Với những sản phẩm, hàng hóa ngày càng đa dạng trên thị trường thì vấn đề quyền lợi người tiêu dùng càng được quan tâm. Thông tin sản phẩm liên quan đến an toàn cho người tiêu dùng là một trong các yếu tố bắt buộc phải công bố trong thương mại điện tử.
Mục lục bài viết
1. Thông tin sản phẩm trong thương mại điện tử là gì?
Tính đặc thù của thương mại điện tử là hợp đồng được ký kết khi không có sự có mặt đầy đủ của các bên và công cụ trung gian truyền đạt ý chí của các bên trong trường hợp này là các phương tiện điện tử. Sự gặp gỡ ý chí này giống với các phương thức thương mại truyền thống khác cũng phải có đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
Khác với thương mại truyền thống, thay vì tiếp xúc trực tiếp với đối tượng của hợp đồng và đánh giá trực quan về sản phẩm thì bên mua chỉ biết được sản phẩm thông qua các thông tin được mô tả thông qua phương tiện điện tử. Cách thức tiếp nhận thông tin gián tiếp này tạo nên sự bất lợi đối với các bên trong quan hệ hợp đồng. Trong pháp luật Pháp, bộ luật tiêu dùng dành hẳn một mục quy định về “mọi hợp đồng bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ được ký kết mà các bên không trực tiếp có mặt đồng thời, giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh sử dụng một hoặc nhiều phương thức trao đổi thông tin từ xa”
Mặt khác, việc đưa ra lời đề nghị giao kết hợp đồng thông qua phương tiện điện tử có khả năng dẫn đến bất cập cho hoạt động thương mại của người bán khi các thông tin của hợp đồng cũng như đối tượng của hợp đồng được lưu giữ trên các phương tiện điện tử trung gian như máy chủ. Thêm vào đó, nghĩa vụ thông tin tại lời đề nghị giao kết hợp đồng đóng vai trò then chốt cho sự thành công của giao dịch thương mại điện tử.
Luật Thương mại Việt Nam 1997 có quy định tại Điều 56 về Hiệu lực của giao dịch và đàm phán trước khi hợp đồng mua bán hàng hóa được ký kết như sau : “Từ thời điểm hợp đồng mua bán hàng hóa được ký kết, mọi thứ từ giao dịch và đàm phán trước đó về hợp đồng đều hết hiệu lực, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Có thể thấy một sự khẳng định về giá trị của giai đoạn tiền hợp đồng khi mà giai đoạn này là khoảng thời gian mà các bên thể hiện sự thiện chí cho việc giao kết hợp đồng. Tuy năm 1997 chưa phải thời điểm mà thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam nhưng nó cũng cho thấy tầm quan trọng của giai đoạn này trong ký kết hợp đồng.
Theo Bộ luật Dân sự 91/2015/QH13 có quy định tại điều 443 về Nghĩa vụ cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng thì “Bên bán có nghĩa vụ cung cấp cho bên mua thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó; nếu bên bên bán không thực hiện nghĩa vụ này thì bên mua có yêu cầu bên bán phải thực hiện trong một thời hạn hợp lý, nếu bên bán vẫn không thực hiện làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Điều 443 này cho thấy yếu tố thông tin sản phẩm giai đoạn tiền hợp đồng đóng vai trò cốt yếu để đi đến việc ký kết không chỉ có hợp đồng thương mại truyền thống mà cũng tương tự đối với hợp đồng thương mại điện tử.
Trong các giao dịch, có sự nhận thức chung rằng những yếu tố của hợp đồng tương lai bắt nguồn từ giai đoạn tiền hợp đồng và ẩn sâu trong tư duy của người giao kết . Trong thương mại điện tử, điều này lại càng được thể hiện rõ ràng khi mà sự lựa chọn của khách hàng trong thương mại điện tử thường dựa trên những thông tin mà bên bán cung cấp. Vì vậy theo J.H.M van Erp, giai đoạn tiền hợp đồng có hai nghĩa vụ là nghĩa vụ thiện chí và nghĩa vụ thông tin .
Nhiều quốc gia trên thế giới đều có quy định về việc này như tại Điều 227b, Quyền 76, Bộ luật dân sự Hà Lan có quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin trước khi hợp đồng được giao kết, hay như tại điều L121 – 18 Bộ luật tiêu dùng Pháp áp dụng đối với hợp đồng bán hàng từ xa, quy định một số thông tin bắt buộc phải có trong đề nghị giao kết hợp đồng. Hơn nữa, tại điều L111 –1 cũng của bộ luật này có quy định là “cá nhân, tổ chức kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ, trước khi ký kết hợp đồng phải tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể biết được các đặc tính cơ bản của hàng hóa, dịch vụ” và trách nhiệm chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ này thuộc về bên bán.
Một giới hạn khác của thông tin hợp đồng nói chung và thông tin sản phẩm nói riêng đó là khả năng nhận biết của bên mua. Thông tin sản phẩm có thể được diễn giải bằng nhiều cách từ trực quan như hình ảnh đến mô tả bằng văn bản. Trên thực tế, việc bán hàng trên thương mại điện tử thường kết hợp cả hai phương thức này để cung cấp thông tin những việc nhận thức thông tin của khách hàng có thể gây ra nhiều rắc rối. Ví dụ như thông tin của sản phẩm lưu hành tại Việt Nam được ghi bằng các thứ tiếng không bao gồm tiếng Việt (vô ý hoặc cố ý) hạn chế khả năng tiếp cận trên thực tế của người tiêu dùng đối với sản phẩm trên các phương tiện điện tử. Mặt khác, việc mô tả quá nhiều thông tin cũng không phải là một lựa chọn tích cực khi trình độ hiểu biết của đại đa số người tiêu dùng, ngay cả những người kinh nghiệm nhất, không đủ để thực sự hiểu những thông tin sản phẩm đó mang những giá trị thực sự gì hay có ý nghĩa như thế nào.
Nghĩa vụ thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng là điều tất nhiên để thể hiện sự thiện chí để đi đến giao kết. Tuy nhiên, có một số nghĩa vụ thông tin phải tiếp tục được thực hiện sau khi hợp đồng được ký kết. Giao dịch thương mại điện tử là giao dịch từ xa thông qua các phương tiện điện tử. Với các giao dịch truyền thống, thông tin của hợp đồng được thể hiện, lưu trữ dưới dạng vật lý nhưng thương mại điện tử lại lưu trữ thông tin trong các máy chủ, ổ cứng. Nghĩa vụ thông tin kéo dài ở chỗ, hợp đồng cần phải được xác nhận thông qua một phương tiện lưu trữ điện tử cho phép khách hàng tiếp cận chúng trong thời hạn hợp lý.
Như vậy, theo quan điểm của tác giả, thông tin sản phẩm trong giao dịch thương mại điện tử là thông tin về sản phẩm thể hiện được các đặc tính sản phẩm như màu sắc, chất liệu, công dụng v,v được công bố trên trang thương mại điện tử dưới nhiều hình thức như văn bản, hình ảnh v.v với mục đích cung cấp cho người tiêu dùng những yếu tố cần thiết để nhận thức sản phẩm, tiến tới việc ký kết và thực hiện giao dịch.
2. Ý nghĩa của thông tin sản phẩm trong thương mại điện tử:
Thông tin sản phẩm trong lĩnh vực thương mại điện tử có ý nghĩa quan trọng về cả mặt pháp lý và cả dưới góc độ quản trị hoạch định chính sách sản phẩm bởi thường thì các sản phẩm được cấu trúc ở năm mức độ:
Mức độ lợi ích cốt lõi: là những lợi ích cơ bản mà người mua đã mua theo thông tin ghi trong thương mại điện tử.
Mức độ sản phẩm chung: là sản phẩm cơ bản được thừa nhận đúng như thực trạng của nó như thông tin ghi trong thương mại điện tử.
Mức độ sản phẩm mong đợi: là những tập hợp những thông tin về thuộc tính và điều kiện của sản phẩm người mua thường mong đợi khi mua sản phẩm mà người bán bổ sung vào để làm cho sản phẩm của mình khác biệt với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh có hay không được đề cập trong thương mại điện tử.
Mức độ sản phẩm hoàn thiện: là sản phẩm bao gồm những dịch vụ và lợi ích phụ thêm làm sản phẩm khác với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.
Mức độ sản phẩm tiềm ẩn: là tập hợp những thông tin về tính chất và dịch vụ mới trong thương mại điện tử có thể có mà sẽ được bổ sung vào hàng hóa.
Nhìn từ góc độ trên, theo tác giả, thông tin sản phẩm là yếu tố không thể thiếu trong quan hệ giao dịch giữa người bán với người tiêu dùng trong thương mại điện tử, trong quan hệ cạnh tranh giữa các thương nhân với nhau trên sàn thương mại điện tử, và trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng với các ý nghĩa hậu kiểm sau này. Ý nghĩa và vai trò của thông tin sản phẩm trong thương mại điện tử thể hiện ở một số ý chính sau:
Minh bạch về thông tin sản phẩm trong giao dịch thương mại điện tử
Minh bạch về thông tin sản phẩm trong giao dịch thương mại điện tử có vai trò và ý nghĩa quan trọng; người tiêu dùng trong giao dịch thương mại luôn đứng ở vị trí yếu thế so với thương nhân và điều này lại càng được thể hiện rõ trong thương mại điện tử bởi thương nhân là người đưa thông tin sản phẩm lên các phương tiện điện tử như sàn thương mại điện tử. website, vv. và do vậy, họ có toàn quyền quyết định những thông tin nào có thể xuất hiện và những thông tin nào không xuất hiện.
Minh bạch thông tin sản phẩm trong giao dịch thương mại điện tử không chỉ là điều kiện cho nguyên tắc thiện chí trong giao kết hợp đồng mà còn là sự cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. người tiêu dùng trong quan hệ hợp đồng nói chung và hợp đồng thương mại điện tử nói riêng luôn luôn ở vị trí yếu thế so với thương nhân. Trong giao dịch thương mại điện tử, sự yếu thế này càng được thể hiện rõ không chỉ về sự bất cân xứng về thông tin như trong thương mại truyền thống mà còn về phương thức giao kết hợp đồng thương mại điện tử. Sự khác biệt giữa hai phương thức thương mại này khiến cho khả năng tiếp cận thông tin giữa hai bên trong quan hệ hợp đồng trở nên khó khăn hơn đồng thời cũng khiến thông tin trở nên khó kiểm chứng hơn.
Theo Luật cạnh tranh 23/2018/QH14, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là “hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác”. Theo điều 9 của luật này thì thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Trong đó “a) Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả và “b) Thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ được cung cấp có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận”.
Các yếu tố thông tin sản phẩm làm cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh dễ dàng thực hiện trên sàn thương mại điện tử hơn vì người dùng không phân biệt được sự khác nhau giữa sản phẩm với nguồn gốc xuất xứ khác nhau nhưng có cùng công dụng trên cùng một “mặt phẳng – trực quan hóa” để có thể so sánh.
Mặt khác, cách tiếp cận về thông tin trong hợp đồng có thể bị lẫn lộn giữa hành vi lừa dối với nghĩa vụ thông tin trong quan hệ hợp đồng. Theo điều 127 Bộ luật dân sự 2015 thì lừa dối trong giao dịch dân sự là “hành vi cố ý của một bên nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất đối tượng hoặc nội dung của giao dịch nên đã xác lập giao dịch đó”. Sự tương đồng về tính chất khiến cho hai loại hành vi này khó để phân biệt. Với hành vi lừa dối, hậu quả của hành vi, theo pháp luật Việt Nam, là giao dịch vô hiệu . Hành vi lừa dối là hành vi có chủ đích mà nhất thiết phải có sự thiếu thiện chí hoặc sự bất cẩn của đối tượng thực hiện.
Nó có thể được diễn dịch từ bất kỳ hành động, cáo buộc hoặc trình bày nào có khả năng che giấu thực tế, hoặc thậm chí từ sự im lặng về một số khuyết tật hoặc đặc tính của sản phẩm. Trong trường hợp này, thương nhân khi tham gia thương mại điện tử phải lường trước đến tính đặc thù của loại hình thương mại này. Tuy nhiên, với việc vi phạm nghĩa vụ theo các điều 423 đến 426 Bộ Luật dân sự 2015 thì “...bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Đều giống nhau là các hình thức chấm dứt hiệu lực của hợp đồng, bên làm sảy thiệt hại phải bồi thường cho bên kia và hoàn trả nhau những gì đã nhận nhưng xuất phát điểm của hai thể thức này lại khác nhau. Hợp đồng bị vô hiệu khi vi phạm một trong các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng còn hợp đồng bị hủy bỏ là việc một trong các bên vi phạm các điều khoản có trong hợp đồng hoặc/và do một bên đề nghị hủy bỏ.
Nhìn ra bên ngoài, Điều L441–1 Bộ Luật Tiêu Dùng Pháp coi hành vi lừa dối là tội hình sự và phải chịu chế tài hình sự với hình phạt là hai năm tù và khoản phạt ba trăm nghìn euro trong khi nghĩa vụ thông tin lại thuộc về việc dân sự khi các bên trong quan hệ hợp đồng không hoàn thành nghĩa vụ này.
Có thể thấy, ranh giới giữa hai loại hành vi này (bất cẩn hay có chủ đích làm người dùng nhầm lẫn về thông tin sản phẩm trong thương mại điện tử) vẫn còn mập mờ khi mà sự phân định thường dựa vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc, thứ có thể biểu hiện ra, và vào mức độ thiện chí, thứ khó có thể đo lường được. Như vậy, minh bạch về thông tin sản phẩm trong giao dịch thương mại điện tử có vai trò và ý nghĩa đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên tham gia thương mại điện tử.
3. Vai trò của thông tin sản phẩm trong thương mại điện tử:
Quyền được an toàn là một trong những quyền của mọi công dân trong một xã hội văn minh. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa là thước đo nhân quyền, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội.
An toàn của người tiêu dùng và thông tin sản phẩm hàng hóa trong giao dịch thương mại điện tử là việc người tiêu dùng có các thông tin của các sản phẩm trong thương mại điện tử về khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng có thể có, theo Khoản 3 Điều 3 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 59/2010/QH12 thì đó có thể do “Hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật, Hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ; Hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng”. L
iên quan thông tin sản phẩm ở đây là việc giao dịch thông qua thương mại điện tử đã khiến cho người tiêu dùng không thể kiểm chứng hàng hóa một cách trực tiếp mà gián tiếp thông qua các thông tin từ người bán và có nhiều thông tin quan trọng đối với quá trình sử dụng nhưng lại bị bỏ qua bởi cả bên bán lẫn bên mua. Thông tin về quá khứ của sản phẩm và tình trạng hiện tại của sản phẩm là điều bắt buộc phải có vì nó mô tả đối tượng của hợp đồng, xác định các đặc tính của đối tượng hợp đồng và phân biệt sản phẩm đang là đối tượng của hợp đồng với các sản phẩm (sự vật, hiện tượng) khác. Nhưng sau khi ký kết hợp đồng, người tiêu dùng sẽ là người chịu rủi ro trong suốt quá trình sử dụng sản phẩm bất kể đấy là hàng hóa hay dịch vụ. Sẽ rất khó để lường hết những gì có thể xảy ra vì thế thông tin sản phẩm càng chính xác bao nhiêu thì khả năng phát sinh các vấn đề không mong muốn lại càng thấp bấy nhiêu.
Mặt khác, sự chi tiết của thông tin sản phẩm trong giao dịch thương mại, nhất là trong thương mại điện tử. dù chỉ mô tả gián tiếp nhưng tạo niềm tin cho người tiêu dùng về sản phẩm qua đó thể hiện nguyên tắc thiện chí trong quan hệ hợp đồng. Cũng có thể nói sự thể hiện đầy đủ và trung thực của thông tin sản phẩm trên các trang thương mại điện tử là một phần cấu thành nên sự thiện chí của người bán khi đề nghị giao kết hợp đồng với người mua (đặt hàng). Điển hình như khi cung cấp thông tin sản phẩm trên các phương tiện thông tin điện tử, bên bán ngoài những thông tin cơ bản như thành phần, nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hiệu còn phải công bố cả khả năng phát sinh ảnh hưởng không mong muốn đến sức khỏe, tính mạng và tài sản trong quá trình sử dụng sản phẩm.
Như vậy, vai trò và ý nghĩa của thông tin sản phẩm trong giao dịch thương mại điện tử được thể hiện cho tất cả các sản phẩm được người tiêu dùng cơ bản lựa chọn và là sản phẩm được thừa nhận đúng như thực trạng của nó như thông tin ghi trong thương mại điện tử có bao hàm hay không bao hàm những tập hợp những thông tin về thuộc tính và điều kiện của sản phẩm người tiêu dùng mong đợi được bổ sung bởi người bán nhưng không được đề cập trong thời điểm giao kết hợp đồng thương mại điện tử.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết: Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.