“Cá nhân, tổ chức rao bán hàng trên mạng xã hội sẽ phải chịu mức phạt bằng tiền từ 40 – 60 triệu đồng nếu không đăng ký theo quy định”. Vậy quy định đó có thật trên thực tế không?
Gần đây bài báo với nội dung “Cá nhân, tổ chức rao bán hàng trên mạng xã hội sẽ phải chịu mức phạt bằng tiền từ 40 – 60 triệu đồng nếu không đăng ký theo quy định”. Vậy quy định đó có thật trên thực tế không? Cơ quan nào ban hành quy định đó?
Cơ sở pháp lý mà bài báo này đưa ra là: Những website mạng xã hội mà có cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân khác lên tiến hành hoạt động thương mại (mở shop online, rao vặt, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ…) sẽ được coi là website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Mà nếu website này đáp ứng điều 2, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử thì người thiết lập có trách nhiệm đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định.
Cũng theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì từ 01/01/2014, hành vi “Thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử khi chưa được xác nhận đăng ký theo quy định” sẽ bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng đối với cá nhân và 40 – 60 triệu đồng đối với tổ chức."
Với cách lý giải trên có thể hiểu rằng, bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào muốn bán hàng trên Facebook sẽ phải thông báo với Bộ Công Thương, nếu không sẽ bị xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP thì hoàn toàn không có quy định nào yêu cầu việc thông báo như trên. Theo Dân Luật, “việc thông báo với Bộ Công thương chỉ bắt buộc đối với website thương mại điện tử bán hàng của cá nhân, tổ chức.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn Phây lập website nguyenvanphaybantraicay.vn thì ông Phây phải thông báo với Bộ Công thương. Còn việc một nông dân rao bán ớt do gia đình trồng ra trên tường Facebook của mình thì không có nghĩa vụ đăng ký.”
Bàn về vấn đề này, trên Google Plus của nhà báo Nguyễn Vạn Phú cũng khẳng định, việc phạt vì bán hàng “chui” chỉ là tin đồn với sự lý giải như sau:
“Thứ nhất phạt là phạt người thiết lập website chứ không phải người bán hàng;
Thứ hai, Facebook không phải là website thương mại điện tử, đây chỉ là nơi quảng cáo hàng hóa chứ sau đó giao hàng nhận tiền vẫn là trực tiếp giữa người với người thì đó là kinh doanh bình thường, chịu sự chi phối của quy định khác.
Thứ ba, với các trang mua bán hàng qua mạng như Tinh tế hay phần rao vặt của các diễn đàn thì sao? Những nơi này cũng không phải là thương mại điện tử đúng nghĩa nên không thể phạt được, đây chỉ là nơi rao hàng, trưng bày hàng còn mua bán thì phải tiến hành offline. Còn những nơi có một phần hoạt động thương mại điện tử như thanh toán thì đều đã đăng ký hết rồi.”
Cũng theo nguồn tin chính thức của Báo Điện Tử của Chính phủ ngày 08/01/2013, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin Bộ Công Thương cũng trình bày:
“Do facebook và các mạng xã hội nước ngoài, không có hiện diện tại Việt Nam, không hoạt động dưới tên miền .vn do đó chưa bắt buộc các cá nhân bán hàng trên đó tiến hành thông báo.”
Dù việc có bắt buộc đăng ký hay không đăng ký bán hàng qua mạng xã hội thì người mua hàng hóa trên Facebook, blog, các mạng khác cũng cần thận trọng, xem xét kỹ lưỡng, xác minh rõ thông tin của người bán để tránh bị lừa đảo.