. Theo đó, người đại diện công ty phải thực hiện đăng ký theo trình tự, thủ tục sau:
3.1. Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống:
Để được thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống thì cơ sở kinh doanh phải chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ giấy tờ, tài liệu theo quy định của
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu được quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, tuỳ theo mỗi loại hình doanh nghiệp mà cơ sở kinh doanh đăng ký sẽ áp dụng theo mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp khác nhau;
– Dự thảo Điều lệ công ty được áp dụng đối với loại hình công ty hợp danh, công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên/ Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và Công ty cổ phần;
– Danh sách thành viên góp vốn đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc Danh sách cổ đông công ty đối với Công ty cổ phần hoặc Công ty hợp danh;
– Bản sao có công chứng, chứng thực các giấy tờ sau đây:
+ Đối với cá nhân là người đại diện cho công ty theo pháp luật hoặc là chủ sở hữu doanh nghiệp: Chứng minh thư nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
+Đối với tổ chức có liên quan: Quyết định thành lập/giấy chứng nhận đăng ký́ doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác; Giấy tờ tuỳ thân của cá nhân là thành viên góp vốn công ty như Chứng minh thư nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
+ Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan;
– Các loại giấy tờ khác phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
3.2. Nộp Hồ sơ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép đăng ký:
Hiện nay, khi có nhu cầu đăng ký thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống thì người đại diện công ty có thể nộp hồ sơ bằng một trong hai phương thức sau:
– Phương thức thứ nhất: Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;
– Phương thức thứ 2: Nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia.
Sau khi nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì người đi nộp hồ sơ phải thực hiện nghĩa vụ về lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp. Khi hoàn tất nghĩa vụ tài chính với cơ quan Nhà nước thì cơ đăng ký doanh nghiệp sẽ tiến hành giải quyết hồ sơ cho công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống.
3.3. Giải quyết hồ sơ và cấp phép kinh doanh:
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh của công ty thì cán bộ tiếp nhận có thẩm quyền kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa bảo đảm tính hợp pháp thì Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn công ty sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hồ sơ. Trong trường hợp hồ sơ đã hoàn thiện và đảm bảo hợp lệ thì Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành giải quyết và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Theo đó, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ trả kết quả xử lý hồ sơ, doanh nghiệp đến phòng đăng ký kinh doanh để nhận kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
3.4. Xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:
Để có thể hoạt động dịch vụ ăn uống thì cơ sở kinh doanh phải được cấp Giấy chứng nhận cơ sở có đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Theo đó, công ty phải làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận như sau:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã được phòng Đăng ký kinh doanh cấp;
– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
– Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
– Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ các giấy tờ, tài liệu trên thì công ty sẽ nộp hồ sơ tại Cục an toàn vệ sinh thực phẩm để giải quyết. Sau khi nhận hồ sơ hợp lệ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xác minh, giải quyết và trả kết quả là Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.
Sau khi hoàn tất quá trình đăng ký trên thì công ty đã có thể tiến hành hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống theo đúng nội dung đã đăng ký.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật An toàn vệ sinh thực phẩm năm 2010;
– Luật Du lịch năm 2017;
– Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 04 tháng 1 năm 2021 Về đăng ký doanh nghiệp.