Sáng chế là loại tài sản trí tuệ vô cùng giá trị thế nên việc đăng ký bảo hộ sáng chế có ý nghĩa rất to lớn đối với bất kỳ chủ sở hữu sáng chế nào. Vậy quy định yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế:
Đơn hợp lệ sẽ được thẩm định nội dung trong thời hạn là 18 tháng kể từ ngày mà công bố đơn hoặc kể từ ngày mà nhận được đơn yêu cầu thẩm định nội dung nếu như yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.
Tất cả đơn hợp lệ đều sẽ được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam công bố ở trên Công báo sở hữu công nghiệp và công khai nhằm để bất kì bên thứ ba hoặc là bên có quyền lợi liên quan có thể biết về nội dung của đơn đăng ký sáng chế đó.
Đơn đăng ký sáng chế sẽ được công bố trong tháng thứ mười chín tính kể từ ngày ưu tiên hoặc là ngày nộp đơn nếu như đơn không có ngày ưu tiên hoặc là trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày mà chấp nhận đơn hợp lệ, tuỳ theo vào ngày nào muộn hơn; đơn đăng ký PCT sẽ được công bố trong thời hạn là hai tháng kể từ ngày mà chấp nhận đơn hợp lệ sau khi đơn đã vào giai đoạn quốc gia.
1.1. Người được yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế:
Để được Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thực hiện thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế thì sẽ phải có một chủ thể đứng ra để yêu cầu thẩm định nội dung đơn hoặc là do đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.
Căn cứ vào Điều 113 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì trong thời hạn là bốn mươi hai tháng kể từ ngày chủ sở hữu sáng chế nộp đơn hoặc kể từ ngày ưu tiên trong trường hợp là đơn được hưởng quyền ưu tiên. Người nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc là bất kỳ một người thứ ba nào đều có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiến hành thẩm định nội dung đơn với điều kiện là phải nộp phí thẩm định nội dung đơn.
Theo đó, người nộp đơn đăng ký sáng chế quyền sở hữu trí tuệ hoặc là bất kỳ một người thứ ba nào đều có thể yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện thẩm định nội dung đơn nếu như họ nộp phí thẩm định nội dung đơn. Vậy nên, bất kỳ một ai cũng đều có thể yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế quyền sở hữu trí tuệ chứ không phải chỉ giới hạn ở một số chủ thể nhất định.
1.2. Quy định về thời hạn yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế:
Như đã nói ở trên thì trong thời hạn là bốn mươi hai tháng kể từ ngày nộp đơn hoặc kể từ ngày ưu tiên nếu trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên thì các chủ thể có quyền yêu cầu thẩm định nội dung đơn có thể yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiến hành thực hiện thẩm định nội dung đơn.
– Ngày ưu tiên trong pháp luật sở hữu trí tuệ được hiểu là ngày nộp đơn hợp lệ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam hoặc chính là ngày nộp đơn hợp lệ tại một quốc gia khác là thành viên của Công ước Paris trong một khoảng thời gian theo quy định.
– Ngày nộp đơn hợp lệ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chính là ngày mà Cục Sở hữu trí tuệ công nhận những người nộp đơn đã đáp ứng được những điều kiện về hình thức của đơn. Ngày nộp đơn hợp lệ sẽ có thể là ngày nộp đơn đầu tiên (đối với trường hợp là đơn đăng ký không phải sửa chữa, bổ sung gì), hoặc là ngày đã sửa chữa bổ sung đơn lần cuối cùng tại Cục Sở hữu trí tuệ (đối với trường hợp là đơn đăng ký chưa chính xác phải thực hiện sửa chữa, bổ sung thêm những loại giấy tờ, tài liệu).
Căn cứ khoản 3 Điều 60 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2019 có quy định trường hợp được miễn trừ tính mới. Theo quy định này thì sáng chế sẽ không bị coi là mất tính mới nếu như được công bố trong những trường hợp dưới đây với điều kiện là đơn đăng ký sáng chế phải được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:
+ Sáng chế bị người khác công bố nhưng lại không được phép của người có quyền đăng ký;
+ Sáng chế được người có quyền đăng ký công bố dưới dạng là báo cáo khoa học;
+ Sáng chế được người có quyền đăng ký thực hiện trưng bày tại các cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại những cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc là được thừa nhận là chính thức.
Sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu thẩm định thì thời hạn yêu cầu thẩm định nội dung của đơn đăng ký sáng chế mà có yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích chính là ba mươi sáu tháng kể từ ngày đã nộp đơn hoặc là kể từ ngày ưu tiên trong trường hợp nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên. Trường hợp mà không có yêu cầu thẩm định nội dung về đơn đăng ký sáng chế thì trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 113 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2019 thì đơn đăng ký sáng chế sẽ được coi như đã rút tại thời điểm kết thúc thời hạn đó.
2. Lợi ích của việc đăng ký sáng chế và cân nhắc về các lợi ích của việc đăng ký sáng chế:
2.1. Lợi ích của việc đăng ký sáng chế:
Việc thực hiện đăng ký sáng chế mang lại khá nhiều lợi ích cho chủ sở hữu sáng chế, cụ thể như:
– Chủ sở hữu sáng chế sẽ được độc quyền sử dụng, khai thác sáng chế, hoàn toàn có quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế đó;
– Bảo hộ sáng chế làm gia tăng giá trị thương mại và khẳng định được vị thế cạnh tranh trên thị trường.
2.2. Cân nhắc về lợi ích của việc đăng ký sáng chế:
Khi tiến hành đăng ký sáng chế, chủ sở hữu sáng chế cần cân nhắc những vấn đề sau:
– Sáng chế của chủ sở hữu có tiềm năng thương mại hay không
– Có khả năng áp dụng hay chuyển giao sáng chế nhằm để thu được các lợi ích kinh tế nhằm bù đắp được chi phí đăng ký hay không
– Đã sẵn sàng đánh đổi việc bộc lộ các thông tin sáng chế để có khả năng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng độc quyền hay không.
3. Điều kiện bảo hộ của sáng chế:
3.1. Các điều kiện chung:
– Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức là cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
– Điều kiện để giải pháp kỹ thuật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Bằng độc quyền sáng chế: giải pháp kỹ thuật phải có tính mới, phải có tính sáng tạo và phải có khả năng áp dụng công nghiệp và không thuộc vào các trường hợp không được đăng ký.
Điều kiện để giải pháp kỹ thuật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích: giải pháp kỹ thuật sẽ phải có tính mới, không hiển nhiên và có khả năng áp dụng vào công nghiệp và không thuộc vào các trường hợp không được đăng ký.
3.2. Các đối tượng không được bảo hộ là sáng chế:
– Các đối tượng không phải là sáng chế, bao gồm:
+ Ý tưởng hoặc ý đồ, vấn đề đã được nêu ra mà lại không có cách thức và phương tiện để giải quyết vấn đề;
+ Vấn đề đã được đặt ra để giải quyết nhưng không phải là vấn đề kỹ thuật và không thể giải quyết được bằng các cách thức kỹ thuật;
+ Các giải pháp mà không mang đặc tính kỹ thuật như sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và các phương pháp để thực hiện những hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện các trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính; các cách thức thể hiện thông tin; các giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
+ Những sản phẩm, quy trình tự nhiên: các phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học; các quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu là mang bản chất sinh học mà lại không phải là quy trình vi sinh…
– Các sáng chế bị loại trừ không được đăng ký, bao gồm:
+ Giống thực vật, giống động vật;
+ Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và phương pháp chữa bệnh cho người và động vật;
+ Giải pháp kỹ thuật trái với các đạo đức xã hội, trật tự công cộng và có hại cho quốc phòng, an ninh.
3.3. Sáng chế phải có tính mới:
– Tính đến ngày nộp đơn hoặc đến ngày ưu tiên của đơn đăng ký, các sáng chế chưa bị bộc lộ công khai từ trước dưới hình thức là sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc là bằng bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài.
– Ngoại lệ đối với tính mới: Sáng chế sẽ không bị coi là mất tính mới nếu như được nộp đơn đăng ký trong vòng là 06 tháng kể từ ngày công bố trong các trường hợp sau đây:
+ Người khác công bố mà lại không được phép của người có quyền đăng ký;
+ Người có quyền đăng ký công bố dưới dạng là báo cáo khoa học hoặc trưng bày tại các cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc cuộc triển lãm quốc tế.
3.4. Sáng chế phải có trình độ sáng tạ hoặc không được là hiểu biết thông thường:
Để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Bằng độc quyền sáng chế, giải pháp kỹ thuật phải có trình độ sáng tạo: tính đến ngày nộp đơn hoặc tính đến ngày ưu tiên của đơn đăng ký, sáng chế phải là một bước tiến sáng tạo, nó không được tạo ra một cách dễ dàng đối với những người có hiểu biết trung bình về các lĩnh vực tương ứng nếu căn cứ vào những giải pháp kỹ thuật mà đã được bộc lộ công khai từ trước dưới hình thức là sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc là dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài.
Như vậy, để được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, giải pháp kỹ thuật thì không được là hiểu biết thông thường.
3.5. Sáng chế phải có khả năng áp dụng:
Sáng chế phải là giải pháp kỹ thuật mà có thể thực hiện được: Đối với các sáng chế ở dạng sản phẩm, có thể tạo ra, sản xuất hàng loạt các sản phẩm giống nhau; đối với các sáng chế dạng quy trình, có thể áp dụng lặp đi lặp lại và thu được các kết quả giống nhau.
Giải pháp kỹ thuật không có khả năng áp dụng công nghiệp nếu như đi ngược lại các nguyên lý cơ bản của khoa học; hoặc là có chứa mâu thuẫn nội tại; hoặc những yếu tố, thành phần mà không có mối liên hệ kỹ thuật với nhau hoặc nó không thể liên hệ (ghép nối, ràng buộc, phụ thuộc…) được với nhau.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Luật Sở hữu trí tuệ 2005