Bạn có một khoản tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng nhưng đến khi muốn tất toán sổ tiết kiệm thì vì một lý do nào đó làm bạn không thể đến ngân hàng được. Bạn có thể nhờ người khác rút sổ tiết kiệm được không?
Mục lục bài viết
1. Sổ tiết kiệm là gì?
– Sổ tiết kiệm được hiểu là khi một người đi gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại ngân hàng thì ngân hàng sẽ cấp cho khách hàng một cuốn sổ gọi là sổ tiết kiệm. Trong sổ tiết kiệm có đầy đủ thông tin cá nhân của người gửi tiền tiết kiệm, số tiền mà bạn gửi tại ngân hàng kèm theo lãi suất và mức lãi suất áp dụng đối với số tiền lãi mà bạn được hưởng
– Theo Khoản 1 Điều 7 Thông tư 48/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về tiền gửi tiết kiệm thì sổ tiết kiệm là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng, được áp dụng đối với trường hợp nhận tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng.
– Trong sổ tiết kiệm phải có đầy đủ các thông tin sau:
+ Tên tổ chức tín dụng, con dấu; Họ tên, chữ ký của giao dịch viên và của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng
+ Biện pháp để người gửi tiền, tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm;
+ Họ tên, số và ngày cấp Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền hoặc của tất cả người gửi tiền (đối với tiền gửi tiết kiệm chung) và thông tin của người đại diện theo pháp luật của người gửi tiền trong trường hợp gửi tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật;
+ Số Thẻ tiết kiệm; số tiền; đồng tiền; ngày gửi tiền; ngày đến hạn (đối với tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn); thời hạn gửi tiền; lãi suất; phương thức trả lãi;
Những đối tượng được gửi tiết kiệm được quy định tại Điều 3 Thông tư 48/2018/Tt-NHNN như sau:
+ Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên có chưa đủ 18 tuổi mà không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự thì vẫn thuộc đối tượng được gửi tiết kiệm
+ Người nào là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật
+ Ngoài ra, công dân Việt Nam bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật hoặc dưới 15 tuổi thì vẫn có thể được gửi tiết kiệm tại ngân hàng nhưng phải thông qua người đại diện theo pháp luật
+ Đối với công dân Việt Nam có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm thì cần phải thông qua người giám hộ
2. Lý do vì sao nên làm sổ tiết kiệm?
Khi bạn gửi tiết kiệm tại ngân hàng thì sẽ có những ưu điểm và nhược điểm, cụ thể như sau:
2.1. Ưu điểm:
Thứ nhất, khi lập một cuốn sổ tiết kiệm thì hàng tháng, bạn sẽ luôn có một khoản tiền tiết kiệm
Thứ hai, gửi tiết kiệm tại ngân hàng là một cách đầu tư tài chính an toàn, ít rủi ro. Tiền gửi tiết kiệm được ngân hàng chứng thực, có căn cứ bằng văn bản (sổ tiết kiệm) và được bảo đảm bằng bảo hiểm tiền gửi
Thứ ba, tính thanh khoản cao: Khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng bạn có thể dễ dàng rút tiền khi cần thiết
Thứ tư, khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng cũng sẽ giúp bạn tăng ngân sách cho thời kỳ hưu trí. Chúng ta càng tiết kiệm cho hưu trí sớm thì càng có nhiều thuận lợi sau này, bởi khi đã hết tuổi lao động thì ta cần phải có một khoản tiền đủ để duy trì cuộc sống mà không cần phải phụ thuộc vào con cái
Thứ năm, tiết kiệm để phát triển sự nghiệp. Không phải ai ra trường cũng sẽ tìm được công việc phù hợp, đúng với nguyện vọng của mình. Cho nên chúng ta nên gửi tiết kiệm sớm để có thể tích lũy được một khoản tiền cho phép ta nắm lấy những cơ hội mà có thể sẽ không làm được nếu không có sẵn tiền trong tay
2.2. Nhược điểm:
Bên cạnh những ưu điểm vừa nêu trên thì gửi sổ tiết kiệm cũng có những nhược điểm như sau:
Thứ nhất, mức lãi suất khi gửi tiền tiết kiệm thường không cao và biến động theo thời gian.
Thứ hai, tiết kiệm có kỳ hạn có tính thanh khoản thấp hơn tiết kiệm không kỳ hạn. Cho nên khách hàng nên đợi kết thúc kỳ hạn mới tất toán số. Nếu tất toán trước, bạn sẽ nhận mức lãi suất không kỳ hạn thấp hơn nhiều so với lãi suất ban đầu.
Thứ ba, ngân hàng mà bạn gửi tiết kiệm có thể sẽ bị phá sản
3. Mức lãi suất khi gửi tiết kiệm:
– Để có thể gửi tiết kiệm với mức lãi cao thì việc đầu tiên cần phải làm đó là lựa chọn hình thức gửi tiền tiết kiệm, được phân loại cụ thể như sau:
+ Phân loại theo thời hạn gửi tiền, bao gồm tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn (Thời hạn gửi tiền cụ thể do tổ chức tín dụng xác định
+ Tiêu chí khác do tổ chức tín dụng xác định
+ Lưu ý: Tổ chức tín dụng sẽ quy định cụ thể về từng hình thức tiền gửi tiết kiệm phù hợp với quy định của pháp luật bảo đảm an toàn tài sản cho người gửi tiền và an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng. Quy định về hình thức tiền gửi tiết kiệm phải có tối thiểu các nội dung về phương pháp tính lãi, phương thức trả lãi, phương thức kéo dài thời hạn gửi tiền, rút trước hạn tiền tiết kiệm,…
– Về mức lãi suất của ngân hàng thì theo Điều 1 quyết định 1812/QĐ-NHNN thì mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư 07/2014/TT-NHNN như sau:
+ Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1,0%/năm.
+ Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6,0%/năm;
+ Riêng Tổ chức tài chính vi mô và Quỹ tín dụng nhân dân áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6,5%/năm.
Công thức như sau:
Số tiền lãi = Số tiền gửi x Lãi suất (%/năm) x Số ngày thực gửi/365
Ví dụ: Anh B Gửi tiết kiệm 200 triệu tại ngân hàng có mức lãi suất 6,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng từ ngày 20/12/2022 đến 20/12/2023, sau một năm B có thể rút số tiền đã gửi ra. Số tiền lãi nhận được là:
Số tiền lãi = 200 triệu x 6.5% = 13 triệu (đồng)
Nếu đăng ký gói gửi kỳ hạn 6 tháng thì số tiền lãi = 200 triệu x 6.5% x 180/360 = 6.5 triệu (đồng)
4. Rút sổ tiết kiệm không chính chủ có được không?
4.1. Có thể ủy quyền cho người khác rút tiền tiết kiệm được không?
Ủy quyền là việc thỏa thuận của các bên theo đó bên được ủy quyền sẽ có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.
Trong trường hợp không thể trực tiếp đến các tổ chức tín dụng để rút tiền ở sổ tiết kiệm thì có thể ủy quyền cho cá nhân khác nhân danh mình đi làm thủ tục rút tiền.
Hồ sơ, giấy tờ cần cung cấp cho văn phòng công chứng/phòng công chứng để làm Giấy uỷ quyền (hoặc Hợp đồng uỷ quyền) thường sẽ gồm:
– Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu… của bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền
– Giấy tờ chứng minh căn cứ để uỷ quyền: sổ tiết kiệm, giấy tờ xác minh việc gửi tiền tại ngân hàng, …..
Căn cứ vào thông tin trên các giấy tờ trên và nguyện vọng về phạm vi, nội dung, thù lao,…. uỷ quyền giữa hai bên, bên công chứng sẽ phát hành Giấy uỷ quyền theo đúng quy định pháp luật.
4.2. Thủ tục rút sổ tiết kiệm:
Bước 1: Đến địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng
Bước 2: Xuất trình các giấy tờ sau:
+ Sổ tiết kiệm
+ Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền, của tất cả người gửi tiền (đối với tiền gửi tiết kiệm chung) như giấy chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân,…
+ Giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện theo pháp luật (
+ Nộp giấy rút tiền gửi tiết kiệm có chữ ký đúng với chữ ký mẫu đã đăng ký tại tổ chức tín dụng. Nếu người gửi tiền là người không viết được, người không đọc được, người không nhìn được thì người gửi tiền sẽ thực hiện theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ
Tổ chức tín dụng sau khi nhận được hồ sơ của người rút tiền thì sẽ tiến hành những bước kiểm tra sau:
+ Đối chiếu thông tin của người gửi tiền
+ Đối chiếu thông tin của người đại diện theo pháp luật của người gửi tiền( trường hợp chi trả tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật)
+ Đối chiếu thông tin trên thẻ tiết kiệm
+ Đối chiếu chữ ký trên giấy rút tiền đảm bảo chính xác với các thông tin lưu tại tổ chức tín dụng
Bước 4: Chi trả tiền
Sau khi tổ chức tín dụng và người gửi tiền hoàn thành việc kiểm tra, xuất trình hồ sơ thì tổ chức tín dụng thực hiện việc chi trả đầy đủ tiền gốc, tiền lãi gửi tiết kiệm cho người gửi tiền
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
+ Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi tiết kiệm
+ Thông tư 07/2014/Tt-NHNN quy định lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng
+ Quyết định 1812/QĐ-NHNN quyết định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng việt nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài