Các quy định về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất? Các quy định về tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất? Các quy định về giá đất làm căn cứ để bồi thường? Trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất?
Mục lục bài viết
- 1 1. Các quy định về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất:
- 2 2. Các quy định về tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
- 3 3. Các quy định về giá đất làm căn cứ để bồi thường:
- 4 4. Trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
- 5 5. Các quy định về giải quyết khiếu nại trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
1. Các quy định về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất:
So với Luật Đất đai năm 2003 khi quy định về vấn đề thực hiện các chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thì Luật Đất đai năm 2013 đã có những sửa đổi, bổ sung hợp lý. Cụ thể, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định bồi thường chi phí di chuyển khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 91 Luật Đất đai năm 2013), trong khi Nghị định 197/2004/NĐ–CP ngày 03/12/2004 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định đây là một khoản hỗ trợ. Việc sửa đổi quy định này là hết sức hợp lý, bởi đây là những thiệt hại phát sinh trực tiếp và ngay tại thời điểm Nhà nước tiến hành hoạt động thu hồi đất.
– Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất
Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định hướng dẫn thi hành không có quy định cụ thể về các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, dẫn đến việc chính sách hỗ trợ này được thực hiện đồng loạt, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, sau khi Luật Đất đai năm 2013 được ban hành đã có quy định cụ thể về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định 47/2014/NĐ–CP và Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ–CP sửa đổi, bổ sung Điều 19 Nghị định 47/2014 NĐ–CP thì có 07 trường hợp được hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất.
Thứ nhất, hỗ trợ ổn định đời sống
Căn cứ vào tỷ lệ đất bị thu hồi thì việc hỗ trợ ổn định đời sống được thực hiện như sau:
– Trường hợp thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng, được hỗ trợ trong thời gian 06 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở thì và 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở. Trường hợp di chuyển chỗ ở đến các địa phương có điều kiện khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 24 tháng.
– Trường hợp thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng, thì được hỗ trợ trong thời gian 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở. Trường hợp di chuyển chỗ ở đến các địa phương có điều kiện khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 36 tháng.
Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu được tính bằng tiền tương đương 30kg gạo trong 01 tháng theo giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của địa phương.
Có thể thấy, định 47/2014/NĐ–CP đã quy định cụ thể, chi tiết hơn về việc thực hiện chính sách hỗ trợ ổn định đời sống cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, đồng thời khoảng thời gian mà các đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống cũng được nâng lên cho phù hợp với thực tế, giúp cho người có đất thu hồi sớm ổn định cuộc sống hơn.
Thứ hai, hỗ trợ ổn định sản xuất
– Đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được bồi thường bằng hình thức giao đất nông nghiệp thì được hưởng các khoản hỗ trợ ổn định sản xuất bao gồm: hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất, kinh doanh dịch vụ công thương nghiệp;
– Đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ ổn định sản xuất bằng tiền với mức cao nhất bằng 30% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó.
– Đối với đối tượng là hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản của các nông, lâm trường quốc doanh thì được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất bằng tiền.
Bên cạnh đó, Khoản 6 Điều 19 Nghị định 47/2014/NĐ–CP quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng được hỗ trợ ổn định sản xuất thì người lao động được hỗ trợ chế độ trợ cấp ngừng việc theo quy định pháp luật về lao động, thời gian trợ cấp không quá 06 tháng. Việc bổ sung quy định này là phù hợp, bởi mặc dù không bị thu hồi đất nhưng người lao động cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, phải ngừng việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập nên cũng cần phải có chính sách hỗ trợ cho đối tượng này.
– Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm
– Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền khi Nhà nước thu hồi đất, thì ngoài khoản tiền bồi thường các đối tượng này còn được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, việc hỗ trợ thông qua hình thức bằng tiền với mức không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương. Diện tích đất để tính tiền hỗ trợ phải nằm trong hạn mức giao đất nông nghiệp do UBND cấp tỉnh của địa phương đó quyết định.
– Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà nguồn thu nhập chính là từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ thì khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở thì sẽ được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.
Hiện nay, chưa có những quy định cụ thể đối với việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này mà chỉ quy định về việc nhóm đối tượng này được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh doanh; những đối tượng trong độ tuổi lao động cũng sẽ được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cụ thể đối với nhóm đối tượng này sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định dựa vào tình hình thực tế tại địa phương.
– Các khoản hỗ trợ khác
Hỗ trợ người đang thuê nhà ở không thuộc sở hữu Nhà nước (Điều 23 Nghị định 47/2014/NĐ–CP); Hỗ trợ khi thu hồi đất công ích của xã, phường, thị trấn (Điều 24 Nghị định 47/2014/NĐ–CP); Hỗ trợ khác đối với người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 25 Nghị định 47/2014/NĐ–CP).
2. Các quy định về tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
Tái định cư được áp dụng đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài dẫn đến họ phải di chuyển chỗ ở. Theo quy định tại Điều 86 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ–CP thì có ba hình thức để thực hiện tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất: Thứ nhất, bồi thường bằng đất ở: người bị thu hồi đất sẽ được giao một diện tích đất nhất định để xây nhà ở mới; Thứ hai, bồi thường bằng nhà ở tái định cư; người bị thu hồi đất được bồi thường bằng nhà ở mới do chủ đầu tư xây dựng; Thứ ba, bồi thường bằng tiền: đây là trường hợp khi mà người bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở mà còn có đất ở, nhà ở khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi hoặc họ không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hay nhà ở tái định cư.
Về cơ bản, Luật Đất đai năm 2013 đã có những kế thừa quy định về tái định cư trong Luật Đất đai năm 2003. Tuy nhiên, nhằm khắc phục tình trạng một số khu tái định cư không đảm bảo được các điều kiện tốt hơn hoặc bằng so với nơi ở cũ của người bị thu hồi đất, cơ sở hạ tầng không đảm bảo cho sự ổn định cuộc sống sinh hoạt của người dân một cách toàn diện, đồng bộ do Luật Đất đai năm 2003 không có quy định cụ thể thì Luật Đất đai năm 2013 đã bổ sung quy định cụ thể về việc lập và thực hiện dự án tái định cư.
3. Các quy định về giá đất làm căn cứ để bồi thường:
Thứ nhất, giá đất được xác định làm căn cứ tính bồi thường.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, giá đất cụ thể được sử dụng để làm căn cứ tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất (khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai năm 2013) . Việc quy định giá đất cụ thể là căn cứ để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là rất phù hợp, bởi giá đất cụ thể được xác định dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường. Vì vậy, giá đất cụ thể sẽ cao hơn, sát với giá thị trường hơn so với giá đất được xác định trong bảng giá đất. Như vậy, sẽ đảm bảo hơn cho quyền và lợi ích của người bị thu hồi đất.
Thứ hai, về nguyên tắc và phương pháp xác định giá đất. Điều 112 Luật Đất đai năm 2013 quy định về nguyên tắc định giá đất như sau: Theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá; theo thời hạn sử dụng đất, phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng, cùng một thời điểm, các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau. Có thể thấy, ở một mức độ nhất định, Luật Đất đai năm 2013 đã khắc phục được một số bất cập trong nguyên tắc định giá đất.
Luật Đất đai năm 2013 quy định việc xác định giá đất phải đảm bảo nguyên tắc “phù hợp với giá thị trường” thay cho “sát với giá thị trường” theo quy định của Luật Đất đai năm 2003. Việc Luật Đất đai năm 2013 sử dụng thuật ngữ “phù hợp với giá thị trường” là phù hợp. Bên cạnh đó, Nghị định 44/2014/NĐ–CP quy định 05 phương pháp định giá đất: phương pháp so sánh trực tiếp; phương pháp chiết trừ; phương pháp thu thập, phương pháp thặng dư; phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.
4. Trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
Điều 69 Luật Đất đai năm 2013 quy định trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như sau: Bước 1: Ban hành thông báo thu hồi đất; Bước 2: Tiến hành việc đo đạc, kiểm đếm tài sản có trên đất; Bước 3: Tiến hành lập dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến người dân và niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Bước 5: Hoàn chỉnh phương án bồi thường; Bước 6: Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Bước 7: Tổ chức chi trả bồi thường; Bước 8: Bàn giao mặt bằng, cưỡng chế thu hồi đất.
5. Các quy định về giải quyết khiếu nại trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
Giải quyết khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện theo quy định tại Điều 204 Luật Đất đai năm 2013, Luật Tố tụng hành chính và Luật Khiếu nại năm 2011. Quy định về quyền khiếu nại, khiếu kiện của người dân, đặc biệt là người bị thu hồi đất là rất quan trọng, vừa là công cụ giúp người dân nêu lên quan điểm, nguyện vọng của mình, bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình đồng thời, cũng là một hình thức giúp Nhà nước đánh giá hiệu quả của công tác GPMB, giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát hiện và xử lý kịp thời hành vi tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai; qua đó tạo thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Đối tượng bị khiếu nại là: các quyết định hành chính, bao gồm quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; hành vi hành chính của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện các hoạt động có liên quan đến thu hồi đất, giải quyết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Theo đó, khi có các căn cứ cho rằng các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong hoạt động bồi thường, hỗ trợ và tái định cưlà trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì người bị thu hồi đất có quyền khiếu nại trực tiếp đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền.