Chi phí là gì? Tại sao lại phải xác định, tính toán chi phí của hoạt đông kinh doanh? Các loại chi phí hoạt động của doanh nghiệp hiện nay? Một số gợi ý về phương thức giảm thiểu chi phí và tăng lợi nhuận trong doanh nghiệp.
Mục lục bài viết
- 1 1. Chi phí là gì?
- 2 2. Tại sao lại phải xác định, tính toán chi phí của hoạt động kinh doanh?
- 3 3. Các loại chi phí hoạt động của doanh nghiệp hiện nay?
- 4 4. Một số gợi ý về phương thức giảm thiểu chi phí và tăng lợi nhuận trong doanh nghiệp:
1. Chi phí là gì?
Chi phí hay còn gọi đầy đủ là Chi phí hoạt động doanh nghiệp doanh nghiệp (tên tiếng Anh là Operating Expenses) được hiểu là khoản chi phí mà doanh nghiệp phải chịu hao để sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện mục tiêu kinh doanh và thu về lợi nhuận: chi phí sản xuất, chi phí thuê mặt bằng kinh doanh, chi phí chi trả cho tiền lương nhân viên lao động, chi phí thiết bị,…
Chi phí bao gồm những đặc điểm như sau:
– Chi phí phải gắn với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, không phải là những chi phí cá nhân của các cá nhân trong doanh nghiệp;
– Chi phí được xem là hao phí tài nguyên, trong đó bao gồm cả tài nguyên vô hình và tài nguyên hữu hình;
– Chi phí được biểu hiện thông qua các yếu tố sau:
+ Chi phí phải đảm bảo với nguyên tắc và phù hợp với số liệu thu nhập của doanh nghiệp;
+ Mức giảm chi phí đó phải được đánh giá một cách chính xác và tin cậy;
– Chi phí cần được định lượng bằng tiền và phải được xác định cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định.
2. Tại sao lại phải xác định, tính toán chi phí của hoạt động kinh doanh?
– Việc xác định và tính toán kỹ lưỡng chi phí để giúp cho doanh nghiệp dễ dàng phân tích và lựa chọn được những phương án kinh doanh có lợi cho doanh nghiệp;
– Đặt ra phương án, chủ trương giúp giảm thiểu chi trí phải chi trả và nâng cao lợi nhuận;
– Xác định chi phí doanh nghiệp giúp đánh giá năng suất và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
3. Các loại chi phí hoạt động của doanh nghiệp hiện nay?
Để thành lập và duy trì hoạt động của doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp và ban quản lý của doanh nghiệp phải đảm bảo các khoản chi phí cần thiết. Có rất nhiều khoản chi phí được phân theo chức năng hoạt động, mức độ hoạt động, cụ thể như sau:
3.1. Chi phí hoạt động trong doanh nghiệp phân theo chức năng hoạt động của doanh nghiệp:
Chức năng hoạt động của doanh nghiệp là những công việc được thực hiện trong phạm vi hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần phải chi trả nhiều khoản chi phí cho hoạt động sản xuất và kinh doanh. Theo đó, chi phí phân theo chức năng hoạt động bao gồm Chi phí sản xuất và Chi phí ngoài sản xuất. Cụ thể các khoản chi phí như sau:
3.1.1. Chi phí sản xuất:
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyên về sản xuất thì Chi phí sản xuất được xác định bao gồm các chi phí nhỏ sau:
– Chi phí cho nguyên- vật liệu;
– Chi phí cho nhiên liệu, máy móc, động lực phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh;
– Chi phí tiền lương và các khoản phụ cấp khác cho nhân viên trực tiếp thực hiện quy trình sản xuất. Các chi phí khác liên quan đến nhân công trực tiếp sản xuất như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn…;
– Chi phí khấu hao tài sản cố định;
– Chi phí dịch khách phục vụ cho hoạt động sản xuất chung.
3.1.2. Chi phí ngoài sản xuất:
Đối với những doanh nghiệp sản xuất để kinh doanh thì sau khi sản xuất sẽ phải chịu những chi phí phát sinh khác để phục vụ các hoạt động sau sản xuất. Chi phí sau sản xuất bao gồm: Chi phí quản lý doanh nghiệp và Chi phí bán hàng đối với các mặt hàng được sản xuất.
3.2. Chi phí hoạt động trong doanh nghiệp phân theo mức độ hoạt động của doanh nghiệp:
3.2.1. Chi phí biến đổi:
Chi phí biến đổi hay còn gọi tắt là biến phí được hiểu là chi phí có xu hướng được thay đổi cùng với quy mô sản lượng kinh doanh. Đây là khoản tiền dùng để chi trả cho việc nhập các yếu tố biến đổi như nguyên- vật liệu sản xuất, chi phí chi trả cho nhân công lao động, chi phí đóng gói bao bì sản phẩm…
Chi phí biến đổi phụ thuộc vào sản lượng sản xuất của doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất gia tăng sản lượng và khối lượng sản phẩm thì chi phí biến đổi tăng lên và ngược lại, nếu doanh nghiệp sản xuất ít sản lượng và giảm khối lượng sản phẩm thì chi phí biến đổi cũng sẽ giảm xuống.
Chi phí biến đổi có những đặc điểm đặc trưng, phụ thuộc vào mức độ sản xuất và sản lượng, cụ thể các đặc điểm như:
– Chi phí biến đổi bằng 0 nếu doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất;
– Tổng chi phí biến đổi thay đổi phụ thuộc vào mức độ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp;
Chi phí biến đổi được phân ra thành các loại chi phí khác nhau như: chi phí biến đổi cấp bậc, chi phí biến đổi dạng cong và chi phí biến đổi tuyến tính.
3.2.2. Chi phí cố định:
Khác với chi phí biến đổi, chi phí cố định được hiểu là chi phí không bị thay đổi phụ thuộc vào các chi phí kinh doanh hoặc quy mô của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chi phí cố định khác biệt hoàn toàn với chi phí biến đổi. Về bản chất, chi phí cố định không bị thay đổi bởi bất kỳ tác động khác nào liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí cố định là các khoản chi phí như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Chi phí cố định được phân thành 02 chi phí khác nhau bao gồm: Chi phí cố định bắt buộc và Chi phí cố định không bắt buộc.
3.2.3. Chi phí hỗn hợp:
Chi phí hỗn hợp được hiểu là chi phí bao gồm cả hai khoản chi phí nêu trên là chi phí biến đổi và chi phí cố định. Sự kết hợp giữa hai loại chi phí này là để dự đoán chi phí thay đổi các mức độ hoạt động khác nhau của doanh nghiệp.
Chi phí hỗn hợp bao gồm những đặc trưng cơ bản gắn liền với mức độ hoạt động của doanh nghiệp được thể hiện như sau:
– Đối với doanh nghiệp hoạt động ở mức độ căn bản thì chi phí hỗn hợp thể hiện đặc trưng của chi phí cố định;
– Đối với doanh nghiệp hoạt động vượt qua mức độ căn bản thì chi phí hỗn hợp mang đặc trưng của chi phí biến đổi.
Chi phí hỗn hợp được phân tích và dự đoán theo công thức sau: y= ax + b
Trong đó:
+ y là Chi phí hỗn hợp;
+ a là tổng định phí;
+ x là mức độ hoạt động;
+ b là hệ số biến phí trên một đơn vị mức độ hoạt động.
4. Một số gợi ý về phương thức giảm thiểu chi phí và tăng lợi nhuận trong doanh nghiệp:
Để giảm thiểu chi phí phải chi trả cho hoạt động của doanh nghiệp và gia tăng lợi nhuận thì doanh nghiệp cần triển khai và thực hiện các phương pháp giảm thiểu chi phí. Sau đây là một số gợi ý mà Dương Gia giới thiệu đến quý doanh nghiệp tham khảo:
– Cắt giảm nhân sự doanh nghiệp. Để doanh nghiệp hoạt động thì phải đảm bảo có nhân sự làm việc, phục vụ cho sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu có quá nhiều nhân sự, dẫn đến tình trạng thừa nhân sự thì khi muốn giảm thiểu chi phí thì chủ doanh nghiệp cần tiến hành cắt giảm nhân sự.
– Doanh nghiệp cần đảm bảo và tăng sự an toàn cho người lao động khi tham gia sản xuất. Nếu không may trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động khi doanh nghiệp không đảm bảo được sự an toàn lao động thì có thể doanh nghiệp phải chịu thêm các khoản chi phí phát sinh như: chi phí thuốc, viện phí; chi phí thăm hỏi người lao động bị tai nạn lao động…Do đó, doanh nghiệp gia tăng biện pháp an toàn lao động sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí.
– Tìm kiếm nhà cung ứng nguyên liệu, máy móc có mức giá tốt hơn nhưng vẫn đáp ứng được chất lượng đầu vào. Hiện nay thị trường cung ứng có rất nhiều sự lựa chọn nhà cung cấp. Nhưng để tìm được đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ tốt kèm theo chi phí phù hợp là điều không hề dễ dàng. Do đó cùng một mặt hàng nhưng giá cả ở các nhà cung ứng có thể chênh lệch nhau ít nhiều. Do đó chủ doanh nghiệp nên cân nhắc về chất lượng sản phẩm cung ứng và lựa chọn được nhà cung ứng giá tốt. Từ đó có thể giúp cho doanh nghiệp đó tiết kiệm được một khoản chi phí lớn.
– Doanh nghiệp thực hiện việc tối ưu hoá thủ tục và quy trình. Theo đó, doanh nghiệp nên chủ động chuẩn hoá các văn bản, chứng từ theo mẫu để giảm thiểu các chi phí làm lại chứng từ. Việc tối ưu hoá này không chỉ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian trong sản xuất và kinh doanh…
Còn rất nhiều phương pháp khác giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí nhưng mỗi doanh nghiệp với mỗi chức năng, mức độ hoạt động khác nhau sẽ đề ra cho mình những phương pháp tối ưu nhất.