Danh sách các Điều ước quốc tế về môi trường biển Việt Nam đã là thành viên? Các hoạt động hợp tác quốc tế của Việt Nam trong bảo vệ môi trường biển?
Đối với Việt Nam, ngay sau tuyên bố độc lập chủ quyền, tháng 12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Tổng thư ký Liên Hợp quốc, trong đó nêu rõ: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực. Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ thuật của mình. Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp quốc”. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã tìm mọi cách để mở rộng quan hệ hợp tác, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, ký kết nhiều hiệp định song phương, đa phương với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong đó, kể cả trong thời chiến cũng như thời bình, hợp tác quốc tế luôn được quan tâm và tăng cường. Những dấu mốc hợp tác quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua có thể kể đến cụ thể như sau: năm 1977, Việt Nam trở thành thành viên của Liên Hợp quốc; năm 1978, Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng tương trợ kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa (SEV); năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); năm 1996, Việt Nam tham gia thành lập Hợp tác Á – Âu (ASEM); năm 1998, Việt Nam trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và đặc biệt vào ngày | 11/01/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Những thành tựu trên là những minh chứng hết sức cụ thể cho sự nhất quán, kiên định trong đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng mối quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới.
Việt Nam luôn tích cực phát triển quan hệ với các quốc gia trên thế giới, theo đó không ngừng mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về biển. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia, trong đó đã thiết lập 3 quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, 13 quan hệ đối tác chiến lược và 12 quan hệ đối tác toàn diện. Trong đó, đáng chú ý là quan hệ đối tác với nhiều nước bao gồm các lĩnh vực khác nhau liên quan đến biển, tạo cơ sở tốt cho việc hợp tác cũng như tận dụng sự hỗ trợ để phát triển kinh tế, khoa học – công nghệ và bảo vệ môi trường biển. Hình thức hợp tác quốc tế về biển đa dạng, thông qua việc tham gia các điều ước quốc tế về biển, trong đó có 28 điều ước quốc tế song phương và 29 điều ước quốc tế đa phương. Việt Nam cũng tích cực hợp tác với các quốc gia có tiềm lực mạnh về biển nhằm tranh thủ kinh nghiệm, khoa học – công nghệ và nguồn viện trợ của các nước để xây dựng các dự án hợp tác trong lĩnh vực BVMT.
Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực tổ chức tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, các diễn đàn liên quan đến biển và đại dương như BVMT biển, hợp tác khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, xây dựng năng lực… Nổi bật nhất, tại Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia và thông qua các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) trong đó có mục tiêu số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương. Việt Nam cũng đã sáng kiến về thành lập Diễn đàn hợp tác mở rộng giữa các nước G7 và các quốc gia ven biển về ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Mục lục bài viết
- 1 1. Danh sách các Điều ước quốc tế về môi trường biển Việt Nam đã là thành viên:
- 2 2. Các hoạt động hợp tác quốc tế của Việt Nam trong bảo vệ môi trường biển:
- 2.1 2.1. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển:
- 2.2 2.2. Hợp tác quốc tế trong quản lý rác thải nhựa đại dương:
- 2.3 2.3. Hợp tác quốc tế trong việc ngăn ngừa ô nhiễm tàu từ biển:
- 2.4 2.4. Hợp tác quốc tế trong bảo tồn đa dạng sinh học biển và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản:
- 2.5 2.5. Các hoạt động hợp tác quốc tế trong khuôn khổ hợp tác với khu vực:
1. Danh sách các Điều ước quốc tế về môi trường biển Việt Nam đã là thành viên:
– Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), 1982
– Công ước Marpol 73/78 về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra
– Công ước CLC 1969/1992 trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm biển do dầu
– Công ước quốc tế về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu nhiên liệu năm 2001 (BUNKER)
– Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ, 2001
– Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như | là nơi cư trú của các loài chim nước (RAMSAR), 1971
– Công ước về di sản văn hoá và tự nhiên của thế giới, 1972
– Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (UNFCCC), 1992
– Công ước về đa dạng sinh học (CBD), 1992
– Công ước về Tổ chức hàng hải quốc tế, 1948 (sửa đổi:1991, 1993)
– Nghị định thư năm 1992 của Công ước quốc tế về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu
– Công ước quốc tế về tìm kiếm và cứu nạn hàng hải, 1979
– Công ước về ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng hải, 1988
– Nghị định thư ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng hải đối với các giàn khoan cố định ở thềm lục địa, 1988
– Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng người trên biển, 1974 và Nghị định thư sửa đổi Công ước năm 1988
– Công ước về tạo thuận lợi trong giao thông hàng hải quốc tế, 1965
– Công ước quốc tế về mạn khô, 1966 và Nghị định thư 1988 sửa đổi Công ước quốc tế về mạn khô, 1966
2. Các hoạt động hợp tác quốc tế của Việt Nam trong bảo vệ môi trường biển:
Trong thời gian qua, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BVMT biển của Việt Nam càng đi về chiều sâu và phong phú chủ yếu tập trung vào một số nội dung chính sau:
2.1. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển:
Để thực hiện trách nhiệm của Việt Nam trong các thoả thuận quốc tế liên quan đến lĩnh vực ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản sau: Quyết định số 1278/QĐ-TTg ngày 14/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Tuyên bố chung và Chương trình khung giữa Việt Nam, Campuchia, Thái Lan về hợp tác sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu vùng vịnh Thái Lan; Quyết định số 1864/QĐ-TTg ngày 21/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Thoả thuận giữa Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Philippin về hợp tác trong lĩnh vực ứng phó sự cố tràn dầu trên biển và Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá rủi ro, khác phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, hoá chất độc hại trên biển giai đoạn 2018 – 2020. Kết quả thực hiện của các nhiệm vụ trong các Kế hoạch nên trên góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu tại Việt Nam trong thời gian qua.
2.2. Hợp tác quốc tế trong quản lý rác thải nhựa đại dương:
Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ và nhiều hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương. Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Việt Nam đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết rác thải nhựa đại dương, hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa. Năm 2019, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển – đại dương và tiến tới Khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa biển và các đại dương xanh.
Đặc biệt, tại kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF 6) diễn ra vào tháng 6 năm 2018 tại Đà Nẵng, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến “Thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương”. Việt Nam đề xuất thực hiện 5 hợp phần, trong đó có hợp phần Xây dựng cơ sở tri thức, nâng cao năng lực nghiên cứu, triển khai ứng dụng liên quan đến rác thải nhựa ở khu vực các biển Đông Á [50]. Có thể nói, trước kia Việt Nam chỉ tham gia vào các thoả thuận quốc tế trong việc hợp tác BVMT biển, tuy nhiên vị thế của Việt Nam ngày càng một gia tăng thể hiện rõ qua việc tích cực đóng góp xây dựng vào các thoả thuận quốc tế trong lĩnh vực rác thải nhựa đại dương.
Với mục tiêu hướng tới các hành động cụ thể, Quyết định số 1746/QĐ-TTg đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đối với nội dung hợp tác quốc tế, Quyết định nêu rõ: Tham gia có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế giải quyết rác thải nhựa đại dương, đặc biệt với các quốc gia ASEAN và các nước khu vực biển Đông Á; đẩy mạnh nghiên cứu, trao đổi chuyên sâu, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, trên thế giới về rác thải nhựa đại dương. Duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế về biển; chủ động ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế; phối hợp trong việc kiểm soát, quản lý rác thải nhựa đại dương.
Huy động nguồn lực quốc tế trong hỗ trợ kỹ thuật, đầu tự kiểm soát rác thải nhựa đại dương; tiếp nhận các mô hình quản lý, công nghệ sản xuất các sản phẩm thay thế, tái chế chất thải nhựa và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa đại dương trên cơ sở có điều chỉnh, thích ứng với điều kiện thực tiễn của Việt Nam…
Trong thời gian qua, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ, phối hợp của nhiều quốc gia, tổ chức, quy phát triển trên thế giới về vấn đề rác thải nhựa đại dương, điển hình như Nhật Bản, Canada, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, Tổ chức Công nghiệp Thực phẩm Châu Á, Ngân hàng thế giới World Bank,… Đặc biệt gần đây, Chính phủ Việt Nam mà trực tiếp là Bộ TN&MT đã tiếp nhận trang thiết bị điều tra, khảo sát và phân tích rác thải nhựa đại dương từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Các trang thiết bị này đánh dấu một bước nâng cao năng lực của Việt Nam trong điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá rác thải nhựa đại dương phục vụ xây dựng và thực hiện chính sách về quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Bên cạnh đó, một số tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam và các nhóm ngoài nhà nước đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm góp phần kiểm soát, giảm thiểu RTNED trong thời gian gần đây. Điển hình như Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Quỹ Bảo vệ thiên nhiên toàn cầu, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế….
2.3. Hợp tác quốc tế trong việc ngăn ngừa ô nhiễm tàu từ biển:
Việt Nam đã tham gia Phụ lục I và II Công ước Marpol vào ngày 18/3/1991 và đầy đủ cả 6 Phụ lục của Công ước MARPOL về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển tính từ ngày 19/3/2015.
Ngày 11/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 795/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện các Phụ lục III, IV, V, VI của Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (Công ước MARPOL). Theo đó, Bộ Giao thông vận tải được giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thực hiện Công ước. Khi tham gia Công ước MARPOL, Việt Nam phải thực thi các nghĩa vụ đã cam kết, cụ thể như sau:
– Có biện pháp đảm bảo thực thi đầy đủ các cam kết theo quy định của các Phụ lục của Công ước.
– Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho việc đánh giá, kiểm tra, kiểm soát đối với các tàu biển phù hợp với các quy định của Công ước.
– Đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn lực để thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam, thực hiện điều tra tai nạn, xử lý đầy đủ và kịp thời các trường hợp vi phạm, bao gồm cả việc đào tạo các thanh tra viên thực hiện các công tác kiểm tra nhà nước cảng biển và các biện pháp đánh giá, kiểm tra, kiểm soát hệ thống kỹ thuật của tàu.
– Thực thi các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự tuân thủ của các tàu treo cờ Việt Nam.
– Thực hiện chức năng của quốc gia có cảng trong việc kiểm soát việc tuân thủ các phụ lục của Công ước MARPOL của các tàu chạy tuyến quốc tế khi cập cảng Việt Nam.
– Cung cấp các thiết bị tiếp nhận tại các cảng biển và các bến cảng đối với các thải, thiết bị tiếp nhận các chất làm suy giảm tầng ô-zôn tại các cảng/nhà máy sửa chữa tàu, thiết bị tiếp nhận các cặn của hệ thống lọc khí xả đáp ứng nhu cầu sử dụng mà không gây ngừng trệ tàu.
– Thiết lập và thực hiện quy trình kiểm soát và theo dõi hoạt động của tàu thích hợp để hỗ trợ công tác điều tra tai nạn hàng hải liên quan đến sự cố ô nhiễm một cách nhanh chóng, chính xác.
2.4. Hợp tác quốc tế trong bảo tồn đa dạng sinh học biển và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản:
Các dự án bảo tồn môi trường biển, các loại sinh vật biển, phát triển, phục hồi rừng phòng hộ ven biển như: phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển ở tỉnh Thái Bình; Dự án bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển và ven biển dựa vào cộng đồng (do Đan Mạch tài trợ), Dự án Quản lý bãi đẻ của Rùa biển dựa vào cộng đồng (IUCN tài trợ); Dự án Tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng ngư dân quy mô nhỏ và hệ sinh thái biển tại khu bảo tồn biển cấp địa phương, tỉnh Bình Định, Việt Nam; Dự án Bảo tồn rùa Hòn Cau; Dự án Phục hồi quản lý rừng phòng hộ ven biển tại tỉnh Quảng Bình (Jica tài trợ).
Đặc biệt so với trước đây Việt Nam chỉ tham gia vào các văn kiện pháp lý quốc tế với tư cách là thành viên ký kết thì hiện nay hàng năm Việt Nam rất tích cực chủ động trong việc tham gia đóng góp xây dựng vào các văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước của LHQ về Luật biển về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia (BBNJ) góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong BBNJ, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác về BVMT biển.
Về lĩnh vực thuỷ sản, Việt Nam tích cực hợp tác với các nước trong lĩnh vực này, đặc biệt là mạng lưới ASEAN về chống đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không theo quy định IUU. Việt Nam đã ký kết 4 điều ước quốc tế và 17 thoả thuận quốc tế về các lĩnh vực liên quan đến nghề các và hợp tác trên biển với các nước trong và ngoài khu vực.
2.5. Các hoạt động hợp tác quốc tế trong khuôn khổ hợp tác với khu vực:
Chương trình khu vực về quan hệ đối tác trong quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) và Cơ quan điều phối các biển Đông Á (COBSEA) đã được Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các tổ chức liên quan triển khai các nhiệm vụ được giao trong bản thoả thuận về việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á” giữa Bộ TN&MT Việt Nam với PEMSEA. Các hoạt động trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ đã ký hợp tác với Cơ quan Khí quyển và đại dương Hoa Kỳ (NOAA) về “Khoa học và công nghệ biển và vùng bở, xây dựng và hoàn thiện Biên bản ghi nhớ với Viện Công nghệ Châu Á (AIT), hợp tác với cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ TN&MT Việt Nam với Văn phòng Nội các Nhật Bản về hợp tác trong lĩnh vực chính sách biển và đại dương cũng đã và đang được triển khai.