Thời gian gần đây, trên các địa bàn xảy ra rất nhiều vụ cháy nổ liên tiếp. Nguyên nhân xuất phát chủ yếu cũng từ việc hệ thống lối thoát hiểm không được đảm bảo. Vậy với hành vi vi phạm lối thoát nạn, thang thoát hiểm trong phòng cháy chữa cháy sẽ bị xử phạt thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là lối thoát nạn trong phòng cháy chữa cháy?
Theo quy định tại Thông tư 02/2021/TT-BXD về QCVN 06:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình do Bộ Xây dựng ban hành, thoát nạn được hiểu là một quá trình tự di chuyển có tổ chức của người từ trong các gian phòng, nơi các yếu tố nguy hiểm của đám cháy có thể gây hậu quả cho họ đi ra bên ngoài.
Ngoài ra, thoát nạn còn hiểu là sự di chuyển của những người có ít khả năng vận động, họ không tự chủ được và do các nhân viên phục vụ thực hiện.
Và việc thoát nạn sẽ được thực hiện đi ra qua các đường thoát nạn, các lối ra thoát nạn.
2. Quy chuẩn của pháp luật về lối thoát nạn trong phòng cháy chữa cháy:
Theo quy chuẩn QCVN 06:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình do Bộ Xây dựng ban hành kèm theo tại Thông tư 02/2021/TT-BXD, lối thoát nạn có quy chuẩn như sau:
– Các lối ra được coi là lối thoát nạn trong điều kiện:
+ Dẫn từ các gian phòng ở tầng 1 ra ngoài theo cách ra ngoài trực tiếp; qua hành lang; qua tiền sảnh; qua buồng thang bộ; qua hành lang và tiền sảnh; qua hành lang và buồng thang bộ.
+ Dẫn từ các gian phòng của tầng bất kỳ (trừ tầng 1) vào trực tiếp trong buồng thang bộ hoặc tới cầu thang bộ loại 3; vào hành lang dẫn trực tiếp đến buồng thang bộ hay tới cầu thang bộ loại 3; vào phòng sử dụng chung có lối ra trực tiếp dẫn đến buồng thang bộ hoặc tới cầu thang bộ loại 3; vào hành lang bên của nhà có chiều cao phòng cháy chữa cháy dưới 28m dẫn trực tiếp vào cầu thang bộ loại 2.
+ Dẫn vào gian phòng liền kề (ngoại trừ gian phòng nhóm F5 hạng A hoặc B) trên cùng tầng mà từ gian phòng này có các lối ra như được như trên. Lối ra dẫn vào gian phòng A hoặc B được phép coi là lối ra thoát nạn nếu dẫn từ gian phòng kỹ thuật không có chỗ cho người làm việc thường xuyên mà chỉ dùng để phục vụ các gian phòng hạng A và hạng B.
– Trường hợp ở dưới tầng hầm, các lối ra từ tầng hầm và tầng nửa hầm được coi là lối thoát nạn khi thoát ra trực tiếp ra ngoài và sẽ tách biệt với các buồng thang bộ chung của nhà.
Khi đó sẽ được bố trí như sau:
+ Lối ra thoát nạn từ tầng hầm đi qua các buồng thang bộ chung có lối đi riêng ra bên ngoài sẽ được ngăn cách với phần còn lại của buồng thang bộ bằng vách đặc ngăn cháy loại 1.
+ Lối ra thoát nạn từ tầng hầm và tầng nửa hầm có các gian phòng hạng C, D, E, đi vào các gian phòng hạng C4, D và E và vào sảnh nằm trên tầng một của nhà nhóm F5 khi bảo đảm các yêu cầu đúng quy định.
+ Các lối ra thoát nạn từ phòng chờ, phòng gửi đồ, phòng hút thuốc và phòng vệ sinh ở các tầng hầm hoặc tầng nửa hầm của nhà nhóm F2, F3 và F4 đi vào sảnh của tầng 1 theo các cầu thang bộ riêng loại 2.
+ Khoang đệm (kể cả khoang đệm kép) trên lối ra ngoài trực tiếp từ nhà, từ tầng hầm và tầng nửa hầm.
– Về số lượng cũng như kích thước của lối thoát nạn từ các gian phòng, các tầng và trong nhà căn cứ theo số lượng người chưa thoát nạn lớn nhất có thể đi qua chúng và khoảng cách giới hạn cho phép từ chỗ xa nhất có thể có người làm việc, sinh hoạt tới lối ra thoát nạn gần nhất.
– Điều kiện về các gian phòng đảm bảo số lượng lối ra thoát nạn tối thiểu là 2 gồm:
+ Các gian phòng nhóm F1.1 có mặt đồng thời hơn 15 người.
+ Các gian phòng trong các tầng hầm và tầng nửa hầm có mặt đồng thời hơn 15 người.
+ Các gian phòng có mặt đồng thời hơn 50 người.
+ Các gian phòng nhóm F5 hạng A hoặc B có số người làm việc trong ca đông nhất lớn hơn 5 người, hạng C – khi số người làm việc trong ca đông nhất lớn hơn 25 người hoặc có diện tích lớn hơn 1 000 m2.
+ Các sàn công tác hở hoặc các sàn dành cho người vận hành và bảo dưỡng thiết bị trong các gian phòng nhóm F5 đối với các gian phòng thuộc hạng A và B có diện tích lớn hơn 100 m2 hoặc đối với các gian phòng thuộc các hạng khác lớn hơn 400m2.
+ Các gian phòng nhóm F1.3 là căn hộ được bố trí ở cả hai tầng, chiều cao phòng cháy chữa cháy của tầng phía trên lớn hơn 18 m thì phải có lối ra thoát nạn từ mỗi tầng.
– Chiều cao thông thủy của lối ra thoát nạn đảm bảo không nhỏ hơn 1,9m; chiều rộng thông thủy đảm bảo:
+ Không nhỏ hơn 1,2m từ các gian phòng nhóm F1.1 khi số người thoát nạn lớn hơn 15 người.
+ Không nhỏ hơn 0,8m trong mọi trường hợp còn lại.
– Quy cách lắp cửa trong lối thoát nạn: mở theo chiều lối thoát từ trong nhà ra ngoài.
Tuy nhiên đối với các gian phòng nhóm F1.3 và F1.4; các gian phòng có mặt đồng thời không quá 15 người, ngoại trừ các gian phòng hạng A hoặc B; các phòng kho diện tích không lớn hơn 200 m2 và không có chỗ cho người làm việc thường xuyên; các buồng vệ sinh; các lối dẫn vào các chiếu thang của cầu thang bộ loại 3 thì không quy định chiều mở cửa.
– Đối với khu vực hành lang tầng, không gian chung, phòng chờ, sảnh và buồng thang bộ, cửa lối thoát nạn đảm bảo không có chốt khóa để có thể mở cửa tự do từ bên trong không cần chìa.
Riêng đối với loại nhà mà chiều cao phòng cháy chữa cháy lớn hơn 15m phải là cửa đặc hoặc cửa với kính cường lực.
– Đối với khu vực buồng thang bộ, cửa ra vào phải có cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín.
Lưu ý: đối với những lối ra không thỏa mãn yêu cầu đối với lối thoát nạn thì có thể coi đó là lối ra khẩn tăng thêm mức độ an toàn cho người khi có cháy.
3. Mức phạt vi phạm lối thoát nạn, thang thoát hiểm trong phòng cháy chữa cháy:
Theo quy định tại Điều 40 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, với hành vi vi phạm về thoát nạn trong phòng cháy chữa cháy thì mức xử phạt áp dụng như sau:
– Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi:
+ Lắp gương trên đường thoát nạn.
+ Lắp đặt cửa thoát nạn không mở theo chiều thoát nạn.
– Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng khi có hành vi sau đây:
+ Thực hiện bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa, phương tiện giao thông và các vật dụng khác có gây cản trở đến lối thoát nạn.
+ Làm hỏng hoặc tháo, gỡ hay làm mất đi tác dụng của các phương tiện trong việc giúp chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn, sơ đồ chỉ dẫn, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy trên lối thoát nạn.
+ Trên lối thoát nạn không lắp đặt sơ đồ chỉ dẫn, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy.
+ Không thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn.
+ Không duy trì chế độ hoạt động thường xuyên của phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn.
– Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng khi có những hành vi sau đây:
+ Trên lối thoát nạn, không thực hiện lắp đặt các phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn. Trường hợp có lắp đặt nhưng không đảm bảo đủ độ sáng, lắp đặt không đúng quy cách theo quy định hoặc lắp đặt xong không có tác dụng.
+ Cửa thoát nạn, lối thoát nạn, cầu thang thoát nạn, đường thoát nạn kích thước, số lượng không đáp ứng đủ.
– Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng nếu có một trong những hành vi sau:
+ Thực hiện hành vi khóa, chèn, chặn cửa thoát nạn.
+ Không duy trì việc bảo vệ chống khói cho nhà, công trình theo quy định của pháp luật.
– Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng khi thực hiện hành vi khiến cho lối hay đường thoát nạn mất đi tác dụng.
– Ngoài việc bị phạt tiền như trên, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của cửa hay lối thoát hiểm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: