Nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn đối với người nước ngoài là gì? Quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn đối với người nước ngoài?
Ly hôn là một trong các căn cứ điển hình làm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa một số thành viên trong gia đình, mà cụ thể là giữa cha, mẹ với con, giữa chồng (vợ) và vợ (chồng. Nghĩa vụ cấp dưỡng thông thường đã mang tính phức tạp do có gắn liền với yếu tố kinh tế trong đó thì đối với nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn đối với người nước ngoài còn phức tạp hơn do yếu tố đặc biệt về chủ thể. Trên cơ sở nắm được cơ bản tinh thần của pháp luật, cùng với thực tiễn về việc cấp dưỡng sau ly hôn đối với người nước ngoài ngày càng tăng, trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ lấy đây làm nội dung chính để phân tích và bình luận.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn đối với người nước ngoài là gì?
Trong phần lớn các bài viết của Luật Dương Gia có liên quan đến nghĩa vụ cấp dưỡng, chúng tôi đều thống nhất đưa ra khái niệm về nghĩa vụ cấp dưỡng như sau: nghĩa vụ cấp dưỡng là một nghĩa vụ pháp lý mà một người bắt buộc phải làm đối với người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu bằng việc đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho họ phù hợp với khả năng thực tế của mình, để bù đắp những tổn thất về mặt vật chất cho chủ thể nhận cấp dưỡng khi không được chung sống đồng thời với người cấp dưỡng.
Nghĩa vụ cấp dưỡng theo luật định là mối quan hệ ràng buộc giữa các chủ thể: giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng (Khoản 1, Điều 107 Luật hôn nhân và gia đình).
Trong mục này, nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn chỉ áp dụng đối với mối quan hệ và trách nhiệm giữa vợ chồng khi ly hôn và cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn. Bản chất của cấp dưỡng không thay đổi mà phạm vi nghiên cứu chủ thể hẹp hơn so với nghĩa vụ cấp dưỡng thông thường.
Trong quan hệ cấp dưỡng sau khi ly hôn, sẽ có hai bên chủ thể: (1) Bên cấp dưỡng (cha, mẹ, vợ, chồng); (2) Bên nhận cấp dưỡng (con, vợ, chồng). Con được cấp dưỡng phải là con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con. (Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình).
Nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn đối với người nước ngoài, xác định bên cấp dưỡng là người nước ngoài. Từ đó, biến vấn đề về cấp dưỡng trở thành vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài do có chủ thể là người nước ngoài. Việc giải quyết nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ phát sinh nhiều vấn đề ở chỗ phải xác định pháp luật quốc gia nào được áp dụng. (Sẽ phân tích rõ hơn ở Mục 2). Trước hết, cần hiểu thế nào là người nước ngoài? Người nước ngoài hiểu đơn giản là người không có quốc tịch Việt Nam (có thể là mang một quốc tịch khác hoặc người không có quốc tịch).
Tóm lại, nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn đối với người ngoài là một nghĩa vụ pháp lý mà cha hoặc mẹ, vợ hoặc chồng là người nước ngoài bắt buộc phải làm đối với con (vợ hoặc chồng), nếu con là người chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, khi không trực tiếp nuôi con sau khi chấm dứt quan hệ hôn nhân; hoặc vợ (chồng) khó khăn, túng thiếu ; bằng việc đóng góp tiền hoặc hiện vật tương ứng với nhu cầu thiết yếu của con (vợ hoặc chồng) đồng thời phù hợp với khả năng thực tế của mình để bù đắp những tổn thất về mặt vật chất cho con khi con không được chung sống đồng thời với cha và mẹ hoặc vợ chồng không còn sống chung với nhau.
2. Quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn đối với người nước ngoài?
Quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn đối với người nước ngoài không được quy định riêng trong Luật hôn nhân và gia đình mà được áp dụng dựa trên quy định chung về nghĩa vụ cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài tại Điều 129, cụ thể:
“1. Nghĩa vụ cấp dưỡng tuân theo pháp luật của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng cư trú. Trường hợp người yêu cầu cấp dưỡng không có nơi cư trú tại Việt Nam thì áp dụng pháp luật của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng là công dân.
2. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu cấp dưỡng của người quy định tại khoản 1 Điều này là cơ quan của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng cư trú.“
Như vậy, việc giải quyết một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trước hết là xác định hệ thống pháp luật nước nào sẽ được áp dụng. Theo quy định của trên thì hệ thuộc luật được áp dụng là hệ thuộc luật nơi cư trú, theo đó, nghĩa vụ cấp dưỡng tuân theo pháp luật của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng cư trú (không phụ thuộc vào quốc tịch). Tức là, nếu người yêu cầu cấp dưỡng là cư trú tại Việt Nam thì pháp luật được áp dụng là pháp luật Việt Nam. Nếu người yêu cầu cấp dưỡng không có nơi cư trú tại Việt Nam thì áp dụng pháp luật nơi người yêu cầu cấp dưỡng là công dân. (tức là hệ thuộc luật quốc tịch vẫn có thể áp dụng).
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người có quyền yêu cầu cấp dưỡng được quy định tại Điều 119 Luật hôn nhân và gia đình, cụ thể: Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó; cá nhân, tổ chức, cơ quan khác theo quy định như người thân thích; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ.
Như vậy người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn bao gồm cha (mẹ) trực tiếp nuôi con; người giám hộ của con; vợ hoặc chồng theo quy định của pháp luật hoặc một số cá nhân, cơ quan, tổ chức được pháp luật trao quyền.
Việc xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu cấp dưỡng cũng dựa trên pháp luật nơi của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng cư trú. Theo đó, nếu người yêu cầu cấp dưỡng cư trú tại Việt Nam, thì cơ quan có thẩm giải quyết đơn yêu cầu cấp dưỡng là Tòa án nhân dân và thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự. Nghĩa vụ cấp dưỡng khi bị yêu cầu thực hiện thì đó là các vụ án dân sự được tòa án thụ lý và giải quyết, điều quan trọng là phải đảm bảo giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho người được cấp dưỡng.
Người yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thực hiện quyền yêu cầu thông qua đơn khởi kiện và phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục luật định về thời gian, nghĩa vụ pháp lý liên quan.
Vấn đề đặt ra là: Tại sao nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người nước ngoài lại xác định theo nước nơi người yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cư trú?
Điều này hoàn toàn dễ hiểu và được lý giải như sau: Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ gắn liền với nhân thân và mang tính chất tài sản, tức là bản chất là việc đóng góp tiền hoặc tài sản để đáp ứng nhu cấp thiết yếu cho cuộc sống của người được cấp dưỡng. Quy định của pháp luật Việt Nam về mức cấp dưỡng cũng khẳng định: “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.” (Khoản 1, Điều 116).
Việc xác định mức cấp dưỡng phải dựa trên 2 yếu tố, đó là khả năng của người có nghĩa vụ và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Trong đó, nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng được đặt lên trước, mà việc xác định nhu cầu thiết yếu phải dựa vào mức sống tại nơi mà họ cư trú, không thể nào xác định mức sống của con chưa thành niên ở Mỹ và con chưa thành niên ở Việt Nam, mức sống và nhu cầu thiết yếu của mỗi nơi là khác nhau. Vì vậy, việc xác định pháp luật nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng cư trú là pháp luật điều chỉnh là hợp lý, bảo đảm được quyền lợi cho người có nghĩa vụ và người được nhận cấp dưỡng.
Thực tiễn hiện nay, hầu hết các vụ việc yêu cầu cấp dưỡng sau ly hôn đối với người nước ngoài được áp dụng khi mẹ là người Việt Nam và có bố là người nước ngoài, và thường con và mẹ đang sống tại Việt Nam, các yêu cầu cấp dưỡng này được Tòa án Việt Nam thụ lý khá nhiều và về cơ bản đều đáp ứng được quyền lợi cho người yêu cầu.
Quy định tại Điều 129 thực sự đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bảo vệ được chính người đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam nhưng cũng hội nhập với quốc tế và tôn trọng pháp luật các quốc gia khác.