Lợi ích của người tham gia bảo hiểm xã hội? Hướng dẫn thủ tục rút tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần? Có nên rút tiền bảo hiểm xã hội 1 lần hay không?
Trong giai đoạn hiện nay, có rất nhiều chủ thể là những người lao động có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần để nhằm mục đích có thể giải quyết những khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, việc rút bảo hiểm xã hội một lần cũng sẽ khiến cho các chủ thể là những người lao động chịu nhiều thiệt thòi cho chính mình. Chắc hẳn, thủ tục rút tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong số những vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Chính vì thế, bài viết dưới đây là hướng dẫn chi tiết thủ tục rút tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần nhanh?
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
Mục lục bài viết
1. Lợi ích của người tham gia bảo hiểm xã hội:
Bảo hiểm xã hội được hiểu cơ bản chính là sự bảo đảm thay thế hoặc nhằm mục đích để thông qua bảo hiểm xã hội có thể bù đắp một phần thu nhập của các đối tượng người lao động khi những người lao động đó bị giảm hoặc mất thu nhập bởi vì lý do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc người đó đã chết, trên cơ sở mà chủ thể đó đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Khi tham gia bảo hiểm xã hội các chủ thể là những người lao động được hưởng rất nhiều các chế độ cụ thể như: Ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất. Trong đó khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất giúp cho các chủ thể là những người lao động cũng có thể giảm đi được gánh nặng khi về già.
2. Hướng dẫn thủ tục rút tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần:
Để các chủ thể được rút tiền bảo hiểm xã hội một lần, trước hết các chủ thể sẽ cần xác định xem mình thuộc đối tượng có được hưởng chế độ này hay không. Theo quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì các đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội một lần bao gồm những người sau đây:
“1. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;
c) Ra nước ngoài để định cư;
d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;”
– Hồ sơ để các chủ thể hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần bao gồm các giấy tờ và các loại tài liệu cơ bản chúng ta có thể kế đến như sau:
+ Sổ bảo hiểm xã hội.
+ Đơn đề nghị hưởng Trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần (mẫu 14-HSB).
+ Chứng minh nhân dân hay căn cước công dân, sổ hộ khẩu hoặc tạm trú để đối chiếu.
Đối với chủ thể là những người ra nước ngoài để định cư có thêm một trong các giấy tờ và các loại tài liệu cơ bản như sau:
+ Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam.
+ Hộ chiếu do nước ngoài cấp.
+ Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài.
+ Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.
Đối với chủ thể là người lao động mắc bệnh nguy hiểm tính như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế thì cần có trích sao hồ sơ bệnh án.
– Nơi nộp hồ sơ: Cơ quan bảo hiểm xã hội.
– Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của các chủ thể là người lao động:
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm thì sẽ được tính như sau:
+ 1,5 tháng mức bình quân tiền lương của tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014.
+ 02 tháng mức bình quân tiền lương của tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
+ Trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội của các chủ thể chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội của các chủ thể sẽ bằng số tiền đã đóng, mức tối đa sẽ bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Mức bình quân tiền lương của người lao động theo quy định của pháp luật sẽ được tính như sau: (Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội x Mức đóng bảo hiểm x Mức điều chỉnh hằng năm)/ tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội).
3. Có nên rút tiền bảo hiểm xã hội 1 lần hay không?
Ta thấy được rằng, rút tiền bảo hiểm xã hội 1 lần để nhằm mục đích có thể giải quyết khó khăn trước mắt là phương án nhiều chủ thể là những người lao động nghĩ đến. Tuy nhiên, nhiều người trong số những người lao động lại không nắm hết được các thiệt thòi khi các chủ thể đó rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Cụ thể như sau:
– Việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần sẽ làm mất cơ hội hưởng lương hưu khi về già:
Theo Điều 61 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định các chủ thể là người lao động sẽ được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong trường hợp chưa đủ điều kiện mà chủ thể đó được hưởng lương hưu hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Như vậy, ta nhận thấy, nếu lao động nghỉ việc chưa nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và cộng nối với thời gian đóng tiếp đó. Tuy nhiên, nếu nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động có khả năng sẽ bị đánh mất cơ hội hưởng lương hưu do không đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
– Việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần thì người lao động sẽ không được hưởng cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí:
Người khi về già sẽ thường gặp rất nhiều các vấn đề về sức khỏe và chi phí cho mỗi lần đi viện thường không hề nhỏ. Cũng chính bởi vì vậy có thẻ bảo hiểm y tế sẽ giúp cho các chủ thể là những người lao động giảm đi rất nhiều gánh nặng về chi phí nhất là khi không có nguồn thu nhập.
Theo quy định của pháp luật, người hưởng lương hưu sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Điều này có nghĩa với việc được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Nhưng khi được hưởng bảo hiểm xã hội một lần người lao động đánh mất cơ hội hưởng lương hưu và đồng thời thì sẽ không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và phải tự đóng bảo hiểm y tế để được hưởng các chế độ ưu đãi.
– Số tiền nhận bảo hiểm xã hội 1 lần được ít hơn số tiền đã đóng vào:
Một trong những điều người lao động ít biết đó là số tiền nhận bảo hiểm xã hội 1 lần thì sẽ được ít hơn số tiền đóng vào thực tế. Cụ thể:
Mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần của các chủ thể là người lao động có thể thấp hơn mức đóng bảo hiểm xã hội trước đó.
Đối với chủ thể là người tham gia bảo hiểm xã hội, tổng mức đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của các chủ thể là những người lao động. Trong đó, bảo hiểm xã hội đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội hằng năm bằng 2,64 tháng lương.
– Người thân của các chủ thể đó sẽ không được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất khi chết:
Chế độ tử tuất được hiểu cơ bản chính là một trong những chế độ đặc biệt giúp người thân của các chủ thể là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất hàng tháng. Người đang tham gia bảo hiểm xã hội nếu không đủ điều kiện đóng tiếp thì cũng sẽ có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Trong thời gian bảo lưu bảo hiểm xã hội, nếu chẳng may bị chết thì gia đình, người thân được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất.
– Mức hưởng trợ cấp mai táng sẽ bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động chết (tương đương với mức 14,9 triệu đồng trong giai đoạn hiện nay).
– Mức hưởng trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở. Trong trường hợp những thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng của các chủ thể sẽ bằng 70% mức lương cơ sở. Hiện nay, mức hưởng tương đương mức trợ cấp tuất hàng tháng cho mỗi thân nhân của người lao động sẽ bằng 745.000 đồng/tháng và với thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng bằng 1.043.000 đồng/tháng.
Trường hợp các chủ thể là người lao động đã nhận tiền bảo hiểm xã hội một lần thì sẽ không được hưởng chế độ tử tuất, và người thân của người lao động sẽ không được nhận các khoản trợ cấp được nêu cụ thể bên trên.