Đất rừng sản xuất là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp được Nhà nước giao đất hoặc cho người dân thuê đất để thực hiện canh tác, sản xuất trên đất đó. Do đó đây là đất thuộc sở hữu của Nhà nước nên Nhà nước có quyền thu hồi đất rừng sản xuất khi có quy hoạch hoặc một số trường hợp khác cần phải thu hồi. Vậy trong trường hợp nào thì đất rừng sản xuất bị thu hồi? Thẩm quyền thu hồi đất rừng sản xuất thuộc về cá nhân hay cơ quan Nhà nước nào?
Mục lục bài viết
1. Các loại đất rừng sản xuất:
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 thì đất rừng sản xuất là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp sản xuất. Theo đó, đất rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu vào mục đích sản xuất và kinh doanh lâm sản, cây gỗ, các động vật khác được chăn nuôi tại rừng sản xuất…
Hiện nay, đất rừng sản xuất được phân thành 02 loại chính của đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng trồng. Cụ thể như sau:
– Rừng sản xuất là rừng tự nhiên gồm có: Rừng tự nhiên và rừng được phục hồi bằng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên;
– Rừng sản xuất là rừng trồng gồm có: Rừng được trồng bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc rừng được trồng bằng vốn chủ rừng tự đầu tư.
2. Quy định của pháp luật hiện hành về hình thức sở hữu đất rừng sản xuất:
2.1. Đối với đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất được trao quyền sử dụng đất dưới hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với người sử dụng đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
Việc nhà nước giao đất cho người sử dụng đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên không thu tiền sử dụng đất là để tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức thực hiện việc quản lý rừng, bảo vệ và phát triển rừng. Đây là hoạt động dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Theo đó, đối với đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên mà người dân được Nhà nước giao đất không thu tiền thì cá nhân, tổ chức được giao đất không có quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, tặng cho hoặc cho thuê quyền sử dụng đất đối với đất đó. Bên cạnh đó, đối với đất rừng tự nhiên được nhà nước giao đất không thu tiền không có quyền thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và không được hưởng tiền bồi thường khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất. Do bản chất đất rừng tự nhiên được Nhà nước giao đất không thu tiền vẫn là đất của Nhà nước, Nhà nước chỉ giao cho cá nhân hoặc tổ chức quản lý và được hưởng những thành quả từ việc sử dụng đất tạo nên.
Cá nhân hoặc tổ chức được Nhà nước giao đất rừng tự nhiên không thu tiền sử dụng đất thực chất là nhận đất và quản lý đất cho Nhà nước. Theo đó, với công sức mà cá nhân hay tổ chức đã bỏ ra để quản lý đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên thì được hưởng các quyền theo quy định tại Điều 166 Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể các quyền được quy định như sau:
– Được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất;
– Được hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ cho việc bảo vệ và cải tạo đất nông nghiệp (ở đây là đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên);
– Được hưởng thành của lao động và kết quả đầu tư mà cá nhân, tổ chức đã thực hiện đầu tư trên đất;
– Được Nhà nước hướng dẫn và trợ giúp trong việc cải tạo và bồi bổ đất rừng tự nhiên để gia tăng sản xuất và phát triển rừng;
– Được Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng đất khi quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức được Nhà nước giao đất bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp đối với đất rừng tự nhiên;
– Được thực hiện việc khiếu nại, tố cáo và khởi kiện lên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi vi phạm pháp luật về đất đai có liên quan đến đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên của mình.
2.2. Đối với đất rừng sản xuất là rừng trồng:
Đất rừng sản xuất là rừng trồng thì việc giao đất và công nhận quyền sử dụng đất được thực hiện theo các hình thức sau:
– Thứ nhất, Đối với đất rừng sản xuất là rừng trồng thì thì Nhà nước chỉ giao đất cho hộ gia đình hoặc cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp với mục đích sản xuất lâm nghiệp theo hạn mức là không quá 30 héc ta theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 129 Luật Đất đai năm 2013. Trong trường hợp hộ gia đình hoặc cá nhân sử dụng vượt quá hạn mức là 30 héc ta theo quy định thì phải chuyển sang hình thức sở hữu là thuê đất. Bên cạnh đó, diện tích đất được giao thêm sẽ không được vượt quá 25 héc ta.
– Thứ hai, Đối với các tổ chức kinh tế hay cá nhân hoặc hộ gia đình, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hay doanh nghiệp có vốn đồng tư nước ngoài thì Nhà nước sẽ cho thuê đất rừng sản xuất để thực hiện các dự án đầu tư trồng rừng theo quy định của pháp luật hiện hành;
Lưu ý, đối với đất rừng sản xuất có vị trí ở xa những khu dân cư và không thể giao trực tiếp cho cá nhân hay hộ gia đình quản lý thì Nhà nước sẽ giao cho tổ chức bảo vệ và phát triển rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản quản lý và chăm sóc, bảo vệ.
3. Trường hợp nào thì đất rừng sản xuất bị thu hồi?
Thu hồi đất được hiểu là việc mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thu hồi lại quyền sử dụng đất của chủ thể đã được Nhà nước trao quyền sử dụng đất. Theo đó việc thu hồi đất rừng sản xuất cũng chính là việc Nhà nước thu hồi lại quyền sử dụng đối với đất rừng sản xuất đó của cá nhân, hộ gia đình hay tổ chức đã được trao quyền sử dụng đối với đất rừng đó. Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì đất rừng sản xuất bị Nhà nước thu hồi trong các trường hợp sau:
– Cá nhân, hộ gia đình hay tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất là chủ rừng sản xuất nhưng lại sử dụng rừng không đúng mục đích sản xuất, cố ý không thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến đất với Nhà nước hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về lâm nghiệp;
– Cá nhân, hộ gia đình hay tổ chức được sử dụng rừng không tiến hành hoạt động bảo vệ và phát triển rừng sau 12 tháng liên tục kể từ ngày được giao, được thuê rừng sản xuất trừ trường hợp bất khả kháng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận;
– Chủ sử dụng rừng sản xuất tự nguyện trả lại rừng sản xuất cho Nhà nước;
– Rừng sản xuất được Nhà nước giao, cho thuê khi hết hạn mà cá nhân, tổ chức hay hộ gia đình không được gia hạn thêm thời gian sử dụng;
– Rừng được giao, được thuê không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng được giao hoặc cho thuê quyền sử dụng đất;
– Chủ rừng sản xuất là cá nhân khi chết không có người thừa kế theo quy định của pháp luật thì phải trả lại đất cho Nhà nước;
– Một số các trường hợp thu hồi đất có rừng sản xuất khác theo quy định của Luật Đất đai hiện hành.
4. Thẩm quyền thu hồi đất rừng sản xuất:
Theo quy định tại Điều 23 Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì thẩm quyền thu hồi đất rừng được quy định cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau:
– Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền thi hồi đất rừng đối với tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất;
– Uỷ ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thơ hồi đất rừng đối với cá nhân, hộ gia đình được giao đất, cho thuê đất và có thẩm quyền thu hồi đất rừng đối với cộng đồng dân cư được Nhà nước cho thuê đất sử dụng;
– Trong trường hợp khu vực thu hồi đất rừng có có đất rừng được giao, cho thuê đất đối với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất rừng hoặc Uỷ ban có thể uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi có đất để ra quyết định thu hồi đất rừng sản xuất.
Như vậy, thẩm quyền thu hồi đất rừng sản xuất thuộc về Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh/ thành phổ trực thuộc trung ương. Ngoài ra, bất kỳ cơ quan hay tổ chức khác có hành vi đòi thu hồi đất rừng sản xuất của cá nhân, tổ chức thì đều là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền sử dụng đất của người sử dụng được giao quyền sử dụng. Theo đó, nếu không phải là Quyết định thu hồi của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương hoặc Uỷ ban nhân dân cấp huyện thì tổ chức hoặc cá nhân bị thu hồi có thể khởi kiện lên cơ quan có thẩm quyền về hành vi thu hồi trái pháp luật này.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Luật Lâm nghiệp năm 2017.