Hiện nay để tăng thêm thu nhập cho bản thân thì nhiều cá nhân đã thực hiện hoạt động kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử như Facebook, Shopee, Lazada,...Việc kinh doanh trên mạng xã hội giúp cho những cá nhân kinh doanh thu hút được nhiều khách hàng hơn so với kinh doanh trực tiếp tại cửa hàng. Vậy Bán hàng online trên Facebook, Shopee phải nộp thuế không?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là bán hàng online?
- 2 2. Bán hàng online trên Facebook, Shopee phải nộp thuế không?
- 3 3. Các phương pháp khai thuế, tính thuế đối với trường hợp bán hàng online:
- 4 4. Nguyên tắc để tính thuế thu nhập cá nhân khi bán hàng online:
- 5 5. Cách tính thuế thu nhập cá nhân khi bán hàng online trên Facebook, Shopee:
1. Thế nào là bán hàng online?
Bán hàng online được hiểu cơ bản là các hoạt động kinh doanh, buôn bán trực tuyến thông qua việc sử dụng mạng lưới Internet và thông qua các kênh bán hàng phổ biến như website doanh nghiệp, các trang mạng xã hội cụ thể như Facebook, Instagram, Google Plus….Hiện nay còn có các sàn giao dịch thương mại điện tử phổ biến như Shopee, Lazada,…
Đặc biệt, trong việc kinh doanh bán hàng online, cả hai đối tượng chủ thể là những người mua và người bán đều sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại có kết nối Internet để thực hiện các quy trình mua bán và giao dịch điện tử. Hơn nữa, việc kinh doanh bán hàng online có thể diễn ra 24/24, bất kể lúc nào người mua cũng có thể mua hàng qua mạng.
2. Bán hàng online trên Facebook, Shopee phải nộp thuế không?
Trước đây Nhà nước không đặt ra vấn đề truy thu thuế đối với những người bán hàng online qua các trang Facebook, Shopee,…nhưng ở thời điểm hiện tại có sự thay đổi về quy định nộp thuế khi bán hàng online hay chưa? Gần đây, ngành thuế đẩy mạnh rà soát, truy thu từ những cá nhân bán hàng thông qua nền tảng bán hàng trực tuyến. Nhiều người kinh doanh nhiều năm trên Shopee, Lazada vẫn chưa từng thực hiện đóng thuế cho Nhà nước. Vì vậy, khi càng siết chặt quản lý, truy thu thuế thì hiện nay việc bán hàng online trên Facebook, Shopee bắt buộc phải nộp thuế.
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 40/2021/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư số 100/2021/TT-BTC quy định về phương pháp tính thuế thì đối với phương pháp khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở uỷ quyền được áp dụng đối với cả chủ sở hữu Sàn giao dịch thương mại điện tử. Theo như quy định này thì có thể khẳng định việc nộp thuế áp dụng với cả trường hợp kinh doanh bán hàng online trên Facebook, Shopee và xác định được phương pháp khai thuế, nộp thuế với trường hợp này.
Theo đó, khi kinh doanh bán hàng online trên Facebook, Shopee thì người bán hàng phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng và thuế Thu nhập cá nhân, lệ phí môn bài cũng như các loại thuế khác như những người kinh doanh tại các cửa hàng có đăng ký kinh doanh, có địa điểm kinh doanh cụ thể.
3. Các phương pháp khai thuế, tính thuế đối với trường hợp bán hàng online:
Theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành thì có hai phương pháp khai thuế, nộp thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể như sau:
– Phương pháp khoán;
– Phương pháp khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân.
Theo quy định của pháp luật hiện hành cũng như thực tế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế này thì những tổ chức, cá nhân kinh doanh online thường áp dụng phương pháp khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân theo cơ sở uỷ quyền được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, việc tổ chức thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở uỷ quyền được thực hiện theo từng tháng hoặc theo định kỳ hàng quý đối với việc bán hàng online trên trang mạng xã hội như Facebook, sàn thương mại điện tử như Shopee.
Trong trường hợp trong năm tính thuế mà cá nhân kinh doanh online trên Facebook, Shopee mà phát sinh doanh thu từ 100 triệu đồng một năm trở xuống tại nhiều nơi mà cá nhân đó dự kiến hoặc xác định được tổng doanh thu tại nhiều nơi đó cộng lại được trên 100 triệu đồng một năm thì có thể ủy quyền cho các tổ chức chi trả khai thuế thay, nộp thuế thay đối với doanh thu phát sinh tại đơn vị được ủy quyền trong năm tính thuế.
4. Nguyên tắc để tính thuế thu nhập cá nhân khi bán hàng online:
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 40/2022/TT- BTC thì nguyên tắc tính thuế được căn cứ dựa trên mức thu nhập của cá nhân, tổ chức thu được trong năm dương lịch. Theo đó, nguyên tắc tính thuế được áp dụng như sau:
– Nguyên tắc tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh online trên Facebook, Shopee được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập cá nhân cũng như các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ việc bán hàng online trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật về thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, từ nguyên tắc này mà nhiều người bán hàng online có hành vi gian lận trong việc khai thuế với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Do đó, cá nhân hay hộ kinh doanh bán hàng online trên nền tảng mạng xã hội phải có trách nhiệm kê khai thuế một cách chính xác, trung thực và đầy đủ;
– Hộ kinh doanh, cá nhân bán hàng online theo hình thức nhóm kinh doanh thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng trong một năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế Giá trị gia tăng, Thuế thu nhập cá nhân được xác định cho một người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.
Bên cạnh hai loại thuế mà người bán hàng online phải nộp cho Nhà nước như đã nêu thì người bán hàng online khi có doanh thu hàng năm đạt từ 100 triệu đồng trở lên thì phải thực hiện nghĩa vụ nộp lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 2
Như vậy, khi cá nhân, hộ gia đình kinh doanh online có doanh thu trong năm tính thuế trên 100 triệu đồng thì phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng cũng như lệ phí môn bài,…
5. Cách tính thuế thu nhập cá nhân khi bán hàng online trên Facebook, Shopee:
Thuế thu nhập cá nhân đối với người bán hàng online trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử như Facebook, Shopee, Lazada,..được xác định theo Điều 10 Thông tư số 40/2021/TT-BTC và được khái quát lên thành công thức sau:
Tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Doanh thu tính thuế Thu nhập cá nhân x Tỷ lệ thuế Thu nhập cá nhân
Tiền thuế Giá trị gia tăng phải nộp = Doanh thu tính thuế Giá trị gia tăng x Tỷ lệ thuế Giá trị gia tăng
Trong đó:
Doanh thu tính thuế Thu nhập cá nhân và Doanh thu tính thuế Giá trị gia tăng đối với cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng online được xác định là doanh thu bao gồm thuế của toàn bộ số tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh bán hàng online. Khoản tiền này tính cả các khoản tiền thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu trong thương mại, chiết khấu thanh toán, khoản chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, các khoản phí thu thêm được hưởng theo quy định pháp luật; các khoản bồi thường hành vi vi phạm hợp đồng và các khoản bồi thường khác (chỉ áp dụng với việc tính doanh thu tính Thuế thu nhập cá nhân); các khoản doanh thu khác mà cá nhân cũng như hộ kinh doanh được hưởng không phân biệt đã nhận được tiền hay chưa;
Tỷ lệ thuế Thu nhập cá nhân và Tỷ lệ thuế Giá trị gia tăng được áp dụng để tính thuế trên doanh thu được áp dụng chi tiết với từng ngành nghề, lĩnh vực và được hướng dẫn tại Phụ lục I được ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC. Lưu ý, trong trường hợp cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng online ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau thì khi thực hiện khai thuế, tính thuế trên doanh thu được áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh. Trong trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bán hàng online trên Facebook, Shopee mà không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số 139/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 04 tháng 10 năm 2016 Quy định về lệ phí môn bài;
– Thông tư số
– Thông tư số 40/2021/TT-BTC của bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 01 tháng 6 năm 2021 Hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh;
– Thông tư số 100/2021/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 15 tháng 11 năm 2021 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.