Tại Trung Quốc, hầu như tất cả các triều đại trong lịch sử phong kiến từ thời Tần Hán đến cuối đời Nhà Thanh đều chú trọng việc thiết lập và thực thi chế độ hồi tỵ. Vậy hồi tỵ là gì? Lịch sử hình thành chế độ hồi tỵ ở Trung Quốc?
Mục lục bài viết
1. Hồi tỵ là gì?
“Hồi tỵ theo nguyên nghĩa tiếng Hán có nghĩa là né tránh, trốn tránh một cách cố ý). Thuật ngữ này xuất hiện sớm nhất từ thời Hán ở Trung Quốc. Trong “Hán thư, Triệu Quảng Hán truyện” có chép: “Gặp những việc do gió sinh ra, không cách nào tránh né” . Sau này trong các thư tịch và văn bản pháp luật của các triều đại sau, thuật ngữ “hồi tỵ” xuất hiện nhiều lần với hàm nghĩa chính: trong một số trường hợp đặc biệt một người được bổ nhiệm làm quan ở quê hương hoặc nơi có bà con thân thuộc, cơ quan có người thân, đồng liêu, hay gặp các việc liên quan đến người thân thì phải tránh đi, tàu lên cấp trên để đổi đi chỗ khác hoặc làm nhiệm vụ khác.
Như trong “Nguyên sử. Hình pháp chí. Hình pháp. Chức chế thượng” có ghi: “Các quan trong khi từ tụng, có những việc liên quan đến mình, đến người thân hoặc những người có quan hệ hôn nhân... cần phải Hồi tỵ mà không Hồi tỵ, đều bị tội” [26, tr.99]. Thanh hội điển có ghi: “Khang Hy năm thứ 3 quy định: quan viên đang đương chức bên ngoài mà ở Thượng ty có người đồng tộc thì phải Hồi tỵ” .
Ngày nay ở Trung Quốc, thuật ngữ “hồi tỵ” vẫn được sử dụng. Trong từ điển pháp luật Trung Quốc, “Hồi tỵ là chỉ một nhân viên trong ngành tư pháp sẽ không tham gia vào quá trình tố tụng vì vụ án có liên quan đến lợi ích của họ hoặc họ có liên quan đến những đương sự trong vụ việc“.
Chế độ hồi tỵ trong hoạt động bổ nhiệm, quản lý quan lại tại Trung Quốc thời cổ đại là chế độ quan trọng được hình thành và thực hiện từ rất sớm trong lịch sử pháp lý của Trung Quốc và thế giới, với mục tiêu nhằm ngăn chặn sự cấu kết bè phái, bổ nhiệm theo tình cảm, vì lợi ích cá nhân mà thực hiện những hành động không đúng quy định để can dự vào hoạt động tuyển chọn, quản lý quan lại tại trung ương và địa phương; đồng thời, đây cũng là nguyên tắc pháp định về quản lý nhân sự dựa trên pháp luật.
Tại Trung Quốc, nội dung của chế độ hồi tỵ ngoài việc đề cập đến quản lý nhân sự, còn quy định cả về chế độ khảo thí, tuyển chọn nhân tài, chế độ bồi dưỡng..., trải qua thời gian dài đã để lại những kinh nghiệm và bài học lịch sử vô cùng phong phú.
2. Lịch sử hình thành và phát triển chế độ hồi tỵ tại Trung Quốc:
2.1. Thời kỳ Lưỡng Hán (202 TCN – 220):
Thời kỳ Lưỡng Hán, chế độ hồi tỵ ở vào giai đoạn đầu hình thành. Tại thời kỳ đầu của Nhà Tây Hán, việc bổ nhiệm quan lại không có sự hạn chế về quê quán, cho đến giữa thời kỳ Hán Vũ Đế, để ngăn ngừa tình trạng quan hệ “dây lưng buộc váy”, ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật, đồng thời để duy trì sự tập trung quyền lực, tăng cường thiết chế quân chủ trung ương tập quyền, hạn chế tình trạng cát cứ địa phương, sự câu kết của các thế gia vọng tộc, Hán Vũ Đế đã đưa ra những hạn chế về quê quán trong việc bổ nhiệm quan viên và quan giám sát tại các châu, quận, huyện không phải người tại địa phương đó.
Ngoại trừ các châu, quận, huyện tại kinh kỳ có tính chất nửa trung ương nửa địa phương không phải chịu sự hạn chế, thì từ chức Quận thủ cho đến các chức quan tại cấp huyện đều bị hạn chế không dùng người của quận, huyện đó, chức quan Thích sử cũng không dùng người tại châu đó. Ngoài ra, để ngăn ngừa sự ham muốn đế vị của những người trong tổn thất, ảnh hưởng đến sự vận hành bình thường, thống nhất của chính quyền trung ương, quy định người trong tổn thất không được quản lý 3 quận Hà Đông, Hà Nội và Hà Nam trực thuộc kinh kỳ.
Thời Đông Hán (25–220), các hạn chế về quê quán khi tuyển chọn các chức danh Thích sử châu, Quận quốc thủ tướng và quan viên cấp huyện tương đối nghiêm ngặt, thậm chí các châu, quận, huyện tại kinh kỳ cũng quy định không dùng người bản địa. Văn bản pháp quy chính thức đầu tiên quy định về chế độ hồi tỵ được ban hành là “Tâm hỗ pháp” thời Hán Hoàn Đế. “Tam hỗ pháp” quy định “hai gia đình có quan hệ hôn nhân và người cùng một châu không được cai trị ở hai châu giáp nhau”, từ đó ngăn họ sử dụng việc bao che cho người thân của nhau để tiến hành các giao dịch quyền lực. Ví dụ như: Sử Bật là một quan viên thời Đông Hán, ông vốn dĩ được bổ nhiệm làm Thái thủ quận Sơn Dương, nhưng vì bố mẹ vợ của ông ta tình cờ lại ở quận Sơn Dương, nên đã tự đề nghị “hồi tỵ” để chuyển đến nhậm chức tại nơi khác.
2.2. Thời kỳ Tùy (581-618), Đường (618-907), Tống (960-1279):
Từ thời Tùy Đường cho đến thời Nhà Tống, sự phát triển của chế độ hồi tỵ bước sang giai đoạn hoàn chỉnh với quy định chi tiết về các loại hình hồi tỵ. Sau khi Tùy Văn Đế Dương Kiên thống nhất thiên hạ, nhằm tăng cường chế độ trung ương tập quyền, củng cố cục diện thống nhất vừa giành được, đặc biệt là đẩy mạnh kiềm chế chuyên chế cường hào địa phương, làm suy yếu các thế lực tại địa phương, đã đưa ra quy định hồi tỵ về quê quán đối với các quan viên tại địa phương, theo đó các chức quan chủ chốt không được do người có quê quán tại địa phương đó nắm giữ. Trưởng quan của châu, huyện mỗi 3 năm thay đổi 1 lần, phó quan có nhiệm kỳ 4 năm và không được bổ nhiệm lại. Nhà Đường cũng đưa ra những hạn chế nghiêm ngặt về quê quán và thân thuộc đối với việc bổ nhiệm quan lại.
Đối với hạn chế về địa vực, quan lại không những không được nhận chức tại quê mình, hơn nữa còn không được phép làm quan tại huyện lân cận với châu, huyện của mình. Tháng 7 năm Vĩnh Thái thứ nhất, Đường Đại Tông hạ chiếu: “Không cho phép bách tính làm quan tại châu, huyện mình hoặc huyện lân cận...”. Đối với hồi tỵ về thân thuộc, thời Nhà Đường có những hạn chế nghiêm ngặt hơn thời Nhà Hán, quy định rằng một người khi nhậm chức mà có bất kỳ mối liên hệ công việc, quan hệ lệ thuộc cấp trên cấp dưới hoặc quan hệ giám sát, kiểm tra với người thân thuộc của mình, thì đều phải “hồi ty.”
Ví dụ như: con trai của Tể tướng không thể làm Gián quan (quan ngự sử), anh em không thể cùng nhậm chức trong cùng một quận, huyện. Ngoài ra, quy định người thân của quan lại cấp cao triều đình không thể đảm nhận các chức quan địa phương thuộc kinh kỳ. Nhà Tống kế thừa các quy định của Nhà Đường, thậm chí quy định nghiêm ngặt hơn về việc hồi tỵ, ngoài quy định quan lại địa phương 3 năm thay đổi 1 lần và người bản địa không được phép làm quan tại địa phương mình ra, còn quy định một người dù không phải người bản địa nhưng nếu có điền sản của gia tộc tại nơi đó thì cũng phải “hồi tỵ”, đồng thời quy định quan lại không được phép mua nhà trong khu vực thuộc thẩm quyền quản lý của mình, sau khi rời chức cũng không được ở nhờ tại nơi đó.
2.3. Thời Minh (1368–1644), Thanh (1636–1912):
Đây giai đoạn hoàn thiện của hệ thống chế độ hồi tỵ, trên cơ sở quy định của các triều đại trước. Trong xã hội phong kiến kéo dài hàng ngàn năm tại Trung Quốc, giai cấp thống trị phong kiến đã tích lũy được kinh nghiệm quản lý hành chính phong phú, thiết lập được chế độ nhân sự có hệ thống và chặt chẽ.
Chế độ hồi tỵ trong thời nhà Minh càng được thể hiện rõ rệt, với hai nguyên tắc cơ bản là hồi tỵ về quê quán và hồi tỵ về thân thuộc. Đối với nguyên tắc hồi tỵ về quê quán, “Minh sử – Tuyển cử chỉ” đã ghi chép: “Vào thời Hồng Vũ (niên hiệu của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương), thiết lập chế độ điều chuyển giữa Bắc và Nam, người miền Nam làm quan ở miền Bắc, người miền Bắc làm quan miền Nam. Về sau, khi quan chế dần ổn định, ngoại trừ quan học (quan quản lý việc dạy học), tất cả quan lại đều không được nhậm chức tại tỉnh mình, không có giới hạn dù là phía Nam hay phía Bắc”.
Quy định rõ người ở Bắc Bình, Sơn Đông, Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Nam, Tứ Xuyên chỉ có thể nhậm chức tại Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Quảng, Trực Lệ; người Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Quảng, Trực Lệ chỉ có thể nhậm chức tại Bắc Bình, Sơn Đông, Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Nam, Lưỡng Quảng, Phúc Kiến, người Lưỡng Quảng, Phúc Kiến chỉ có thể nhậm chức tại Sơn Đông, Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Nam, Tứ Xuyên. Nhưng nếu là người không đủ năng lực hoặc bị giáng chức, thì bất luận là quê quán ở đâu, cũng chỉ có thể nhậm chức tại Lưỡng Quảng, Phúc Kiến, hai châu Thanh và Chương, Long Nam và An Viễn của Giang Tây và Sâm Trâu của Hồ Quảng. Giữa thời Nhà Minh, các hạn chế dần dần được nới lỏng, quan lại hành chính dân sự, quân sự và tài chính tại một địa phương có thể nhậm chức tại địa phương lân cận, học quan, thương quan (quan quản lý thương khố) có thể đến phủ lân cận, quan lại tại khu vực biên giới xa xôi và quan lại cấp phủ trở xuống có thể đến quan phủ khác trong tỉnh.
Với mục tiêu ngăn chặn người bản địa nắm giữ quyền lực tại địa phương, dốc toàn lực để tăng cường chế độ trung ương tập quyền, Hồng Vũ năm thứ 26, còn đặc biệt đưa ra quy định, quan lại Bộ Hộ không thể dùng người của 3 tỉnh Chiết Giang, Giang Tây, Tô Tùng, bởi vì thuế ruộng vào mùa hạ và mùa thu của 3 tỉnh này chiếm một nửa cả nước, áp dụng quy định hồi tỵ sẽ giúp ngăn ngừa việc quan lại Bộ Hộ lợi dụng quan hệ đồng hương để ăn gian thuế hòng mưu lợi cá nhân.
Về nguyên tắc hồi tỵ thân thuộc, chủ yếu là để nhằm ngăn chặn hình thành phe phái của một dòng tộc hoặc những người thân thuộc với nhau, trong đó có quy định: Nếu có cha, anh, em, chú, bác làm chức Đường thượng quan, thì con, anh, em, cháu được bổ nhiệm làm Khoa đạo quan quan giám sát), phải thay đổi chức vụ. Cha, con, anh, em, cháu khi đảm nhận các chức vụ có quan hệ lệ thuộc với nhau, thì người người có chức vụ thấp hơn phải đổi sang chức khác không có quan hệ lệ thuộc với người thân thuộc của mình.
Những người là họ hàng gần nếu làm việc trong cùng một cơ quan hoặc đồng thời đảm nhận trưởng quan giám sát và Khoa đạo quan của bộ, viện, tự, thì người có chức vụ thấp hoặc có vai vế nhỏ hơn sẽ bị điều đi. Vào thời Vạn Lịch (niên hiệu của Minh Thần Tông Chu Dực Quân) có quy định: bất kể là thứ bậc vai vế như thế nào, chỉ cần xem xét đến chức quan lớn hay nhỏ, thì lấy nhỏ để tránh lớn. Thời Hoằng Trị (niên hiệu của Minh Hiếu Tông Chu Hựu Đường) còn đưa ra quy định, người trong hoàng tộc chỉ có thể làm quan ở bên ngoài, nếu nhậm chức tại kinh thành sẽ bị điều đi, quan lại trong triều đình không được cùng đi đến cùng một nơi với các phiên vương, để phòng ngừa việc các phiên vương lợi dụng quan hệ hôn nhân để tiến vào các cơ quan trọng yếu của chính quyền trung ương, điều này khiến cho các phiên vương không thể cùng quan chức kết thành bè phái thân thuộc.
Nhà Thanh dựa trên các quy định của Nhà Minh, đưa ra các hạn chế về quê quán đó là: khi được điều đến một địa phương nhậm chức, thì phải tránh tỉnh của mình. Khang Hy năm thứ 42 đã đưa ra quy định cụ thể hơn, đó là “nếu được điều đến nhậm chức tại nơi cách tịch quán trong vòng 500 dặm, thì phải hồi tỵ”. Ngoài ra, hạn chế đối với việc người thân thuộc nhậm chức càng cụ thể, nghiêm ngặt, ví dụ như con cháu của quan Thượng thư hoặc Thị lang từ hàm tam phẩm trở lên không được thi hoặc chọn làm Khoa đạo quan (quan giám sát), quan lại chủ chốt của một phủ nếu có người thân trong gia tộc ở phủ đó, thì có thể bị điều động đến nơi khác trong tỉnh, nhưng bắt buộc phải rời khỏi phủ đó.
Thời Khang Hy, Ung Chính quy định, quan lại tại kinh thành từ chức vụ thấp như “Bút thiếp thức”(4) cho đến Lục bộ Thượng thư, chỉ cần có người thân ruột thịt hoặc người có quan hệ về hôn nhân ở trong cùng “nha môn” (cơ quan), thì người có chức vụ thấp hơn phải chuyển đi. Quan lại địa phương nếu như nắm chức vụ có liên quan đến luật hình, tiền bạc, lương thực cũng như kiểm tra, giám sát, chỉ cần trong họ tộc có người cùng làm quan tại một nơi, thì người có chức vụ nhỏ hơn phải “hồi ty”.